Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt

LONG AN – THĂM LẠI CÁNH ĐỒNG TRÀM & DI TÍCH XƯA

Cánh đồng tràm ký ức

Cánh đồng tràm ký ức

Giữa cánh đồng tràm mênh mông, những tán lá rừng tràm xanh ngả nghiêng, nổi sóng đến tận chân trời, theo những cơn lốc xoáy, chỉ còn là ký ức. Thiên ký sự về miền quê Long An của GS nông học Bùi Chí Bửu.

Gió Tháp Mười đã thổi, thổi rất sâu.

Có nỗi thương đau, có niềm hy vọng.

Bầu trời thì cao mà cánh đồng thì rộng.

Hương tràm bên em mà anh đi đâu?

(Thuận Yến, Đi trong hương tràm)

Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Đồng Tháp Mười nằm ở huyện Vĩnh Hưng, Long An. Trung tâm có nhiệm vụ nghiên cứu lúa chịu phèn trong hệ sinh thái Đồng Tháp Mười. Năm 2006-2018, tôi trở lại Trung tâm, cùng đồng nghiệp nghiên cứu lúa, sau thời kỳ khó khăn của thập niên 1980. Bây giờ đi lại bằng xe hơi ngon lành.

Bài liên quan

Trước đây, tôi phải đi “đò dọc” từ Tân Thạnh vô Mộc Hóa, giữa cánh đồng tràm mênh mông. Những tán lá rừng tràm xanh ngả nghiêng, nổi sóng đến tận chân trời, theo những cơn lốc xoáy, chỉ còn là ký ức. Mưa giông kèm theo sấm chớp và những tiếng nổ long trời, làm rừng tràm bốc khói, nhưng không gây cháy lớn như mùa khô. Tôi từng trú mưa trong những căn chòi lá trên đồng năng. Đói, lạnh và lo sợ vu vơ về sức mạnh siêu nhiên trên cánh đồng nước vắng người ấy. Mùi bùn của lung phèn, đồng cỏ năng, bờ kênh xáng cạp với than bùn lẫn lộn trong đất sét màu mỡ gà, đi xa vẫn nhớ.

Tôi có dịp được đến Đồng Tháp Mười từ năm 1977-1978. Khởi hành từ Gồng Găng, Gáo Giồng, Láng Biển (Đồng Tháp), về Tam Nông, rồi vô Mộc Hóa, đi dọc theo bờ kênh Nguyễn Văn Tiếp của Tiền Giang. Đến chùa Phật Đá (Phú Mỹ), từ đây, chúng tôi tiếp tục vô vùng đất trũng phèn Long An ở Tân Thạnh và Thạnh Hóa ngày nay. Mục đích là điều tra thu thập lúa bản địa, lúa hoang. Hồi xưa ở đây hoang sơ lắm, dân sống rải rác ven bìa rừng tràm, sạ lúa Trường Hưng. Sáu tháng nước nổi, cả vùng ngập chìm trong biển nước. Có nơi ngập sâu tới 3-4 mét. Ai đã xem phim “Mùa Len Trâu” và “Cánh Đồng Hoang” mới hiểu nỗi khổ cực của người địa phương. Mùa khô hạn rất khắc nghiệt, da người khét cháy vì nắng, đất phèn đỏ quạch, nước đồng cỏ năng trong vắt. Khát đến cháy cổ mà không dám uống vũng nước ấy. Nhà nào cũng có lu, khạp dự trữ nước mưa. Tôi đã thấy trăn rừng khá nhiều. Chúng quấn tròn trên cây tràm hoặc trâm bầu. Rắn hổ đất đen thui, ở bụi cỏ cao, hoặc cuộn tròn trong những ổ rơm nuôi vịt chạy đồng. Thấy phát ngán! Tôi chợt nhớ mấy câu thơ của Thanh Tịnh:

Và giữa ngàn linh, rừng thẳm bao la

Đàn trăn lục lươm mồi trên nước bạc”.

Đỉa ở dưới kênh đào hoặc ở vũng trâu nằm nhiều vô số. Tôi nhớ trận lụt dữ dội năm 1978 đã nhấn chìm mọi hy vọng của những người đi khai hoang. Không khổ nào bằng!

Tiếng cuốc canh trường kêu khắc khoải,

Đồng hoang vời vợi bóng trăng soi.

