Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt

LONG AN - THĂM LẠI CÁNH ĐỒNG TRÀM & DI TÍCH XƯA

Di tích lịch sử Long An và những món ăn dân dã

Di tích lịch sử Long An và những món ăn dân dã

Tôi đã học được rất nhiều trên đồng đất phèn đầy thách thức này. Hãy cùng nhau làm cho Đồng Tháp Mười mãi xanh, và viết tiếp 'bài tình ca thắm tươi'.

Di tích lịch sử Long An và những món ăn dân dã

Nghĩa sĩ Cần Giuộc

Di tích lịch sử Long An và những món ăn dân dã

Tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc được xây dựng trong 3 năm (2012-2015), diện tích 2.200 m2, tại trung tâm thị trấn Cần Giuộc. Tượng đài thể hiện khí phách anh hùng của những nghĩa sĩ nông dân, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Bài liên quan

Cụ Đồ Chiểu sáng tác “Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc” khởi đầu cho dòng thơ văn yêu nước ở miền Tây. Cụ Đồ Chiểu đã xây dựng hình tượng nhân vật, kết hợp nhuần nhuyễn chất trữ tình và tính hiện thực. Ngôn ngữ bình dị, trong sáng, sinh động.

Đêm rằm ngày 16 tháng 12 năm 1861, những nghĩa sĩ (vốn là nông dân), đã dũng cảm tập kích đồn Pháp ở Cần Giuộc. Họ tiêu diệt được một số quân của đối phương và viên tri huyện người Việt đang làm cộng sự cho Pháp. Có khoảng 20 nghĩa binh đã hi sinh. Những tấm gương đó gây niềm xúc động lớn trong nhân dân. Tuần phủ Gia Định là Đỗ Quang khẩn khoản yêu cầu cụ Nguyễn Đình Chiểu làm bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Văn tế được đọc tại buổi truy điệu các nghĩa sĩ đã hi sinh trong trận đánh lịch sử ấy.

Mười năm công vỡ ruộng, chưa ắt còn danh nổi như phao;

Một trận nghĩa đánh Tây, thân tuy mất tiếng vang như mõ…

Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm;

Tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ, mắt chưa từng ngó.

Trận đánh được diễn tả hết sức tài tình

Ngoài cật có một manh áo vải, nào đợi đeo bao tấu bầu ngòi;

Trong tay cầm một ngọn tầm vông, chi nài sắm dao tu nón gõ.

Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia;

Gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ.

Kẻ đâm ngang, người chém dọc, làm cho mã tà ma ní hồn kinh;

Bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu thiếc, tàu đồng súng nổ.

Sống thác theo triết lý dân gian được cụ Đồ Chiểu khái quát bằng câu chữ đầy khí phách:

Thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh;

Hơn còn mà chịu chữ đầu Tây, ở với man di rất khổ…

Ôi! Một trận khói tan; Nghìn năm tiết rỡ!

Thác mà trả nước non rồi nợ, danh thơm đồn sáu tỉnh chúng đều khen;

Thác mà ưng đền miếu để thờ, tiếng ngay trải muôn đời ai cũng mộ.

Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện được trả thù kia;

Sống thờ vua, thác cũng thờ vua, lời dụ dạy đã rành rành, một chữ ấm đủ đền công đó.

Nguyễn Đình Chiểu đã viết văn tế với tiếng khóc bi tráng cho một thời kỳ lịch sử đau thương. Ông đã xây một tượng đài nông dân bất tử vào thế kỷ 19, trước khi có tượng đài hoành tráng cụ thể hôm nay về hình ảnh nghĩa sĩ Cần Giuộc. 

Di tích lịch sử Long An và những món ăn dân dã

Di tích lịch sử ở Long An

Cụm di tích Bình Tả ở xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa là địa điểm di tích lịch sử nỗi bật của nền văn hóa Óc Eo, văn hóa Phù Nam. Di tích có niên đại từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ 7. Quần thể di tích lịch sử này phân bố theo trục lộ, dọc ven sông Vàm Cỏ Đông. Đó là tập họp của Di tích Gò Đồn, Gò Xoài và Gò Năm Tước.

