Tại tọa đàm "Hợp tác công tư trong nghiên cứu, chọn tạo, thương mại giống lúa" do Hiệp hội Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam, Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 31/5 tại Thái Bình, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT) đã có phát biểu phân tích về những đổi mới các quy định trong công tác quản lý, chuyển giao sản phẩm khoa học công nghệ về giống cây trồng.
Chính sách cởi mở khuyến khích đầu tư từ doanh nghiệp
Dưới thời các Bộ trưởng Cao Đức Phát, Nguyễn Xuân Cường và hiện tại là Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đặc biệt các nguyên Thứ trưởng Bùi Bá Bổng và Lê Quốc Doanh là lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo, phụ trách công tác KHCN của Bộ, hợp tác công - tư trong nghiên cứu, chọn tạo và thương mại giống cây trồng đã được Bộ NN-PTNT đẩy mạnh trong nhiều năm qua.
Bộ luôn cởi mở và thúc đẩy nhiều chính sách. Từ khi có Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, các dự án đều được triển khai cởi mở. Nhiều đề tài và dự án đã có sự tham gia trực tiếp và đối ứng kinh phí từ các doanh nghiệp.
Trong hệ thống các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, Bộ khuyến khích các đề tài, dự án qua nhiều giai đoạn, từ nghiên cứu phát triển, ứng dụng hoàn thiện sản phẩm đến sản xuất thực tế. Các dự án hợp tác công - tư dưới dạng đối ứng vốn, cùng phát triển và chuyển giao thương mại giống đã giúp sản phẩm nhanh chóng đi vào thực tiễn, được doanh nghiệp và người dân đón nhận.
Qua những nhiệm vụ này, các dự án có hợp tác công - tư đã được ứng dụng vào thực tiễn và chuyển giao cho doanh nghiệp. Đây là nội dung xuyên suốt trong nhiều năm, Bộ NN-PTNT luôn có chủ trương mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp, hội và hiệp hội để đưa sản phẩm khoa học và công nghệ đến nông dân.
Tận dụng nguồn lực ngoài ngân sách
Hiện nay, chúng ta vẫn chưa thúc đẩy mạng lưới xã hội hóa nguồn ngân sách ngoài nhà nước một cách hiệu quả. Trong khi nguồn lực ngoài ngân sách của chúng ta cũng tương đối mạnh, đặc biệt thông qua các công ty giống, các hội, các hiệp hội và các nguồn tài trợ hợp tác quốc tế. Nếu chúng ta triển khai được việc này một cách bài bản và có hệ thống thì chắc chắn ngành nông nghiệp sẽ phát triển mạnh mẽ hơn và có nền tảng vững chắc hơn.
Việc thúc đẩy hợp tác quốc tế, phối hợp với các viện nghiên cứu uy tín như Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) là rất quan trọng. Thông qua chuỗi hợp tác công - tư, chúng ta có thể không chỉ nâng cao chất lượng giống lúa mà còn áp dụng các xu hướng và công nghệ mới. Hệ thống giống lúa và ngành sản xuất lúa gạo của chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, việc tiếp cận những xu hướng mới sẽ giúp chúng ta tiến xa hơn.
Rất mong thời gian tới, các hội, hiệp hội và doanh nghiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ như "cánh tay nối dài" của Nhà nước, tạo ra sự kết nối giữa nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và các viện, trường. Điều này sẽ giúp xây dựng một hành lang pháp lý vững chắc, cũng như hệ thống nghiên cứu và phát triển giống lúa bài bản, đưa nhiều sản phẩm ra thực tiễn hơn.
Nhưng, có thể khẳng định, hợp tác công - tư mới dừng lại ở mức dự án và thiếu lộ trình xuyên suốt, Bộ đã có văn bản gửi Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội để đẩy mạnh hợp tác công - tư, đảm bảo tính liên tục theo chuỗi sản xuất. Việc xây dựng hợp tác công - tư theo chuỗi, trong đó xác định người phụ trách chính trong từng khâu là rất quan trọng để tạo sự liên kết cụ thể, phân chia công việc rõ ràng và đồng hành với Nhà nước đầu tư cho các viện, trường để khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, nguồn nhân lực KHCN và các phòng thí nghiệm của các viện, trường trực thuộc Bộ.
Chủ trương xã hội hóa trong nghiên cứu giống lúa là hướng đi quan trọng, với nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước từ các doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội và viện nghiên cứu quốc tế trong bối cảnh nguồn ngân sách đầu tư cho nghiên cứu còn hạn chế.
Thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội để đánh giá và đưa ra những giải pháp cụ thể trước mắt và đề xuất những vấn đề trong kế hoạch sửa đổi bổ sung Luật Khoa học và Công nghệ, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách để thúc đẩy hợp tác công - tư trong nghiên cứu, chuyển giao sản phẩm KHCN nói chung và giống cây trồng/giống lúa nói riêng nhằm nhanh chóng đưa sản phẩm nghiên cứu đến tay nông dân.
