Gỡ khó khăn cho ngành thủy sản. Nguy cơ thiệt hại trên các trà lúa đông xuân muộn. Canh tác lúa thông minh giúp giảm chi phí từ 20 - 25%. Làng nghề có 600 hộ nấu xôi ở Hà Nội.
Gỡ khó khăn cho ngành thủy sản
Đức Chung khai thác
Liên quan đến phản ánh "ngành thủy sản chưa hết khó" do thiếu nguồn nguyên liệu chế biến xuất khẩu, trong báo cáo gửi Thủ tướng và Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết năm 2024, bộ sẽ tập trung phát triển nuôi trồng các giống chủ lực như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra.
Đẩy mạnh nuôi các loại thủy sản có tiềm năng và giá trị kinh tế như nuôi cá hồ chứa, cá biển, rong, tảo biển, nhuyễn thể...
Đồng thời, Bộ NN-PTNT cũng kiến nghị Thủ tướng, Phó thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài Nguyên và Môi trường sớm tham mưu ban hành Quy hoạch không gian biển quốc gia.
Các tỉnh, thành phố tổ chức rà soát và giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân tham gia nuôi trồng thủy sản trên biển.
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang giao các bộ Tài nguyên Môi trường và các đơn vị liên quan nghiên cứu các thông tin và kiến nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chủ động, tích cực có giải pháp để tháo gỡ các khó khăn cho ngành thủy sản.
Nguy cơ thiệt hại trên các trà lúa đông xuân muộn
Kim Anh sx
Trước diễn biến phức tạp của xâm nhập mặn, khoảng 10 ngày qua, hầu hết hệ thống cống thủy lợi tại các địa phương ven biển tỉnh Sóc Trăng đã được đóng kín, ngăn không cho nước mặn tràn vào nội đồng.
Ghi nhận tại huyện Long Phú, phần lớn diện tích lúa đông xuân muộn đang trong giai đoạn đòng nhưng hầu hết kênh mương trong tình trạng khô cạn. Nếu trong vài ngày tới độ mặn không giảm, nguy cơ thiếu nước ngọt, thiệt hại cho vùng sản xuất lúa đông xuân muộn rất cao.
Trước tình hình này, các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã chỉ đạo nhân viên, cán bộ kỹ thuật tăng cường đo độ mặn để kịp thời thông báo cho bà con, khi có nước ngọt tranh thủ lấy vào ruộng tích trữ.
Đồng thời để tăng cường khả năng chống chịu của cây lúa.
Canh tác lúa thông minh giúp giảm chi phí từ 20-25%
Lê Hoàng Vũ SX
Mô hình “Canh tác lúa thông minh, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” đang được hộ ông Lê Thanh Tùng, ở ấp Thới Hiệp 2, xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ áp dụng với diện tích 3,2 ha trong vụ lúa đông xuân 2023-2024, trong đó có 1,2 ha thực hiện ruộng mô hình canh tác lúa thông minh. Diện tích còn lại là 2ha làm ruộng đối chứng canh tác theo truyền thống.
Qua kết quả đánh giá ruộng, mô hình đạt năng suất 9 tấn/ha, lợi nhuận trên 52 triệu đồng/ha. Còn ruộng đối chứng đạt năng suất 8,23 tấn/ha, cho lợi nhuận trên 41 triệu đồng/ha.
Theo chia sẻ của các chuyên gia, để canh tác lúa thông minh là gói kỹ thuật, giải pháp nhằm giảm giống gieo sạ, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới, thất thoát trong khâu thu hoạch lúa, đòi hỏi nông dân áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất từ khâu xuống giống cho đến khi thu hoạch và bảo quản. Từ đó giúp nông dân giảm chi phí từ 20-25%.
Làng nghề có 600 hộ nấu xôi ở Hà Nội
Hùng Khang sx
Đã từ lâu, làng xôi Phú Thượng, quận Tây Hồ được nhiều người biết đến với một làng nghề làm xôi truyền thống. Rất nhiều loại xôi mang thương hiệu như xôi chè, xôi xéo, xôi gấc, xôi ngũ sắc và xôi cốm... đã trở thành đặc sản ẩm thực của Thủ đô được người tiêu dùng khắp nơi yêu thích.
Đến làng Phú Thượng vào buổi tối, du khách sẽ thấy mùi thơm của xôi lan tỏa đến từng con ngõ nhỏ. Nguyên liệu được lựa chọn rất khắt khe như gạo nếp cái hoa vàng, đỗ xanh và lạc công với các loại lá cây để tạo màu cho xôi.
Làng hiện có khoảng 600 hộ nấu xôi, sản phẩm được bán tại nhiều chợ truyền thống, các cửa hàng ở Hà Nội cũng như phục vụ cho các dịp lễ, tiệc trên khắp các tỉnh thành.