Di tích Gò Đồn thuộc loại hình kiến trúc đền tháp. Vật liệu chủ yếu là gạch đá. Toàn bộ di tích trước khi khai quật đều nằm trong lòng đất 0,4 m. Nhiều hiện vật bằng đá có giá trị như tượng thần Dravapala (thần giữ đền), đầu tượng thần Ganesha, di vật phồn thực Linga, Yoni, máng dẫn nước thiêng (Somasutra), bàn nghiền hương liệu (Pesani), mi cửa chạm trỗ hoa văn thực vật, trụ đá chạm hoa văn thực vật và nhiều đồ cổ quý giá khác.

Di tích Gò Xoài nằm ở độ sâu 1,70 -1,90 m. Giả thuyết cho rằng đây là nơi hành lễ của dân Phù Nam. Ðặc biệt trong bộ sưu tập 26 hiện vật bằng vàng phát hiện ở Gò Xoài, có một bản chữ Phạn cổ. Chữ được khắc trên một lá vàng mỏng. Có thể là kinh Phật. Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra rất nhiều hiện vật có giá trị văn hóa, lịch sử.

Di tích Gò Năm Tước thuộc loại hình kiến trúc bằng gạch kiên cố. Giả thuyết cho rằng đây là đền thờ Ấn Độ giáo của người Phù Nam đã bị sụp đỗ.

Di tích lịch sử Long An và những món ăn dân dã

Cụm di tích này tuy được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia (5/9/1989), nhưng bị bỏ hoang và xuống cấp nghiêm trọng. Hàng trăm hiện vật đang được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Long An. Diện tích di tích được bảo tồn ở Gò Đồn là 7.000 m2, Gò Xoài 2.000 m2 và Gò Năm Tước 1.000 m2.

Di tích Gò Tháp có diện tích 320 ha thuộc tỉnh Đồng Tháp. Di tích nằm trên hai xã Mỹ Hòa và Tân Kiều, huyện Tháp Mười. Khu trung tâm được gọi là Gò Tháp hay Gò Cát nổi. Đây là nơi bảo tồn văn hóa Phù Nam. Di tích trưng bày ngoài trời có mái che tránh nắng. Khu di tích có nhiều cổ thụ tỏa bóng mát, làm đẹp cảnh quan. Khu văn hóa lễ hội có diện tích 30 ha. Còn lại là chùa Tháp Mười Cổ Tự, đền thờ Thiên Hộ Dương và Đốc Binh Kiều, Miếu Bà Chúa Xứ.

“Gò Tháp” cao hơn mặt ruộng 3,8 m; cao trình so mực nước biển là 5 mét. Diện tích 4.500 m2. Malleret (1944) đã phát hiện Gò Tháp có 3 cột lớn bằng đá hoa cương, mặt cắt ngang hình vuông. Cạnh 0,48 m. Cột dài 1,56 m, 1,10 m và 1,42 m. Nhiều mẫu gạch và khối đá lớn cũng được thu thập. Sau 1975, các nhà khảo cổ học Việt Nam tìm thấy nhiều chi tiết về cấu trúc nền của di tích Vương Quốc Phù Nam. Kiến trúc gạch dài 17,30 m theo hướng Đông - Tây, rộng 12 m (Bắc - Nam). Cạnh bẻ góc, đối xứng hai phần Bắc – Nam. Như vậy kiến trúc khá quy mô và có liên quan đến nhiều kiến trúc khác xung quanh. Di vật gồm những mảnh gốm, bình ấm có vòi, mảnh vỡ của Yoni, tượng Vishnu. Có hai tượng Vishnu rất đẹp, tuy không nguyên vẹn. Văn bia ở thế kỷ thứ 5 cho biết, đây là vùng đầm lầy được chinh phục bởi vua Phù Nam Jayavarman. Người cai quản là con trai vua, hoàng tử Gunavarman. Nhiều cây cổ thụ hàng trăm tuổi mọc trên gò. Cây Trôm cổ thụ (Sterculia foetida, họ Sterculiaceae) được công nhận là cây di sản Việt Nam. Khu di tích Gò Tháp là một trong 34 di tích quốc gia đặc biệt. Nên nhớ, Gò Tháp là một trong hai di tích lịch sử và khảo cổ quan trọng của Việt Nam (Hoàng Thành Thăng Long và Gò Tháp).