Thay đổi chính sách nghiên cứu giống cây trồng qua 10 năm
Cơ chế và chính sách liên quan đến nghiên cứu giống cây trồng đã trải qua nhiều thay đổi trong 10 năm qua. Luật Sở hữu trí tuệ ban hành năm 2005 và sửa đổi năm 2009 cũng như Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 (Điều 41) quy định: Bộ trưởng là đại diện chủ sở hữu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ do mình phê duyệt; Bộ trưởng có quyền xét giao toàn bộ hoặc một phần quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước theo quy định của Chính phủ cho tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Năm 2013, thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Cao Đức Phát lúc bấy giờ đã chỉ đạo xây dựng Thông tư 43/2013/TT-BNNPTNT. Thông tư này quy định các sản phẩm tạo ra từ các đề tài, dự án được giao cho cơ quan chủ trì. Cơ quan chủ trì phải đăng ký bảo hộ và công nhận tiến bộ kỹ thuật mới với Bộ NN-PTNT, sau đó chuyển giao vào sản xuất theo quy định của pháp luật. Triển khai Thông tư 43, các cơ quan nghiên cứu đã chủ động trong công tác chuyển giao sản phẩm vào thực tiễn.
Tuy nhiên năm 2017, khi Điều 36, Luật Chuyển giao Công nghệ quy định: Kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thuộc tài sản công được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Theo quy định này, các sản phẩm từ dự án sử dụng ngân sách nhà nước là tài sản công và phải tuân thủ Luật Quản lý và Sử dụng tài sản công.
Năm 2018, Nghị định 70 quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước và các Thông tư hướng dẫn được ban hành thì việc triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Sự lo ngại về vi phạm pháp luật trong quá trình thương mại hóa sản phẩm đã khiến nhiều đơn vị e ngại và chần chừ. Bộ NN-PTNT đã phải giải trình nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề này.
Như vậy, việc quản lý và sử dụng tài sản công trong lĩnh vực khoa học và công nghệ vẫn gặp nhiều thách thức. Cần có sự điều chỉnh, sửa đổi các quy định pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thương mại hóa sản phẩm và thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên đến nay, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (có hiệu lực từ tháng 1/2023), tại Điều 86a - Quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước quy định: Đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước, quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn; tại Điều 164 về Đăng ký quyền đối với giống cây trồng quy định: Đối với giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước, quyền đăng ký giống cây trồng được giao cho tổ chức chủ trì nhiệm vụ đó một cách tự động và không bồi hoàn.
Luật Sở hữu trí tuệ đã sửa đổi, bổ sung điểm a, khoản 4, Điều 105 của Luật Quản lý và Sử dụng tài sản công: Giao quyền sử dụng hoặc quyền sở hữu cho tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ để phát huy kết quả của nhiệm vụ hoặc sử dụng tài sản để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, trừ trường hợp kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ là sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng thì việc giao quyền được thực hiện theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.
Theo đó, các sản phẩm, đặc biệt là giống cây trồng cần phải được công nhận và bảo hộ. Khi đăng ký bảo hộ giống, nghĩa là nhà nước đã giao quyền sở hữu cho tổ chức chủ trì. Quyền chủ sở hữu của giống cây trồng thuộc về chủ thể đã được giao và phải chuyển giao theo quy định của pháp luật.
Thay đổi này giúp quá trình chuyển giao và thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học và công nghệ trở nên thuận lợi hơn, thúc đẩy các tổ chức và doanh nghiệp tiếp tục đầu tư và phát triển giống cây trồng mới. Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục hỗ trợ và đồng hành cùng các đơn vị để tận dụng tối đa tiềm năng lợi thế của các tổ chức KHCN, thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và sớm chuyển giao sản phẩm nghiên cứu vào sản xuất.
Giải pháp tháo gỡ khó khăn trong chuyển giao giống từ viện sang doanh nghiệp
Hiện nay, các cơ chế về chuyển giao và chuyển nhượng sản phẩm khoa học và công nghệ liên quan đến giống cây trồng vào thực tiễn hầu như không còn bị ràng buộc bởi các quy định cũ. Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công, Luật Khoa học và Công nghệ được sửa đổi đã tạo hành lang pháp lý rất mở và thuận lợi cho việc chuyển giao. Chính vì vậy, hi vọng các viện nghiên cứu và tổ chức sẽ chủ động chuyển giao theo quy định pháp luật.
Trong Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, đã quy định rõ ràng hai hình thức: Chuyển nhượng và chuyển giao. Các nghị định hướng dẫn cũng đã chi tiết về các thủ tục và quy trình này.
