| Hotline: 0983.970.780

Tết xưa người cũ còn ai lặng lẽ nhớ mong ai?

Thứ Tư 07/02/2024 , 15:52 (GMT+7)

Tết xưa người cũ luôn réo gọi những niềm nhớ mong khôn nguôi, khi mỗi người chạm vào không gian trầm lắng bâng khuâng hoài niệm đón một mùa xuân mới.

Tìm lại hương vị tết xưa.

Tìm lại hương vị tết xưa.

Tết xưa người cũ thường bắt đầu bằng cây nêu dựng trước sân nhà đón tết. Cây nêu được làm bằng một cây tre nhỏ, trên ngọn buộc một chùm giấy hay vải ngũ sắc. Tập tục tết xưa người cũ, mục đích của việc dựng cây nêu là để trừ tà, giữ yên ổn cho gia đình khi sang năm mới và suốt cả năm ấy.

Tết xưa người cũ hiện rõ vào ngày 30 tháng chạp, các bà mẹ và cánh phụ nữ trong nhà phải rất bận rộn cho việc chuẩn bị mâm cơm tất niên và mâm cỗ cúng ngày mồng một tết, cánh đàn ông thì không bận mấy. Đám trẻ con trai chúng tôi thì chỉ phải chăn trâu chăn bò buổi sáng, từ trưa 30 cho đến mồng bốn là hoàn toàn thoải mái tự do, trừ một vài buổi theo ba mẹ đi chúc tết nội ngoại.

Ở Bắc bộ, cỗ tất niên tổ chức rất to và được xem là rất quan trọng, thiêng liêng. Chiều đó con cháu mỗi gia đình về tụ tập đông đủ, bữa cỗ chiều đó cũng rất thịnh soạn đủ món ngon vật lạ được chuẩn bị bao tháng trời. Nhiều gia tộc tổ chức họp mặt cho cả đại gia đình, nếu ông bà nội còn sống thì tại nhà ông bà nội, nếu ông bà nội không còn thì tại nhà ông anh cả. Trong bữa tiệc, mọi người vui vẻ ôn cố tri tân, có khen ngợi, có nhắc nhở những điều chưa được mọi người hài lòng, vừa tạo được sự gắn bó cho mỗi gia tộc, vừa giúp cho mỗi người, mỗi gia đình sống tốt hơn.

Ở khu vực Bắc Trung bộ chúng tôi, thì bữa cơm tất niên không tổ chức thịnh soạn mấy, mà lễ cúng to nhất của tết nguyên đán là vào trưa ngày mồng một. Mâm cỗ cúng trưa ngày mồng một tết thường là mâm hai tầng (2 lớp để chồng lên nhau) đủ món ngon vật lạ. Cúng xong, mỗi gia đình tụ tập hàn huyên, con cháu chúc tết ông bà cha mẹ, ông bà cha mẹ mừng tuổi con cháu, xong bưng cỗ xuống cùng nhau ăn uống vui vẻ.

Tết xưa người cũ, vào đêm giao thừa, dù mệt mấy cũng phải dọn dẹp, quét tước nhà cửa thật sạch. Ngày mồng một không quét nhà, ngày mồng 2, mồng 3 có thể quét gom rác vào một góc nhưng không được hốt đổ ra ngoài. Sau ngày mồng 3 mới được xúc rác đưa đi đổ. Đây là một tục lệ có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng ngày trước dân ta vẫn tuân thủ từ đời này sang đời khác.

Với tết, công việc quan trọng nhất đối với ba tôi là lo chuyện hương khói. Hàng ngày dùng hương gì cũng được nhưng tết là phải có hương trầm, phải có đèn nến đầy đủ. Đèn nến thì chỉ việc mua về là được, các phiên chợ cuối năm không thiếu thứ gì. Nhưng để có loại hương trầm có mùi thơm dịu ngọt ưng ý, ba tôi phải tự làm lấy và chuẩn bị rất công phu.

Hương trầm ba tôi làm là loại hương quấn bằng giấy bản (dùng giấy bản để bao bọc bột trầm hương quanh một chiếc que tre mảnh làm lỏi). Từ ba bốn tháng trước tết ba đã bắt đầu chuẩn bị nguyên liệu gồm giấy bản, que lỏi, bột trầm hương. Que lỏi và giấy bản thì không khó mấy, chỉ có làm bột trầm hương là công phu. Bột trầm hương của ba tôi làm gồm có bột trầm gió, bột cây rễ hương, quế chi và vài thứ nữa tôi không còn nhớ.

Trầm thì vào xin ông Cửu Lâm ở Thọ Lộc (nhà ông ấy có một cây trầm gió rất to, thường cho bạn bè cả vùng). Cây rễ hương thì phải đặt cho người quen ở vùng núi kiếm dùm. Nó là một loài cây họ thảo lá dẹt như lá dứa thơm, thường mọc ở các lèn đá trên núi. Rễ nó phơi khô đốt lên có mùi thơm dịu ngọt. Quế chi và các thứ khác thì mua ở tiệm thuốc bắc.

