| Hotline: 0983.970.780

Chuẩn bị nguồn nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon

Thứ Sáu 16/08/2024 , 08:01 (GMT+7)

TP.HCM Sáng 16/8, Trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam và Công ty TNHH hệ sinh thái VOS HOLDINGS tổ chức tọa đàm về tín chỉ carbon.

Hình ảnh tại đầu cầu Hội trường Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, TP.HCM.

Hình ảnh tại đầu cầu Hội trường Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, TP.HCM.

Buổi tọa đàm được tổ chức theo 2 hình thức, trực tiếp tại Hội trường Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, TP.HCM và trực tuyến qua Zoom.

Điểm cầu chính có sự tham dự của các cơ quan thuộc Bộ NN-PTNT tại phía Nam, các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, các sở, ban, ngành của TP.HCM và các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp, HTX và cá nhân.

Ban tổ chức cho biết, ông Cao Tung Sơn, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM; GS.TS Võ Xuân Vinh, Đại học Kinh tế TP.HCM; TS Nguyễn Trung Đông, Hiệu trưởng Trường Chính sách công và PTNT... sẽ tham luận tại tọa đàm.

Tọa đàm bắt đầu từ 8h30, và dự kiến có 7 bài trình bày. Trong số đó, những nội dung đáng chú ý như cơ chế điều chỉnh biên giới Carbon của EU - CBAM, cơ chế vận hành thị trường tín chỉ carbon... Cuối chương trình, diễn giả và các đại biểu, khách mời tham dự sẽ cùng thảo luận để làm rõ thêm vấn đề.

 

Vào năm 2023, Việt Nam đã chuyển nhượng thành công hơn 10 triệu tín chỉ carbon và thu về hơn 50 triệu USD. Đây là tiền đề để nhiều tổ chức, cá nhân và địa phương quan tâm đến thị trường tín chỉ carbon vốn giàu tiềm năng.

Hiện Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý về thị trường tín chỉ carbon. Song song với đó, việc tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác này cũng được nhiều bên liên quan đặt vấn đề tìm hiểu.

Tất cảTổng thuật

11 giờ 30 phút

6 vấn đề để hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi xanh

anh Thach 1

Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch tóm lược 6 vấn đề chính để giải quyết đồng bộ nhiều vấn đề về tăng trưởng xanh.

Thay mặt Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tổng biên tập Nguyễn Ngọc Thạch cảm ơn sự phối hợp của Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn và Công ty TNHH hệ sinh thái The VOS.

“Tọa đàm thu hút gần 100 đại biểu tham dự trực tiếp và gần 700 điểm cầu trên toàn quốc, điều này chứng tỏ sự quan tâm rất lớn về một về một chủ đề mới mẻ, khó tiếp cận, đó là tín chỉ carbon”, Tổng biên tập Nguyễn Ngọc Thạch cho biết.

Qua sự trình bày cụ thể của các chuyên gia và sự thảo luận sôi nổi các đại biểu, ông Nguyễn Ngọc Thạch kỳ vọng mỗi người tham dự tọa đàm đã có một góc nhìn tương đối toàn cảnh về tín chỉ carbon và nguồn nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon. Từ đó đúc kết được những suy ngẫm cần thiết cho sự phát triển bền vững của Việt Nam giữa bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu.

Lãnh đạo Báo Nông nghiệp Việt Nam tóm lược 6 vấn đề chính để giải quyết đồng bộ nhiều vấn đề về tăng trưởng xanh:

Thứ nhất, cần thiết lập và hoàn thiện khung pháp lý rõ ràng, toàn diện để thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam phát triển bền vững.

Thứ hai, đào tạo nguồn nhân lực cho phát thải carbon thấp là một nhiệm vụ cấp bách và mang tính chiến lược. Điều này đòi hỏi sự quan tâm và vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành. Khi và chỉ khi chúng ta có một lực lượng lao động chuyên nghiệp cho thị trường tín chỉ carbon, thì chúng ta có thể kiến tạo một nền kinh tế xanh của Việt Nam.

Thứ ba, cần thiết thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon, mà bắt đầu hoạt động của sàn giao dịch tín chỉ carbon theo hình thức thí điểm.

Thứ tư, cần thiết có đội ngũ doanh nghiệp dẫn dắt trong lĩnh vực tín chỉ carbon.

