Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt

Đại học chi đạo - Thầy Đào Duy Từ - Chim Nhạn và cây thông

Đại học chi đạo - Thầy Đào Duy Từ - Chim Nhạn và cây thông

Tiếng Việt văn Việt Người Việt tiếp tục những nhàn đàm đặc sắc của Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường về ‘Đại học chi đạo’, Thầy Đào Duy Từ, Tồn Chất Nguyễn Công Trứ và Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu.

 
 
Bài liên quan

Người xưa định nghĩa Đại học là cái học để làm Người lớn (đại học giả đại nhân chi học dã); còn nói theo chữ nghĩa bây giờ, thì Đại học là cái học để làm “Con Người viết hoa”. Tri thức Nho từ nghìn năm vẫn gối đầu lên bốn cuốn sách kinh điển (Tứ thư) mà trên cùng là sách Đại học. Bài vỡ lòng để làm Người lớn rất ngắn (chỉ 16 chữ), không xem Đại học là tri thức mà gọi là Đạo (Đại học chi đạo) gồm ba điều cốt yếu là làm sáng đức (minh minh đức) thân với Dân (thân Dân), và đạt tới Chí Thiện (chi ư Chí Thiện). Điều oái oăm rất kỳ thú là ở điều thứ hai: nguyên bản ghi lời Khổng Tử là Thân Dân, nhưng Chu Hy đời Tống giảng rằng “Thân nên đọc là Tân” (Thân đương tác Tân). Vì thế việc giảng sách Đại học tự nhiên chia thành hai học phái; phái Thân dân (thân yêu với dân), và phái Tân dân (làm mới dân).

Thời tôi học Cử nhân Triết ở Đại học Văn khoa Sài Gòn, có hai giáo sư kéo đầu óc tôi về hai phía Dân khác nhau. Thầy Nguyễn Đăng Thục vốn rất đề cao Tâm học của Vương Dương Minh, chủ trương giữ nguyên văn lời Khổng Tử, là thân dân. Theo thầy, phải phát động cái Tâm (yêu thương) trước khi Đổi Mới, còn chỉ đuổi theo cái mới mà không lo tu dưỡng cái gốc thì sẽ tạo ra cơ tâm, vốn là bi kịch của xã hội công nghiệp phương Tây bây giờ (dù rằng cụ Chu Hy là người Tàu chính hiệu). Còn Linh mục Nguyễn Hy Thích (chúng tôi thường gọi là Cha Thích) vốn là Tống Nho từ khuya, thì nhất mực nói theo Chu Hối Am là tân dân. Lý do cũng rất Nho, rằng người quân tử chỉ dành riêng đức thân để thờ cha mẹ (quân tử thân kỳ thân), nói “thân dân” tức coi hàng xóm cũng như cha mẹ, vậy là bất hiếu.

 

Môn Triết Đông phương của tôi rất vui, cứ cụ Thục ra thì cha Thích vào. Tính cha Thích rất cực đoan, thấy chữ Thân Dân của thầy Thục còn trên bảng là cha nổi nóng, dậm chân, đấm ngực, đến nỗi tôi nghe ông Khoa trưởng Nguyễn Huy Bảo định tổ chức một cuộc đối thoại giữa hai nhà, và hình như cụ Thục có ý tránh va chạm.

Bọn sinh viên chúng tôi rốt cuộc được thu lợi, vì như thế là tôi đã học bằng hai quyển sách khác nhau. Tôi vẫn quan niệm rằng người chỉ đọc một cuốn sách rất dễ trở thành kẻ nguy hiểm về mặt tri thức luận.

 

Ngay thời sinh viên đó, tôi đã thấy rằng không có gì đáng là mâu thuẫn trầm trọng giữa hai trường phái theo cách nghĩ của cha Thích, vì như hai mặt của đồng tiền. Thân dân là thể, và tân dân là dụng, của ý niệm dân chủ. Như trong Bình Ngô Đại Cáo, đoạn đầu nói về tội ác của giặc là thân dân; còn “giang sơn từ đây đổi mới” lại là tân dân. Tuy nhiên, bao giờ tôi cũng hào hứng với quan điểm hành động của Chu Hy, cũng như với phong trào Duy Tân đã phải trả giá bằng tù ngục và máu của các vị tiến sĩ Nho học như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp...

