Tại một hội nghị giao ban về xúc tiến thương mại “Khuyến nghị liên quan đến việc điều tra chống trợ cấp đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam”, do Bộ Công thương tổ chức mới đây, bà Tô Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết, Việt Nam đã xuất khẩu thủy sản tới hơn 170 thị trường trên thế giới, nhưng đến nay, ngành thủy sản mới chỉ đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp tại thị trường Mỹ.
Trong hơn 20 năm qua, ngành thủy sản Việt Nam luôn phải đối mặt các vụ kiện chống bán phá giá tại Mỹ, với 2 sản phẩm xuất khẩu chủ lực là tôm và cá tra. Gần đây, ngành tôm Việt Nam lại đối mặt thêm với kiện chống trợ cấp đối tôm nước ấm có nguồn gốc tự nhiên hay nuôi trồng được nhập khẩu từ Việt Nam, Ecuador, Ấn Độ, Indonesia vào Mỹ.
Các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp đã gây ra những khó khăn rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu tôm, cá tra sang Mỹ trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo bà Tô Tường Lan, mặt tích cực của các vụ kiện này chính là sự trưởng thành của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, mỗi năm, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam lại có sự trưởng thành hơn trước.
Chính vì vậy, dù năm nào cũng phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá, và gần đây là vụ kiện chống trợ cấp tôm, nhưng trong hơn 20 năm qua, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ vẫn tăng trưởng và Mỹ luôn là thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam. Năm 2023, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đạt 1,6 tỷ USD. 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đạt 1,3 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cá tra là sản phẩm thủy sản đầu tiên của Việt Nam bị kiện chống bán phá giá tại Mỹ. Cuối năm 2023, cá tra, basa Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ đã bị áp thuế chống bán phá giá. Sau hơn 20 năm, Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu cá tra lớn nhất vào Mỹ. Năm 2023, Mỹ nhập khẩu gần 92 nghìn tấn cá tra đông lạnh, trong đó Việt Nam chiếm 91% và 9% còn lại từ Thái Lan và Trung Quốc.
Mỹ cũng luôn nằm trong những thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam. Từ đầu năm đến giữa tháng 9/2024, xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 240 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ 2023.
Sau cá tra, tôm Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ bị áp thuế chống bán phá giá vào năm 2004. Từ 2/4/2024, Mỹ lại áp thuế chống trợ cấp sơ bộ với tôm nước ấm nhập khẩu từ 4 nước là Việt Nam, Ecuador, Ấn Độ và Indonesia. Như vậy, hiện tại, tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đang chịu “vụ kiện kép” là chống bán phá giá và chống trợ cấp.
Hiện nay, Việt Nam vẫn đang là nguồn cung cấp tôm hàng đầu cho thị trường Mỹ. Năm 2023, Mỹ nhập khẩu 788 nghìn tấn tôm, trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam là 62 nghìn tấn, đứng thứ 4 trong những thị trường cung cấp tôm lớn nhất cho Mỹ.
Trong nhiều năm qua, Mỹ luôn là thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam. Từ 1/1 đến 15/9/2024, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 516 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bà Tô Tường Lan cho biết, hiện nay, tôm nước ấm từ Việt Nam, Ecuador, Ấn Độ và Indonesia nhập khẩu vào Mỹ đang chịu thuế chống bán phá giá từ đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 18 (POR18) của Bộ Thương mại Mỹ. Trong đó, thuế chống bán phá giá của tôm Việt Nam là 0%; Ecuador 10,18%; Indonesia 6,3%; Ấn độ 3,88%.
Đồng thời, tôm Việt Nam và 3 nước nói trên đang chịu thuế chống trợ cấp, với mức thuế của tôm Việt Nam là 2,84%; Ecuador 2,89; Indonesia 0%; Ấn Độ 4,36%. Tính chung cả 2 loại thuế, tôm Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ đang chịu mức thuế tổng cộng là 2,84%; Ecuador 13,07%; Indonesia 6,3% và Ấn độ 8,24%.
Tháng 9/2024, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố kết quả sơ bộ đợt rà soát hành chính lần thứ 20 (POR20) về chống bán phá giá với cá tra Việt Nam. Theo đó, 2 doanh nghiệp bị đơn bắt buộc đều có mức thuể chống bán phá giá là 0%, 6 doanh nghiệp còn lại cũng được hưởng thuế suất riêng rẽ là 0%. Bà Tô Tường Lan nhận định, điều này đã tạo nên một động lực tích cực cho xuất khẩu cá tra sang Mỹ.