Tổng thể di tích và di vật phản ánh quá trình định cư, hoạt động kinh tế, văn hóa, tôn giáo, các mối quan hệ giao lưu, trong một thời gian dài khoảng 10 thế kỷ. Trong môi trường sinh thái “bưng biền Đồng Tháp” người xưa đã xây dựng cảnh quan với kiến trúc đền thờ, tháp mộ trên các gò phù sa cổ, xây dựng nhà sàn cư trú ở địa hình thấp xung quanh. Họ khai thác nhiều loài động - thực vật nơi đầm lầy để sinh sống, trong đó có loài lúa ma hay lúa trời Oryza rufipogon, Oryza nivara, trôi nổi trên mặt nước. Họ đã cải tạo vùng đất trũng để trồng lúa mùa bản địa. Quá trình này để lại dấu tích người xưa ở đây trong một thời gian rất dài, hơn bảy thế kỷ. Khu vực Gò Tháp còn gắn liền với “thị cảng” Óc Eo - Ba Thê. Nó đã trở thành một trung tâm lớn thể hiện sự gắn bó giữa đời sống xã hội và sự phát triển của tôn giáo. Nó được thể hiện qua đỉnh cao của kiến trúc và điêu khác Hindou, Phật giáo, vào thế kỷ thứ 6 đến thứ 8.

Di tích lịch sử Long An và những món ăn dân dã
Di tích lịch sử Long An và những món ăn dân dã

Món ăn dân dã để nhớ Đồng Tháp Mười, Long An

Bún Xiêm Lo: tôi và đồng nghiệp ở Trung tâm ĐTM thường cùng nhau ăn bún Xiêm Lo vào sáng sớm ở chợ Mộc Hóa, mỗi khi thăm thí nghiệm giống lúa chịu phèn. Đây là ẩm thực của người Khmer Nam Bộ có cải biên chút ít bởi người Kinh. Cá lóc to, sống ở lung phèn là bí quyết của món ngon bình dân này. Đầu cá và bộ đồ lòng được mang đi luộc. Thịt cá quết làm chả, vo viên tròn. Tất cả cho vào nồi nước, bao gồm củ nghệ tươi băm nhuyễn, thêm nước mắm, bột nêm. Nước lèo như vậy có mùi thơm của cá lóc và nghệ tươi, với vị ngọt tự nhiên. Sợi bún chế biến thủ công theo cách thức của người Khmer có đặc điểm nhuyễn và dai. Bún được cho vào tô. Nước lèo được chế ngập mặt. Thức ăn kèm là đầu cá và bộ độ lòng để riêng. Chén muối ớt (muối hột đâm với ớt đỏ) thay cho nước mắm. Đặc biệt không thể thiếu món “kèo nèo”. Cây kèo nèo mọc hoang trong ruộng nước, tên khoa học là Limnocharis flava. Tên khác là “nê thảo, tai tượng, cù nèo”. Thân kèo nèo có vị ngọt, pha chát, hơi đắng. Người Nam Bộ thường ăn sống hoặc nấu canh. Kèo nèo rất hợp với món Xiêm Lo. Người ta xắt nhỏ để trong chén riêng. Khi ăn trộn kèo nèo vào tô bún. Món ngon không lẫn với bất cứ món nào khác ở miền Tây. Đồng nghiệp tôi không ăn được đầu cá và bộ đồ lòng. Tôi luôn hoàn thành nhiệm vụ “ăn giúp” món khoái khẩu ấy.