Kỷ niệm 40 năm thành lập Viện Đại học Huế, tôi chợt nhiên tâm lĩnh thêm một lần nữa khái niệm “Đại học chi đạo” của thánh hiền đời xưa. Vâng, nếu rời bỏ lý tưởng Tân Dân, để chỉ nhồi nhét một mớ những kiến thức cũ kỹ xơ cứng, những hư văn và những giáo điều... thì trường Đại học đâu phải là nơi học để “làm người lớn”, mà chỉ còn là một trường cấp ba nối dài.

 
 

Nói đến Đào Duy Từ, đời sau thường ngưỡng mộ tài năng quân sự lỗi lạc của ông, nhưng lại lấy làm tiếc rằng tài năng ấy không dùng để chống giặc ngoại xâm, mà chỉ sử dụng trong cuộc nội chiến Trịnh - Nguyễn. Đành rằng việc xây dựng “Định Bắc Trường Thành” trước tiên là để phục vụ cho ý đồ cát cứ của họ Nguyễn ở phương Nam nhưng không phải là không có tác dụng tích cực của nó đối với lịch sử. Vì không thể vượt qua hệ thống chiến lũy này, Trịnh buộc phải đình chiến với Nguyễn, cuộc Nam Bắc tương tàn đã chấm dứt trong khoảng một trăm năm, cứu vãn biết bao xương máu của nhân dân nếu cuộc chiến tranh đánh giáp lá cà vẫn cứ tiếp tục. Mặt khác, yên được ở mặt Bắc, các chúa Nguyễn mới có điều kiện để phát triển về phía Nam, chỉ trong khoảng vài trăm năm đã mở rộng lãnh thổ gần bằng một nửa đất nước của bốn nghìn năm vậy. Vậy thì, nhiều khi một ý đồ xấu lại đưa đến những hệ quả tốt không ngờ được. Và như thế, không chỉ nhìn vào các chiến lũy ở Quảng Bình như một “chứng tích tội ác” thời Trịnh Nguyễn mà quên đi hiệu quả lịch sử tích cực của nó, để từ đó đánh giá đúng sự cống hiến lịch sử của Đào Duy Từ.

Đào Duy Từ chỉ giúp chúa Nguyễn (chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên) trong gần bảy năm, tạo nên hẳn một khu vực Đàng Trong thịnh vượng; đặc biệt là cái nhìn của họ Nguyễn đối với vai trò của Nhật Bản (chứ không phải là với Trung Quốc như chúa Trịnh) trong cuộc giao thương quốc tế đưa đến việc thiết lập thành phố Hội An phồn vinh suốt những thế kỷ tiếp theo.

Lịch sử không nói cụ thể, nhưng chắc chắn Đào Duy Từ đã giữ một vai trò trọng yếu trong việc hoạch định những quyết sách lớn của chúa Nguyễn trong công cuộc phát triển kinh tế Đàng Trong. Trịnh Nguyễn Diễn Chí cho biết: T đó Sãi Vương thường gọi Lộc Khê vào phòng riêng cùng bàn luận sự việc cổ kim, các mưu kế giúp vua yêu nước, dẹp bạo, trừ gian. Có khi suốt cả ngày không mệt chán, vua tôi đều mừng vui bội phần.

Một sự kiện biểu lộ đầu óc kinh tế tiến bộ của Đào Duy Từ, ấy là việc ông đấu tranh bảo vệ quyền tự do thương mại của nhân dân. Chúa Nguyễn hồi ấy vẫn giữ độc quyền Nhà nước về việc thu mua các sản vật quý như hồ tiêu, trầm, kỳ nam, vây cá, yến sào… chở về phố Thanh Hà (Bao Vinh) để xuất khẩu cho thương nhân Trung Quốc và Bồ Đào Nha, “không cho dân địa phương bán riêng” (Phủ Biên Tạp Lục - Lê Quý Đôn). Lệ này đặt ra từ đời Nguyễn Hoàng, cứ thế tiếp tục. Năm ấy nông dân đem sản phẩm đến nộp, và chúa Sãi triệu Đào Duy Từ đến để định giá. Ông mặc áo vải, đội nón lá, lưng buộc giây đay, tay cầm cái cân xênh xang đi vào phủ chúa; quân lính thấy ông ăn mặc như con buôn thì cười ầm lên. Chúa lấy làm lạ, hỏi; ông trả lời:

- Thần chỉ mong chúa thượng khai thác cõi bờ, thu phục lãnh thổ, thực hành đạo bá vương trong thiên hạ. Ngờ đâu chúa thượng lại muốn làm nhà phú hào buôn bán để kiếm lời. Thế thì thần cũng theo ý chúa thượng mà ăn mặc quần áo như người đi buôn, đâu dám chỉnh tề áo mũ?

Chúa Sãi nghe nói có ý tự thẹn, bèn bãi bỏ lệnh độc quyền mua bán từ đó. Không cần nói thêm rằng ông là một nhà văn hóa tâm huyết, ông là tổ của nghệ thuật tuồng và ca nhạc Huế, và là soạn giả của nhiều vở tuồng lớn còn lưu hành cho đến bây giờ; điều ấy ai cũng biết. Bảo rằng Đào Duy Từ đã mang một cái tâm vương đạo của kẻ sĩ ra giúp đời, tưởng không có gì quá sự thật. 

Điều khiến cho mãi đến ngày nay, chúng ta vẫn có lý do để giữ lòng ngưỡng mộ đối với ông, chính là nhân cách kẻ sĩ của Đào Duy Từ. Kẻ sĩ đem tài ra giúp vua, chúa trong sự nghiệp an dân, nhưng không bao giờ xu nịnh, luồn cúi trước quyền lực. Xuất thân từ một kẻ giữ trâu cho nhà giàu ở thôn Tùng Châu (Bình Định), được tiến cử, ông ra Huế gặp chúa Sãi. Chúa mặc áo trắng, đi hia xanh, khoác túi vải đứng chờ ông ở cửa phủ. Người tiến cử ông giục ông đến lạy chào, Đào Duy Từ chỉ cười nhạt. Ông giải thích: “Đấy là tư thế của vương thượng lúc sắp đi dạo chơi với bọn con gái, không phải nghi lễ để tiếp người hiền”. Bèn cứ đứng yên một chỗ mà cười khẽ. Chúa biết ý, liền trở vào sửa sang áo mũ, lên ngồi ở công đường, ông mới chịu vào ra mắt. Như thế đấy, ngay phút đầu tiên tiếp cận với chúa, ông đã khẳng định tư thế của kẻ sĩ đối diện với vương quyền: “Ta muốn đem tâm huyết ra giúp đời, không bao giờ là một kẻ đi xin xiệc”.

Dù được chúa hết sức yêu quý, nhưng không vì thế mà ông trở nên một kẻ nịnh thần, ngược lại Đào Duy Từ khẳng định sự cương trực như một phẩm chất của lương tâm kẻ sĩ, từ đó tự trao cho mình trách nhiệm ngăn chặn những sai lầm của chúa, vì lợi ích của nhân dân. Chúng ta đã thấy phản ứng của Đào Duy Từ chống lại chính sách độc quyền mua bán của nhà dưới những thế hệ đầu của vương triều họ Nguyễn.

Điều đáng lấy làm lạ trong sử sách có biết bao con người đạo đức và nhân cách nổi tiếng, như Chu Văn An, thế mà mỗi một mình Đào Duy Từ còn lưu lại trong khắp nhân gian một danh xưng, là thầy, “Lũy Thầy”. Có phải đâu là để ca ngợi chiến công; chẳng qua dân gian muốn mượn gạch đá trường thành để lưu danh một nhân cách kẻ sĩ. Người ta quên đi tước lộc của ông, quên đi cả tài năng quân sự của ông; chỉ nhớ đến ông như một bậc Thầy của mọi người: Thầy Đào Duy Từ.