(Nguyễn Bính, thơ Đồng Tháp Mười, 1949)

Long An: Thăm lại cánh đồng tràm ký ức

Đồng Tháp Mười (huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An)

Đồng Tháp Mười là vùng đất trũng thấp. Diện tích 697.000 ha. Đồng Tháp Mười nằm trên địa phận của ba tỉnh Đồng Tháp (239.000 ha), Tiền Giang (92.500 ha) và Long An (299.000 ha). Trung Tâm nghiên cứu nông nghiệp Đồng Tháp Mười ra đời trong những năm nhà nước chinh phục vùng đất trũng phèn này. Tình cảnh bấy giờ rất khó khăn. Nhất là phương tiện giao thông đi lại để tiếp cận với chợ búa bên ngoài vùng.

Tiến sĩ Melforw (chuyên gia về đất phèn của Hà Lan) từng cảnh báo: “Muốn xử lý 1 ha đất phèn phải tốn cả triệu USD”. Đoàn cán bộ khoa học đất Hà Lan lúc đó (chương trình VH), đều phản đối việc phát triển canh tác lúa ở đây. Chuyên gia địa chất Liên Xô vào Láng Biển lấy mẫu đất, mẫu cỏ, về phân tích rồi kết luận: “Đồng Tháp Mười không thể trồng lúa!”. Tôi đã tra cứu các tư liệu của người Pháp ở thư viện Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam. Giống như vậy, họ kết luận không thể làm đường giao thông vào Đồng Tháp Mười; không thể canh tác lúa trong vùng rừng tràm bán ngập nước. Không ngờ người Việt Nam ngày nay đã chinh phục thành công cánh đồng phèn chó ngáp này. Sản xuất lúa có 350.000 ha diện tích canh tác, đạt xấp xỉ gần 700 nghìn ha diện tích gieo trồng, đóng góp 20% lượng gạo xuất khẩu của đồng bằng sông Cửu Long. Người dân Đồng Tháp Mười xem đó là “Dấu ấn Võ Văn Kiệt” trong công cuộc chinh phục Đồng Tháp Mười, hay “cánh đồng cây sậy” theo cách gọi của quốc tế “plain of reeds”. Một sự đột phá táo bạo, với tầm nhìn khoa học và lòng quyết tâm cao trong công cuộc phát triển Đồng Tháp Mười. Tuy vậy, phát triển phải gắn liền với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, duy trì sự đa dạng sinh học. Đó là nguyên tắc.

Hệ thống kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng dài 45 km xuyên qua Đồng Tháp Mười, là yếu tố mang tính quyết định. Nó khai thác hợp lý tài nguyên nước ngọt của sông Tiền đổ vào sông Vàm Cỏ Tây. Khái niệm “rửa phèn” bằng nước ngọt là chìa khóa của sự chinh phục này. Trong đó, phần chạy qua tỉnh Đồng Tháp dài 24 km, còn lại chủ yếu phục vụ tỉnh Long An. Đây được xem là con kênh dài nhất, lớn nhất được con người đào thủ công vào sau năm 1978. Dân đặt tên là "kênh Trung ương". Các nhà khoa học đóng góp vào công trình chinh phục Đồng Tháp Mười đã sát cánh bên nhau, dưới sự chỉ huy của “tổng công trình sư Võ Văn Kiệt”. Công trình kéo dài hơn 30 năm.

 

Ai trông lên đó mà trông,

Mênh mông Đồng Tháp, mênh mông mùa vàng.

Bưng biền, kênh rạch dọc ngang,

Dòng sông Hồng Ngự mỡ màng phù sa.

Nắng thơm tràm gió la đà,

Mát con lộ đỏ, thướt tha bạch đàn.

(Tố Hữu, thơ Đồng Tháp Mười 1992)

Đồng Tháp Mười được kiến tạo trên hai đơn vị trầm tích Pleistocen và Halocen. Quá trình hoàn tất của Đồng Tháp Mười xảy ra sau thời kỳ “hậu Pleistocen”, khoảng 8.000 năm trước đây. Nó để lại dấu tích của đất gò và giồng cát phù sa cổ, xen lẫn với lớp đất phù sa mới bồi lắng trên đồng. Đất phèn rất giàu hữu cơ được hình thành trong vùng trũng ấy, với mức độ phèn nặng, trung bình và nhẹ. Hệ sinh thái rừng tràm (Melaleuca spp.) lung phèn ngập nước là chủ lực. Rừng tràm nguyên sinh mà tôi đã chứng kiến năm 1978 tại Gáo Giồng nay rất hiếm. Phần lớn là rừng tràm tái sinh hoặc rừng trồng mới. Hệ sinh thái đồng cỏ ngập nước theo mùa cũng hết sức đặc trưng. Quần thể đồng cỏ ngập nước chủ yếu là cỏ năng (Eleocharis sp.), cỏ ống (Panicum repens), cỏ mồm (Ischaemum sp.), cỏ lác (Cyperus sp.). Điểm nhấn đặc sắc của vùng là quần thể sen, súng hết sức đa dạng về màu sắc và cách thức sinh trưởng. Nét đẹp của đầm sen, súng giữa Đồng Tháp Mười luôn thu hút khách du lịch mọi miền. Đồng cỏ bàng Lepironia articulata thường mọc ở vùng đất ngập nước phèn chua, nhiễm mặn. Làng dệt chiếu truyền thống thường ở gần đó.