Di tích lịch sử Long An và những món ăn dân dã

Khô cá lóc Vĩnh Hưng: Lần nào về thăm Trung tâm, anh Mỹ (tài xế) đều tìm giúp tôi khô cá lóc Vĩnh Hưng được chế biến rất độc đáo, trở thành đặc sản. Khô mềm, vừa ăn, không quá mặn. Phải trữ tủ lạnh đông để tránh bị mốc. Sau này, cá lóc đồng tự nhiên ở lung phèn giảm gần. Ngoài chợ, chỉ có cá lóc nuôi trong ao, bằng thức ăn chế biến, thịt khá tanh. Chất lượng khô cá lóc Vĩnh Hưng không còn như xưa.

Mắm chua cá lia thia: là món đặc sản của Đức Huệ, của vùng bưng biền trong khu Mõ Vẹt. Nguồn cá lia thia (Betta splendens) phong phú vì đồng bưng của Đông Thạnh, Mỹ Thạnh Tây nằm giáp ranh xứ Chùa Tháp. Lia thia không bắt được mà phải dùng phương pháp truyền thống “dậm cá”. Đạp bằng chân, bao vây dồn cá vào miệng thúng. Lia thia thích nghi với lung phèn chua có nhiều cỏ năng. Mùa cá lia thia từ tháng Mười âm lịch đến tháng Tư âm lịch năm sau. Cá được chà sạch vẩy, bóp ruột, mật ra, để mắm không bị đắng. Từ khi cho muối vào tới thành mắm, thời gian mất 28 ngày. Mắm cá được vớt ra. Cho “thính”  trộn với “gia vị” vào hũ. “Thính” thường là cơm phơi khô, rang vàng, xay nhuyễn. Màu hồng đỏ của mắm do tỷ lệ thính quyết định. Cho thêm đường vừa phải, “cốt” sẽ mau chua, không quá ngọt.

Di tích lịch sử Long An và những món ăn dân dã

Cà cuống (Belestoma indica hay Lethocerus indicus, bộ Hemiptera) là loài côn trùng sống dưới nước. Chúng đã gần như tuyệt chủng ở Việt Nam. Tôi tìm thấy chúng còn hiện diện ở các lung đìa vùng Đức Huệ, dọc biên giới với Campuchia. Tinh dầu cà cuống có mùi thơm như quế, rất đặc biệt. Tôi đã thưởng thức món cà cuống, khi du lịch xứ Chùa Tháp. Ngành du lịch Việt Nam không nên khai thác cà cuống làm thực phẩm cho du khách, để bảo tồn loài côn trùng quý hiếm này.

Nhiều lần tôi cùng đồng nghiệp đi dọc theo kênh Dương Văn Dương, con kênh đẹp và lớn nhất chảy qua địa bàn huyện Tân Thạnh. Kênh chạy song song với kênh Nguyễn Văn Tiếp, đóng vai trò dẫn nước rửa phèn. Kênh mang tên Thiếu tướng Dương Văn Dương (1900-1946), thủ lĩnh của quân đội Bình Xuyên trong kháng chiến chống Pháp. Ông sinh quán ở Bến Tre, nhưng lên Sài Gòn làm ăn từ nhỏ. Năm 1946, ông chỉ huy quân đội Bình Xuyên vượt Rừng Sác về Bến Tre cứu nguy cho mặt trận An Hóa. Cuộc chiến diễn ra quyết liệt. Ông bị máy bay Pháp bắn chết tại Hồ Sen, xã Bình Thành, Giồng Trôm. Tướng quân lang bạc một thời, nay về quê thọ tử ở tuổi 46. “Con kênh xanh xanh” của nhạc sĩ Ngô Huỳnh được sáng tác vào năm 1949 đã trở thành bài ca đi cùng năm tháng, mô tả con kênh mang tên anh hùng Dương Văn Dương. Kênh chảy qua lung phèn Đồng Tháp Mười, chở đầy thơ và nhạc.

