Anh Vương Đắc Lộc chủ nhân của mô hình này vốn có nghề xây dựng nhưng sau một thời gian thì bỗng thấy đam mê nông nghiệp và quyết định về quê khởi nghiệp với mong muốn đóng góp sức lực cho công cuộc xây dựng nông thôn mới của xã Cộng Hòa.
Cánh đồng Ngãi và đồng Chành bị bỏ hoang bấy lâu khiến cho anh không khỏi tiếc nuối nên mới tìm cách để thuê. Nghĩ mình là cá nhân sẽ khó nói, anh nhờ xã và nhờ các trưởng thôn đến nói mục đích ý nghĩa của một người con quê hương muốn thuê ruộng hoang để làm nông nghiệp tuần hoàn, đa giá trị, trước là tạo kinh tế cho gia đình, sau là tạo công ăn việc làm cho người lao động địa phương, tạo môi trường sinh thái, tạo điểm du lịch mới để lôi cuốn khách về.
Dân nghe vậy, ai cũng đồng ý. Hợp đồng thuê đất ký 5 năm/1 lần, trả tiền theo từng năm với mức giá 300.000đ/sào/năm. Thuê được 20 ha đất nhưng năm đầu tiên anh Lộc chỉ đủ sức cải tạo được 10 ha rồi bắt tay vào trồng sen dưới sự giúp đỡ của các nhà khoa học. Rất nhiều, 8 giống sen mới được anh cấy xuống ruộng hoang gồm loại chuyên hoa như pink, super, ruby, lady, quan âm…loại chuyên hạt như sen mặt lồi. Ngoài bán hoa tươi, củ sen tươi cho các chợ đầu mối, chợ dân sinh anh còn mày mò thử nghiệm chế nước cất hoa sen, củ sen sấy lạnh, tinh bột sen…
Từ tinh bột sen anh kết hợp với thứ đặc sản nổi tiếng của quê mình là miến làng So để tạo thành một sản phẩm mới là miến sen, đón đầu xu hướng tiêu dùng…Không chỉ phát triển kinh tế cá thể mà anh còn muốn phát triển kinh tế tập thể để giúp cho cả cộng đồng cùng tiến nên thành lập HTX Nông nghiệp xứ Đoài-một cái tên có nhiều ý nghĩa gắn với làng So vùng đất cổ có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng. Từ cánh đồng sen tới nội thành Hà Nội chỉ khoảng hơn 20 km nên rất hợp với mô hình nông nghiệp tuần hoàn, đa giá trị, kết hợp với làng nghề, với các di tích lịch sử và cảnh quan để thu hút khách du lịch.
Hơn thế làng nghề làm miến dong mỗi năm thải ra nhiều ngàn tấn bã củ dong, phải bỏ đi, gây ô nhiễm môi trường nên anh đã thử nghiệm nuôi giun quế rồi lấy phân bón cho sen. Cứ khoảng 4-5 tấn bã củ dong sẽ tạo ra được 1 tấn phân giun. Đó là một loại phân an toàn, giá thành rẻ, vừa giúp cho cây phát triển khỏe vừa cải tạo đất thêm tơi xốp, màu mỡ.
Để hiện thực hóa việc sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, đa giá trị ấy, hiện anh Lộc đã bắt đầu cho làm các hạ tầng như đường, điện, nước và những công trình phụ trợ. Những hạng mục này rất cần sự đồng thuận của chính quyền và cũng cần sự hỗ trợ của Nhà nước vì nhiều thứ cá nhân không thể tự làm như đường vào, bến đỗ xe …
Trong những cái chòi dựng ở đầm sen anh Lộc dự định sẽ trưng bày những nông cụ thân thiết với người nông dân, bên cạnh đó dựng lên những cây rơm để làm sao khi mới bước chân vào du khách sẽ thấy một đặc trưng của Bắc Bộ xưa. Đó là về không gian. Còn về ẩm thực, trước tiên anh sẽ giới thiệu những món ăn của dân làng So như các món miến, sau đó là những món ăn đậm chất Bắc Bộ xưa như cá kho, cá nướng, chạch kho, cà pháo muối…Nói đến du lịch không thể quên được yếu tố bản sắc văn hóa
Giới thiệu với tôi một cái sàn gỗ lớn đang được dựng lên giữa hồ sen, anh bảo đó sẽ là sân khấu biểu diễn các loại hình nghệ thuật dân gian như tuồng, chèo, múa rối…Mỗi thứ bảy ở đây sẽ tổ chức các show như vậy để cho khách quay ngược dòng thời gian, trở về với miền ký ức của làng quê cũ. Một đề án sản xuất nông nghiệp tuần hoàn kết hợp du lịch như thế đã được anh Lộc gửi lên cơ quan chức năng để chờ phê duyệt.
Huyện Quốc Oai rất ủng hộ hướng đi mang tính tiên phong này của anh và vận dụng những chính sách đang có để hỗ trợ cho mô hình từ sản xuất, chế biến đến xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm, quảng bá du lịch sinh thái. Mong rằng trong một tương lai không xa nữa tại xã Cộng Hòa sẽ hình thành được một khu du lịch đồng quê nổi tiếng mà hạt nhân chính là anh Vương Đắc Lộc.