Đôi dòng với thần thức Trần Huy Quang trước khi giã biệt

Văn Chinh - Thứ Sáu, 16/12/2022 , 11:12 (GMT+7)

Trần Huy Quang một đời khang kiện, có bi phẫn niềm kẻ sĩ chân chính nhưng không hề bi lụy; đủ tự tin để không huếnh hoắng, đủ kiêu hãnh để sống giản dị khiêm nhường và tương kính bè bạn.

Nhà văn Trần Huy Quang qua nét vẽ của họa sĩ Nguyễn Hồng Hưng.

Nhà văn Trần Huy Quang vừa nằm xuống.

Sống 80 năm, cầm bút chuyên nghiệp hơn 50 năm nhưng ông mới cho in mươi đầu sách. Như thế là không nhiều. Là bởi khi viết, ông chăm chút từng chữ, trân trọng từng chữ để từ tâm hồn ông bước vào cuộc đời, con chữ không ngừng sinh sôi phát nghĩa. Tôi gọi cách viết ấy là thai nghén chữ, đủ dinh dưỡng, đủ tháng ngày thì mới hạ sinh.

Bài liên quan

Vả lại, như người ta nói, sư tử dẫu chỉ vồ một con thỏ cũng phải dùng toàn bộ công lực của nó; Trần Huy Quang viết mỗi truyện dù dài ngắn khác nhau nhưng vẫn dốc sức một đời, viết như người yêu trọng cuộc sống, mỗi khi ra khỏi nhà đầu tóc áo quần đều tươm tất chỉn chu. Ông sống và viết như thể luôn luôn sợ mắc lỗi với người, với đời.

Lạ là, sống mực thước cổ điển, vẻ như hơi cũ cũ; nhưng viết về tình yêu lại đắm say hiện đại, đắm say mà trong trẻo. Truyện "Em là hoa thủy tiên"viết về gã đàn ông luống tuổi và đã từng thất bại vì đàn bà. Từ vị thế ấy, gã nhìn cô gái trẻ mơn mởn, hồn nhiên yêu gã, từng “bật đèn xanh” nhưng cái tâm yếm thế đã che mắt gã. Vậy rồi mãi sáu năm sau, vô tình mở cuốn sách cô mượn, gã gặp bức thư tình cháy bỏng, dù đã sáu năm, đã bèo tấm ra sông cái nhưng bức thư cháy bỏng thì vẫn vẹn nguyên cháy bỏng. Vậy là sự “ô nhiễm tình yêu” đã mọc nấm độc ngăn chặn tình yêu sinh nở, một tư tưởng nghệ thuật lớn và hay chứa khiêm nhường gọn vào một thiên truyện ngắn.

Trong "Đạo của tình yêu", tác giả viết về mối tình của cô giáo với chàng trai đi trận. Mọi nhớ nhung, cô đơn, khao khát, cô giáo đành chỉ biết chăm chú “xem” đôi chim chích hạnh phúc trên sân thượng nhà mình. “Sương gió mù mịt, trông nó càng nhỏ nhoi. Như nó chỉ còn bằng quả dâu khô, mỏng manh đến mức nhìn mà nàng run sợ... Nàng tần ngần đứng yên, không làm sao hiểu được sự huyền bí của trời đất, càng không thể hiểu được sự mong manh của tình yêu chích mái. Và cũng là của nàng”.

Từ tân cổ điển như thế, đến "Pháo đài cổ" riết róng hơn, nhưng cũng đa thanh hơn và đã bập vào siêu thực. Ông bác tôi sống cố thủ trong pháo đài tự xây. Bác tôi cố thủ trong đó, gần như dân làng đã quên, đến mức có cảm giác như bác tôi là một bộ phận của cánh rừng giáp biển ấy, của cái huyền thoại ông tướng cụt đầu ấy và đàn chim bay như lính xung trận ấy; và sống khỏe mạnh, hoàn toàn tin rằng bác tôi sẽ bất tử như thiên nhiên.

"Pháo đài cổ" chỉ chưa đầy 20 trang nhưng dung lượng của truyện có thể rải ra thành tiểu thuyết vẫn còn đậm đà. Có nhiều nhánh vấn đề, đan xen nhau làm lung linh ánh lên như kính vạn hoa. Viết về cái cố thủ nhân tính trước chao đảo thị trường ư? Phải mà chả phải, nhân tính thì thời nào cũng phải cố thủ. Hay cố thủ cùng thiên nhiên? Cũng không hẳn. Tôi có cảm giác bác tôi như là một ông Thần Tướng có nhiệm vụ cầm đinh ba trấn giữ cho sự sống còn của cộng đồng, cho nhân tính hưng khởi mãi mãi; lại giữ cho bản sắc dân tộc và cả cái đẹp nữa. Nghĩa là giữ cho cuộc sống được hồn nhiên như chim trời cá nước, như chính thiên nhiên mà nó vừa là bộ phận cơ hữu vừa là linh hồn của thiên nhiên. Vâng, và pháo đài là nơi cái bản thể cố thủ.

