| Hotline: 0983.970.780

Tiến sĩ Lê Hoàng Thế giải mã thị trường tín chỉ carbon

Thứ Tư 14/08/2024 , 11:12 (GMT+7)

Tiến sĩ Lê Hoàng Thế đảm nhận vai trò diễn giả chính tại Tọa đàm 'Tín chỉ carbon và nguồn nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon' diễn ra sáng 16/8 tại TP.HCM.

Tiến sĩ Lê Hoàng Thế, một chuyên gia khoa học môi trường.

Tiến sĩ Lê Hoàng Thế, một chuyên gia khoa học môi trường.

Tiến sĩ Lê Hoàng Thế không chỉ là một nhà khoa học được đào tạo chuyên ngành môi trường tại Nhật Bản, mà còn là một doanh nhân có nhiều đóng góp ở lĩnh vực kinh kế nông nghiệp. Tiến sĩ Lê Hoàng Thế thành lập Công ty TNHH hệ sinh thái The Vos triển khai nhiều dự án trồng rừng tại Cà Mau, Đồng Nai, Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng…

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi tiến sĩ Lê Hoàng Thế nhận lời làm diễn giả chính cho Tọa đàm “Tín chỉ carbon và nguồn nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon” tổ chức sáng 16/8 tại Hội trường A, Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (số 45 Đinh Tiên Hoàng, Quận 1, TP.HCM) với hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Khái niệm “tín chỉ carbon” khá mới mẻ, mà đại đa số tạm hiểu, đó là chứng nhận để giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải khí nhà kính, cụ thể là khí CO2. Còn thị trường tín chỉ carbon phải hình dung như thế nào? Tiến sĩ Lê Hoàng Thế phân tích, thị trường tín chỉ carbon là một hệ thống giao dịch cho phép mua bán quyền phát thải khí nhà kính giữa các đơn vị kinh doanh, giữa các tổ chức, giữa các địa phương hoặc giữa các quốc gia.

Thị trường tín chỉ carbon chia làm hai loại, thứ nhất là thị trường tự nguyện, thứ hai là thị trường bắt buộc. Thị trường tự nguyện dựa trên cam kết của các quốc gia trong Công ước khung Liên hiệp quốc về biển đổi khí hậu (UNFCCC). Còn thị trường bắt buộc dựa trên cơ sở hợp tác thỏa thuận song phương hoặc đa phương, bên mua tín chỉ tham gia vào các giao dịch để đáp ứng các chính sách về môi trường xã hội.

Hiện tại, Việt Nam nằm trong danh sách quốc gia có tốc độ tăng trưởng phát thải carbon cao nhất thế giới. Với thiện chí là một thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã đưa ra cam kết mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, trong đó nhấn mạnh chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030 và chấm dứt sản xuất điện than vào năm 2040.

Chiến lược Net Zero 2050 được xem như một trọng tâm phát triển của Việt Nam, trong bối cảnh hiệu ứng nhà kính làm biến đổi khí hậu và tăng nhiệt độ toàn cầu. Ngoài ra, thời tiết cực đoan thường xuyên và nghiêm trọng, bao gồm bão, hạn hán, lũ lụt và đợt nhiệt đới ảnh hưởng tới các lĩnh vực nông, lâm, công nghiệp. Nếu không quan tâm đến tín chỉ carbon, thì sự ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tới sức khỏe, chất lượng sống của con người, và cũng ảnh hưởng tiêu cực lên hệ sinh thái trên cạn và dưới nước, gây mất đa dạng sinh học.

Tiến sĩ Lê Hoàng Thế khẳng định, Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về cung ứng tín chỉ carbon. Theo ước tính, riêng lĩnh vực lâm nghiệp Việt Nam đã có 57 triệu tín chỉ carbon, tương đương 52 triệu tấn CO2 có thể bán ra cho các tổ chức quốc tế. Nếu lạc quan tính cả “rừng vàng biển bạc” thì Việt Nam có khoảng 5 tỷ tín chỉ carbon. Tại sao như vậy? Việt Nam có địa hình trải dài qua 16 độ vĩ tuyến, không những có trữ lượng lớn về tín chỉ carbon mà còn có thể phát triển loại tín chỉ carbon siêu cấp, gọi là organic carbon.

Tiến sĩ Lê Hoàng Thế ước tính Việt Nam có khoảng 57 triệu tín chỉ carbon từ rừng. 

Tiến sĩ Lê Hoàng Thế ước tính Việt Nam có khoảng 57 triệu tín chỉ carbon từ rừng. 

Rõ ràng, đã đến lúc bài toán tăng trưởng không thể né tránh câu chuyện tín chỉ carbon. Thị trường tín chỉ carbon được thúc đẩy bởi các cam kết về khí hậu của doanh nghiệp, sự quan tâm của người tiêu dùng đối với việc giảm thiểu biến đổi khí hậu. Thế nhưng, để có thị trường tín chỉ carbon thì không thể mơ mộng “có một cây là có rừng, và rừng sẽ lên xanh”, mà phải có nguồn nhân lực để thực hiện các kỹ thuật khai thác, đàm phán và giao dịch.

Việt Nam cần một lực lượng lao động chuyên nghiệp có quy mô ra sao, để xây dựng thị trường tín chỉ carbon? Tiến sĩ Lê Hoàng Thế cho rằng, trước mắt cần đào tạo khoảng 150 ngàn lao động chuyên nghiệp. Lực lượng này được trang bị kiến thức để hiểu biết chuyên sâu về các cơ chế thẩm định, lập hồ sơ liên quan, kê khai và đánh giá các loại tín chỉ carbon. Trong đó, đào tạo thẩm định viên carbon có chuyên môn và chứng nhận quốc tế là một mắt xích quan trọng, giúp Việt Nam vận hành thị trường tín chỉ carbon.

Bên cạnh đó, tiến sĩ Lê Hoàng Thế nhấn mạnh, đào tạo nguồn nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon sẽ thúc đẩy sự hình thành sàn giao dịch chứng khoán tín chỉ carbon ở Việt Nam. Doanh nghiệp đã cam kết giảm phát thải không thể không mua tín chỉ carbon. Ở một vài quốc gia trong khu vực như Indonesia đã có nhiều chuyên gia môi giới tín chỉ carbon, nên Việt Nam nhất định phải tăng cường công tác đào tạo để không bỏ lỡ cơ hội phát triển kinh tế trong sự vận động chung của thị trường tín chỉ carbon toàn cầu.

Ngày 16/8/2024, Trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam và Công ty TNHH Hệ Sinh Thái VOS HOLDINGS tổ chức  tọa đàm “Tín chỉ carbon và nguồn nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon”.

Địa điểm: Hội trường A, Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, số 45 Đinh Tiên Hoàng, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

Hình thức: Trực tiếp và trực tuyến qua zoom.

ID cuộc họp: 915 7715 7066

Mật mã: 160824

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.