Di tích lịch sử Long An và những món ăn dân dã

Thuyền ai lướt qua hàng chuối với bờ kênh,

Thuyền ai lướt qua bông lúa thướt tha,

Tiếng ai hò khoan vẳng đưa những câu tình ca.

Ngã nghiêng hàng tràm vang hòa tiếng hò xa xa.

Chiến khu bừng vui ấm bao lòng dân quê tôi,

Tiếng ai giã bàng nhịp nhàng như tiếng lòng tôi...

“Con kênh xanh xanh những chiều êm ả lướt trôi,

Bên nhau ta xây trọn bài tình ca thắm tươi”.

Long An có những con người trung dũng, kiên cường đã đi vào lịch sử hào hùng. Có rừng tràm xanh trải dài bất tận, đang kêu gọi bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn tài nguyên than bùn. Có vùng khóm Lương Hòa, Bến Lức nơi tôi làm đề tài khoa học đầu tiên để tốt nghiệp Đại học. Có dấu ấn của Võ Văn Kiệt trong chinh phục Đồng Tháp Mười. Có dấu chân của biết bao đồng nghiệp trong quá trình chinh phục hết sức gian khổ trên lung phèn chua, bị nhiễm mặn vào mùa khô hạn. Xin cám ơn tất cả. Tôi đã học được rất nhiều trên đồng đất phèn đầy thách thức ấy. Hãy cùng nhau làm cho Đồng Tháp Mười mãi xanh, và viết tiếp “bài tình ca thắm tươi”.

Di tích lịch sử Long An và những món ăn dân dã

(Tổng hợp các tư liệu cũ và hiệu đính bài viết này vào ngày 2 tháng 7 năm 2021)

Chúng tôi trân trọng cám ơn sự hợp tác rất hiệu quả của những tiền bối và bạn bè thân thiết ở Long An:

- Bác Hai Hữu (Dương Văn Hữu), nông dân Thủ Thừa, Anh hùng lao động, người chọn giống nếp ở Láng Cò.

- Anh Mười Nghiệp (Nguyễn Thành Nghiệp), GĐ Trung tâm khuyến nông, cùng nhau lặn lội xây dựng lúa Nàng Thơm Chợ Đào đặc sản và du nhập giống KDML105 trồng thử tại Long An; kế tục là anh Mười Tùng (Nguyễn Thanh Tùng), anh Trịnh Quốc Việt, Trung tâm giống, để làm nên bộ giống lúa cao sản, lúa nếp cho vùng phèn mặn của Long An.

- Vợ chồng anh chị Nguyễn Đình Phú, công ty giống; vợ chồng anh chị Trần Hữu Khương, Chi cục Bảo vệ Thực vật

- Anh Nguyễn Sơn Nam, GĐ Sở NN-PTNT; chị Đính, PGĐ; anh Tư Ca, lãnh đạo tỉnh, cùng đồng hành vào những thời điểm cơ cực nhất của Long An.

- Các đồng nghiệp ở Trung Tâm nghiên cứu nông nghiệp Đồng Tháp Mười, Vĩnh Hưng

- Các doanh nghiệp chế biến gạo xuất khẩu như công ty Công Bình, công ty Bảo Đài… và nhiều đồng nghiệp ở huyện Tân Trụ, Cần Giuộc.

- Anh Trần Cảnh Thu, GĐ Ty Nông nghiệp; anh Hai Phước, kiểm sự về lúa gạo, giúp đoàn sinh viên chúng tôi thực tập hè 1973.

