Phỏng vấn Nguyễn Quang Thạch về 'Sách hóa nông thôn'

Thái Hạo (Thực hiện) - Thứ Ba, 27/02/2024 , 06:30 (GMT+7)

'Sách hóa nông thôn', một chương trình được anh Nguyễn Quang Thạch khởi xướng và hành động miệt mài suốt hơn 20 năm nay, tiếp tục trăn trở xung quanh cuộc trò chuyện trên NNVN.

Xin chào anh Nguyễn Quang Thạch!

Có lẽ cũng không cần phải giới thiệu nhiều nữa, vì đông đảo người Việt quan tâm đến giáo dục và văn hóa đọc đã quen thuộc với cái tên Nguyễn Quang Thạch của chương trình Sách hóa nông thôn, một chương trình được anh khởi xướng và hành động miệt mài suốt hơn 20 năm nay, nhất là mới đây anh đã bước thêm một bước nữa khi bắt tay thực hiện đưa sách về nông thôn Ấn Độ, mà như anh nói với báo Tuổi Trẻ tháng 1/2020: “Tôi hi vọng hành động của chúng tôi sẽ tác động đến cách làm chính sách của các quốc gia có hệ thống thư viện yếu kém, chưa có phương pháp huy động nguồn lực bản địa, cũng như sẽ tác động đến khung thiết kế của UNESCO về phổ biến tri thức ở các nước đang phát triển. Các hoạt động và cách làm của chúng tôi sẽ được gửi đến mạng lưới UNESCO trên toàn cầu để các bài học được chia sẻ và địa phương hóa”.

Xin được hỏi anh, tính đến thời điểm này, anh đánh giá thế nào về mức độ thành công của Sách hóa nông thôn do anh sáng lập và triển khai thực hiện suốt hơn 2 thập kỷ qua?

Nguyễn Quang Thạch: Xét về số tủ sách được các thành viên xã hội, các dòng họ, xứ đạo, trường học nhân rộng; xét về mừng tuổi sách được lan rộng trong xã hội; xét về sách ít bị khinh hơn trước đây, thì chúng tôi có những thành công nhất định. Nhưng xét về mục tiêu mà tôi đề ra là tất cả trẻ em nông thôn được nghe và đọc sách như trẻ em con trung lưu trí thức Hà Nội, Sài Gòn, trẻ em Tây Âu, Mỹ, Nhật Bản… thì chúng tôi còn lâu mới chạm đến hai chữ thành công. Không những thế, nhiều Tủ sách Dòng họ ngừng hoạt động, không ít Tủ sách Phụ huynh đặt trong lớp học không hoạt động như khi mới ra đời, thì chúng tôi thất bại và xã hội thất bại.

Hơn nữa, sự thất bại sẽ tiếp diễn khi hàng trăm ngàn cặp bố mẹ rời quê hương tìm kiếm sinh kế để hàng trăm ngàn con nhỏ với từ vài năm tuổi đến tuổi teen ở với ông bà. Những đứa thiếu tình cảm ấy lại lạm dụng điện thoại thông minh sau khi chuyện trò với bố mẹ, ở nhà không có sách và không có ai hướng đọc từ nhỏ và tệ hại hơn là chính cấu trúc giáo dục không tạo hệ sinh thái đọc và học tương hỗ nhau.

Nhiều người cho rằng, tình trạng ít đọc/không đọc sách ở Việt Nam là do lười, do văn hóa và truyền thống... Còn tôi lại thấy rằng, dù có yếu tố ấy nhưng nó không phải quyết định. Mấu chốt vẫn là ở câu chuyện chính sách giáo dục và cách quản trị, điều hành xã hội nói chung đã không biến sách vở thành một mắt xích quan trọng tự thân trong đời sống của mỗi cá nhân. Văn hóa hay tính cách không phải từ trên trời rơi xuống, nó được sinh ra do nhu cầu xã hội và những định hướng giá trị của chính phủ. Còn theo anh, đâu là nguyên nhân dẫn đến sự “thất bại” mà anh đã nêu? Và anh sẽ làm gì để khắc phục, nâng cao hiệu quả của chương trình?