Thứ năm, để người dân hiểu đúng về tín chỉ carbon, thị trường tín chỉ carbon và những khung khổ pháp lý về lĩnh vực rất mới này thì vai trò truyền thông cần được thúc đẩy và đóng vai trò quan trọng. Điều này góp phần tri thức hóa nông dân theo Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thứ sáu, cần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp để thích ứng với xu thế thay đổi của thế giới theo phương châm “tư duy mở, kết quả nhanh, hành động thực”.

11 giờ 15 phút

Mục tiêu của thị trường carbon không phải là tạo ra ngành kinh tế mới

thi truong carbon

Mục tiêu của thị trường carbon là tạo ra kênh tài chính mới bổ sung để thực hiện cam kết giảm phát thải chứ không phải là một ngành kinh tế mới (Ảnh minh họa).

Trả lời câu hỏi của doanh nghiệp tham gia về khả năng áp dụng cho thị trường carbon đối với rừng cao su khi trên thực tế khu vực Đông Nam bộ và Tây Nguyên có rất nhiều rừng cao su, ông Lê Hoàng Thế cho rằng cần xác định cây cao su đóng nhiệm vụ gì trong vấn đề carbon.

Phía Công ty TNHH hệ sinh thái The VOS đã có chương trình với ngành cao su, hướng dẫn trao đổi trồng cao su theo hướng nông nghiệp hữu cơ, chứng nhận FSC cho cao su. Bên cạnh đó, công ty đã có đề xuất với người trồng cao su để trồng cây dược liệu, cây hữu cơ dưới tán rừng cao su, để tận dụng “siêu carbon” trên diện tích đất cao su.

Tuy nhiên, TS. Trần Đại Nghĩa, Trưởng ban Kinh tế tài chính và Tài nguyên môi trường lưu ý, carbon để bán có 7 biện pháp thực hiện trong NDC, trong đó có nâng cao trữ lượng carbon trong rừng sản xuất.

Rừng cao su cũng được coi là rừng sản xuất nhưng “hấp thụ bao nhiêu không có nghĩa là đem bán được bấy nhiêu”. Do các chương trình lâm nghiệp hiện tại đang được thực hiện ở quy mô vùng, quy mô quốc gia, không có ở quy mô riêng cho từng đơn vị do phụ thuộc vào việc xây dựng đường tham chiếu cho các biện pháp đánh giá, báo cáo và thẩm định (MRV).

TS. Nghĩa nhấn mạnh mục tiêu của thị trường carbon là tạo ra kênh tài chính mới bổ sung để thực hiện cam kết giảm phát thải chứ không phải là một ngành kinh tế mới. Nếu đi theo hướng đầu tư, môi giới là đang sai hướng.

“Đây là sản phẩm phi vật lý, có tính thời lực, nếu đến thời điểm mà không bán được thì sản phẩm sẽ 'về hưu', ông Nghĩa cho biết. Theo đó, "khi làm theo hướng phát thải thấp, có công nghệ theo dõi dấu chân carbon, Việt Nam có thể công bố điều này trong sản phẩm, và nếu đó là phương pháp chuẩn đúng, khi châu Âu áp dụng CBAM, sản phẩm của chúng ta có thể chứng minh là đã làm đúng quy trình carbon thấp, không lo về việc bị đánh thuế bổ sung", ông Nghĩa phân tích.

10 giờ 55 phút

Đa dạng hình thức tuyên truyền về giảm phát thải

z5736289648320_0ef26afa408c5180a41f56f7b65c6d79

Trả lời câu hỏi về lợi ích khi tham gia thị trường tín chỉ carbon, ông Nguyễn Huy (ảnh), Giám đốc Công ty Intertek Việt Nam nói, nhiều tổ chức, cá nhân đã triển khai việc in nhãn mác có hình tuân thủ, hoặc chứng nhận giảm phát thải carbon trên sản phẩm.

“Những hình thức này góp phần nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp”, ông Huy nói, đồng thời nhấn mạnh là tại Việt Nam, nông nghiệp là một trong những nguồn phát thải chính. Do đó, có những sản phẩm giúp trung hòa carbon sẽ góp phần giúp Việt Nam tiến nhanh hơn đến mục tiêu trung hòa phát thải vào năm 2050.

trung hoa carbon

Có những sản phẩm giúp trung hòa carbon sẽ góp phần giúp Việt Nam tiến nhanh hơn đến mục tiêu trung hòa phát thải vào năm 2050 (Ảnh minh họa).

Ngoài ra, Intertek mong muốn nhiều doanh nghiệp có sự quan tâm đúng mức, và dành một nguồn lực để tham gia thị trường tín chỉ carbon.