GS Bùi Chí Bửu

Tin khác

Tác giả trẻ có một ‘dị bản’ được trao giải thưởng văn học

Tác giả trẻ có một ‘dị bản’ được trao giải thưởng văn học

Tác giả trẻ Nguyễn Đinh Khoa với truyện dài ‘Dị bản’ vừa được Hội Nhà văn TP.HCM trao giải thưởng văn học dành cho các cây bút dưới 40 tuổi.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 16/01/2025
‘Minh đạo sách’ trong ý thức sáng tạo của một người trẻ

‘Minh đạo sách’ trong ý thức sáng tạo của một người trẻ

‘Minh đạo sách’ là tác phẩm mới của nhà thơ Khúc Hồng Thiện, vừa được Nhà xuất bản Nghệ An ấn hành, mang nhiều suy tư về tinh thần văn hóa Việt.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 15/01/2025
‘Linh khí quốc gia’ góp một ý tưởng cho bài ca giữ nước

‘Linh khí quốc gia’ góp một ý tưởng cho bài ca giữ nước

‘Linh khí quốc gia’ là ý tưởng được đại tá Trần Thế Tuyển viết thành trường ca, nhằm kêu gọi hành động thiết thực cho những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 10/01/2025
Có 3 vua Quang Trung giả sang mừng thọ vua Càn Long 80 tuổi năm 1790?

Có 3 vua Quang Trung giả sang mừng thọ vua Càn Long 80 tuổi năm 1790?

Cuốn sách 'Danh nhân Phan Huy Ích (1751 – 1822)' do Nguyễn Tuấn Cường- Đỗ Thị Bích Tuyển (chủ biên) phát hiện thêm 2 vua Quang Trung giả trong chuyến mừng thọ vua Càn Long.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 09/01/2025
Nợ đời - tập truyện và ký gây nhiều suy nghĩ

Nợ đời - tập truyện và ký gây nhiều suy nghĩ

Trong cuốn 'Nợ đời' Lê Chín còn in những bài viết chân dung, ca ngợi những người tài, những người giàu nhiệt huyết mà tác giả ngưỡng mộ, quý mến.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 07/01/2025
Tác giả trẻ có tiểu thuyết lịch sử được xuất bản tại Ý

Tác giả trẻ có tiểu thuyết lịch sử được xuất bản tại Ý

Tác giả trẻ Võ Chí Nhất vừa có tiểu thuyết lịch sử ‘Hoàng cung’ được Nhà xuất bản Fiori D'asia Editrice dịch và in tại Ý, với nhan đề ‘Palazzo reale di Thang Long’.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 04/01/2025
Có một người tu hành như thế

Có một người tu hành như thế

Nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài: 'Có một người đã tu hành như thế và đã truyền cảm hứng sống tốt lành đến nhiều người'.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 03/01/2025
Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca

Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca

Lục bát thiền là nét đặc trưng cơ bản được tác giả Trần Lê Khánh chắt chiu thể hiện qua tập thơ ‘Đồng’ do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 02/01/2025
Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh

Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh

Hai người họ Tô là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Tô Quyền và Nghệ sĩ Nhân dân Tô Lan Phương xuất hiện trong ‘Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh’.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 26/12/2024
Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?

Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?

Nhà văn Y Ban tiếp tục khẳng định một giọng nữ đặc sắc trong đời sống văn chương Việt Nam, bằng tập truyện ngắn có tên gọi ‘Trên đỉnh giời’.   

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 23/12/2024
Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước

Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước

Cựu chiến binh Trần Trí Thông gửi gắm niềm riêng qua trường ca ‘Mặt trận gần phía trước’ phát hành đúng dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 21/12/2024
Nhà văn Anh Đức trong ký ức đồng nghiệp thế hệ sau

Nhà văn Anh Đức trong ký ức đồng nghiệp thế hệ sau

Nhà văn Anh Đức được hậu sinh nhắc đến một cách trân trọng tại hội thảo kỷ niệm 10 năm ông qua đời, vừa tổ chức sáng 18/12 ở TP.HCM.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 18/12/2024