Nguyễn Quang Thạch: Đồng ý với Thái Hạo. Thất bại của chúng tôi có nguyên nhân sâu xa là giáo dục Việt Nam trong nhiều thập niên liên tục đã không tạo ra nhiều cá nhân phải đọc sách và thích đọc sách bởi quan điểm "kinh thánh sách giáo khoa và giáo trình" đã giúp người đọc đủ bằng cấp và kiếm sinh kế. Bạn bè tôi là giáo viên cấp 2, cấp 3 nhưng hàng chục năm nay kiếm sống trong mấy cuốn sách giáo khoa tiếng Anh. Hồi đại học tôi không thấy họ đọc gì dù tôi làm thủ thư – là cơ hội cho các bạn ấy đọc sách đến tận khuya ở thư viện, sau bao năm gặp lại thì phần lớn trong số họ không đọc gì. Có bạn còn hỏi tôi “mi có giàu không? Đối với tau, học trò giàu là thành công…”, chứ không hỏi chương trình tủ sách của tôi như thế nào.

Nguyễn Quang Thạch mừng tuổi sách cho các cháu nhỏ ở xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.

Nguyễn Quang Thạch mừng tuổi sách cho các cháu nhỏ ở xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.

Nhiều thầy cô không đọc, cấu trúc sách giáo khoa và cách thi cử không bắt học sinh phải đọc ngoài sách giáo khoa, không cần viết bài luận về các tác phẩm mà sách giáo khoa trích dẫn, học sinh không cần đọc nhiều tác phẩm để thảo luận nhóm… thì tất yếu sẽ dẫn đến tình trạng không mấy học sinh có nhu cầu tìm kiếm tri thức ngoài sách giáo khoa.

Tôi nghe nhiều cha mẹ ở nông thôn và thành phố than phiền về cách học tối mắt tối mũi, hết học chính khóa lại phải đi học thêm, tuổi thơ của học sinh ngập trong những toan tính của người lớn ở trường và ở nhà. Bởi vậy, các em vừa không có thời gian vừa không hứng thú với đọc rộng hiểu xa.

Về mặt dân sự, chúng tôi đã làm ở mức sâu ở vùng mục tiêu của chương trình từ năm 2010 đến 2014, là bình quân mỗi học sinh đọc 20 đầu sách/năm, nhiều hơn thư viện nhà trường trên 30 lần, nhưng hiện nay, khi chúng tôi đã rời cơ sở để tiếp tục hoạt động, thì những nơi đó đã không còn được như trước đây nữa, và có những tủ sách gần như bị lãng quên.

Về mặt vận động ngành giáo dục, chúng tôi có kết quả là Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 6841 vào cuối năm 2015. Những năm sau đó, Bộ tiếp tục gửi các công văn đến các Sở nhưng không có gì mới và công văn cũng không làm thay đổi gì. Tôi đọc Thông tư 16 năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thư viện trường học, điều đáng ghi nhận là trường mầm non có thư viện, cũng là điều mà chúng tôi đã thí điểm 8 năm trước đó, còn lại không thấy gì chứng minh học sinh sẽ đọc nhiều sách.

Một trong những mô hình của Sách hóa nông thôn là Tủ sách lớp học. Xin chia sẻ với anh, tôi cũng đã có khoảng 10 năm đứng lớp và trực tiếp quản lý chuyên môn ở vài trường THPT chuyên. Tôi cũng đã bắt tay vào việc xây dựng thư viện trường học với tư tưởng “Thư viện là trung tâm của hoạt động giáo dục”.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận rằng, nó cũng đã thất bại. Lý do thì có nhiều, nhưng chung quy là do cách thức tổ chức dạy học và hoạt động kiểm tra đánh giá (thi cử), và nhất là căn bệnh thành tích giả và nổi đã dẫn đến tính ăn xổi ở thì, tự nó đẩy sách vở ra khỏi các hoạt động giáo dục. Còn theo anh, với những trải nghiệm và lăn lộn của một người đã dấn thân không mệt mỏi cho sách và đọc sách, thì nguyên nhân là vì đâu? Và cần phải làm gì để giải quyết được những nút thắt?

Nguyễn Quang Thạch: Đúng vậy, như tôi đã nêu trên, ngoài bệnh thành tích mà báo chí và nhiều người lo lắng cho tương lai nước nhà và đã phản ánh trên nhiều diễn đàn, thì điều cốt lõi nhất là cách dạy, cách học và thi cử của chúng ta khác xa với nền giáo dục Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản...

Nguyễn Quang Thạch đi bộ xuyên Việt vận động sách về nông thôn dịp Tết năm 2015.

Nguyễn Quang Thạch đi bộ xuyên Việt vận động sách về nông thôn dịp Tết năm 2015.

