Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trong tháng 8 vừa qua, giá hạt điều xuất khẩu của Việt Nam đạt mức bình quân 6.326 USD/tấn, tăng 2,6% so với tháng 7/2024 và tăng 14,8% so với tháng 8/2023. Như vậy, đây là tháng thứ 4 liên tiếp giá hạt điều xuất khẩu của Việt Nam tăng so với tháng trước đó và là tháng thứ 3 liên tiếp mà giá xuất khẩu hạt điều tăng so với cùng kỳ 2023.
Cụ thể, trong tháng 7, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 6.168 USD/ tấn, tăng 2,7% so với tháng 6/2024 và tăng 10,8% so với tháng 7/2023. Tháng 6/2024, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 6.008 USD/tấn, tăng 9,8% so với tháng 5/2024 và tăng 4,8% so với tháng 6/2023.
Tháng 6 cũng là tháng đầu tiên sau một thời gian rất dài, giá xuất khẩu bình quân hạt điều Việt Nam trở lại mức hơn 6.000 USD/tấn. Trước đó, lần gần nhất đạt được mức giá xuất khẩu bình quân hơn 6.000 USD/tấn là tháng 9/2022.
Giá hạt điều xuất khẩu đang tăng liên tục trong những tháng qua, nhưng do trong 5 tháng đầu năm, giá hạt điều xuất khẩu bình quân luôn ở mức thấp hơn so với cùng kỳ 2023, nên tính chung trong 8 tháng, giá xuất khẩu bình quân hạt điều vẫn giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bù lại, lượng hạt điều xuất khẩu trong năm nay lại tăng trưởng khá tốt. Trong 8 tháng, các doanh nghiệp đã xuất khẩu được 486 nghìn tấn hạt điều, trị giá 2,77 tỷ USD, tăng 22,9% về lượng và tăng 21,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu hạt điều từ đầu năm đến nay nhìn chung đang diễn biến khá thuận lợi, khi nhu cầu nhập khẩu tăng ở hầu hết các thị trường. Tính chung 8 tháng đầu năm 2024, Việt Nam tăng xuất khẩu hạt điều sang hầu hết các thị trường truyền thống và tiềm năng, ngoại trừ xuất khẩu tới Ảrập Xêút giảm 1,7% về lượng, nhưng vẫn tăng 4,2% về trị giá.
Xuất khẩu hạt điều sang một số thị trường đạt mức tăng trưởng cao trong 8 tháng qua như Trung Quốc (tăng 43,5% về lượng và 28,9% về trị giá), Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (tăng 38,5% về lượng và 48,1% về trị giá), Tây Ban Nha (tăng 33% về lượng và 39,9% về trị giá), Hoa Kỳ (tăng 29,3% về lượng và 28,9% về trị giá), Đức (tăng 23,5% về lượng và 22,6% về trị giá)… Theo nhận định của một số thương nhân ngành điều, xuất khẩu điều sẽ còn tăng trưởng ổn định trong những tháng cuối năm do nhu cầu nhập khẩu phục vụ các dịp lễ, Tết.
Một trong những khó khăn của ngành điều Việt Nam trong năm nay là tìm kiếm nguồn hạt điều nguyên liệu phù hợp với nhu cầu của thị trường. Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), trong 8 tháng qua, các doanh nghiệp ngành điều đã nhập khẩu gần 2 triệu tấn điều thô với nguồn cung lớn nhất là Campuchia (762 nghìn tấn).
Sản lượng vụ điều năm nay của Campuchia cao hơn năm ngoái, nhưng khoảng 70% là hạt cỡ to, nên các doanh nghiệp Việt Nam đang thiếu hạt điều thương phẩm cỡ nhỏ để đáp ứng nhu cầu của nhiều nhà nhập khẩu.
Ngược lại, hạt điều nguyên liệu từ một nguồn cung hàng đầu khác là Guinea-Bissau phần lớn lại là hàng cỡ nhỏ. Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch VINACAS, cho biết, từ nhiều năm qua, Guinea-Bissau là 1 trong 5 nước châu Phi xuất khẩu điều thô lớn nhất vào Việt Nam. Năm 2023, ngành điều Việt Nam nhập từ Guinea-Bissau gần 160 nghìn tấn điều thô với tổng giá trị hơn 186 triệu USD. Với lượng nhập khẩu như trên, Guinea-Bissau đứng thứ 5 trong các nước trên thế giới xuất khẩu điều thô cho Việt Nam năm 2023.
Điều thô của Guinea-Bissau được các thương nhân ngành điều Việt Nam đánh giá là có chất lượng khá tốt nhưng hạt lại nhỏ và tuy là 1 trong 5 nước xuất khẩu điều thô lớn nhất vào Việt Nam nhưng lượng hạt điều thô Guinea-Bissau chiếm gần 6% tổng lượng hạt điều nguyên liệu nhập khẩu.
Do hạt cỡ to nhiều nên hiện nay, giá của hạt điều thương phẩm loại W180 (cỡ vua, tương đương với 170 - 180 hạt/pound) và W210 (cỡ lớn, tương đương với 200 - 210 hạt/pound) đang giảm dần và tiến gần đến mức giá của hàng W240 (cỡ vừa, tương đương với 220 - 240 hạt/pound). Tuy nhiên, nhu cầu mua các loại hàng hạt điều cỡ lớn vẫn thấp.