Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Cần Thơ phối hợp với Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, Công ty Sài Gòn Kim Hồng, Công ty Bayer Việt Nam, Công ty VinaRice vừa tổ chức thực hiện mô hình trình diễn “Canh tác lúa thông minh, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” tại hộ ông Lê Thanh Tùng ở ấp Thới Hiệp 2, xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) với diện tích 3,2ha trong vụ lúa đông xuân 2023 - 2024, trong đó có 1,2ha thực hiện ruộng mô hình canh tác lúa thông minh. Diện tích còn lại 2ha làm ruộng đối chứng canh tác theo truyền thống.
Ông Lê Thanh Tùng cho biết: Sau khi thu hoạch vụ lúa thu đông 2023, ông tiến hành bơm nước vào ruộng, để cày vùi rơm rạ vào trong đất và cho nước vào ngập ruộng khoảng hơn 2 tháng để phân hủy rơm rạ và trả lại dinh dưỡng cho đất, đồng thời cắt nguồn sâu, rầy.
Trước khi sạ 10 ngày, ông tiến hành rút bớt nước ra khỏi ruộng để thực hiện vệ sinh đồng ruộng, tu sửa bờ, khoan đường nước cấp trong ruộng kết hợp xử lý ốc và diệt chuột. Trước sạ 2 ngày, tiến hành bón lót phân bón Đầu Trâu mặn - phèn. Trước khi gieo sạ, ruộng mô hình được trang lại tương đối bằng phẳng, đánh nhiều rãnh nước lớn và đánh gò kỹ, tránh đọng vũng làm hao hụt lúa giống.
Giống lúa sử dụng trong mô hình là giống lúa cấp xác nhận có chất lượng tốt do Công ty VinaRice cung cấp, phù hợp với cơ cấu giống của địa phương và nhu cầu xuất khẩu. Khâu gieo sạ áp dụng máy sạ cụm của Công ty TNHH TMDV Sài Gòn Kim Hồng nhằm giảm lượng giống so với tập quán hiện tại (từ 120 - 180kg/ha) xuống còn 40 - 60kg/ha. Tiếp theo, áp dụng kỹ thuật bón lót phân Đầu Trâu mặn - phèn đầu vụ và sử dụng phân bón chuyên dùng trên lúa theo công thức phân bón của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền để tăng hiệu quả sản xuất lúa.
Bên cạnh đó, mô hình áp dụng đồng bộ kỹ thuật sản xuất và biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) để giảm sử dụng thuốc BVTV, quản lý dịch hại theo quy trình giải pháp Much More Rice của Công ty Bayer Việt Nam vào sản xuất lúa; thực hiện kỹ thuật tưới nước ngập - khô xen kẽ để tiết kiệm nước và các kỹ thuật đồng bộ khác.
Qua đánh giá kết quả sản xuất, ruộng mô hình canh tác lúa thông minh đạt năng suất 9 tấn/ha, lợi nhuận trên 52 triệu đồng/ha. Còn ruộng đối chứng đạt năng suất 8,23 tấn/ha, cho lợi nhuận trên 41 triệu đồng/ha. Như vậy, ruộng mô hình giúp nông dân giảm chi phí, tăng năng suất, lợi nhuận tăng hẳn so với ruộng đối chứng.
Ông Nguyễn Thanh Hừng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Cần Thơ cho biết: Chương trình “Canh tác lúa thông minh, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” trong vụ đông xuân năm 2023 - 2024 nhằm đưa các giải pháp canh tác, tiến bộ kỹ thuật tiên tiến mới, phù hợp với điều kiện thực tế sinh thái đồng ruộng tại địa phương. Để giảm giống gieo sạ, giảm sử dụng phân bón, thuốc BVTV (thuốc trừ sâu, rầy), nước tưới, giảm thất thoát trong khâu thu hoạch lúa... đòi hỏi nông dân áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất từ khâu xuống giống cho đến khi thu hoạch và bảo quản.
