| Hotline: 0983.970.780

Nhiều vướng mắc với nguyên liệu thủy sản nhập khẩu

Thứ Năm 25/04/2024 , 10:08 (GMT+7)

Nguyên liệu thủy sản nhập khẩu đóng vai trò quan trọng trong chế biến, xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Nhưng việc nhập khẩu đang gặp phải nhiều vướng mắc.

Nguyên liệu thủy sản nhập khẩu đang đóng vai trò quan trọng trong chế biến, xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Ảnh: Sơn Trang.

Nguyên liệu thủy sản nhập khẩu đang đóng vai trò quan trọng trong chế biến, xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Ảnh: Sơn Trang.

Công ty TNHH Highland Dragon (KCN Sóng Thần 1, Thành phố Dĩ An, Bình Dương) là một doanh nghiệp chuyên chế biến thủy sản xuất khẩu. Để có đủ nguồn nguyên liệu thủy sản, từ nhiều năm nay, Highland Dragon đã nhập khẩu nguyên liệu thủy sản từ nhiều nước trong đó có New Zealand.

Gần đây, có lô hàng nguyên liệu thủy sản mà Highland Dragon mua từ New Zealand để chế biến xuất khẩu sang EU đã gặp vướng mắc về việc cấp cấp giấy H/C xuất khẩu vào EU. Đại diện của Highland Dragon cho biết, công ty đã phải nhờ tới sự hỗ trợ của Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam và các doanh nghiệp New Zealand xuất khẩu nguyên liệu thủy sản sang Việt Nam để được cơ quan thẩm quyền Việt Nam cấp giấy H/C cho lô hàng này, nhưng cũng phải mất tới 3 tuần mới giải quyết được.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), một số quốc gia, như New Zealand, Mỹ đã có thỏa thuận riêng với EU về vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) và xuất nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật và thủy sản giữa 2 bên. Trong đó, New Zealand và EU có riêng quyết định 97/132/EC về thỏa thuận song phương, bao gồm trong đó cả mẫu H/C. Tháng 5/2022, New Zealand đã có văn bản gửi cho Bộ NN-PTNT Việt Nam để thông báo về việc này.

Các lô hàng thủy sản của New Zealan xuất khẩu sang EU đều sử dụng và kèm theo giấy H/C theo thỏa thuận trên. Trước năm 2024, rất nhiều lô nguyên liệu thủy sản mà New Zealand xuất khẩu sang Việt Nam cũng dùng mẫu H/C này, và thành phẩm sản xuất từ những lô nguyên liệu này đều đã được các đơn vị của cục NAFIQPM (Bộ NN-PTNT) thẩm định, cấp H/C xuất khẩu vào EU.

Tuy nhiên, từ sau khi Quyết định 5523/QĐ-BNN-CCPT của Bộ NN-PTNT được ban hành ngày 21/12/2023, các lô hàng thủy sản có nguyên liệu nhập khẩu từ New Zealand không được cấp giấy chứng nhận H/C để xuất khẩu sang EU. Điều này đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu thủy sản từ New Zealan để chế biến xuất khẩu sang EU.

Trước tình hình đó, VASEP đã kiến nghị Bộ NN-PTNT xem xét trên cơ sở công nhận, thừa nhận lẫn nhau và thực tiễn của vấn đề, chấp nhận mẫu H/C của các quốc gia có thỏa thuận riêng với EU. Đồng thời xem xét giải quyết cấp H/C cho các lô hàng thành phẩm có nguyên liệu thủy sản nhập khẩu trước ngày Quyết định 5523 có hiệu lực.

Một số quy định khác liên quan đến IUU, cũng đang gây ra sự băn khoăn lớn cho các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu thủy sản để chế biến, xuất khẩu sang EU.

Chẳng hạn, trong Nghị định 37/2024/NĐ-CP, ở Điều 70B có quy định: Không trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước vào cùng một lô hàng xuất khẩu.

Quy định này đang gây lo ngại cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, vì trong 1 lô hàng xuất khẩu có thể phải ghép nhiều thành phần nguyên liệu, trong đó, có những lô hàng phải ghép cả thành phần nguyên liệu khai thác nhập khẩu và nguyên liệu khai thác trong nước.