10 giờ 45 phút

Khuyến nghị doanh nghiệp chủ động hoàn thiện quy trình, 'đón đầu' thị trường carbon

Trong bối cảnh thị trường carbon còn non trẻ và chưa có tiền lệ tại Việt Nam, theo các chuyên gia, việc doanh nghiệp tham gia vào thị trường này đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Trả lời câu hỏi từ một doanh nghiệp tái chế nhựa và sản xuất hạt nhựa về khả năng tham gia thị trường carbon, ông Đặng Thanh Long nhấn mạnh, để tham gia vào thị trường này, việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải xây dựng đường cơ sở về phát thải. Khi thị trường carbon chính thức đi vào hoạt động, đường cơ sở này sẽ là căn cứ để các doanh nghiệp tham gia và giao dịch.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ sinh học

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ sinh học Probiotics.

Cùng với đó, Công ty TNHH Công nghệ sinh học Probiotics - đơn vị chuyên nghiên cứu và sản xuất các lợi khuẩn để phân hủy phụ phẩm, phế phẩm trong nông nghiệp và cải tạo đất và không khí - cũng tìm hiểu về việc tính toán và tham gia thị trường carbon.

Đối với vấn đề này, TS. Lê Hoàng Thế chia sẻ, trong lĩnh vực công nghệ sinh học, việc thực hiện và cụ thể hóa quy trình sản xuất, cũng như kê khai lượng phát thải là rất quan trọng.

Ông Thế nói: “Doanh nghiệp cần phải kê khai chi tiết các công đoạn sản xuất, sau đó chuyển các thông tin này đến các chuyên gia để họ có thể điều chỉnh và tối ưu hóa những công đoạn phát thải lớn nhất. Chỉ khi có sự minh bạch và chính xác trong việc kê khai, sản phẩm của doanh nghiệp mới có thể được chấp nhận và giao dịch trên thị trường carbon”.

10 giờ 40 phút

Cần kiên trì khi triển khai các dự án về carbon

ong Kim

Ông Kim Do Kyong (ảnh), chuyên gia Công ty TNHH Công nghệ sinh học Việt Mỹ, cho biết, ông đã có một thời gian dài làm việc tại Việt Nam về các vấn đề về tín chỉ carbon. Đây là lĩnh vực đang được quan tâm hiện nay, nhất là trong thời kì biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, ông đánh giá, việc triển khai các dự án về carbon rất khó khăn và cần nhiều sự kiên trì cũng như chung tay của toàn hệ thống.

Vì vậy, chuyên gia Hàn Quốc kì vọng sẽ có sự hợp tác giữa các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam về triển khai phát triển các dự án carbon, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh toàn cầu.

10 giờ 30 phút

Chưa có cách nào để Việt Nam bán tín chỉ carbon với giá hàng trăm USD

Foto-IST

Theo TS Trần Đại Nghĩa, vấn đề quan trọng trong việc tham gia thị trường tín chỉ carbon là phải định giá được carbon (Ảnh minh họa).

TS Trần Đại Nghĩa, Trưởng ban Kinh tế tài chính và Tài nguyên môi trường cho biết, để bán được tín chỉ carbon theo hình thức tự nguyện, mỗi quốc gia phải tạo ra lượng carbon dôi dư vượt mức NDC - cam kết tự nguyện của mỗi quốc gia.

Theo ông Nghĩa, vấn đề quan trọng trong việc tham gia thị trường tín chỉ carbon là phải định giá được carbon. Quốc tế có 3 hệ thống đánh giá, nhưng tại Việt Nam chỉ có thể sử dụng 2, đó là hệ thống trao đổi hạn ngạch và cơ chế tín chỉ carbon.

Hiện Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số bộ, ngành liên quan về việc phát triển thị trường carbon của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện lộ trình mới xây dựng đến năm 2028 nhưng chỉ áp dụng cho thị trường trong nước. Còn thị trường giao dịch quốc tế, một hình thức tương tự thị trường chứng khoán, còn bỏ ngỏ.

Có 3 nguồn tài chính chủ yếu cho tín chỉ carbon dựa trên các kết quả lâm nghiệp. Đó là, thanh toán dựa trên kết quả (như nhà tài trợ), thị trường carbon tự nguyện và thị trường carbon tuân thủ. Mỗi một hình thức lại có đặc điểm khác nhau.

