Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon
Tại Tọa đàm về tín chỉ carbon sáng 16/8, các chuyên gia cung cấp thêm thông tin liên quan đến sản xuất giảm phát thải, thị trường tín chỉ carbon, cơ chế vận hành và cam kết Việt Nam lộ trình Net Zero.
Một trong những nội dung mở đầu được quan tâm là cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU (CBAM), áp dụng cho 6 ngành gồm sắt thép, xi măng, nhôm, điện và phân bón.
Trong tham vọng trở thành khu vực trung hòa khí carbon vào năm 2050, CBAM được thành lập theo Quy định 2023/956 của Hội đồng và Nghị viện Châu Âu. Cơ chế này được thiết lập nhằm tránh “rò rỉ carbon” khi doanh nghiệp EU có thể chuyển những hoạt động sản xuất phát thải nhiều carbon ra nước ngoài để tranh thủ các tiêu chuẩn còn lỏng lẻo, tạo cơ chế xanh đối với hàng hóa nhập khẩu từ ngoài EU thông qua hệ thống định giá hợp lý lượng carbon thải ra trong quá trình sản xuất, từ đó khuyến khích sản xuất giảm phát thải.
CBAM đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc EU dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. Việc đánh thuế này là trụ cột quan trọng trong các chính sách khí hậu của châu Âu và cũng là một trong những cơ chế mà EU khuyến khích các đối tác thương mại khử carbon trong lĩnh vực sản xuất.
Theo đó, nhà nhập khẩu hàng vào EU theo Cơ chế CBAM đăng ký với cơ quan quản lý trong nước và mua chứng chỉ CBAM. Giá của chứng chỉ dựa vào giá tín chỉ phát thải hàng tuần của Hệ thống thương mại khí thải của Liên minh châu Âu (EU ETS). Nhà nhập khẩu trong EU kê khai hàm lượng phát thải trong hàng nhập khẩu và giao nộp số lượng tín chỉ tương ứng của mỗi năm. Nếu nhà nhập khẩu chứng minh được giá carbon đã được thanh toán khi sản xuất hàng nhập khẩu, lượng phát thải tương ứng có thể được khấu trừ.
Theo cơ chế này, các nhà nhập khẩu được cấp phép trước khi họ có thể nhập khẩu hàng hóa vào EU. Tuy nhiên, cần báo cáo lượng khí thải ẩn của hàng hóa nhập khẩu và mua - nộp giấy chứng nhận cho mỗi tấn khí thải ẩn.
Hành động của nhà xuất khẩu và nhà sản xuất nước thứ ba
Theo ông Đặng Thanh Long, Trưởng phòng Đào tạo và Phát triển bền vững Intertek Việt Nam - Công ty chuyên về đảm bảo, thử nghiệm, kiểm định, xác nhận, 6 loại hàng hóa của CBAM trên liên quan đến hơn 10.000 doanh nghiệp, là đầu vào trong ba lĩnh vực lớn của Châu Âu là năng lương, công nghiệp và hàng không tham gia thị trường EU ETS.
Thời gian thực hiện EU ETS được áp dụng từ 2005, theo đó, doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp tại EU bắt buộc phải trả tiền cho mỗi tấn carbon xả thải ra môi trường. Thuế carbon được xem là một trong những giải pháp hiệu quả nhất để điều chỉnh lượng xả thải carbon hằng năm tuân theo thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 mà các quốc gia đã ký kết.
Tuy nhiên, đối với hàng hóa nhập châu Âu từ các nước thứ ba được hưởng ưu đãi. Việc áp dụng chia thành 2 giai đoạn, từ 1/10/2023 - 31/12/2025 (giai đoạn học tập), các doanh nghiệp nhập khẩu 6 nhóm hàng hóa vào Châu Âu phải khai báo lượng khí thải ẩn trong hàng hóa, làm quen với cơ chế CBAM và Châu Âu thu thập cơ sở dữ liệu để ban hành cơ chế và hạn ngạch chính xác. Từ 1/1/2026 (giai đoạn áp dụng), các nhà nhập khẩu 6 nhóm hàng hóa này phải trả phí phát thải carbon trên mỗi tấn hàng hóa nhập khẩu theo hạn ngạch.
Đánh giá các tác động của CBAM đến Việt Nam, xét về tổng thể toàn bộ nền kinh tế, tác động của CBAM không lớn, nhưng đối với từng ngàng hàng, từng doanh nghiệp, giá trị xuất khẩu giảm đi là con số không nhỏ, làm gia tăng áp lực với các doanh nghiệp.
Theo ông Long, khi Việt Nam chưa hình thành thị trường giao dịch tín chỉ carbon, hàng hóa xuất khẩu vào Châu Âu sẽ phải nộp 100% phí carbon cho lượng phát thải vượt quá hạn ngạch. Mặc khác, khi đã có thị trường tín chỉ carbon, các doanh nghiệp xuất khẩu đã trả phí carbon tại Việt Nam, hàng hóa thuộc nhóm CBAM xuất khẩu sang châu Âu sẽ được khấu trừ phí carbon. Như vậy, nếu thị trường tín chỉ carbon vận hành muộn, các doanh nghiệp sẽ bị thiệt.
Ông Long khuyến cáo, khi tham gia giao dịch CBAM (tương tự với cơ chế giao dịch của thị trường chứng khoán), các nhà sản xuất ở nước thứ 3 cần tính toán lượng phát thải “nhúng” trong lượng hàng hóa xuất khẩu gồm phát thải trực tiếp và gián tiếp.