Đại diện của Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định nêu dẫn chứng, công ty có những lô hàng xiên que thủy sản xuất khẩu sang EU. Ở mỗi cái xiên que phải dùng nhiều loại cá khác nhau, miếng này là cá cờ kiếm, miếng kia là cá đũa … Để có đủ các loại cá như vậy cho một lô hàng xiên que xuất khẩu, nhiều khi công ty phải sử dụng cả nguồn cá khai thác trong nước và nguồn cá khai thác nhập khẩu. Trong khi đó, dù là nguyên liệu khai thác trong nước hay nguyên liệu nhập khẩu, cũng đều có đầy đủ hồ sơ chứng minh không vi phạm quy định về IUU.

Một xiên que thủy sản gồm nhiều loại nguyên liệu khác nhau. Ảnh: Sơn Trang.

Một xiên que thủy sản gồm nhiều loại nguyên liệu khác nhau. Ảnh: Sơn Trang.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP, trong các văn bản pháp quy như Luật Thủy sản 2017, Nghị định 26/2019/NĐ-CP, Nghị định 37/2024/NĐ-CP, Nghị định 38/2024/NĐ-CP đều chưa có định nghĩa như thế nào là “trộn lẫn”. Do đó, đang có rất nhiều cách hiểu khác nhau về trộn lẫn. Một sản phẩm thủy sản chế biến từ nhiều loại nguyên liệu gồm cả nguyên liệu nhập khẩu và nguyên liệu khai thác trong nước; hay một container hàng thủy sản xuất khẩu bao gồm một số thùng là cá ngừ, một số thùng là cá cờ kiếm, một số thùng lại là bạch tuộc … Vì vậy khi chưa làm rõ khái niệm “trộn lẫn” rất dễ dẫn tới sự tùy tiện trong xử lý của các cơ quan thẩm quyền do cách hiểu khác nhau về “trộn lẫn”.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch VASEP, nói "trộn lẫn" là chưa đúng mà thực chất ở đây là hành vi gian lận trong việc đánh tráo giữa nguyên liệu thủy sản khai thác nhập khẩu và nguyên liệu thủy sản khai thác trong nước.

Với các lô hàng nguyên liệu thủy sản nhập khẩu được vận chuyển bằng container, Nghị định 37/NĐ-CP quy định, trước 48 giờ khi lô hàng được vận chuyển cập cảng, tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải thực hiện khai báo và gửi hồ sơ cho cơ quan thẩm quyền của Bộ NN-PTNT để thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản nhập khẩu không vi phạm quy định về IUU.

Về điều này, một số doanh nghiệp thủy sản cho biết, thời gian một tàu chở nguyên liệu thủy sản từ một số nước ASEAN, chẳng hạn như Thái Lan, mất chưa tới 2 ngày. Mà khi đã xếp xong hàng lên tàu, bên xuất khẩu mới bắt đầu hoàn thiện hồ sơ, chứng từ để gửi cho bên nhập khẩu. Thời gian hoàn thiện hồ sơ và đến tay nhà nhập khẩu sẽ lâu hơn khá nhiều so với thời gian di chuyển của tàu chở container nguyên liệu thủy sản. Do đó, các doanh nghiệp đề nghị thay vì quy định “Trước 48 giờ khi lô hàng được vận chuyển cập cảng”, nên quy định là “Trước 48 giờ khi doanh nghiệp thực hiện thủ tục thông quan cho lô hàng”.

Xem thêm
Tín hiệu khả quan kết thúc năm khó khăn của ngành tôm ĐBSCL

ĐBSCL Tại ĐBSCL, thời điểm này đang cao điểm thu hoạch tôm, giá tôm nguyên liệu có tín hiệu tăng từ nửa đầu tháng 9, dự kiến còn giữ đà tăng đến đầu năm sau.

Tình trạng khai thác tận diệt thủy sản trên hồ Dầu Tiếng được kiểm soát

TÂY NINH Sau chỉ đạo của UBND tỉnh Tây Ninh, tình trạng khai thác tận diệt thủy sản trên hồ Dầu Tiếng cơ bản được kiểm soát.

Phụ phẩm ngành tôm có thể mang về cả tỷ USD

CẦN THƠ Tận dụng phụ phẩm trong ngành tôm mở ra cơ hội giúp doanh nghiệp thu về hàng tỷ USD.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.