Đứa con xa xứ nghĩ về Mẹ và mùa xuân vĩnh cửu

Lê Minh - Thứ Năm, 08/02/2024 , 09:28 (GMT+7)

Đứa con xa xứ mong ước, giá như mùa xuân của mẹ, cũng giống như mùa xuân của đất trời, thì sẽ hạnh phúc biết bao, khi ta luôn có mẹ trên đời.

Mẹ và con giữa vườn xuân.

Mẹ và con giữa vườn xuân.

Đứa con xa xứ luôn có những niềm riêng trước ngày Tết Việt Nam. Mùa xuân luôn mang đến cho ngàn cây, muôn hoa, muôn loài những sức sống mãnh liệt, càng khiến đứa con xa xứ thảng thốt nghĩ về mẹ. Từ thành phố Leipzig của Cộng hòa Liên Bang Đức, tác giả Lê Minh gửi gắm câu chuyện bâng khuâng nỗi lòng đứa con xa xứ.

Tôi yêu mùa xuân, yêu nụ cười của mẹ. Tôi yêu nắng xuân trong veo, ấm áp, hiền như cỏ. Yêu cơn gió xuân nhẹ nhàng thơm mùi nắng mới, mỏng manh len lên hồn lá, hồn người ... và cả những trinh nguyên. Yêu nụ xuân đâm chồi nảy lộc đầy sức sống, với những khát khao ...

Từ khi được sinh ra trong cuộc đời, mẹ đã phải chịu nhiều thiệt thòi, mang sẵn thiên chức làm vợ, làm mẹ. Bao vất vả, hy sinh không phải một ngày, một giờ, mà là cả một đời người... Sự hy sinh ấy thật thầm lặng, chẳng thể đếm đong, chẳng thể dùng điều gì mà so sánh, mà kể được. “Sinh con ra mới biết lòng cha mẹ”. Bấy nhiêu năm, giờ đây bóng mẹ đã nghiêng tuổi xế chiều, chạng vạng, mấy mươi năm gian khổ từ khi mẹ sinh con ra.

Mấy mươi năm chịu khổ, thiệt thòi từ khi mẹ lấy cha. Ấy là lúc cha mang trong mình lời thề Tổ quốc. Mẹ vừa là cha, vừa là mẹ, vừa là bạn của con. Gió cứ thổi, mưa mãi giăng, thời gian bình thản đi qua suốt cuộc đời, gieo lên tóc mẹ màu trắng. Lại thưa... rồi lại rụng... Giọt mồ hôi nào vương trên lưng áo mẹ, vương trên trán mẹ nhăn. Ơi làn da mỏi, tóc rối đầu đội nắng, mẹ đã gánh trên vai nỗi cơ cực lớn nhất cuộc đời.

Có bao giờ lòng ta tự hỏi, giọt mồ hôi của mẹ, sao chẳng tròn, cứ mãi méo lăn, héo hắt, hao mòn dáng mẹ không thôi? Ở lưng trời, đã bao mùa dập dìu cánh én chao nghiêng, ngàn cây ngậm sương trời bao lần, để bạt ngàn cây nảy lộc đâm chồi, trải qua bao mùa xuân thay lá, thay da. Nhìn cây xanh, con lại bùi ngùi thương mẹ, dù trăm chiều, nhưng mẹ chẳng thể mùa xuân. Mẹ giống như cây bàng mùa đông ngoài ngõ vắng, khẳng khiu, dần thưa lá, oằn mình chịu lạnh với gió đông, chồng chất nắng, chồng chất mưa. Trời cho mẹ hạnh phúc nào, sao mãi chẳng tròn, cả đời mẹ đợi chờ cha, rồi đến con cũng đợi chờ trong hiu quạnh.

Bấy nhiêu năm biền biệt ngoài đảo Trường Sa, xa xôi... ngay cả cha cũng gian khổ. Trọng trách trên vai, vì Tổ quốc thiêng liêng, cha gắng mình cùng những người lính nơi đây luôn gìn giữ bình yên cho biển đảo. Cho đến ngày cha được về nhà, là ngày cha mang trọng bệnh. Di chứng của chiến tranh, của sức khoẻ, của tuổi già, cũng là lần mẹ mãi vắng cha, chúng con chẳng thể gặp được nữa...

Lần mẹ ốm nặng, sốt xuất huyết cả tuần, chẳng thể dậy. Ngày ba mươi Tết, cơm chúng con chan với gió cuối mùa đông... Tám tuổi thay mẹ con gánh nước. Gió ù ù thổi lạnh buốt hai tai, hai tay con tê cứng. Những dải hoa cải trổ vàng dưới ruộng bên đường ngời sắc, cũng nhìn theo dáng con mạnh mẽ. Bước chân trần con bước, nặng trịch, chùng chình, thùng nước không móc xích gần chạm đất. Con chỉ gánh non vơi, càng thấy thương thùng nước đầy mẹ gánh đường xa mỗi chiều. Chỉ thế thôi mà một bên vai con đã dầy lên vì đỏ rát. Mẹ ốm nặng nằm đấy, con chỉ biết thương mẹ ...

