| Hotline: 0983.970.780

Trang trại tuần hoàn ứng phó biến đổi khí hậu: [Bài 3] Trang trại vượt qua đỉnh lũ

Thứ Năm 14/11/2024 , 08:00 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Trong đợt lũ lớn mới đây, dù trang trại của anh Hoàng bị chìm trong lũ và sóng dữ nhưng thiệt hại đã được giảm thiểu.

Trận lũ lớn mới đây tại hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy (Quảng Bình) gây thiệt hại nghiêm trọng đến ngành nông nghiệp của các địa phương này. Nhiều trang trại, gia trại trắng tay do lũ đè, vật nuôi bị lũ cuốn. Tại trang trại của anh Nguyễn Văn Hoàng (xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh) lũ ngập sâu trên 1,5m. “Nhờ có các giải pháp chống lũ nên đàn gà, đàn bò, hồ cá… vẫn được an toàn và mức độ thiệt hại rất thấp”, anh Hoàng cho hay,

Khu trang trại tuần hoàn bị lũ lớn nhấn chìm. Ảnh: T. Đức.

Khu trang trại tuần hoàn bị lũ lớn nhấn chìm. Ảnh: T. Đức.

Khi lũ dữ tràn qua…

Bài liên quan

Nhiều người dân Quảng Bình vẫn không ngờ trận lũ vào cuối tháng 10 năm nay lại lớn đến như vậy. Toàn huyện Quảng Ninh cơ bản ngập chìm trong biển nước. Các xã Võ Ninh, Gia Ninh… nằm ven Quốc lộ 1A cũng hứng chịu trận lũ lớn xếp sau trận lũ lịch sử cuối năm 2020. Anh Hoàng kể lại, dù đã chuẩn bị tâm thế đón lũ bởi thấy mưa lớn kéo dài nhưng cũng không ngờ lũ lên nhanh và lớn đến như thế.

Từ buổi chiều, khi thấy lũ lên như có ai tát nước ngược, anh Hoàng đã lùa đàn bò chăn thả lên vùng đồi cát để tránh lũ. Riêng đàn bò nuôi nhốt tại trang trại được chuyển lên nhà phao. Anh cũng cho chằng néo nhà phao theo kiểu di động giúp phao không bị trôi theo dòng lũ nên khi lũ lên cao thì nhà phao sẽ nổi lên theo.

“Khi đó, chúng tôi đã có máng hứng nước cho bò uống và rơm dự trữ cũng đã được đưa lên nhà phao treo ngang tầm cho bò ăn được. Trong trường hợp lũ dài ngày thì bò vẫn có thức ăn và nước uống chứ không bị đói” - anh Hoàng cho hay.

Lũ ngập sâu ở khu nuôi nhưng đàn gà đã được lên sàn cao an toàn. Ảnh: V. Hoàng.

Lũ ngập sâu ở khu nuôi nhưng đàn gà đã được lên sàn cao an toàn. Ảnh: V. Hoàng.

Bài liên quan

Bên khu nuôi gà cũng triển khai phương án sống chung với lũ. Tấm lưới làm “cầu thang” lên sàn được thả xuống và toàn bộ hơn 3.000 con gà thương phẩm và gà con đã được đưa lên sàn cao. Trên đó cũng đã có lượng thức ăn, nước cho gà uống trong các giỏ thức ăn treo. Khi nước lũ ngập vào trang trại khoảng 1,5m thì đàn gà đã được lên hết ở sàn tránh lũ và vẫn đảm bảo thức ăn cho những ngày lũ ngập.

Hồ cá có khoảng 6.000 con cá trắm cỏ dự tính bán phục vụ dịp Tết Nguyên đán sắp đến. Lòng hồ rộng và được bao quanh bằng hàng rào lưới kiên cố. Phần tiếp giáp với sân trang trại được chắn bằng lưới B40. “Vì cá trong hồ nuôi đã hơn 1,5kg mỗi con trở lên nên không thể chui qua lỗ hổng lưới B40 được nên khá an toàn” - anh Hoàng giải thích.

Trang trại nằm giữa đồng trống, bao vây xung quanh là biển nước lũ đục ngầu. Gió lớn tạo nên những đợt sóng đánh tràn qua trang trại, hệ thống cửa của trại gà bị sóng đánh tan hoang. Từ xa nhìn chỉ thấy chóp mái nhà trang trại và ngọn cây vần vã trong gió bão. Nhiều người nhìn thấy cảnh này đã nghĩ đến sau khi lũ rút, chắc trang trại cũng chỉ còn những cái xác nhà trống.

Nhà phao nổi, nơi nhốt đàn bò để tránh lũ. Ảnh: V. Hoàng.

Nhà phao nổi, nơi nhốt đàn bò để tránh lũ. Ảnh: V. Hoàng.

Thế nhưng sự sau gần 3 ngày cầm cự với lũ lớn, trang trại của anh Hoàng vẫn có hệ số an toàn cao. Đến khi nước lũ rút anh mới thở phào và thấy những phương án phòng thủ của trang trại trước mưa lũ là hiệu quả cao.

Thiệt hại và bài học

“Tuy nhiên, nói không có thiệt hại là không chuẩn xác. Qua lũ lớn, trang trại thiệt hại về gà khoảng 30% tổng đàn, chủ yếu là đàn gà con. Nguyên nhân được rút ra là bên ngành điện cắt điện quá sớm nên gà không được sưởi ấm bằng hệ thống bóng đèn” - anh Hoàng cho hay.