 

Trong văn chương Việt Nam, tôi thấy có hai người khác nhau đến độ gặp người này liền phải nghĩ ngay đến người kia, ấy là Tồn Chất Nguyễn Công Trứ và Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Hai người hai thời đại khác nhau, văn chương tính mệnh khác nhau, người này chửi Kiều người kia lại mê Kiều, người này quyết lăn lộn giữa đời, người kia thích vui chơi trong mộng. Họ khác nhau để không thể thiếu nhau, tương khắc tương sinh như âm với dương. Nhưng điều kỳ thú nhất là cả hai đều khởi hành từ cùng một thời điểm khắc nghiệt của hiện hữu, ở thời điểm đó, bỗng nhiên thấy ớn sống đến tận cổ, cả hai đều không còn muốn làm người. Tôi nói thế không phải là quá đáng, bởi có lúc hai cụ từng buột miệng: “Kiếp sau xin chớ làm người”.

Không làm người nữa, thì làm gì bây giờ?

Cụ Tản Đà nói tiếp:

.... Làm con chim nhạn tung trời mà bay

Tuyệt mù bể nước, non, mây

Bụi hồng thăm thẳm như ngày chưa xa.

Vào thời điểm mà cả đến Lưu Nguyễn dẫu còn nhởn nhơ ở Thiên Thai cũng phải bay về trần gấp để còn lo đi bồi dưỡng thêm tiếng Anh và vi tính, bài ca hồng nhạn của cụ Tản Đà nghe ra hơi bị giống cung đàn lạc điệu.

Ấy thế mà tôi đã có nhiều lúc... vâng, những lúc tôi ngồi trên máy bay cúi nhìn xuống thành phố. Thành phố nhìn xuống trông bé tí như trên một sa bàn kiến trúc (với Huế thì giống như một bonsai), ở đó la liệt những thứ mini mà người ta phải tốn công cả một đời, nhiều khi không tiếc cả lương tâm, tình nghĩa, danh dự... để chiếm lấy cho kỳ được, chẳng hạn, nhà đất, mặt tiền, xe hơi, các mẫu mã đời mới đủ loại… lại có cả thằng người li li bút đang múa may hại bạn để dành một cái ghế e chừng còn nhỏ hơn hạt bụi dưới cánh máy bay! Quả là trong con mắt của một sinh vật mà tiếng Tây gọi là terrien (người-sống-trên-mặt-đất), những đồ vật đã trở nên cồng kềnh hơn chính bản thân nó. Từ độ cao vừa một tầm máy bay, khi cảnh vật thoát ra khỏi tính mê hoặc của nhân giới để hiện ra trong ánh sáng của tâm thức, tôi bỗng nhận ra rằng Tản Đà vẫn còn là con người hiện đại, biết nhìn cõi đời trong chiều kích thứ hai của nó, nghĩa là nhìn bằng mắt của con chim nhạn.

Nguyễn Công Trứ lại khác. Cụ nói:

Kiếp sau xin chớ làm người

Làm cây thông đứng giữa trời mà reo

Giữa trời vách đá cheo leo

Ai mà chịu rét thì trèo với thông.

Ai cũng biết, bài thơ này Nguyễn Công Trứ đề trên vạt áo trấn thủ, khi đang làm đại tướng bỗng nhiên bị cách tuột xuống làm lính thú. A, lần đầu tiên con người chịu chơi nhất trần gian này lại bị bắt quả tang đang... chán đời! Nhưng là Nguyễn Công Trứ thì có khác, vừa mới từ nhiệm làm người, liền đứng thẳng lên, tình nguyện làm cây thông! Vâng, cây thông Hồng Lĩnh, trần thân trong bão táp, trong sương giá, vẫn khăng khăng bám chặt vách đá vực thẳm, không ngã gục, không “bỏ chạy”...

 

Ôi, thưa cụ Trứ, cụ quả là đấng gan liền tướng quân! Nghe cụ tuyên bố thôi làm người, ắt nhiều kẻ mừng thầm trong bụng. Hóa ra cụ lại bày trò chơi Ôlempic quá hiện đại, trò thi đấu “trèo thông” để thách thức cuộc đời. Tôi chợt nhớ câu thơ tâm phúc của anh Xuân Sách nghĩ về cụ: “Ngày xưa thông mọc nhiều không nhỉ?”.

