Người H’rê trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam

Chuyện làng và chuyện nhà

Lê Hồng Khánh - Thứ Năm, 23/02/2023 , 06:15 (GMT+7)

Nhà giàu có hoặc nhiều vợ thì trong nhà có nhiều bếp, trong đó có 'bếp cử', chỉ có hai vợ chồng chủ nhà mới được ngủ ở đó.

Những sơn thôn bên sườn đồi

Vùng cư trú của người H’rê chủ yếu ở vùng đồi núi thấp (có độ cao trung bình dưới 500m so với mực nước biển), nằm dọc theo lưu vực các sông nhỏ đầu nguồn, lấy kinh tế trồng lúa nước làm nghề chính. Ngoài ra họ còn làm thêm nương rẫy, săn bắt, đánh cá, và một số rất ít làm nghề thủ công (rèn, dệt, đan lát).

Ngôi làng của người H'rê bên chân đồi.

Bài liên quan

Plây (làng) H’rê là đơn vị quần cư khoảng từ 15 đến 35 hộ quần tụ ở những sườn đồi, gần nương rẫy, nguồn nước và đảm bảo các tiêu chuẩn quang đãng, cao ráo, tương đối bằng phẳng. Bà con tin rằng, những nơi có nhiều cây to, rậm rạp là nơi hay có ma quỷ, nên trong khu vực làng và vùng lân cận ít thấy bóng cây cổ thụ.

Người H'rê luôn luôn chọn vị trí làng của họ ở về phía đông, nam hoặc phía tây triền chân đồi. Họ lấy quả đồi nơi cư trú hoặc những dãy núi xung quanh để che chắn ngọn gió bấc của mùa đông khắc nghiệt. Làng luôn quay mặt về phía có gió nồm để được thoáng mát, đón ánh sáng mặt trời buổi sáng. Chạy dọc theo chiều dài mỗi plây là một con đường chính, từ đó tỏa ra những con đường nhỏ dẫn đến mỗi ngôi nhà hoặc cụm nhà tùy theo địa hình. Những ngôi nhà sàn của mỗi gia đình được bố trí theo hình rẻ quạt, hoặc theo bậc thang từ thấp lên cao dần. Mỗi nhà (có vườn) được quây lại bằng hàng rào phên tre cao ngang vai người. Quanh làng là một hàng rào cao và kiên cố hơn bằng gỗ hoặc bằng tre. Kiểu cấu trúc làng - nhà này cho thấy hình thức sinh hoạt gia đình cá thể của người H’rê đã định hình từ lâu và khá bền vững.

Nhìn chung, việc bố trí sắp xếp nhà cửa, vườn tược, đường sá trong một plây H’rê tạo ra được một tổng thể vừa chặt chẽ, vừa cân đối, hài hòa biểu hiện tính tổ chức tương đối cao, vừa chứa đựng nhiều yếu tố thẩm mỹ độc đáo.

Đứng đầu các plây là người chủ làng (krăk plây). Chủ làng có thể là người của dòng họ gốc (có công lập làng) cha truyền con nối, nhưng cũng có thể được bầu lên theo định kỳ. Nhưng dù được chọn ra bằng hình thức nào, krăk plây phải là người có uy tín, đức độ, tài năng; am hiểu phong tục, tập quán, địa giới, tín ngưỡng của làng. Người đàn ông này chịu trách nhiệm quản lý đất đai, sắp xếp làng bản, điều hành các công việc của làng, giữ vị trí chủ chốt trong các buổi lễ, giải quyết các mâu thuẫn nội bộ, tiếp xúc, quan hệ với làng lân cận... Ông cũng là người giỏi phát rẫy, làm nương để nuôi sống bản thân và gia đình mà không dựa vào bất cứ một sự cung phụng nào của dân làng.

Ngày nay vẫn còn rất nhiều plây H’rê giữ được cách bố trí nhà cửa, xây dựng làng theo truyền thống, như ở các xã Ba Thành, Ba Cung, Ba Động, Ba Vì... (huyện Ba Tơ), Sơn Thủy, Sơn Thượng, Sơn Kỳ,... (huyện Sơn Hà), Long Môn (huyện Minh Long). Ở những nơi này, làng xóm, nhà cửa, núi rừng, nương rẫy hợp thành cảnh quan đặc sắc, độc đáo của vùng H’rê miền tây Quảng Ngãi.