Thật may sao, cao xanh chiếu cố chúng con, giúp mẹ nhanh bình phục. Dáng mẹ gầy thêm từ ngày ấy. Mẹ thương con hơn cả bản thân mình. Cuộc đời mẹ cứ thế, làm sao con kể hết được. Bây giờ trên đầu con cũng đã hai thứ tóc. Được về bên mẹ, con nghe lòng mình lại thấy bình yên, chẳng muộn phiền, chẳng lo lắng nghĩ suy.

'Con dẫu lớn vẫn là con của mẹ'

"Con dẫu lớn vẫn là con của mẹ"

Lòng con cứ ước ao đi trên quãng đường cong, nửa vòng tròn để quay về ngày con còn nhỏ, để được nghe lời ru của mẹ. Có con vạc ngu ngơ, có con cò trắng trong câu ca dao, thuở lộn xuống ao, vì đậu phải cành mềm... Vọng theo lời ru ấy con luôn có mẹ bên đời. Bên cạnh mẹ, con hạnh phúc nhiều thêm. Mẹ vẫn muốn chở che, dù con đã già, vẫn chăm sóc con như hồi con còn nhỏ. “Con dẫu lớn vẫn là con của mẹ/ Đi hết cuộc đời lòng mẹ vẫn theo con”

Tôi yêu mùa xuân, yêu nụ cười của mẹ, giá như mùa xuân của mẹ cũng giống như mùa xuân của đất trời, sẽ hạnh phúc biết bao nhiêu, khi luôn có mẹ. Ngoài kia gió xuân đang thầm thì trong nắng mới, vi vu thổi, thoảng đâu đó con nhớ lời ru của mẹ... Thêm một mùa xuân, mẹ lại già thêm một tuổi.

Bình minh dẫu có đẹp, nhưng rồi có lúc vẫn đến hoàng hôn, sẽ mang theo những vì sao rơi vời vợi. Lòng con thêm thương xuân đời của mẹ, mẹ ơi...

Ta luôn trân trọng từng phút, từng giây, khi được ở bên mẹ. Đang quen với sự hiện diện của mẹ bên mình. Ta muốn nhìn mẹ vui, muốn nhìn mẹ cười. Bởi sẽ có ngày, mẹ ra đi... mãi mãi... Mùa xuân vẽ mẹ đang ngồi nơi ấy, vẫn đan nỗi buồn khắc khoải nhớ mong con. Mùa xuân vẽ hoa, vẽ thêm tóc mẹ ta màu trắng ...

Lê Minh
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.

Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết
Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết

Đại tá Nguyễn Văn Hồng sau 30 năm cầm súng lại có tiếp 30 năm cầm bút, đó là nội dung tọa đàm văn chương diễn ra sáng 12/4 tại TP.HCM.

Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác
Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác

Hát trống quân Đức Bác là sự kết hợp giữa lời hát và nhịp điệu, cùng với những khúc hát sôi động xoay quanh các chàng trai Đức Bác và cô đào Phù Ninh.

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ
Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ3

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng thường được nhiều người biết đến với tư cách một nhà khoa học nông nghiệp, nhưng ít ai biết ông từng có thơ được in từ thời sinh viên.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rời khỏi dương gian 23 năm, nhưng di sản nghệ thuật của ông vẫn không ngừng lôi cuốn công chúng, trong đó có những đoản văn tự tình.

Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’
Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’

Việc ứng xử như sách đã chép ít nhiều thể hiện sự tôn trọng đáng kể, dù 'Thư thất điều' đã khiến vua Khải Định bẽ mặt với quốc dân đồng bào ở trong và ngoài nước lúc đó.

Hà Giang hút khách
Hà Giang hút khách

Thị trấn Đồng Văn giờ khác lắm. Cầu trời, năm mười năm nữa, Đồng Văn sẽ không theo bước Tam Đảo, Sa Pa, nhà tầng chất ngất cướp mất dáng núi, thung mây...

Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh
Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh

Trong bài văn tế Phan Châu Trinh, Sào Nam Phan Bội Châu đánh giá 'Thư thất điều đón giá như Tây, uy sấm chớp chẳng kinh cùng chẳng hãi'.

Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?
Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?

Hãy phóng to bức hình này lên, sẽ thấy hai cái tên khác nhau: Bên này là đền “Cửa Đặt”, bên kia là chùa “Cửa Đạt”. Đặt và Đạt, có liên hệ/liên quan gì không?

Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'
Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'1

Một người dạy tiếng Việt ở Mỹ, giáo sư Andrea Hoa Pham cho rằng, ngôn ngữ luôn luôn biến đổi, dù muốn hay không cũng không ngăn được thực tế ấy.

Cảm nhận một người trẻ tuổi về kháng chiến qua phim Đào, phở và piano
Cảm nhận một người trẻ tuổi về kháng chiến qua phim Đào, phở và piano

Bộ phim đã khiến tôi tò mò và tôi đã tìm hiểu rộng hơn lịch sử đất nước và tinh thần chiến đấu của chiến sĩ, nhân dân ta trong kháng chiến.