| Hotline: 0983.970.780

Trang trại tuần hoàn ứng phó biến đổi khí hậu: [Bài 1] 'Phát súng' giữa vùng ruộng lầy Võ Xá

Thứ Ba 12/11/2024 , 07:02 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Mô hình kinh tế trang trại tuần hoàn đầu tiên được xây dựng tại vùng chiêm trũng xã Võ Ninh đã mở ra hướng đi mới cho nông dân.

Từ Bắc vào Nam, qua cầu Quán Hàu là đến xã Võ Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình). Trên Quốc lộ 1A phóng tầm mắt qua cánh đồng rộng là bắt gặp con đường bê tông dẫn thẳng ra khu trang trại rợp bóng cây xanh.

Anh Nguyễn Văn Hoàng, chủ trang trại đón chúng tôi từ ngoài con đường rẽ vào. Ô tô chạy qua cổng vào sân trang trại. Anh Hoàng khoát tay giới thiệu: “Cả khu này rộng gần 3ha. Đây trước vốn là vùng ruộng lầy, thụt bùn. Nhiều chỗ bước xuống bùn ngập đến ngang thắt lưng người lớn. Bây giờ đã thành trang trại chăn nuôi tuần hoàn rồi đấy”.

Khu vườn trồng cỏ để nuôi bò và nuôi cá trắm cỏ của anh Hoàng. Ảnh: T. Đức.

Khu vườn trồng cỏ để nuôi bò và nuôi cá trắm cỏ của anh Hoàng. Ảnh: T. Đức.

Hoàn vốn sau 3 năm

Người dân Quảng Bình vốn vẫn quen câu sấm "Thứ nhất lũy Thầy, thứ nhì ruộng lầy Võ Xá” từ thời Trịnh - Nguyễn phân tranh. Các cụ vẫn kể rằng, quan quân ở Đàng Ngoài vô đánh Đàng Trong sợ nhất là lũy Thầy do cụ Đào Duy Từ hiến kế xây dựng phía hữu sông Nhật Lệ. Tại đây, quân Đàng Ngoài đánh mãi cũng không thắng được, kế đó là vùng ruộng lầy Võ Xá (xã Võ Ninh bây giờ). Đồng ruộng mênh mông nhưng lại thụt lầy khó mà qua được. Người, ngựa… khi đến đấy lỡ sa xuống ruộng thì chỉ còn cửa tử mà thôi.

Vậy mà anh Hoàng đã cần mẫn san lấp vùng ruộng lầy để biến thành trang trại tuần hoàn. Tại trang trại, tổng thể được quy hoạch và thực hiện khá bài bản như vùng ruộng trồng cỏ, khu nuôi gà, nuôi bò, khu đào ao thả cá.

“Việc có quy hoạch chi tiết từ đầu cũng làm giảm được chi phí. Chẳng hạn như quy hoạch khu ao cá thì chỉ cần be bờ và nạo vét bùn là đã hình thành. Bùn đất được tận dụng đắp nền cho khu trại nuôi gà. Hay là khu trồng cỏ bố trí gần khu chuồng bò để cung cấp sẵn thức ăn thô xanh cho bò mà không tốn công vận chuyển ” - anh Hoàng chia sẻ.

Tại trang trại, ruộng dành trồng cỏ VA06 rộng khoảng nửa ha. Khi cỏ đủ tiêu chuẩn sẽ được thu hoạch và đưa vào máy sơ chế làm thứ ăn cho đàn bò, phần nữa được thả xuống hồ làm thức ăn cho cá trắm cỏ.

Tại trại bò, phân thải được thu gom ủ hoai mục, một phần sử dụng làm chất nền, thức ăn nuôi giun quế. Trung bình mỗi tháng, trang trại khai thác khoảng 3 tấn giun quế sử dụng làm thức ăn bổ sung cho gà và cá. Phần phân bò còn lại cùng với phân gà (đã ủ hoai mục) và phân giun quế sử dụng bón cho cỏ VA06 và các loại cây trồng tại trang trại.

“Trong quá trình sản xuất như vậy, các chất thải được xử lý và sử dụng triệt để, hạn chế phát tán ra môi trường, nâng cao được hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường” - anh Hoàng cho hay.

Bò nuôi nhốt tại trang trại đã sinh sản. Ảnh: T. Đức.

Bò nuôi nhốt tại trang trại đã sinh sản. Ảnh: T. Đức.

Khu trại nuôi gà luôn duy trí ở mức 3.000 con chia làm 3 lứa nuôi như lứa chuẩn bị xuất chuồng, lứa gà dự bị hơn 1 tháng tuổi và lứa gà mới úm. Cũng theo anh Hoàng, giống gà được chọn nuôi là giống gà ri lai. Đây là giống gà địa phương lai tạo tại cơ sở chăn nuôi trong tỉnh nên phù hợp với môi trường nuôi.