Giáo dục tiên tiến kiến tạo nền đọc cho con trẻ từ 0 tuổi bằng cách giúp trẻ nghe sách tại nhà, tại trường học và thư viện công cộng, từ đặt con trẻ vào hoàn cảnh phải đọc để tranh luận, phải đọc để có bài luận từ một tác phẩm đến bài luận cần đọc nhiều tác phẩm. Thói quen được nuôi dưỡng từ mầm non đến khi đến trường học, từ phải đọc đến thích đọc và tiếp tục phải đọc để thăng tiến trong nghề nghiệp và giá trị sống, và đấy là học tập suốt đời đích thực chứ không ồn ào một tuần lễ học tập suốt đời như ở xứ ta.

Tóm lại, theo tôi, những hạn chế trong “văn hóa đọc” ở nước ta hiện nay đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó sâu xa nhất là nền giáo dục tự thân nó không thúc đọc, khuyến đọc. Kinh tế từ 1995 đã đủ trang bị mỗi trường học với 500 đầu sách chất lượng, và nay thì lũy tích sự ít đọc lại bị chi phối bởi điện thoại thông minh, cách dạy và học vẫn không thay đổi gì nhiều so với trước đây, bởi vậy điều cốt lõi vẫn phải làm là thay đổi tiêu chuẩn giáo dục theo cách mà các nước phát triển đã và đang làm. Thay đổi giáo dục theo Tây Âu, Mỹ, Nhật… cần là mệnh lệnh chính trị, là khát vọng của mọi công dân muốn Việt Nam, nếu muốn được cường thịnh và tôn trọng.

Chương trình Sách hóa nông thôn có thể nói, là nằm trong tổng thể của phong trào khuyến đọc với rất nhiều hoạt động của cả các tập thể lẫn cá nhân, khá rôm rả trong những năm gần đây. Anh đánh giá thế nào về các hoạt động khuyến đọc này tại nước ta thời gian qua? Anh có lời khuyên hay trao đổi nào với những người đang kêu gọi “khuyến đọc” ấy? Và làm thế nào để đọc thực sự trở thành văn hóa?

Nguyễn Quang Thạch: Tất cả nỗ lực của tôi và hàng trăm ngàn người khác, của những người làm thêm ở nước ngoài góp sách giúp trẻ em trong nước, của những dịch giả đến trường khuyến đọc hay Phó Thủ tướng mừng tuổi sách… đều mới chỉ là những cánh chuồn chuồn lay động "mặt nước quánh đặc lũy tích sự ít đọc" trong hàng chục năm qua. Hay chỉ đặt vài hàng gạch trong ngôi nhà 5 tầng cần được xây dựng, ở đây tôi tự chiếu cố là cái móng cảnh báo về sự ít đọc và thảm họa của nó đã đến tai nhiều người.

Bởi vậy, chúng tôi thường nói với nhau rằng thực trạng xã hội như nước đến cổ và ngành giáo dục cần thay đổi ngay theo chuẩn giáo dục Tây Ây, Mỹ, Nhật Bản. Tôi từng nói rằng tôi ủng hộ chính phủ vay nhiều triệu tỷ đào tạo lại giáo viên, soạn lại giáo trình theo triết lý của các quốc gia phát triển hoặc thuê giáo viên các nước ấy sang dạy ở Việt Nam.

Nếu có một yêu cầu đối với Bộ GD&ĐT, anh sẽ nói điều gì?

Nguyễn Quang Thạch: Hãy thay đổi giáo dục theo nền giáo dục của các nước phát triển. Hãy chuyển thành tích điểm số ở sách giáo khoa, giáo trình sang thành phẩm qua đọc nhiều sách; và hướng học sinh tạo ra các sản phẩm hữu ích bằng học qua hành như trường học của các nước tiên tiến đã và đang làm.

Xin được cảm ơn những chia sẻ thẳng thắn, nhiều ý nghĩa, và đầy khát vọng của anh. Xin chúc anh và Sách hóa nông thôn sẽ thành công như mong đợi, để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và dân trí nói chung, từ đó góp phần đắc lực kiến tạo một xã hội văn minh như chúng ta luôn mong muốn cháy bỏng.

Thái Hạo (Thực hiện)
5 giải pháp cho vụ hè thu đặc biệt khó khăn ở Nghệ An
5 giải pháp cho vụ hè thu đặc biệt khó khăn ở Nghệ An

Vụ hè thu năm nay của Nghệ An đang đứng trước những khó khăn lớn do thời tiết gây ra, nhất là nắng nóng, hạn hán.