Anh giăng câu em giã bàng đan nón,

Tiếng bịp chiều nhớ bông súng mắm kho.

(Lê Kim Lực, Tiền Giang quê tôi)

 

Vợ chồng tôi đến “Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen”, diện tích 5.030 ha để khảo nghiệm mô hình lúa nổi, giống Chệt Cụt. Đây được xem như một công viên đặc trưng cho kiểu đầm lầy ngập nước thuộc Long An. Khu bảo tồn có 156 loài thực vật hoang dã thuộc 60 họ; 149 loài động vật có xương sống thuộc 46 họ. Trong đó, có 13 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam. Các loài thủy sản trên sông rạch, lung, trấp khá phong phú, với 11 loài động vật đáy. Tôi có điều kiện đến “Vườn quốc gia Tràm Chim” nhiều lần để khảo sát lúa hoang với các nhà khoa học Nhật Bản, Anh Quốc. Vườn quốc gia nằm ở Tam Nông, Đồng Tháp. Tràm Chim là một khu đất ngập nước, thuộc hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam. Sếu đầu đỏ là một loài chim cực kỳ quý hiếm (trong sách đỏ) là niềm tự hào của người quản lý Tràm Chim. Giờ sếu không còn về nữa. 

Long An: Thăm lại cánh đồng tràm ký ức

Con đường nối từ thành phố Tân An chạy vào Tân Thạnh, thị trấn Kiến Tường là công trình lịch sử đầy ấn tượng của công cuộc chinh phục Đồng Tháp Mười. Thoạt tiên, bạn bè quốc tế không tin rằng chúng ta có thể làm được con được dài xuyên qua lung tràm ấy. Bởi vì độ lún của địa chất công trình là một thách thức ghê gớm. Cung đường này nếu tính luôn đến Vĩnh Hưng dài gần 100 km. Hồi mới làm xong bằng đất đỏ, chúng tôi không dám đi ô tô từ Tân Thạnh về Mộc Hóa khi trời mưa lớn, vì đất sét quyện với đá đỏ làm trơn trợt, xe dễ bị lật xuống sông. Bây giờ, hệ thống đường giao thông của Đồng Tháp Mười được xây dựng dọc ngang, ngoài sức tưởng tượng. Thỉnh thoảng tôi vẫn bị lạc đường bởi quá nhiều con lộ mới, rợp bóng keo lá tràm hay bạch đàn. Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam chủ trương quản lý bảo tồn in situ khu nghiên cứu đất phèn Tân Lập (Mộc Hóa), nhưng không thành. Đề tài nghiên cứu giống lúa chống chịu thiếu lân, trong đất phèn được tiến hành ở đây, rồi tiếp tục khai thác vật liệu AS996 ở Nhật Bản. Mục đích: giải thích bản chất di truyền của tính trạng chống chịu thiếu lân và tạo giống lúa chịu phèn.

Rừng Tràm Tân Lập thuộc huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An

Rừng Tràm Tân Lập” nổi tiếng được kết hợp với du lịch khá tốt. Vùng đất ngập nước hoang sơ này thuộc huyện Mộc Hóa, Long An, gần biên giới Campuchia. Rừng tạo nên một mảng xanh bao la, có kênh rạch đan xen chằng chịt, thuộc hệ sông Vàm Cỏ Tây. Tôi sửng sốt trước những cây tràm cổ thụ, các đầm sen súng mọc tự nhiên, quần thể đa dạng của lớp chim, cá, lưỡng cư đặc hữu. Tất cả đã tạo nên hệ sinh thái hết sức đa dạng. Người ta đầu tư một con đường đi bộ xuyên rừng tràm khoảng 5 km, với lời quảng cáo “con đường xuyên rừng ngập nước dài nhất” Việt Nam. Diện tích rừng 135 ha, cộng với vùng đệm rộng 500 ha. Cảnh quan tuyệt vời!

