Bác và dì, hay những lựa chọn văn hóa

THÁI HẠO - Thứ Ba, 05/03/2024 , 07:45 (GMT+7)

Cách gọi bác đối với chị gái của mẹ chủ yếu dùng ở miền Bắc, còn miền Trung và Nam thì dù là em gái hay chị gái của mẹ, cũng đều gọi là dì.

Minh họa: Nguyễn Công Cừ.

Trong bài “Bà Công” đăng trên Nông nghiệp Việt Nam có một chi tiết ngoài lề nhưng “gây tranh cãi”, là mẹ tôi gọi chị gái của mẹ là dì, và nhiều người đã tỏ ra ngạc nhiên, thắc mắc, thậm chí quả quyết rằng gọi như thế là sai, phải gọi là bác/bá mới đúng. Tuy nhiên, cách gọi bác đối với chị gái của mẹ chủ yếu là dùng ở miền Bắc, còn miền Trung và Nam thì dù là em gái hay chị gái của mẹ, cũng đều gọi là dì. Bài viết này không bàn về sự phức tạp trong cách xưng hô của người Việt nếu tính cả về phả hệ, nội ngoại, dâu rể..., là điều có thể làm cho một người ngoại quốc học tiếng Việt phải “tẩu hỏa nhập ma” (!), mà chỉ muốn thử tìm kiếm một quan niệm mang tính văn hóa phía sau các lối xưng hô ấy ở những vùng miền khác nhau. Một lưu ý nữa, việc phân chia thành hai “miền” là Bắc và Trung - Nam cũng chỉ mang tính tương đối, vì ngay tại Thanh Hóa, cách xưng hô vẫn không phải đã thống nhất ở mọi thổ ngữ.

Trở lại với vấn đề. Ngoài sự khác biệt về cách gọi dì/bác đối với chị của mẹ như đã nói trên, thì giữa miền Bắc với miền Trung - Nam còn nhiều cái khác nữa, tôi chỉ lấy thêm 2 trường hợp điển hình để làm ví dụ và phân tích. Bắc: Người đàn ông lấy chị gái của mẹ thì gọi là bác (bác trai), lấy em gái của mẹ thì gọi là chú; nhưng Trung - Nam thì đều gọi là dượng hết. Bắc: Chị của bố thì gọi là bác, em gái của bố thì gọi là cô; nhưng miền Trung - Nam thì đều gọi là o hoặc cô hết.

Bây giờ xét đến “lợi ích” của các cách xưng hô này. Nếu gọi theo kiểu miền Bắc thì ngay lập tức ta biết được người đó (bác, chú, dì, cô) là vai trên hay vai dưới của bố/mẹ. Nhưng cái bất lợi của cách xưng hô này là thường không biết được người đang được nhắc đến ấy là bên nội hay bên ngoại, thậm chí không biết là nam hay nữ (như đối với trường hợp bác). Ví dụ, khi lần đầu nghe nhắc tới một “bác” nào đó thì người nghe có thể phải hỏi lại là bác bên mẹ hay bên bố, là bác trai hay bác gái. Khi nghe “chú” thì cũng lại phải hỏi lại, là chú em bố hay chú lấy dì! Nhưng các rắc rối này lại không xảy ra với miền Trung - Nam. Cứ nghe “bác” là biết ngay đó là nam giới và bên bố (bên nội), vì bên mẹ (bên ngoại) không gọi ai là bác cả – bên ngoại chỉ có cậu, dượng và dì. Chú cũng thế, chắc chắn là em của bố rồi.

Nói như thế không phải miền Trung - Nam không có phiền phức. Khi nghe nhắc tới “dì” thì lại không biết được đó là chị hay em của mẹ (nếu không kèm theo tên riêng hoặc một dấu hiệu đặc biệt nào đó), chỉ biết chắc chắn rằng đó là bên ngoại. Tình trạng này cũng tương tự như với dượng: Dượng thì biết chắc là bên ngoại rồi, nhưng lại không rõ là “dượng anh” hay “dượng em” – nếu nhà có từ 2 dì trở lên đã lấy chồng. Đối với o - cô cũng thế, biết chắc là bên nội rồi, nhưng không biết được đó là chị gái hay em gái của bố.

Nét đẹp làng cổ Đông Sơn, Thanh Hóa. Ảnh: Báo Dân Trí.