Việt Nam dẫn đầu về xuất khẩu gạo vào Singapore
Việt Nam dẫn đầu về xuất khẩu gạo vào Singapore

Việt Nam xuất khẩu gạo sang Singapore từ lâu, nhưng luôn đứng sau một số nguồn cung khác. Đầu năm nay, gạo Việt Nam đã chiếm vị trí số 1 tại thị trường này.

Kênh đào Funan Techo Campuchia và bài học hợp tác khai thác sông Mê Kông
Kênh đào Funan Techo Campuchia và bài học hợp tác khai thác sông Mê Kông9

Sự quan ngại về kênh đào Funan Techo thể hiện qua phát biểu của một số chuyên gia tại cuộc họp ở Cần Thơ là cần thiết nhưng cần tránh phóng đại.

Làng thông minh - 'Cuộc cách mạng' mới ở Đồng Tháp
Làng thông minh - 'Cuộc cách mạng' mới ở Đồng Tháp

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, làng thông minh được xây dựng từ các hội quán nông dân, phù hợp với xu hướng phát triển nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Hướng dẫn chăn nuôi tuần hoàn quy mô nông hộ
Hướng dẫn chăn nuôi tuần hoàn quy mô nông hộ

‘Không bỏ đi thứ gì’, nhiều nông hộ áp dụng chăn nuôi tuần hoàn, tận thu phế phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Syngenta ra mắt thuốc diệt rầy mới nhất: Pexena 20WG dạng cốm
Syngenta ra mắt thuốc diệt rầy mới nhất: Pexena 20WG dạng cốm

Sản phẩm mới không chỉ an toàn với sức khỏe của người phun thuốc và pha thuốc mà với đặc tính hòa tan tốt, thuốc dạng cốm này còn an toàn hơn cho môi trường, giảm thất thoát thuốc và giảm lượng thuốc đưa xuống đồng ruộng.

Loài dược liệu củ như khoai lang, lãi hơn 250 triệu đồng/ha
Loài dược liệu củ như khoai lang, lãi hơn 250 triệu đồng/ha

HƯNG YÊN Cây địa hoàng trồng 6 tháng sẽ cho thu hoạch, trừ chi phí, nông dân lãi khoảng 250 triệu đồng/ha.

7 sự thật thú vị về Ngày Trái đất
7 sự thật thú vị về Ngày Trái đất

Ngày Trái đất 2024 kêu gọi các quốc gia giảm 60% sản lượng tất cả các loại nhựa vào năm 2040, hướng đến chấm dứt việc sử dụng nhựa vì sức khỏe cộng đồng.

Doveco - Lá cờ đầu trong lĩnh vực chế biến nông sản
Doveco - Lá cờ đầu trong lĩnh vực chế biến nông sản

Từ thành công của nhà máy tại Ninh Bình và Gia Lai, Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) đã khai trương nhà máy thứ ba tại Sơn La vào tháng 5/2023.

Nông sản Việt - nguồn cung chiến lược cho các siêu thị, tập đoàn toàn cầu
Nông sản Việt - nguồn cung chiến lược cho các siêu thị, tập đoàn toàn cầu

Kinh tế thế giới dần phục hồi, nhiều tập đoàn, siêu thị hàng đầu thế giới đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn cung, và Việt Nam là điểm đến thu mua nông sản chiến lược.

Chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Vịt Đại Xuyên hướng dẫn nuôi vịt trên chuồng sàn
Chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Vịt Đại Xuyên hướng dẫn nuôi vịt trên chuồng sàn

Nuôi vịt chuồng sàn tăng được mật độ nuôi, dễ chăm sóc, vệ sinh phòng bệnh đảm bảo, hiệu quả kinh tế cao.

Chùa Một Cột trên thành phố bị lãng quên Bandipur, Nepal
Chùa Một Cột trên thành phố bị lãng quên Bandipur, Nepal

Đi hành hương lần này, đoàn chúng tôi có 8 người. Đi một chuyến đi 'lịch sử đời người', vì sẽ đến những nơi chưa từng đến, những nơi mà để đến được, thì vô cùng khó khăn mới đến được, nhưng đã đến được thì quá xứng đáng để đi. Đến dãy Núi Tuyết Hy Mã Lạp Sơn, và thành phố cổ Bandipur...