Gà nuôi được khoảng hơn 3 tháng là đảm bảo tiêu chuẩn để xuất chuồng. Lúc này, gà có trọng lượng từ 1,7 - 2,5kg mỗi con, đạt chuẩn thịt thơm, ngọt và dai. Sau khi xuất chuồng, trang trại tái thả lứa khác khoảng 1.000 con. Với cách gối vụ quay vòng như vậy, trang trại đảm bảo mỗi tháng xuất bán gà thương phẩm một lần. Chỉ tính riêng từ gà, sau khi trừ chi phí anh Hoàng còn lãi được hơn 40 triệu đồng mỗi lứa.

Tính toán theo mức đầu tư và thu nhập từ trang trại, anh Hoàng cho hay, nếu làm tốt có thể 2-3 năm đầu là bù lại được vốn đầu tư. “Theo tính toán, thu nhập trong năm từ cá, gà, bò… của trang trại sau khi trừ mọi chi phí ước đạt khoảng 400 - 500 triệu đồng. Như vậy, nếu tính chi phí đầu tư thì sau 3 năm trang trại sẽ hoàn vốn. Những năm tiếp theo khi kỹ thuật chăn nuôi đã tốt lên, trang trại đi vào ổn định và áp dụng các công nghệ hiện đại vào sản xuất thì tổng đàn gà, bò sẽ được tăng lên, chi phí sản xuất cũng giảm dần. Khi đó lợi nhuận của trang trại sẽ còn cao hơn nhiều", anh Hoàng chia sẻ.

Mô hình đầu tiên của tỉnh

Tại Quảng Bình, việc hỗ trợ các mô hình nông nghiệp tuần hoàn sẽ là bước khởi đầu để tiến tới nền nông nghiệp xanh, thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường. Năm 2024, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình đã hỗ trợ gia đình anh Hoàng thực hiện mô hình chăn nuôi theo hướng tuần hoàn.

Theo ông Hà Xuân Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình thì đây cũng là mô hình chăn nuôi theo hướng tuần hoàn đầu tiên trên địa bàn tỉnh. “Tham gia mô hình, hộ gia đình được Trung tâm hỗ trợ 50% kinh phí mua giống gà, cá và giun quế; 50% lượng thức ăn bổ sung hàng ngày cho bò, cá và gà giai đoạn 1 - 21 ngày tuổi; 42% lượng thức ăn bổ sung hàng ngày cho gà giai đoạn 22 ngày tuổi đến xuất chuồng” - ông Anh cho biết.

Trong quá trình thực hiện mô hình trang trại tuần hoàn này, cán bộ Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Bình đã trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng cho từng loại cây trồng, vật nuôi theo chu trình khép kín, bảo đảm năng suất và hiệu quả.

Mỗi lứa gà lai ri thả vườn xuất bán cho lãi khoảng 40 triệu đồng. Ảnh: T. Đức.

Mỗi lứa gà lai ri thả vườn xuất bán cho lãi khoảng 40 triệu đồng. Ảnh: T. Đức.

Theo ông Hà Xuân Anh, chăn nuôi theo hướng tuần hoàn thực chất là kết hợp một lúc các mô hình vườn - ao - chuồng - rừng trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng quy trình sản xuất theo chu trình tạo lập các vòng lặp khép kín.

Các chất thải từ chăn nuôi được quay trở lại thành nguyên liệu cho sản xuất tiếp theo. Hiệu quả của mô hình là giảm tối thiểu nguyên liệu đầu vào cũng như lượng phế thải, khí thải và ô nhiễm. Từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu đã được nhiều nước trên thế giới ứng dụng bởi những lợi ích thiết thực như giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị, gia tăng sản phẩm nông nghiệp, bảo vệ môi trường… Đối với kinh tế tuần hoàn trong ngành chăn nuôi, việc bảo vệ, gìn giữ môi trường là hết sức cần thiết, đây cũng là gốc rễ của tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Ông Phạm Văn Dần, Phó Chủ tịch UBND xã Võ Ninh cho hay, địa phương là vùng thuần nông, vì vậy việc phát triển kinh tế dựa trên tiềm năng đất đai, xây dựng thành công mô hình kinh tế trang trại tuần hoàn biến vùng đất đai hiệu quả sản xuất thấp thành nơi có hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm và thu nhập cao cho người dân của anh Nguyễn Văn Hoàng sẽ là mở đầu cho những mô hình tiếp theo tại địa phương.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.