Từng thứ được phơi khô, tán mịn, rồi trộn đều với nhau là có bột trầm hương. Có que lỏi, có giấy bản, có bột trầm hương rồi thì chỉ việc ngồi quấn là có cây hương trầm. Nhưng để có chừng ấy nguyên liệu thì phải chuẩn bị rất công phu hàng tháng trước. Vì vậy ba tôi chỉ làm vào dịp tết nguyên đán thôi và chỉ làm vài trăm cây để nhà dùng, thắp ở nhà thờ tổ, và biếu vài bạn bè thân. Hương trầm ba tôi làm thơm lắm, một mùi thơm dịu ngọt rất quyến rũ ai cũng thích.

Tranh của Hoàng A Sáng.

Tranh của Hoàng A Sáng.

Tết xưa người cũ, vào sáng sớm mồng một tết, từ lúc chưa rõ mặt người, mẹ và các chị tôi đã vội vã lo nấu nướng cho cỗ tết. Nhà tôi phải sắm 2 mâm, một mâm cúng ở nhà, một mâm cúng ông nội ở nhà thờ chi tộc. Tôi thì chẳng bận gì nhưng không được đi đâu cả. Mẹ sợ tôi vô tình xông đất nhà người ta, nhỡ trong năm nhà họ có chuyện gì lại bị oán, bị rủa.

Cho đến nay, ở nước ta nhiều nơi vẫn tin vào lệ xông đất, tức là người đến nhà đầu tiên vào năm mới. Họ tin rằng, có người đem đến may mắn, thịnh vượng; có người đem đến rủi ro bất hạnh. Vì vậy ai cũng để ý đến chuyện xông đất đầu năm, có người còn nhờ thầy xem bát quái, ngũ hành, kinh dịch để chọn người đến xông đất cho phù hợp. Cũng vì nhẽ đó mà sáng mồng một nhà nào cũng giữ rịt trẻ con trong nhà không cho qua nhà khác chơi.

Trưa mồng một nhà nào cũng mâm cỗ thịnh soạn đưa lên bàn thờ cúng bái, rồi chúc thọ, mừng tuổi nhau, cùng nhau vui vẻ ăn cỗ. Từ chiều mồng một trở ra coi như là những ngày vui chơi thăm thú bà con bạn bè. Cả năm bận rộn với việc nhà, với đồng áng, đầu năm là dịp thăm nhau, nhất là bà con ở cách xa ít có điều kiện gặp gỡ. Việc thăm viếng nhau có khi còn lai rai cho đến hết tháng giêng.

Chiều mồng một các gia đình bắt đầu phân nhau đi chúc tết, thăm hỏi bà con bạn bè, trong nhà chỉ để lại một vài người tiếp khách. Ở nhà tôi thì ba tôi đi là chính, mẹ tôi xem như thường trực ở nhà, chỉ vắng có 2 buổi, một buổi về bên ngoại, một buổi đi thăm dì tôi. Tôi cũng có hai buổi phải đi cùng ba mẹ, một buổi đi theo ba chúc tết các o, buổi khác theo mẹ về bên ngoại, còn lại là hoàn toàn tự do.

Tết xưa người cũ, chịu khó thăm nhau lắm. Cuốc bộ hàng chục cây số đến thăm nhau là chuyện bình thường. Trước lễ hạ nêu (mồng 7 tháng giêng) thì chỉ đi loanh quanh trong huyện, sau mồng 7 là bắt đầu vượt sông suối vượt truông sang Thanh Chương, Nam Đàn, tới Hương Khê, Đức Thọ thăm bà con, bạn bè.

Tranh của Nguyễn Thị Hiền.

Tranh của Nguyễn Thị Hiền.

Đó là những tết cuối thập niên 40, đầu thập niên 50 của thế kỷ trước. Rồi cải cách ruộng đất, rồi hợp tác hoá, rồi chiến tranh, bom đạn… tết quê cũng kém cái rộn ràng sôi nổi nhưng vẫn ấm nồng, con cháu vẫn ríu ran về tụ họp với gia quyến. Những ngày tết đường làng vẫn tấp nập bà con đi thăm nhau, nhà nhà vẫn ngan ngát hương thơm, đầy ắp bánh trái...

Bây giờ, nếp sống có nhiều đổi thay, nhưng các miền quê Việt Nam vẫn giữ được cái ấm cúng, cái thiêng liêng truyền đời của tết nguyên đán. Tôi rất yêu thích tết quê, dù cách xa gần 2000km, nhưng tôi vẫn thường về ăn tết ở quê nhà. Năm nào không về được thì chao ơi là nhớ, nhớ cồn cào ruột gan.

Xem thêm
Thông tin mới chuyên án tiếp viên hàng không xách ma túy từ Pháp về

Công an TPHCM tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, mở rộng chuyên án; lần theo dòng chảy ma túy để khui từng vỏ bọc của các 'ông trùm' ma túy.

Nadal lên sẵn kịch bản giải nghệ

Tay vợt người Tây Ban Nha cho biết có tinh thần thoải mái sẵn sàng thi đấu Davis Cup 2024 trên sân nhà cũng như việc sẽ giải nghệ ở đây.

VFF phạt nặng Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn

Ban kỷ luật VFF đã chính thức đưa ra án phạt. Theo đó, cả Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn đều bị phạt 20 triệu đồng và treo giò 4 trận

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.