Cái thú vị nhất của cách xưng hô ở miền Bắc có lẽ ở chữ bác. Xin minh họa thế này cho dễ hình dung. Bạn là người Bắc, đi học đại học xa nhà, ngồi nói chuyện với một bạn cùng lớp cũng là người miền Bắc. Và bạn bảo: “Bác tớ ngày xưa cũng làm giáo viên đấy”, thì người bạn của bạn sẽ phải hỏi lại, là “bác trai hay bác gái?”. Bạn bảo, “là bác trai”. Bạn kia lại phải hỏi tiếp “Bác ruột hay bác rể/ bác dâu?”. Một chữ bác thôi đối với miền Bắc là vừa không biết được bác trai hay bác gái, bác ruột hay bác rể/ bác dâu, bác bên nội hay bên ngoại. Thế nhưng, nếu là hai bạn miền Trung-Nam nói chuyện với nhau thì câu: “Bác tớ ngày xưa cũng làm giáo viên đấy” không cần phải mất công hỏi những câu hỏi trên. Vì nghe “bác” là biết ngay đó là anh trai của bố bạn mình – tức là biết được đó là bên nội, đồng thời biết được người đó là giới tính nam. Sở dĩ có cái rắc rối này đối với miền Bắc là vì ở đây dùng chữ bác cho cả hai bên nội ngoại, trong khi miền Trung - Nam chỉ dùng nó cho bên nội. Nói cách khác, đối với bên ngoại (mẹ) thì phải chăng miền Bắc, vì để “bảo tồn” tính tôn ti, nên đã dùng lại chữ bác một lần nữa, trong khi miền Trung - Nam chỉ có cậu và dì.

Tóm lại, cách xưng hô của miền Bắc trong một số trường hợp (như bác) là gặp rắc rối nhiều hơn so với miền Trung - Nam: Trong khi miền Bắc vừa không phân được được giới tính và nội ngoại thì miền Trung - Nam chỉ không phân biệt được trên dưới – còn nội ngoại và giới tính bao giờ cũng rõ ràng. Phải chăng miền Bắc đã chấp nhận việc có nhiều rắc rối hơn để giữ cho được tính tôn ti, còn miền Trung - Nam thì sẵn sàng giảm bớt/ làm mờ tôn ti để khiến cho sự giao tiếp trở nên giản tiện và thuận lợi hơn?

Nhìn vào sâu hơn hệ thống từ xưng hô của Bắc và Trung - Nam thì dường như có thể nhận định: Hầu hết sự khác biệt là do chữ bác này mà ra, chứ không phải do dì hay chú, hay cô, hay cậu. Vì sao? Một khi miền Bắc đã dùng bác cho cả bên ngoại (tức chấp nhận lặp) thì nó tất yếu phải kéo theo sự chuyển động của cả hệ thống, làm cho chú, dì, cô, cậu đều phải khác nghĩa với những từ ấy ở miền Trung - Nam. Lúc này, vì để giữ cho được cái nghĩa “vai trên” bằng cách dùng chữ bác cho cả hai bên nội ngoại nên nó đồng thời phải chấp nhận hi sinh nét nghĩa về giới tính và nội ngoại. Như vậy, vấn đề ở đây không phải là dì của miền Bắc khác với dì của miền Trung - Nam, mà phải nói chính xác hơn: Vì cách dùng chữ bác của miền Bắc mà đã làm cho dì (và các từ xưng hô khác) của hai miền này khác nhau. Nói cách khác, “đầu têu” chính là từ chữ bác này mà ra.

Qua mấy ví dụ và phân tích trên, chúng ta thấy rằng, miền Trung - Nam và miền Bắc đã sử dụng hai chiến lược khác nhau trong xưng hô để nhằm đạt được hai mục đích khác nhau. Cách gọi của miền Bắc chú trọng vào vai vế, trên/dưới, cao/thấp, thứ bậc; còn cách gọi của miền Trung - Nam lại chú trọng vào việc phân biệt nội/ngoại (cả nam/ nữ nữa). Do đó, xét dưới góc độ ngôn ngữ, cái lợi thế của miền này lại là hạn chế của miền kia, và ngược lại.

Cái gì đã dẫn đến sự lựa chọn khác nhau này giữa các miền? Câu trả lời không đơn giản, và có lẽ cần viện đến rất nhiều kiến thức liên ngành và phức tạp, từ ngôn ngữ học, lịch sử, di dân, văn hóa, tiếp xúc... Do đó, ở đây chúng tôi không thể đi sâu trong khuôn khổ một bài viết nhỏ. Chỉ thấy rằng, như đã nói, dường như thông qua sự lựa chọn của mình, miền Bắc đặt trọng tâm vào việc phân vai cao/thấp, trong khi miền Trung - Nam thì chú trọng phân biệt nội/ngoại.

Cây đa và giếng nước cũ ở làng Tuyên Hóa, Đông Sơn, Thanh Hóa.

Một điều đặc biệt nữa là, theo chia sẻ riêng của nhà nghiên cứu Ngôn ngữ - Văn hóa Hoàng Tuấn Công, các từ dùng để xưng gọi như cô, cậu, dì, dượng, chú, bác, thím,… đều là gốc Hán: Cô (cô 姑), cậu (cữu 舅), dì (di 姨), dượng (di trượng 姨丈), chú (thúc 叔), bác (bá 伯), thím (thẩm 嬸)”…

Hán ngữ đại từ điển giảng:

- di (dì) là “mẫu thân đích thư muội - 母親的姐妹”, nghĩa là: chị em gái của mẹ thì gọi là dì.

- di trượng (dượng) được giảng là: “mẫu thân đích thư muội phu - 母親的姐妹夫, nghĩa là “chồng của chị hoặc em gái mẹ thì gọi là dượng”.

