Đại học Tel Aviv (TAU) Israel vừa công bố một nghiên cứu dài kỳ và cho biết, nếu khi còn trẻ (tuổi vị thành niên) mắc chứng béo phì thì khi trưởng thành có rủi ro mắc bệnh ung thư bàng quang, đường tiết niệu và ung thư kết tràng cao hơn so với nhóm người có trọng lượng bình thường.
Trọng lượng cơ thể tính theo công thức BMI= W/H2. Riêng trẻ em từ 2-20 tuổi BMI được chia làm 4 mức: Gầy hay thiếu cân, chỉ số BMI nằm trong giới hạn nhỏ hơn bách phân vị thứ 5 (percentile < 5th). Hai, sức khỏe dinh dưỡng tốt, BMI nằm trong khoảng bách phân vị thứ 5 đến trên 85. Ba là thừa cân, chỉ số BMI nằm trong khoảng bách phân vị 85 đến trên 95 và thứ tư là béo phì, chỉ số BMI hơn bách phân vị 95.
Theo nghiên cứu nói trên, nhóm có BMI từ 85 trở ra thì có rủi ro mắc bệnh ung thư kết tràng, bàng quang và đường tiết niệu cao hơn tới 50% so với nhóm người có trọng lượng bình thường. Mức độ rủi ro này có tính đến yếu tố khác như tuổi tác, giới tính, trình độ học vấn và điều kiện sống. Ngoài ba bệnh ung thư nói trên, nhóm người trẻ tuổi béo phì còn có nguy cơ mắc phải nhiều căn bệnh nan y khác, kể cả ung thư tuyến tụy.
Theo tiến sĩ Ari Shamiss, người đứng đầu nhóm đề tài thì với phát hiện trên, các giới chuyên môn khuyến cáo các bậc cha mẹ nên quan tâm hơn nữa đến lối sống và chế độ ăn uống của con cái, nhất là trong bối cảnh kinh tế được cải thiện, trẻ no đủ tiếp cận nhiều với các dịch vụ giải trí và đam mê các trò chơi điện tử. Cần giảm thời gian ngồi và nằm nhiều, tăng cường vận động, hạn chế những món ăn khoái khẩu nhiều đường, nhiều mỡ, đặc biệt là thực phẩm ăn nhanh và đồ uống sôđa.