| Hotline: 0983.970.780

Thời sự Nông nghiệp

Tre Việt, tiềm năng còn 'ngủ quên': 1,6 triệu ha, nhưng ít giống tốt và đang suy thoái

Tre Việt, tiềm năng còn 'ngủ quên': 1,6 triệu ha, nhưng ít giống tốt và đang suy thoái

Mặc dù tre Việt có nhiều tiềm năng do đa dạng về chủng loại, công năng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn để có thể phát triển bền vững.

 

  

Tre được đánh giá là cây trồng có nhiều vai trò đối với người dân Việt Nam. Không chỉ có vai trò đảm bảo sinh kế gia đình và đóng góp vào kinh thế quốc dân, tre còn là nguyên liệu xanh thay thế cho gỗ truyền thống và hợp chất hóa học.

Bên cạnh đó, đây là loài cây có khả năng hấp thu các bon, chống biến đổi khí hậu cũng như phát triển du lịch sinh thái, cải thiện cảnh quan kiến trúc. Một vai trò quan trọng nữa của cây tre là lưu giữ và bảo tồn các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Đối với sinh kế hộ ra đình, việc canh tác tre đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và lao động trong các làng nghề mây tre đan. Từ nguyên liệu này, sản xuất ra các sản phẩm tươi, sơ chế, chế biến, vật liệu xây dựng, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ  để phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

 

Hiện nay, theo thống kê của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) tre đang là nguyên liệu phục vụ sản xuất cho trên 600 làng nghề mây tre đan. Bên canh đó, tre cũng làm nguyên liệu, vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất cho nhóm ngành nghề nông thôn.

Trong quá trình sinh trưởng, tre có khả năng hấp thụ các bon lớn gấp 3 lần các cây thân gỗ, góp phần làm giảm sự nóng lên toàn cầu. Ngoài ra, với khả năng bám đất, giữ đất, tre giúp giảm được hiện tượng xói mòn và bảo vệ đề điều.

Ở góc độ công nghiệp, khi rừng tự nhiên bị cấm khai thác, rừng trồng sinh trưởng chậm thì các sản phẩm từ tre là một giải pháp tốt thay thế các sản phẩm làm từ gỗ. Ngoài việc dùng làm vật liệu xây dựng, hiện nay các kiến trúc sư đã tạo ra những ngôi nhà hoàn toàn bằng tre thay thế cho những ngôi nhà bằng bê tông, cốt thép.

Với sự đa dạng về loài và chi, cây tre còn được sử dụng làm trang trí cảnh quan trong nhà và các khu resort. Tre cũng góp phần tạo ra các khu, điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm và chụp ảnh lưu niệm.

Hiện nay, tre ở Việt Nam có 30 chi và 216 loài, trong đó có một số loài kinh tế cao như luồng, lùng, trúc sào, lồ ô, bương, tầm vông, tre gai… Tổng diện tích tre Việt Nam hiện này vào khoảng gần 1,6 triệu ha, phân bố hầu hết các tỉnh trên cả nước, có 37/63 tỉnh có diện tích trên 10.000ha.

 

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, hiện nay khó khăn đầu tiên của ngành tre là có rất ít nguồn giống tốt và đang có dấu hiệu suy thoái giống. Bên cạnh đó, diện tích tre đang bị thu hẹp, trình độ canh tác thấp, quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ.

Ở khâu chế biến, hạ tầng sản xuất được đánh giá là ít được đầu tư và công nghệ cũng lạc hậu so với thế giới. Nguyên nhân một phần được cho là do thiếu các chính sách hỗ trợ phát triển và sản xuất kinh doanh.

Các doanh nghiệp hiện nay chưa đầu tư nhiều vào ngành tre vì còn hạn chế về vốn, chi phí đầu tư ban đầu cao trong khi quy mô sản xuất, vùng nguyên liệu vẫn nhỏ lẻ.

Bên cạnh đó, các sản phẩm đang lưu thông, tiêu thụ trên thị trường nội địa chủ yếu là sản phẩm tươi, chế biến thô. Những sản phẩm xuất khẩu thì còn thiếu đa dạng về chủng loại và chưa được quan tâm về quản lý chất lượng.

Về liên kết sản xuất, ngành tre được đánh giá là thiếu sự gắn kết giữa các tác nhân trong chuỗi cả về chiều dọc và chiều ngang. Chưa kể, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tre còn yếu và thiếu thông tin thị trường.

 

Để giải quyết được những khó khăn này, trước hết cần bảo tồn giá trị văn hóa của cây tre Việt Nam và phát huy các giá trị kinh tế của các sản phẩm làm từ tre.

Cụ thể là đa dạng các sản phẩm làm từ tre và sử dụng tre làm vật liệu thay thế gỗ và hợp chất hóa học. Để làm được điều này, ngành tre cần xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung được cấp chứng chỉ để hướng tới xuất khẩu.

Trong tổ chức sản xuất, trước mắt cần nghiên cứu cải tạo giống tre và áp dụng các phương pháp trồng, chế biến mới vào sản xuất. Bên cạnh đó, thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác trồng tre để xây dựng chuỗi liên kết giữa người dân, hợp tác xã với các doanh nghiệp (trồng, chế biến và tiêu thụ).

Về vùng nguyên liệu, cần quy hoạch các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung theo chứng chỉ rừng bền vững (FSC, CoC, BSCI, ISO…) và liên kết vùng nguyên liệu với các làng nghề mây tre đan và các thị trường tiêu thụ.

Liên quan đến thị trường tiêu thụ, ngành tre cần đa dạng hóa các sản phẩm thông qua thiết kế mẫu mã và thị hiếu của khách hàng. Ngoài ra, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa thị trường thế giới cho các sản phẩm tre và tổ chức tiếp thị, quảng bá các sản phẩm tre có khả năng thay thế sản phẩm gỗ và các vật liệu khác.

Đối với các cơ quan quản lý, cần nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ như đất đai, tín dụng, khoa học công nghệ, thị trường… và xây dựng chính sách liên kết giữa người dân, hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp.

Tùng Đinh - Phạm Hiếu
Trương Khánh Thiện
TL
.
Xem thêm