- (bác) giảng là: “phụ thân đích ca ca - 父親的哥哥”, nghĩa là “anh trai của cha mình thì gọi là bác”.

Như vậy, cách xưng hô này giống với cách xưng hô ở Thanh Hóa (và miền Trung - Nam nói chung). Câu hỏi đặt ra là tại sao trong khi miền Bắc gần Trung Quốc hơn, tiếp xúc sớm hơn, chịu ảnh hưởng nhiều hơn về mặt ngôn ngữ, nhưng lại có những biến đổi như đã phân tích. Trong khi miền Trung - Nam vốn xa hơn, tiếp xúc muộn hơn và nhạt hơn, lại bảo lưu cách gọi ấy? Cái gì trong bản thân hệ thống ngôn ngữ hoặc văn hóa đã chi phối mạnh mẽ để rồi dẫn dến một sự thay đổi lớn đến như thế về cách xưng hô của miền Bắc?

Câu trả lời không đơn giản và đành phải gác lại. Ở đây chúng tôi chỉ muốn nêu lên điều đặc biệt trong sự giống nhau giữa Trung và Nam về cách xưng hô. Phải chăng là vì lịch sử di dân/Nam tiến, mà nguồn chủ yếu là người miền Trung, trong đó dân Thanh Nghệ chiếm một số lượng rất lớn, đã mang theo cách xưng hô này vào Đàng Trong, và nó tồn tại đến ngày nay?

Tóm lại, về chuyện xưng hô của người Việt, nếu nhìn ở góc độ này thì thấy nó quá phức tạp so với những ngôn ngữ chỉ có vài đại từ nhân xưng. Nhưng nhìn ở khía cạnh khác thì thấy đó là một sự phong phú đặc biệt đã góp phần tạo nên những đặc sắc trong ứng xử và văn hóa nói chung của quốc gia.

Ngày nay, với giao thương, tiếp xúc, quá trình độ thị hóa và tính phẳng do internet mang lại/gây ra thì cách xưng hô của nhiều vùng miền cũng đang có những thay đổi dữ dội mà ở đó lối xưng hô kiểu Bắc đang xâm lấn dần vào phía trong. Nhiều người Thanh Hóa thuộc lớp trẻ từ 8X về sau đã không còn gọi chị và anh của mẹ là dì và cậu nữa, mà gọi là bác như miền Bắc; không gọi người lấy chị hoặc em gái của mẹ là dượng nữa mà gọi là bác hoặc chú, như miền Bắc...

Thiết nghĩ, sự biến đổi của ngôn ngữ là một quá trình tất yếu, nhưng chứng kiến những đổi thay như thế, thấy không khỏi tiếc nuối vì những mất mát. Một phần, nó làm nghèo đi cách xưng hô phong phú mang đậm bản sắc vùng miền; và nhất là khi sự đổi thay ấy, như đã phân tích, lại làm cho sự xưng hô trở nên phức tạp và ít quang đãng hơn vốn có.

THÁI HẠO
Tin khác
Mạch nha Thi Phổ
Mạch nha Thi Phổ

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ được chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh, mà còn liên tục tái bản với số lượng lớn để phục vụ độc giả.

Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư
Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Trong 'Quốc văn trích diễm', giáo sư Dương Quảng Hàm trích bài thơ 'Bán than' và cho là của Trần Khánh Dư. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả là người khác.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh, được hậu sinh kỷ niệm 10 năm ông đi xa, bằng một hội thảo tổ chức tại TP.HCM sáng 6/12.

Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm
Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Trên bia đá đền thờ tổ nghề chạm bạc Đồng Xâm có tuổi đời gần 600 năm ghi dấu ấn tinh hoa làng nghề và những điều răn dạy con cháu giữ nghiêm phép nghề.

'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc
'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc

Nội dung của 'Hưng Hóa kí lược' có 12 đề mục, bao gồm đầy đủ nội dung truyền thống của một cuốn địa chí.

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn với chùm thơ về vẻ đẹp đô thị năng động và bao dung, đã được trao giải nhất cuộc thi thơ ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’ năm 2024.

Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh
Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh

Nhà thơ xứ Nghệ Trần Quang Khánh chắt chiu cảm xúc những ngày quân ngũ và những năm dạy học để gửi gắm vào vần điệu chân thành và sâu lắng.

Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái
Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái

Vẻ đẹp núi rừng ở miền tây xứ Nghệ được tác giả Hữu Vi phác họa sinh động và quyến rũ qua tập truyện ngắn ‘Cái chết của bầy ong’.

Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm
Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm

Nhà văn Sơn Nam đã được nhiều tác giả tập trung nghiên cứu, và chuyên luận ‘Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam’ chứng minh rằng ông có thêm một khách tri âm nữa.

Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia
Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia

Học giả Nguyễn Đình Tư ở tuổi 104 được trao giải A của Giải thưởng sách quốc gia 2024 với công trình nghiên cứu về lịch sử đô thị phương Nam.

Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.