Thưa, tôi lại quen thói lan man mất rồi. Bây giờ xin trở lại mối tương quan giữa Tản Đà và Nguyễn Công Trứ: Chim NhạnCây Thông là biểu tượng của hai trường phái tư tưởng cổ điển, gọi là “xuất thế” và "nhập thế”. Theo tôi, con người nhập thế là đầy sức gánh vác, tối cần cho nhân sinh; nhưng nếu chỉ nhập thế thì người ta đâm ra hùng hục, mưu cầu, và ít tránh khỏi bụi lấm. Còn người xuất thế thì có được tầm nhìn xa “ngoài- không-gian”, tâm linh thăng hoa, nhưng lại mang khuyết tật viễn mơ, và tệ hơn nữa, là quẳng gánh cuộc đời lên vai người khác. Thế nên, dám chọn cuộc dấn thân kèm theo một khoảng cách tâm thức để nhìn rõ chân-tướng-sự vật, đấy chính là phương thế hành xử khôn ngoan của trí thức Việt. Chim nhạn động mà là tĩnh, cây thông tĩnh mà là động; biết len lỏi giữa động và tĩnh của thế giới để tạo lập thế thăng bằng cho bản ngã chính là điều mà Nguyễn Trãi đã học và đã dạy: “Động Tĩnh ai nào chẳng có Thầy”. Và như thế, kẻ hậu sinh xin lĩnh hội cả hai cụ Nguyễn.

.

Tin khác

Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 18/04/2024
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 18/04/2024
Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết

Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết

Đại tá Nguyễn Văn Hồng sau 30 năm cầm súng lại có tiếp 30 năm cầm bút, đó là nội dung tọa đàm văn chương diễn ra sáng 12/4 tại TP.HCM.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 12/04/2024
Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác

Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác

Hát trống quân Đức Bác là sự kết hợp giữa lời hát và nhịp điệu, cùng với những khúc hát sôi động xoay quanh các chàng trai Đức Bác và cô đào Phù Ninh.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 11/04/2024
Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ3

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng thường được nhiều người biết đến với tư cách một nhà khoa học nông nghiệp, nhưng ít ai biết ông từng có thơ được in từ thời sinh viên.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 08/04/2024
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rời khỏi dương gian 23 năm, nhưng di sản nghệ thuật của ông vẫn không ngừng lôi cuốn công chúng, trong đó có những đoản văn tự tình.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 31/03/2024
Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’

Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’

Việc ứng xử như sách đã chép ít nhiều thể hiện sự tôn trọng đáng kể, dù 'Thư thất điều' đã khiến vua Khải Định bẽ mặt với quốc dân đồng bào ở trong và ngoài nước lúc đó.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 25/03/2024
Hà Giang hút khách

Hà Giang hút khách

Thị trấn Đồng Văn giờ khác lắm. Cầu trời, năm mười năm nữa, Đồng Văn sẽ không theo bước Tam Đảo, Sa Pa, nhà tầng chất ngất cướp mất dáng núi, thung mây...

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 25/03/2024
Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh

Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh

Trong bài văn tế Phan Châu Trinh, Sào Nam Phan Bội Châu đánh giá 'Thư thất điều đón giá như Tây, uy sấm chớp chẳng kinh cùng chẳng hãi'.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 24/03/2024
Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?

Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?

Hãy phóng to bức hình này lên, sẽ thấy hai cái tên khác nhau: Bên này là đền “Cửa Đặt”, bên kia là chùa “Cửa Đạt”. Đặt và Đạt, có liên hệ/liên quan gì không?

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 18/03/2024
Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'

Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'1

Một người dạy tiếng Việt ở Mỹ, giáo sư Andrea Hoa Pham cho rằng, ngôn ngữ luôn luôn biến đổi, dù muốn hay không cũng không ngăn được thực tế ấy.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 15/03/2024
Cảm nhận một người trẻ tuổi về kháng chiến qua phim Đào, phở và piano

Cảm nhận một người trẻ tuổi về kháng chiến qua phim Đào, phở và piano

Bộ phim đã khiến tôi tò mò và tôi đã tìm hiểu rộng hơn lịch sử đất nước và tinh thần chiến đấu của chiến sĩ, nhân dân ta trong kháng chiến.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 13/03/2024