Trước đó, anh Hoàng cũng đã mua máy phát điện dự phòng khi trang trại bị cúp điện nhưng khi vận chuyển từ nhà ra trang trại thì máy phát điện bị sóng lũ đánh làm hỏng. “Sau này, tôi phải để máy dự phòng ở gác cao ở khu nhà xưởng và có hệ thống dây điện nội bộ phù hợp, khi cần là có thể dùng được nguồn điện dự phòng của trang trại” - anh Hoàng nói.

Hàng rào hồ cá có những bụi tre lớn ít bị sóng lớn đánh vào. Ảnh: V. Hoàng.

Hàng rào hồ cá có những bụi tre lớn ít bị sóng lớn đánh vào. Ảnh: V. Hoàng.

Riêng hồ cá cũng bị thất thoát một số. Theo anh Hoàng, dù lưới hàng rào còn cách đỉnh lũ khoảng 0,3m nhưng sóng lũ rất cao, lại liên tục đánh tràn qua nên một phần cá trong hồ cũng bị sóng đánh trôi ra ngoài. Thêm nữa, những chỗ khớp nối vuông góc của hàng rào chưa thật chắc chắn nên bị sóng đánh bật ra, tạo nên lỗ hổng và cá thoát ra ngoài ở chỗ này.

Cũng theo anh Hoàng, bài học được rút ra từ trận lũ là nhanh chóng trồng hàng rào bằng cây tre bao bọc phía ngoài đê quanh trang trại. “Qua thực tế nhiều nơi cho thấy hàng rào tre khi đã lên cao có tác dụng chắn sóng lũ rất hiệu quả. Phần hàng rào hồ cá có những bụi tre cao vượt lên thì sóng đánh ở đó rất thấp. Chỉ cần 2 năm sau, khi hàng rào tre đã lên cao sẽ an toàn hơn cho trang trại” - anh Hoàng chia sẻ.

Để có tính bền vững và lâu dài, anh Hoàng cũng sẽ đầu tư đổ sàn bê tông tránh lũ ngay trên trại bò tương tự như sàn tránh lũ của bên trại nuôi gà, dù tốn kém chi phí đầu tư nhưng trang trại sử dụng về lâu dài. Khi có lũ về, đàn bò sẽ được đưa lên sàn cao, như vậy sẽ rất chủ động và an toàn. 

“Đàn bò chăn thả đưa lên vùng cát cao tránh lũ cũng mất công trông coi. Nếu không có người trông coi thì bò chạy mất hoặc bị kẻ xấu lợi dụng mưa gió bắt trộm. Trong mưa lũ thì tìm đâu ra được người chăn giữ bò cho mình vì ai cũng lo chống lũ cho gia đình. Vì vậy, việc chủ động trước mọi tình huống của thiên tai là nên làm ngay”, anh Hoàng nói.

Sau lũ rút, đàn gà thương phẩm vẫn được an toàn. Ảnh: T. Đức.

Sau lũ rút, đàn gà thương phẩm vẫn được an toàn. Ảnh: T. Đức.

Sau lũ rút, trang trại tập trung nhân lực để làm vệ sinh và phun hóa chất tiêu độc khử trùng nhằm hạn chế các dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Phải đợi mấy hôm nắng lên làm khô sân, lớp cát trên mặt sân đã khô màu trắng xám thì anh Hoàng mới mở cổng cho đàn gà xuống sân. Những chú gà trống choai bị cuồng chân mấy ngày mưa lũ nên vừa thoát ra cổng đã vỗ cánh vù vù rồi bay lên bay xuống làm loạn hết cả sân.

Nhìn đàn gà đủ màu sắc chạy nhảy trên sân và đàn bò đủng đình nhai rơm trong chuồng, anh Hoàng mới tin là trang trại mình vừa vượt qua trận lũ lớn.

Ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình cho hay, trong đợt lũ lớn mới đây, không ai dám tin trang trại tuần hoàn của anh Hoàng lại vượt qua được. Qua đó, cũng thấy được vấn đề phát triển chăn nuôi phải gắn với thích ứng với biến đổi khí hậu.

Việc chủ động trước bão lũ khi xây dựng mô hình trang trại là cần thiết đối với vũng lũ Quảng Bình và miền Trung nói chung. “Chúng tôi cũng sẽ có kế hoạch tuyên truyền, giới thiệu mô hình này để có thể áp dụng ở những vùng ngập lụt” - ông Hải nói.

Xem thêm
Cho vịt ở… khách sạn

THANH HÓA Chăn nuôi vịt an toàn sinh học mang lại lợi ích kép cho người chăn nuôi bởi vừa hạn chế dịch bệnh lại góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

ThaiBinh Seed sẵn sàng cung ứng giống lúa chất lượng trong vụ đông xuân 2024-2025

Ngày 13/11, tại thị xã Sơn Tây (Hà Nội), Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed (ThaiBinh Seed) tổ chức Hội nghị khách hàng vụ đông xuân 2024-2025.

Giới thiệu nhiều vật tư, công nghệ, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp

TP.HCM Ngày 13/11, tại TP.HCM đã khai mạc Triển lãm quốc tế Sản phẩm, thiết bị, vật tư và phân bón nông nghiệp (Growtech 2024).