Nhà văn Trần Huy Quang.

Trong bài "Trần Huy Quang và đạo của tình yêu" hiện vẫn còn trên mạng, tôi đã viết kỹ về hai tiểu thuyết "Nước mắt đỏ" và "Mối tình hoang dã"; ở đây chỉ xin nói về "Chân trời xa thẳm" - một tiểu thuyết hay về vấn đề cốt tử của đất nước hôm nay.

"Chân trời xa thẳm" kể câu chuyện tình hơi ngang trái của một cô sinh viên vào đời, hào hứng với lý tưởng, với những trang sử hào hùng và với ông - một công huân bước ra từ trang sử ấy. Cô yêu vô tư, bất chấp tuổi tác và phản đối của bố mẹ, bạn bè. Cô say đắm lắng nghe bằng cả tình yêu những sự tích hiển hách ông kể, dù ông có tham dự hay không; niềm tin pha với tình yêu giới tính khiến cô sống hồn nhiên hạnh phúc. Vậy rồi mọi chuyện cứ rối tung lên. Cái lệch pha tuổi tác từng bị tình yêu xóa nhòa không chịu bị xóa hẳn, dần dà hiện ra và ngày một rõ rệt. Ông không có những chuyện khác để kể ngoài những sự kiện trọng đại đã thuộc về quá khứ; những chuyện ấy chỉ khiến cô say mê lúc nghe. Nó không thể làm cô say đắm mãi, vì nó quá quen thuộc, vì đã nghe quá nhiều lần. Lệch pha tuổi tác ở đây là, một đằng cứ đứng yên và nhìn về dĩ vãng mà tự hào mà yên ổn sống; một đằng thì do tuổi trẻ, lòng khát khao cái mới còn gần như nguyên vẹn, nó thúc bách như là cuộc chuẩn bị hành trang đi đến chân trời hạnh phúc. Nó lệch pha đến nỗi, cô sợ gặp ông; sợ nghe những chuyện đã cũ mà ông vẫn/ sẽ say sưa kể. Cô đã trốn ông như một tất yếu của logic tâm lý lứa tuổi.

Vâng, cái “chân trời hạnh phúc” mà hai thế hệ cần cho nhau/ dành cho nhau đã không có cơ hàn gắn, vì cô đã trốn ông và chân trời ấy trở nên xa thẳm. Đây là vấn đề của nhân loại, của thời gian chứ không hẳn riêng một tộc người nào, thời kỳ nào. Tiểu thuyết nhắc nhở thế hệ trước, rằng đừng trách lớp trẻ không lý tưởng, không mục đích cao cả  trong ý thức sống. Lớp trẻ cần thế hệ cha anh thấu hiểu chúng, hãy tạo nên những xa lộ hanh thông và thoáng rộng, về hành lang pháp lý và lan can an toàn để chúng phóng với tốc độ lớn cho kịp đến những chân trời xa thẳm, như chân trời xa thẳm năm xưa cha anh chúng đã đi và đã đến.

Đây là tiểu thuyết mang bút pháp hiện thực pha siêu thực khá nhuyễn. Nhưng tựu chung, cái đọng lại là một tình yêu bất vị lợi. Ở trên, tôi đã nói đến con người sù sì hơi cũ mà viết về tình yêu mới mẻ trẻ trung, nay xin nói thêm: Khi viết tiểu thuyết này, Trần Huy Quang đã là ông lão 70 nhưng vẫn thấu hiểu tâm lý và ngôn ngữ trẻ trung hôm nay họ nói với nhau - sự thấu hiểu như là cùng trang lứa.  Đã đành, đấy là tài năng quan sát, nhưng ở Trần Huy Quang, đấy cũng là hiệu quả của một phong cách sống ít nói mà nhiều lắng nghe.

Nhưng hóa ra, viết về mọi vấn đề của cuộc sống, chung quy rồi Trần Huy Quang vẫn thủy chung với đạo của tình yêu - một tôn giáo đông đảo con chiên đệ nhất hành tinh. Cũng có thể nói, ông cách tân thi pháp cũng chỉ muốn cho tình yêu có thêm nhiều chiều kích, nhiều phong vị và để chủ nghĩa nhân văn có cơ sở đi sâu vào vùng bí ẩn, khơi mở nó, thành một không gian thoáng rộng hơn cho tình yêu.

Giống như bác tôi - Thần Tướng canh gác pháo đài, nơi cố thủ của bản thể người; Trần Huy Quang là nhà văn dốc sức cố thủ với tình yêu và cái đẹp. Có lẽ vì vậy chăng mà văn ông chăm chút nâng niu, viết mỗi câu mỗi truyện đều có cả đời mình.