Riêng mô hình canh tác lúa thông minh, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL được triển khai tại xã Đông Thắng (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) có chi phí đầu tư sản xuất chỉ khoảng 18,5 triệu đồng/ha. Chi phí giảm mạnh là nhờ giảm được lượng giống gieo sạ, giảm chi phí phân bón, chi phí thuốc BVTV, trong khi năng suất lúa ruộng mô hình trình diễn theo quy trình canh tác lúa thông minh sử dụng phân bón lót đầu vụ và phân bón chuyên dùng của Bình Điền năng suất lúa đạt 9 tấn/ha, cao hơn ruộng ngoài mô hình 0,77 tấn/ha, thêm lợi nhuận 6 triệu đồng/ha.
Nhờ ứng dụng cơ giới hóa, áp dụng máy sạ cụm của Công ty Sài Gòn Kim Hồng, đã giúp nông dân giảm được lượng giống gieo sạ chỉ còn 50 - 60kg/ha (so với lượng giống 150 - 160kg/ha của nông dân ngoài mô hình). Sạ cụm giúp lúa cứng cây, chống đổ ngã tốt, hạn chế sâu bệnh, từ đó tăng năng suất, giảm được lượng phân bón, tăng khả năng quang hợp giai đoạn làm đòng, trổ và chín, cho hiệu quả, lợi nhuận cao nhất. Qua đó cho thấy mô hình sạ cụm mang lại hiệu quả cao, cần nhân rộng trong thời gian tới.
Áp dụng quản lý dịch hại theo Much More Rice của Công ty Bayer Việt Nam giúp giảm được số lần phun xịt thuốc, giảm chi phí thuốc BVTV trong sản xuất lúa, bảo vệ thiên địch, giảm ô nhiễm môi trường.
Trong mô hình trình diễn còn sử dụng phân bón chuyên dùng Đầu Trâu được bổ sung thêm các nguyên tố trung, vi lượng (CaO, SiO2, Zn, S…) giúp cây lúa khỏe, cứng cáp, ít đổ ngã, chống chịu tốt hơn với sâu bệnh hại và điều kiện thời tiết bất thuận. Sử dụng phân bón Đầu Trâu mặn – phèn bón lót từ đầu vụ giúp kích thích hệ vi sinh vật phân giải trong đất, từ đó giúp cây lúa hấp thu các chất dinh dưỡng có trong đất tốt hơn.
Để mô hình canh tác lúa thông minh, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL ngày càng được nhân rộng và được nhiều nông dân trồng lúa tham gia, ông Nguyễn Thanh Hừng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Cần Thơ kiến nghị: Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền tiếp tục hỗ trợ xây dựng và thực hiện nhiều mô hình trình diễn trong thời gian tới. Đồng thời áp dụng các công thức bón với lượng phân bón khác nhau tùy theo từng mùa vụ, từng vùng giúp tối ưu hóa việc sử dụng phân bón. Bên cạnh đó, giúp nông dân có điều kiện tham quan, học hỏi và áp dụng vào thực tế sản xuất.
Sạ lúa theo cụm bằng máy sạ cụm của Công ty TNHH TMDV Sài Gòn Kim Hồng là tiến bộ kỹ thuật mang lại hiệu quả cao cần được khuyến cáo và nhân rộng trong sản xuất để thay thế dần phương pháp sạ lan theo truyền thống. Công ty cần tiếp tục đồng hành cùng nông dân TP Cần Thơ thực hiện các mô hình sạ cụm trong thời gian tới.
Công ty TNHH Bayer Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng nông dân TP Cần Thơ thực hiện các mô hình sử dụng giải pháp Much More Rice không chỉ trên cây lúa mà còn trên nhiều đối tượng cây trồng khác.
Công ty VinaRice cũng sẽ tiếp tục đồng hành cùng chương trình canh tác lúa thông minh trong thời gian tới. Công ty tiếp tục hỗ trợ và cung cấp hạt giống chất lượng tốt, phù hợp với tiêu chí tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Sản xuất lúa của bà con nông dân ĐBSCL đang đối mặt hạn hán, xâm nhập mặn, áp lực dịch hại, tác động của giá phân bón, vật tư đầu vào ngày càng tăng cao... Điều này đòi hỏi nông dân phải có các giải pháp canh tác, tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật phù hợp với thực tế sinh thái đồng ruộng.
Khuyến khích nông dân áp dụng đồng bộ cơ giới hóa từ khâu xuống giống cho đến khi thu hoạch, giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân bón, thuốc BVTV, nước tưới, giảm chi phí tổng thể, gia tăng lợi nhuận trong sản xuất lúa.