Hỏi: Gần đây ở Điện Biên quê tôi có hiện tượng châu chấu phá hoại mùa màng. Người thì lo ngại đó là châu chấu sa mạc, người thì nói đó là châu chấu tre lưng vàng. Vậy cách phân biệt 2 loại này như thế nào? Đặc điểm nhân dạng ra sao? (Lò Tiến Trung).
Trả lời:
Vừa qua, Bộ NN-PTNT cũng đã có báo cáo Chính phủ, khẳng định hiện nay, châu chấu sa mạc chưa xuất hiện tại Việt Nam.
Bộ NN-PTNT cho biết thời gian qua, loài châu chấu phát sinh và gây hại cục bộ tại một số địa phương, phổ biến tại một số khu vực vùng trung du Miền núi phía Bắc là loài châu chấu tre lưng vàng (chứ không phải châu chấu sa mạc).
Châu chấu tre lưng vàng là loài bản địa tại Việt Nam, chúng ăn một số loài thực vật như lá tre - luồng, ngô, lúa. Loài châu chấu này gần như hàng năm đều có phát sinh và gây hại định kỳ, cục bộ tại một số địa phương (phổ biến tại các tỉnh miền núi phía Bắc), đồng thời có sự di trú qua lại với một số vùng biên giới giáp ranh giữa Việt Nam với Lào và Trung Quốc...
Vậy châu chấu tre lưng vàng và châu chấu sa mạc khác nhau thế nào? Cách phân biệt ra sao? Cục BVTV (Bộ NN-PTNT) đã thông tin với Báo Nông nghiệp Việt Nam về vấn đề này.
Về đặc điểm nhận dạng châu chấu tre lưng và châu chấu sa mạc
- Châu chấu tre lưng vàng có tên khoa học là Ceracris kiangsu Tsai (Acrididae; Orthoptera). Châu chấu trưởng thành màu xanh lá cây, phần bụng hơi vàng; trên lưng có sọc vàng rõ; chiều dài cơ thể 3,1-4,2 cm, châu chấu đực nhỏ hơn chấu chấu cái.
Trứng châu chấu tre lưng vàng dài 0,6 - 0,8 cm và hơi cong, màu nâu đất. Trứng thường được đẻ tại các rừng tre mọc bên sườn núi phía đông, nơi có nhiều ánh nắng và đất chặt vừa phải.
Ổ trứng tạo thành bọc, nằm dưới bề mặt đất khoảng 3-4 cm, bên trong là các quả trứng hình quả chuối, màu vàng nhạt. Mỗi bọc trứng có từ 22-24 quả trứng. Một châu chấu cái thường đẻ 6 bọc trứng, có khi tới 25 bọc trứng.
Châu chấu non có 5 tuổi, hình dạng giống như châu chấu trưởng thành nhưng không có cánh và chưa có cơ quan sinh sản.
Châu chấu mới nở có màu vàng nhạt, sau đó chuyển sang màu xanh đen và vàng nâu sau 3-4 giờ, kích thước cơ thể dài khoảng 1 cm; tuổi 3 có màu đỏ nâu, lưng màu đen và có sọc giữa lưng màu vàng; tuổi 4, 5 có màu xanh lá cây xen lẫn màu vàng.
- Châu chấu sa mạc, có tên khoa học là Schitocerca gregaria (Acrididae; Orthoptera). Châu chấu trưởng thành có màu vàng nhạt hoặc nâu nhạt, trên cánh có nhiều chấm màu nâu, chiều dài cơ thể lớn hơn chấu chấu tre lưng vàng, từ 4,5 – 6,0 mm.
Trứng châu chấu sa mạc được đẻ thành bọc giống châu chấu tre lưng vàng nhưng quả trứng không
cong, màu nâu vàng, dài 0,7 - 0,8 cm. Khác với châu chấu tre lưng vàng, trứng châu chấu sa mạc thường được đẻ trong đất cát ẩm ở độ sâu khoảng từ 5 - 10 cm dưới mặt đất, trung bình mỗi châu chấu cái chỉ đẻ 2-4 bọc trứng nhưng mỗi bọc trứng chứa từ 100 - 160 trứng, chiều dài bọc trứng khoảng 5 – 8,5 cm.
Châu chấu non có 5 hoặc 6 tuổi, mới nở có màu trắng nhưng chuyển thành màu xanh đen sau 1 - 2 giờ, đến tuổi 4 chuyển sang màu nâu hoặc màu vàng rơm với các đốm đen lớn trên cơ thể. Hình dạng châu chấu non giống như châu chấu trưởng thành, nhưng mầu sắc nhạt hơn, không có cánh và cũng chưa có cơ quan sinh sản.
Về đàn châu chấu tre lưng vàng và châu chấu sa mạc
- Kích thước đàn châu chấu tre lưng vàng thường nhỏ, khoảng 10.000 con. Qua quan sát, mỗi lần di chuyển chỉ khoảng vài km hoặc vài chục km nếu bay theo gió.
- Kích thước đàn châu chấu sa mạc khi di chuyển rất lớn, thường hàng trăm triệu con, có khi hàng tỷ con, đàn lớn có thể kéo dài 7-8 km. Theo một số tài liệu nghiên cứu, mỗi ngày đàn châu chấu sa mạc có thể di chuyển 120-150 km.