Chính phủ Đan Mạch vừa đạt được thỏa thuận trên quy mô lớn với giới nông dân, đại diện ngành, nghiệp đoàn lao động và các tổ chức bảo vệ môi trường về chính sách nông nghiệp, nguồn phát thải carbon dioxide (CO2) lớn nhất cả nước.
"Chúng tôi sẽ tiến một bước lớn đến gần hơn mục tiêu khí hậu vào năm 2045", Bộ trưởng tuyên bố, đồng thời ca ngợi Đan Mạch sẽ là "quốc gia đầu tiên trên thế giới thực sự áp thuế CO2 đối với nông nghiệp".
Thỏa thuận này đề xuất đánh thuế nông dân 300 krone Đan Mạch (43,16 USD) cho mỗi tấn CO2 vào năm 2030 và sẽ tăng lên 750 krone vào năm 2035. Tuy nhiên, nông dân sẽ được giảm 60% thuế thu nhập, nghĩa là giá thực tế mỗi tấn CO2 sẽ ở mức 120 krone vào năm 2030 và 300 krone từ năm 2035.
Khoản thuế mới dự kiến sẽ đóng góp rất lớn vào mục tiêu giảm 70% lượng khí thải từ mức năm 1990, cũng như đạt được trung hòa carbon vào cuối thập kỷ này, Bộ trưởng Bruus giải thích.
Điều này được cho là sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến những nông dân chăn nuôi bò sữa, vì một con bò trung bình sản xuất khoảng 6 tấn CO2/năm, trong khi lợn và cừu thải ra ít khí CO2 hơn đáng kể.
Đan Mạch là một quốc gia sản xuất chăn nuôi lớn, với gần 1,5 triệu gia súc, theo số liệu của Cơ quan Thống kê Đan Mạch. Điều đó có nghĩa là chính phủ sẽ thu về hơn 400 triệu USD mỗi năm tiền thuế phát thải khí nhà kính.
Giới nông dân Đan Mạch trước đây lo ngại về việc các mục tiêu về khí hậu của đất nước có thể buộc họ phải giảm sản lượng và cắt giảm việc làm, nhưng nay cho biết thỏa thuận này có thể duy trì hoạt động kinh doanh của họ.
Trên thực tế, kế hoạch này vẫn cần phải chờ Quốc hội Đan Mạch thông qua. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng văn bản này sẽ sớm được thông qua sau khi đã đạt được sự đồng thuận rộng rãi. Trước đó, New Zealand đã tuyên bố hủy kế hoạch áp thuế tương tự trong tháng 6/2024, sau khi vấp phải sự phản đối quyết liệt của nông dân.