Nhà sàn của người H'rê ở Sơn Thành, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi).

Nhà sàn khói bếp

Nhà sàn (nem) của người H’rê là nơi ăn ở, cư trú của từng hộ gia đình cá thể, đảm bảo cho cuộc sống và sản xuất theo tập quán định canh, định cư của cả làng.

Người H'rê làm nhà vào khoảng tháng 8 và tháng 9 trong năm. Các loại gỗ rắn chắc như ké, mít, căm xe, trâm… được ưa chuộng, dùng làm cột sàn, cột vách, kèo, trính. Bà con thường hạ cây gỗ vào ngày tối trăng của các tháng hè và thu, vì cho rằng trong thời điểm các thớ gỗ chặt hơn, không bị mối mọt phá hoại.

Nghệ nhân dân gian Đinh Ngọc Xu - người dân tộc H'rê.

Nhà sàn H’rê có mặt sàn cao hơn mặt đất chừng một mét, vách dựng nghiêng, phía trên choãi ra, hai đầu nhà có hình thú rừng, mỗi đầu nhà sàn có gian cách với bên trong, một đầu cho đàn ông tiếp khách, đầu kia dành cho phụ nữ và trẻ con. Bộ khung nhà kết cấu đơn giản giống như nhà của nhiều cư dân khác ở Tây Nguyên và miền tây các tỉnh ven biển miền Trung. Nguyên liệu làm nhà là tre, gỗ, tranh, mây. Tám cột gỗ lớn dựng thành hai hàng hai bên có chức năng đỡ bộ khung nhà. Khoảng cách từ chân cột đến sàn nhà xấp xỉ 1,5m. Vách nhà được làm bằng tre đan phên ken dày, lò ô đạp dập hoặc dùng cây rừng tròn, có đường kính 2 - 2,4cm ghép sát vào nhau, dùng dây mây buộc chặt. Các vì kèo giao nhau, hợp với trích ngang và cột chống đỡ thượng lương (nóc) nhà. Phía trên những vì kèo là các đòn tay đỡ mái nằm theo chiều dọc ngôi nhà. Mái nhà lợp tranh hơi lượn cong, có độ dốc lớn phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới lắm nắng, nhiều mưa.

Một điểm độc đáo trong kết cấu kiến trúc nhà sàn của người H'rê là cách thức buộc mây để liên kết các bộ phận kiến trúc của ngôi nhà. Họ tạo dựng sàn bằng hệ thống cây ngang dọc, có kết cấu với nhau hết sức chặt chẽ qua hệ thống dây buộc vào cột nhà và cột nâng nhà, sau đó mặt sàn được trải lớp giát sàn bằng tre ken mây phẳng phiu.

Trên mái nhà của người H'rê còn có biểu tượng hai cặp sừng trâu bằng rơm. Hai chái ở hai đầu hồi (gọi là đầu tra), có mái che, không có vách, phân cách với gian giữa là ván hoặc phên tre có thông ra vào. Chái sau để người nhà làm việc, vui chơi, có cầu thang lên xuống. Chái trước cũng là mặt tiền ngôi nhà, rộng và thoáng đãng, có lan can bao quát với 2 cầu thang lên xuống bố trí cân đối với hai bên.

Ruộng lúa nước của người H'rê ở xã Sơn Nham, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi).

Nhà của người H’rê còn có một đặc điểm hiếm thấy ở nhà các tộc người khác, đó là thường thì nhà ở cửa mặt trước hoặc hai đầu hồi. Mặt trước nhà nhìn xuống phía đất thấp, lưng nhà dựa vào thế đất cao. Tục lệ H’rê khi ngủ nằm ngang sàn, đầu quay về hướng đất thấp mặt thoáng, chân hướng về phía đất cao dốc núi.

Nhà giàu có hoặc nhiều vợ thì trong nhà có nhiều bếp, trong đó có “bếp cử”, chỉ có hai vợ chồng chủ nhà mới được ngủ ở đó. Ở hai nóc đầu hồi nhất thiết có “khau cút” là hai đoạn tre, hoặc gỗ bắt chéo nhau mô phỏng hình sừng trâu, hoặc sừng trâu thật.