Long An: Thăm lại cánh đồng tràm ký ức
Long An: Thăm lại cánh đồng tràm ký ức

Trung tâm nghiên cứu “bảo tồn và phát triển dược liệu” Đồng Tháp Mười cách Tân An khoảng 50 km, nằm trên các huyện Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Thạnh Hóa và Tân Thạnh. Đây là khu du lịch sinh thái đặc trưng của miền Tây. Có khu rừng “tràm gió” nguyên sinh duy nhất tại Việt Nam. Có vùng lõi của vùng Đồng Tháp Mười, với khu rừng rộng hơn 1.000 ha (xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa). Sinh thái của “vùng phèn nước nổi” này hiện bảo tồn 83 loài thực vật, 8 loài động vật có dược tính quý, và nhiều đầm sen hồng, sen trắng đẹp lộng lẫy. Hệ động vật đặc trưng của Đồng Tháp Mười như cò, diệc, giang sen, cồng cộc, sếu đều có mặt.

Rừng tràm tự nhiên và rừng trồng ở Long An chủ yếu tập trung ở các huyện: Tân Hưng, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Thạnh Hóa, Đức Hòa và Đức Huệ. Trước đây, cây tràm được dùng làm cừ xây dựng và chất đốt. Nay việc xây dựng cũng như đun nấu được thay thế bằng vật liệu khác. Cây tràm xuống ngôi. Một hecta tràm 5 - 6 năm tuổi cho thu nhập 25 - 30 triệu đồng. Nếu chuyển qua trồng lúa, có thể cho lợi nhuận 10 - 20 triệu đồng/ha/vụ. Vùng đất nhiễm phèn nặng, khó canh tác lúa, mới được nông dân quyết định trồng tràm. Cháy rừng do biến đổi khí hậu và việc gác kèo ong bất cẩn, cũng là thách thức lớn trong quản lý tràm. Diện tích rừng tràm liên tục giảm. Rất đáng lo cho vùng sinh thái Đồng Tháp Mười! (Còn nữa)

GS Bùi Chí Bửu

Tin khác

Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 18/04/2024
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 18/04/2024
Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết

Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết

Đại tá Nguyễn Văn Hồng sau 30 năm cầm súng lại có tiếp 30 năm cầm bút, đó là nội dung tọa đàm văn chương diễn ra sáng 12/4 tại TP.HCM.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 12/04/2024
Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác

Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác

Hát trống quân Đức Bác là sự kết hợp giữa lời hát và nhịp điệu, cùng với những khúc hát sôi động xoay quanh các chàng trai Đức Bác và cô đào Phù Ninh.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 11/04/2024
Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ3

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng thường được nhiều người biết đến với tư cách một nhà khoa học nông nghiệp, nhưng ít ai biết ông từng có thơ được in từ thời sinh viên.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 08/04/2024
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rời khỏi dương gian 23 năm, nhưng di sản nghệ thuật của ông vẫn không ngừng lôi cuốn công chúng, trong đó có những đoản văn tự tình.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 31/03/2024
Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’

Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’

Việc ứng xử như sách đã chép ít nhiều thể hiện sự tôn trọng đáng kể, dù 'Thư thất điều' đã khiến vua Khải Định bẽ mặt với quốc dân đồng bào ở trong và ngoài nước lúc đó.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 25/03/2024
Hà Giang hút khách

Hà Giang hút khách

Thị trấn Đồng Văn giờ khác lắm. Cầu trời, năm mười năm nữa, Đồng Văn sẽ không theo bước Tam Đảo, Sa Pa, nhà tầng chất ngất cướp mất dáng núi, thung mây...

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 25/03/2024
Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh

Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh

Trong bài văn tế Phan Châu Trinh, Sào Nam Phan Bội Châu đánh giá 'Thư thất điều đón giá như Tây, uy sấm chớp chẳng kinh cùng chẳng hãi'.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 24/03/2024
Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?

Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?

Hãy phóng to bức hình này lên, sẽ thấy hai cái tên khác nhau: Bên này là đền “Cửa Đặt”, bên kia là chùa “Cửa Đạt”. Đặt và Đạt, có liên hệ/liên quan gì không?

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 18/03/2024
Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'

Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'1

Một người dạy tiếng Việt ở Mỹ, giáo sư Andrea Hoa Pham cho rằng, ngôn ngữ luôn luôn biến đổi, dù muốn hay không cũng không ngăn được thực tế ấy.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 15/03/2024
Cảm nhận một người trẻ tuổi về kháng chiến qua phim Đào, phở và piano

Cảm nhận một người trẻ tuổi về kháng chiến qua phim Đào, phở và piano

Bộ phim đã khiến tôi tò mò và tôi đã tìm hiểu rộng hơn lịch sử đất nước và tinh thần chiến đấu của chiến sĩ, nhân dân ta trong kháng chiến.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 13/03/2024