
"Quyết liệt sống" cũng là một nghệ thuật sống.
“Quyết liệt sống” là quyển sách được tạo thành từ hai nhân tố chính là nhà báo Minh Hiền (1951-2016) và nhà biên kịch Nguyễn Hồ (sinh năm 1942, nguyên Giám đốc Hãng phim truyền hình TP.HCM giai đoạn sản xuất những tác phẩm tài liệu nổi tiếng “Mê Kông ký sự”, “Đi tìm dấu tích ba vua”, “Ký sự Tân Đảo”…)
Khi trao sách cho tôi, tác giả Nguyễn Hồ cứ băn khoăn “không biết ngày nay mọi người muốn đọc gì”. Là một nhà biên kịch kỳ cựu, tác giả vẫn mong muốn nhận được thật nhiều lời nhận xét và góp ý cho quyển sách mà ông thay mặt người vợ quá cố gửi trao cho tri âm. “Quyết liệu sống” in rồi mà tác giả vẫn muốn được bổ sung, được chỉnh sửa dù đã dành 18 năm ôm ấp ý tưởng và 8 năm để thực hiện. Những dặn dò của nhà biên kịch Nguyễn Hồ “con và bạn bè con đọc và cho chú xin ý kiến” tha thiết và chân thành đến độ tôi không thể lặng im. Và tôi cũng không thể nào lặng im trước những trang sách trĩu nặng chuyện nhân tình thế thái như vậy.
Từ quyển sách, tôi học được rất nhiều về lịch sử báo chí Nam bộ từ những ngày còn bom đạn cho đến những ngày đất nước ngổn ngang trong công cuộc kiến thiết và phát triển. Tôi vỡ ra rất nhiều ngang trái, vất vả đến mức không thể ngờ trong hậu trường của những tờ báo mà trước giờ tôi chỉ thấy nó chễm chệ đầy kiêu hãnh trên các sạp báo dọc đường.
Từ quyển sách, tôi học được rằng, nếu gặp phải một điều khủng khiếp trong cuộc đời, chẳng hạn như bị bệnh nan y, thì hãy như nhà báo Minh Hiền, mạnh dạn đối diện và công khai, không giấu diếm cũng không sợ hãi. Mọi người sẽ cùng mình chiến đấu. Sức mạnh cộng đồng hòa cùng ý chí cá nhân sẽ tạo nên những điều kỳ diệu.
Từ quyển sách, tôi có một niềm tin rằng, tình yêu vĩnh cửu, tình vợ chồng keo sơn bền chặt là cái có thật trong cuộc đời chứ không phải chỉ có trong những bộ phim. Tác giả Nguyễn Hồ có khuôn mặt đôn hậu, dáng vẻ hiền từ hao hao giống nhân vật ông lão trong bộ phim hoạt hình Up. Đồng thời, ông cũng giống nhân vật ấy ngày đêm thương nhớ người vợ quá cố, đau đáu thực hiện cho bằng được lời hứa với vợ.
Có lẽ nhà báo Minh Hiền không bắt chồng phải viết một cuốn sách về mình, vì cô quá sức dung dị, từ văn phong đến cách nhìn công việc làm báo chỉ như một người bơm xe đạp bên lề đường, bị đuổi chỗ này thì đi chỗ khác. Nhưng, nhà biên kịch Nguyễn Hồ, với tình yêu dành cho bạn đời, đã tự đặt ra cho mình một lời hứa và vô cùng trăn trở với lời hứa này.

Nhà biên kịch Nguyễn Hồ (giữa) phát biểu trong buổi ra mắt "Quyết liệt sống".
Tôi không thể nào tin được “cha đẻ” của hàng trăm bộ phim đủ thể loại giành được hàng chục giải Vàng, giải Bạc ở các liên hoan phim, tác giả của rất nhiều kịch bản phim truyện nổi tiếng “Vùng gió xoáy”, “Lưỡi dao”, “Đất phương Nam”, “Ngọn nến hoàng cung” …như nhà biên kịch Nguyễn Hồ lại quá lo lắng, suy nghĩ cho sự ra đời của một quyển sách không quá dày.
“Quyết liệt sống” dung lượng 554 trang, trong đó hơn phân nửa quyển sách là tập hợp các bài viết của nhà báo Minh Hiền (156 trang), các bài viết của các tác giả viết về nhà báo Minh Hiền (72 trang), các trang nhật ký nhà biên kịch Nguyễn Hồ viết trong thời gian vợ mình chống chọi với bệnh ung thư (92 trang). Như vậy, chỉ còn khoảng 200 trang của riêng nhà biên kịch Nguyễn Hồ, mà đơn giản chỉ là kể chuyện về “những năm tháng đã qua”. Giọng kể hiền khô, có gì kể nấy, gần như không cần dùng kỹ thuật viết lách gì. Vậy mà ông trăn trở rất nhiều, phải chăng vì đây không phải các sáng tác như đã từng xuất bản, mà là muối mặn gừng cay duyên phận phu thê.
Ở “Quyết liệt sống”, nhân vật chính ngỡ là người đã đi xa, được trang trọng in chân dung trên trang bìa, nhưng theo tôi, thật ra không phải như vậy. Người ở lại mới chính là người “quyết liệt sống”. Quyển sách có tên hai tác giả, lời đề tặng cũng ghi tên hai người “Cô chú Nguyễn Hồ - Minh Hiền thương mến gửi…”. Người ở lại dường như không tin rằng người bạn đời đã vĩnh biệt mình gần 10 năm qua... Sống trong nỗi nhớ thương vô bờ chính là “quyết liệt sống".