Nhìn chung nhà H’rê nhẹ nhàng, thanh thoát, hài hòa với quang cảnh chung quanh của cả làng và sườn đồi. Người H’rê cũng không để thóc ở nhà mà để ở nhà kho dựng trên nương rẫy. Đây cũng là nơi nghỉ tạm qua những ngày lao động, hoặc làm nơi nghỉ chân khi đi hái lượm, săn bắt đường xa.

Lê Hồng Khánh
Tin khác
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.

Ký ức không phai một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc
Ký ức không phai một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc

‘Ký ức không phai’ là cuốn sách ghi lại kỷ niệm gắn bó với Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève.

Tâm sự nghề nghiệp của một nhà giáo trường huyện
Tâm sự nghề nghiệp của một nhà giáo trường huyện

Tâm sự nghề nghiệp của những người đã và đang đứng trên bục giảng với nhiều kỷ niệm khó quên, càng trở nên ấm áp nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Cô giáo Nùng khơi chuyện văn chương cùng học trò
Cô giáo Nùng khơi chuyện văn chương cùng học trò

Cô giáo người Nùng Lý Thị Thủy đang dạy văn ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Phú Yên, vừa ra mắt cuốn sách lý luận phê bình có tên gọi ‘Khơi chuyện’.

Tủ sách Văn Hóa Việt ra mắt độc giả Trung Quốc
Tủ sách Văn Hóa Việt ra mắt độc giả Trung Quốc

Tủ sách Văn Hóa Việt của Chibooks chính thức ra mắt độc giả đất nước tỷ dân tại Tuần lễ văn hóa sách Trung Quốc – Đông Nam Á 2024 tại thành phố Nam Ninh.

Ai chém đầu nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến?
Ai chém đầu nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến?

Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật mới cho ra mắt cuốn sách 'Nguyễn An Ninh – Không ăn mày tự do' (2024) của tác giả Trần Viết Nghĩa. Sách mới mà quá nhiều lỗi sai hết sức sơ đẳng.

Sứ mệnh người thầy gửi gắm từng trang sách nhỏ
Sứ mệnh người thầy gửi gắm từng trang sách nhỏ

Sứ mệnh người thầy luôn gắn liền với sách, được các diễn giả đề cao tại talk show diễn ra ở Đường sách TP.HCM nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11).

Họa sĩ Xu Man trở thành ‘Con thiêng của rừng’
Họa sĩ Xu Man trở thành ‘Con thiêng của rừng’

Họa sĩ Xu Man được nhà văn Trung Trung Đỉnh lấy làm cảm hứng sáng tác truyện dài ‘Con thiêng của rừng’ dày 124 trang, do Nhà xuất bản Trẻ vừa ấn hành.

Nhà thơ Mai Thìn lắng nghe ‘tiếng của thiên lương’
Nhà thơ Mai Thìn lắng nghe ‘tiếng của thiên lương’

Nhà thơ Mai Thìn gây ấn tượng cho người đọc, bởi một lối viết coi ý tứ là trọng, coi tổng thể nặng hơn chi tiết và rất nặng lòng trước thế thái nhân tình.

Hoa hậu H’Hen Niê đưa thư viện thân thiện về nông thôn
Hoa hậu H’Hen Niê đưa thư viện thân thiện về nông thôn

Từ khi đăng quang đến nay, Hoa hậu H’Hen Niê đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng, trong đó có chương trình đưa ‘Thư viện thân thiện’ về nông thôn.

Người quê lúa lặng lẽ viết lại những trang đời
Người quê lúa lặng lẽ viết lại những trang đời

Người quê lúa Đặng Đình Liêm sau chuỗi ngày tham gia quân đội và công tác xa nhà, đã trở về Thái Bình thanh thản viết lại những câu chuyện đời mình.

Thức dậy một dòng sông để thương nhớ làng quê
Thức dậy một dòng sông để thương nhớ làng quê

‘Thức dậy một dòng sông’ của tác giả Trần Nam Phong hình thành một bút pháp với những câu thơ ngân như ngọn gió không lời vừa quen vừa lạ.