Theo lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), loài châu chấu đang gây hại trên một số diện tích tre và hoa màu ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên không phải là châu chấu sa mạc mà đó là châu chấu tre. Lịch sử theo dõi cho thấy, loài châu chấu tre này vẫn xuất hiện hàng năm ở khu vực này và di cư qua lại giữa Việt Nam, Trung Quốc và Lào.
Báo cáo từ cơ quan chức năng tỉnh Điện Biên và Bộ tham mưu Quân khu 2 cho thấy, đàn châu chấu tre đã xuất hiện trên diện tích 20ha tre ở bản Pờ Nhù Khò, bản Tá Miếu (xã Sín Thầu) với mật độ trung bình khoảng 100 - 200 con/m2, chỗ cao 300 - 400 con/m2, cục bộ trên 400 con/m2 tuổi trưởng thành.
Trên các nương ngô châu chấu tre cũng di thực gây hại rải rác tại bản Pờ Nhù Khò và Tá Miếu với diện tích gây hại khoảng 20ha, trong đó diện tích gây hại trên 70% khoảng 5ha, gây hại khoảng 30% là 15ha. Hiện, châu chấu tre tiếp tục di chuyển từ bản Tá Miếu, Pờ Nhù Khò xuống theo hướng bản Tả Kố Khừ.
Do châu chấu tre di chuyển đều là châu chấu trưởng thành và một số đang ghép đôi nên sẽ tiếp tục bay phân tán, nguy cơ sẽ co cụm và đẻ trứng tại một số khu vực đồi tre, chít tại các địa điểm châu chấu xuất hiện và tiếp tục di thực gây hại các nương ngô trên địa bàn.
Để kịp thời ngăn chặn đàn châu chấu gây hại, Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã có công văn gửi Bộ tư lệnh Quân khu 2, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứn nạn tỉnh Điện Biên chỉ đạo triển khai công tác ứng phó đàn châu chấu.
Trước đó, Bộ NN-PTNT đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về các kịch bản ứng phó với châu chấu sa mạc nếu loài này di trú vào Việt Nam, đồng thời ứng phó với châu chấu tre lưng vàng.
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) khẳng định, đơn vị hiện đã chủ động mọi giải pháp, kịch bản, phương tiện, hóa chất, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong trường hợp châu chấu sa mạc xuất hiện và xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam cũng như có phương án xử lý các loài châu chấu gây hại khác, trong đó có châu chấu tre lưng vàng và châu chấu tre.