| Hotline: 0983.970.780

Tranh cãi chuyện hoãn Olympic

Thứ Ba 24/03/2020 , 06:45 (GMT+7)

Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) lẫn chủ nhà Nhật Bản đều gặp khó trong việc đưa ra quyết định cuối cùng.

Olympic 2020 đứng trước nguy cơ bị hoãn. Ảnh: Reuters.

Olympic 2020 đứng trước nguy cơ bị hoãn. Ảnh: Reuters.

Điều mà gần như tất cả VĐV trên toàn thế giới muốn bây giờ, đơn giản là hoãn Olympic Tokyo 2020. Dù Nhật Bản vẫn khống chế tốt tình hình Covid-19 và nhiều lần thổ lộ quyết tâm tổ chức giải đấu, không VĐV nào muốn đặt cược tính mạng để thi đấu, khi mà chính phủ nước họ đưa khuyến cáo tuyệt đối tránh những nơi đông người.

Khác với những giải đấu khác, Olympic quy tụ hàng nghìn VĐV đỉnh cao trên toàn thế giới. Họ sinh hoạt chung trong làng Olympic, ít nhất là nửa tháng. Với việc mọi thứ được sử dụng chung, từ bàn ghế, giường tủ đến nhà vệ sinh, chỉ cần có một ca nhiễm nCoV, rất có thể, cả thế giới sẽ phải đối mặt với một nguy cơ khủng khiếp.

Ngay chính IOC cũng chần chừ khi đưa ra quyết định cuối cùng. Họ có vẻ muốn hoãn, nhất là khi mới có hơn một nửa số VĐV (57%) cầm được vé đến Tokyo mùa hè này. Trong bối cảnh vòng loại Olympic ở nhiều khu vực trên thế giới bị ngưng trệ, không ai tin 3 tháng còn lại là đủ để Olympic tìm ra lượng VĐV cần thiết tranh tài.

Nhưng nếu hoãn Olympic, đó sẽ là một thiệt hại kinh tế to lớn, trước mắt cho chính IOC. Họ đã mất nhiều công sức để truyền thông, quảng bá cũng như giám sát công tác chuẩn bị của nước chủ nhà Nhật Bản. Nếu lùi lại một năm, họ sẽ tốn thêm tiền duy tu và bảo dưỡng các công trình thể thao, đồng thời phải tổ chức lại bộ nhận diện thương hiệu cho giải đấu này. UEFA từng đòi hơn 300 triệu USD để hoãn Euro 2020. Con số ấy với Olympic, chắc chắn cao hơn vài lần.

Nước chủ nhà Nhật Bản cũng không muốn lùi ngày hội của thể thao thế giới. Họ đã phải bỏ hàng chục tỷ USD để vận động, đăng cai và xây mới các công trình thể thao phục vụ Olympic. Khi Covid-19 chưa lan rộng ra khắp châu Âu như bây giờ, chính phủ Nhật Bản và Ủy ban Olympic nước này nhiều lần thổ lộ mong muốn tổ chức giải đấu an toàn. Tuy nhiên, điều ấy vào lúc này rất khó, khi mà chính Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Nhật Bản – Kozo Tashima – cũng dương tính với nCoV.

Dời Olympic, IOC sẽ phải tính tới một loạt hệ lụy, trong đó có việc va chạm với hệ thống giải vô địch thế giới của các môn thể thao. Chưa kể, các cầu thủ bóng đá – môn thể thao số một Olympic – cũng nhiều khả năng phải bỏ dở giải đấu vì quá tuổi.

Tổ chức hay hoãn Olympic lúc này đều gặp vấn đề. Câu chuyện chỉ là IOC cân nhắc lợi hại nghiêng về bên nào mà thôi.

Xem thêm
Cuộc thi sắc đẹp đầu tiên dành cho người mẫu tạo bằng trí tuệ nhân tạo

Cuộc thi Nhà sáng tạo AI Thế giới của Fanvue nơi các 'thí sinh' được tạo bằng máy tính sẽ tranh tài dựa trên vẻ đẹp và sức ảnh hưởng trên mạng xã hội.

Mỹ Tâm xin lỗi fan

Mỹ Tâm đã phải livestream xin lỗi khán giả sau khi hệ thống bán vé của concert 'My soul 1981' sập chỉ sau một vài phút mở bán.

U23 Việt Nam thắng 3-1 U23 Kuwait: Càng đá càng hay

U23 Việt Nam đã có chiến thắng quan trọng mở màn chiến dịch VCK U23 Châu Á trước U23 Kuwait vởi tỷ số 3-1.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.