VASEP cho biết, trong tháng 3/2024, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam khởi sắc, tăng 17% và đạt gần 84 triệu USD.
Đáng chú ý, tại thị trường Hoa Kỳ, xuất khẩu cá ngừ đã tăng trở lại với mức tăng 16%, đạt hơn 32 triệu USD. Các đơn hàng sang EU cũng tăng 30%, đạt 19 triệu USD. Xuất khẩu cá ngừ sang Italy và Đức, hai thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam trong khối này, tiếp tục tăng trưởng tốt. Xuất khẩu sang Israel và Canada cũng tăng tốc trong tháng 3, với tốc độ tăng trưởng lần lượt là 95% và 143%.
Tuy nhiên, nhiều thị trường trong khối EU như Hà Lan, Tây Ban Nha, Lithuania… đang giảm nhập khẩu từ Việt Nam. Một số thị trường chính khác như Nhật Bản giảm 18%, Mexico giảm 38%, Chile giảm 34% và Thái Lan giảm 78%.
Lũy kế 3 tháng đầu năm, cá ngừ đạt kim ngạch 215 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng thấp hơn 17% so với năm 2022. Điểm nhất trong quý I là sự phục hồi của thị trường Nga, vốn có dấu hiệu tăng trở lại từ cuối năm 2023.
Riêng tháng 3/2024, xuất khẩu cá ngừ sang Nga tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 3 tháng, xuất khẩu sang thị trường này tăng 65%, đạt gần 9 triệu USD. Con số này đã đưa Nga trở thành thị trường xuất khẩu cá ngừ đơn lẻ lớn thứ 4 trong quý I.
Tính đến hết tháng 3/2024, cá ngừ Việt Nam đã xuất được sang 86 thị trường trên thế giới. Trong đó, các thị trường chính là Hoa Kỳ, EU, khối các nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Israel, Nga, Philippines, Hàn Quốc và Thái Lan chiếm tới 90% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Bà Nguyễn Hà, chuyên gia thị trường cá ngừ của VASEP nhận định, với tốc độ xuất khẩu này và những khó khăn mà ngành cá ngừ đang đối mặt, dự báo xuất khẩu cá ngừ năm 2024 có thể vượt kim ngạch năm 2023 (845 triệu USD), nhưng khó tái lập kỷ lục 1 tỷ USD như năm 2022.
Theo VASEP, khoảng 40 - 50% thị phần cá ngừ xuất khẩu của Việt Nam hướng đến thị trường Hoa Kỳ, còn lại rải rác trong hai khu vực là EU và ASEAN. Một số quốc gia khác, như Canada, Nhật Bản, Ảrập Xêút... cũng ưa chuộng cá ngừ Việt Nam.
Để khai thác thủy sản bền vững, Bộ NN-PTNT đề ra chiến lược cho ngành thủy sản là tăng nuôi trồng, giảm sản lượng khai thác. Do đó, sản lượng khai thác biển trong 3 tháng đầu năm 2024 ước đạt 833,6 nghìn tấn, giảm nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính riêng cá ngừ, sản lượng khai thác 3 tháng đầu năm 2024 tại 3 tỉnh trọng điểm về khai thác cá ngừ ước đạt 5.392 tấn, giảm nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, duy nhất Bình Định tăng trưởng khai thác, đạt 3.916 tấn, tăng hơn 4% so với cùng kỳ 2023. Ngược lại, 2 địa phương còn lại đều giảm, khoảng 12%.
Trên thị trường thế giới, nhiều chuyên gia dự đoán mặt hàng cá ngừ sẽ lấy lại sức tăng trưởng. Dù vậy, ngành cá ngừ Việt Nam hiện còn đối mặt với nhiều thách thức, kìm hãm đà tăng trong 9 tháng cuối năm.
Cụ thể, giá cá ngừ nguyên liệu tại Bangkok đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm qua. Căng thẳng tại Biển Đỏ tiếp tục tăng cao. Trong quý I, điều này chưa ảnh hưởng nhiều tới xuất khẩu, nhưng bà Nguyễn Hà tin rằng, với tốc độ tăng cước phí vận chuyển như hiện tại, thời gian giao hàng kéo dài hơn dự kiến, doanh nghiệp sẽ khó xoay vòng vốn và đảm bảo chu kỳ sản xuất.
VASEP cũng lo ngại về một số thủ tục xuất khẩu. Trong đó, có vấn đề cấp Giấy xác nhận nguyên liệu khai thác (S/C) của các cảng cá liên tục bị kéo dài. Một số doanh nghiệp phản ánh, không xin được giấy S/C vì ban quản lý cảng cá cho rằng cá có kích thước lớn không phải cá ngừ vây vàng (đối tượng được khai thác).
Ngoài ra, doanh nghiệp còn than phiền khó xin được giấy chứng thư an toàn thực phẩm (H/C) với các lô hàng có nguyên liệu từ tàu khai thác dài ngày. Nguyên nhân bởi nhận định của cơ quan quản lý, nếu tàu không chuyển tải suốt thời gian dài từ lúc khai thác đến bốc dỡ khi cập cảng, chất lượng sản phẩm khó đảm bảo.
Quy định không trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước vào cùng một lô xuất khẩu, theo Nghị định 37/2024/NĐ-CP vừa ban hàng ngày 4/4 của Chính phủ cũng khiến cho doanh nghiệp lúng túng.
Cá ngừ đại dương là đối tượng khai thác quan trọng của nghề cá xa bờ Việt Nam. Do đặc tính của các loài khai thác, gồm cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to và cá ngừ vằn, thường sống xa bờ, có tập tính di cư xa, nên có thể di chuyển từ vùng biển thuộc quốc gia này đến quốc gia khác tùy theo giai đoạn phát triển.
Cục Thủy sản cho biết, một đàn cá ngừ có thể được khai thác bởi nhiều quốc gia khác nhau. Vì vậy, nguồn lợi cá ngừ chỉ được quản lý tốt nếu có sự chia sẻ, hợp tác của các nước, chủ yếu hiện nay là Hiệp định về quản lý và bảo vệ các đàn cá di cư xa của Liên hợp quốc 1995.
Luật Thủy sản 2017 và Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định, sản lượng khai thác thủy sản tối đa tùy thuộc vào nguồn lợi của mỗi vùng biển. Với cá ngừ, Bộ NN-PTNT tập trung vào 10 tỉnh, thành phố ven biển: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tiền Giang.
Ngày 11/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã ký ban hành Quyết định 1037/QĐ-BNN-TS về công bố, điều chỉnh giao hạn ngạch khai thác thủy sản tại vùng khơi cho các tỉnh, thành phố. 3 địa phương được cấp nhiều nhất là Kiên Giang 3.720 giấy phép, Bình Định 3.280 giấy phép, Quảng Ngãi 3.102 giấy phép.
Giấy phép khai thác thủy sản giai đoạn 2024 - 2029 giảm 5,6% so với 5 năm trước đó. Việc giảm này chủ yếu là giảm với tàu lưới kéo và tăng đối với tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Điều này phù hợp với định hướng bảo tồn nguồn lợi, phát triển bền vững ngành thủy sản cũng như góp phần chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).