Vài năm gần đây ông đã về quê, ngày ngày thắp hương bàn thờ gia tiên, ngày ngày viết hồi ký "Nỗi nhớ xa xăm" đã in rải rác trên Nông nghiệp Việt Nam. Viết ít, nhưng hay; viết hay đến khi nằm viện vài tuần rồi mất như ông là một hiếm hoi nữa, của văn đàn. Nghe ông bị bệnh hiểm nghèo, tôi vào Bệnh viện Hữu Nghị thăm ông. Bị K phổi nhưng ông bảo không mổ xẻ xạ trị gì nữa, sống đến thế này là lãi rồi. Ông nói với tôi: “Mình có cái may mắn là khỏe đến lúc chết; mình muốn một cái chết khỏe”. Mô Phật!

Ngẫm ra, Trần Huy Quang một đời khang kiện, có bi phẫn niềm kẻ sĩ chân chính nhưng không hề bi lụy; đủ tự tin để không huếnh hoắng, đủ kiêu hãnh để sống giản dị khiêm nhường và tương kính bè bạn. Và khỏe đến lúc chết! Thương xót trò chuyện với thần thức của ông, nghe bảo thế, anh linh giờ thuộc về trung ấm bán âm bán dương, khả dĩ còn nghe được. Với một thần thức sống khỏe chết khỏe như ông, hẳn ông vẫn còn nghe được cả những điều chưa nói, tôi tin như vậy, như vẫn tin những nhân cách lớn.

Văn Chinh
Tin khác
Đàn trâu của nhà thơ Phạm Đức
Đàn trâu của nhà thơ Phạm Đức

Thơ hay thường vận vào người. Chung cuộc, cho tới khi rũ áo ra đi, nhà Thơ Phạm Đức chỉ có một mình. Gia tài ông để lại là căn nhà bên mép sông Bùi còn chưa hết nợ, một tủ sách đồ sộ mấy trăm cuốn. Và đàn trâu…, gần hai trăm con.

Tác giả trẻ có một ‘dị bản’ được trao giải thưởng văn học
Tác giả trẻ có một ‘dị bản’ được trao giải thưởng văn học

Tác giả trẻ Nguyễn Đinh Khoa với truyện dài ‘Dị bản’ vừa được Hội Nhà văn TP.HCM trao giải thưởng văn học dành cho các cây bút dưới 40 tuổi.

‘Minh đạo sách’ trong ý thức sáng tạo của một người trẻ
‘Minh đạo sách’ trong ý thức sáng tạo của một người trẻ

‘Minh đạo sách’ là tác phẩm mới của nhà thơ Khúc Hồng Thiện, vừa được Nhà xuất bản Nghệ An ấn hành, mang nhiều suy tư về tinh thần văn hóa Việt.

‘Linh khí quốc gia’ góp một ý tưởng cho bài ca giữ nước
‘Linh khí quốc gia’ góp một ý tưởng cho bài ca giữ nước

‘Linh khí quốc gia’ là ý tưởng được đại tá Trần Thế Tuyển viết thành trường ca, nhằm kêu gọi hành động thiết thực cho những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.

Có 3 vua Quang Trung giả sang mừng thọ vua Càn Long 80 tuổi năm 1790?
Có 3 vua Quang Trung giả sang mừng thọ vua Càn Long 80 tuổi năm 1790?

Cuốn sách 'Danh nhân Phan Huy Ích (1751 – 1822)' do Nguyễn Tuấn Cường- Đỗ Thị Bích Tuyển (chủ biên) phát hiện thêm 2 vua Quang Trung giả trong chuyến mừng thọ vua Càn Long.

Nợ đời - tập truyện và ký gây nhiều suy nghĩ
Nợ đời - tập truyện và ký gây nhiều suy nghĩ

Trong cuốn 'Nợ đời' Lê Chín còn in những bài viết chân dung, ca ngợi những người tài, những người giàu nhiệt huyết mà tác giả ngưỡng mộ, quý mến.

Tác giả trẻ có tiểu thuyết lịch sử được xuất bản tại Ý
Tác giả trẻ có tiểu thuyết lịch sử được xuất bản tại Ý

Tác giả trẻ Võ Chí Nhất vừa có tiểu thuyết lịch sử ‘Hoàng cung’ được Nhà xuất bản Fiori D'asia Editrice dịch và in tại Ý, với nhan đề ‘Palazzo reale di Thang Long’.

Có một người tu hành như thế
Có một người tu hành như thế

Nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài: 'Có một người đã tu hành như thế và đã truyền cảm hứng sống tốt lành đến nhiều người'.

Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca
Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca

Lục bát thiền là nét đặc trưng cơ bản được tác giả Trần Lê Khánh chắt chiu thể hiện qua tập thơ ‘Đồng’ do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành.

Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh
Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh

Hai người họ Tô là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Tô Quyền và Nghệ sĩ Nhân dân Tô Lan Phương xuất hiện trong ‘Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh’.

Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?
Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?

Nhà văn Y Ban tiếp tục khẳng định một giọng nữ đặc sắc trong đời sống văn chương Việt Nam, bằng tập truyện ngắn có tên gọi ‘Trên đỉnh giời’.   

Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước
Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước

Cựu chiến binh Trần Trí Thông gửi gắm niềm riêng qua trường ca ‘Mặt trận gần phía trước’ phát hành đúng dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.