Đối với các nội dung liên quan đến hợp tác công - tư, tổng thể về lĩnh vực đất đai, nhà cửa, phòng thí nghiệm và cơ sở vật chất, Bộ NN-PTNT sẽ vào cuộc tháo gỡ. Bộ tiếp tục đồng hành cùng với các viện, các tổ chức nghiên cứu để đảm bảo rằng các quy định pháp luật được thực hiện một cách hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp.
Đối với Nghị định 70, quy định về quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước, hiện nay Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ nghiên cứu xây dựng dự thảo nghị định thay thế Nghị định 70/2018/NĐ-CP. Bộ đang rất tích cực phối hợp với hai Bộ. Tin rằng trên cơ sở các điều khoản đã được sửa đổi tại các Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Quản lý và Sử dụng tài sản công, sẽ sớm có nghị định mới hướng dẫn cụ thể để tháo gỡ những khó khăn hiện tại cho các viện nghiên cứu và doanh nghiệp.
Một điểm quan trọng cần được nhấn mạnh là trên cơ sở các quy định hiện hành, các đơn vị cần xây dựng quy chế nội bộ của tổ chức, quy định thống nhất công tác chuyển giao, chuyển nhượng giống cây trồng, sản phẩm sở hữu trí tuệ.
Đối với giống cây trồng, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và Học viện Nông nghiệp Việt Nam là hai đơn vị mạnh và có nhiều sản phẩm nhất. Vì vậy cần có một quy chế chung của mình, trên cơ sở đó thương thảo hợp đồng, định giá sản phẩm trong hợp đồng và các thông tin liên quan phải được thực hiện một cách hiện đại, công khai, minh bạch, có sự tham gia của tổ chức thứ ba.
Nếu chúng ta tư duy sử dụng các dịch vụ tư vấn, thẩm định định giá chuyên nghiệp thì chắc chắn rằng tất cả các hợp đồng sẽ thể hiện rõ các điều khoản trong việc chuyển giao. Điều này sẽ đảm bảo quá trình chuyển giao bản quyền giống sẽ diễn ra suôn sẻ và hiệu quả.
Về khó khăn trong cơ chế chuyển giao giống từ viện sang doanh nghiệp, theo quy định pháp luật, Bộ NN-PTNT là cơ quan chủ trì trong lĩnh vực nông nghiệp. Bộ đã ban các thông tư liên quan quy định về công nhận giống, các tiến bộ kỹ thuật cũng như trình tự, thủ tục thực hiện. Sau khi được Bộ NN-PTNT công nhận, các tổ chức chủ trì có thể chuyển giao vào thực tiễn sản xuất.
Luật hiện hành giao quyền cho các tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, nhưng có một số ràng buộc. Cụ thể, nếu sản phẩm được đầu tư từ ngân sách nhà nước, cơ quan chủ sở hữu phải báo cáo về Bộ theo quy định pháp luật hàng năm. Tất cả các viện, trường sử dụng ngân sách nhà nước phải báo cáo kết quả chuyển giao trong vòng 5 năm sau khi đề tài kết thúc. Đây là nội dung bắt buộc để Bộ theo dõi, thống kê và kiểm tra, đánh giá công tác chuyển giao sản phẩm khi nhà nước đầu tư đã được ứng dụng và hiệu quả thế nào.
Nếu trong vòng 1 năm các đơn vị không báo cáo, họ sẽ không được phép tham gia tuyển chọn đấu thầu các đề tài từ năm đó. Quy định này rất chặt chẽ, nhưng thực tế cho thấy các nội dung này chưa được thực hiện đầy đủ. Nhiều viện cũng rất quan tâm đến vấn đề bảo hộ. Tuy nhiên, khi kiểm tra lại, nhiều sản phẩm chưa được bảo hộ đã đi vào chuyển giao, gây ra nhiều vướng mắc.
Qua diễn đàn này, dù không thể giải quyết hết mọi vấn đề, nhưng các cơ quan quản lý nhà nước luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, viện và trường để tháo gỡ khó khăn. Với những quy định mở trong luật mới, hi vọng sẽ giải quyết nhiều vấn đề và thúc đẩy đề án hợp tác công - tư trong nghiên cứu, chọn tạo và thương mại hóa giống cây trồng một cách bài bản, có quy trình và giai đoạn cụ thể. Đây cũng là nguồn thu nhập cho các viện và trường từ quá trình xã hội hóa và đầu tư cho nghiên cứu, chuyển giao trong nông nghiệp từ phía doanh nghiệp, giúp các tổ chức KHCN công lập tự chủ được một phần kinh phí từ nguồn xã hội hóa, thúc đẩy hợp tác công - tư bài bản và hiệu quả hơn.