Việt Nam chủ yếu tham gia thị trường carbon tự nguyện. Dạng này dễ tham gia nhất, nhưng sẽ có thời gian định mức đánh giá. Nếu quá hạn thì hệ thống sẽ tự động đưa tín chỉ carbon về 0.

Thị trường bắt buộc không phải điều chỉnh hạn ngạch, trong khi thị trường tự nguyện lại điều chỉnh theo từng năm. Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã từng bước nâng mức hạn ngạch này như một cách thể hiện trách nhiệm trong NDC.

Còn về thị trường bắt buộc, hiện nay Việt Nam chưa thể tham gia, dù đây là thị trường giao dịch chính của nhiều quốc gia, thông qua một số giao dịch. Ông Nghĩa cho rằng, đây cũng là nội dung khiến nhiều bên liên quan lầm tưởng. Trong năm 2023, VIệt Nam bán hơn 10 triệu tín chỉ, với giá 5 USD/tín chỉ. Nhiều người cho là thấp, khi so với thị trường giao dịch hạn ngạch. Nhưng “Việt Nam chưa thể tham gia thị trường này khi thiếu các ký kết song phương”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Kết lại vấn đề, chuyên gia về tín chỉ carbon cho rằng, các quốc gia, bao gồm Việt Nam chỉ có thể bán tín chỉ nếu tạo ra lượng carbon dôi dư vượt qua mức NDC đã cam kết.

Trả lời câu hỏi về nguyên tắc xác định giá tín chỉ carbon, ông Đặng Thanh Long cho biết, hiện nay trên các thị trường carbon đã phát triển mạnh tại các quốc gia khác, có hai thị trường chính là: thị trường bắt buộc và thị trường tự nguyện. Về giao dịch, chủ yếu giao dịch theo cơ chế đấu giá.

10 giờ 15 phút

Hợp tác 3 bên về đào tạo nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon

hoptac 1

Giới thiệu về chương trình đào tạo phát triển bền vững và tín chỉ carbon trên nền tảng Intertek Alchemy, ông Lê Hoàng Thế (Giám đốc Công ty TNHH Lâm nông nghiệp vi sinh VOS Harvest) cho biết, chương trình được xây dựng với 3 cấp độ từ cấp độ đầu tiên là cung cấp hiểu biết tổng quan về biến đổi khí hậu, khái niệm khí nhà kính và quản lý khí nhà kính, lộ trình đạt trung hòa carbon và Netzero, các yêu cầu, luật định liên quan đến khí nhà kính… cho tới cấp độ thực hành, tính toán định lượng và cấp độ đào tạo chuyên viên. Dự kiến, chương trình đào tạo cấp độ đầu tiên khai giảng vào tháng 8/2024.

Tại tọa đàm, Đại diện Trường Chính sách công và PTNT, Công ty TNHH Intertek Việt Nam và Công ty TNHH hệ sinh thái VOS HOLDINGS cùng trao Biên bản ghi nhớ hợp tác về đào tạo nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon.

TS Trần Minh Hải hy vọng, thông qua hệ thống của 3 bên, nhiều người hơn nữa sẽ nắm được nội dung quan trọng này, từ đó nâng cao năng lực cho thị trường lao động trong lĩnh vực carbon.

10 giờ 10 phút

Không nên 'bằng mọi giá' tham gia vào thị trường carbon trong lĩnh vực lúa gạo

carbon rice

TS Trần Minh Hải chỉ ra rằng việc tham gia Đề án 1 triệu ha chỉ với mục đích bán tín chỉ carbon là một cách hiểu sai lầm (Ảnh minh họa).

Tiếp nối những nội dung đã thảo luận, TS Trần Minh Hải đã nêu lên một số hiểu nhầm đang tồn tại liên quan đến Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Theo ông Hải, hiện trạng cho thấy nhiều doanh nghiệp tham gia vào đề án nhưng chưa thực hiện đúng thực chất. Một số doanh nghiệp sử dụng sai thiết bị hoặc thậm chí “nói quá” về khả năng giảm phát thải của sản phẩm phân hữu cơ hoặc phân vi sinh mà họ cung cấp. Ông Hải cho rằng, đây là những quan điểm không chính xác. Để tín chỉ carbon được xác nhận, cần phải áp dụng một quy trình cụ thể, bao gồm đầy đủ các bước trong toàn bộ chuỗi sản xuất.

Hơn nữa, ông Hải chỉ ra rằng việc tham gia Đề án 1 triệu ha chỉ với mục đích bán tín chỉ carbon là một cách hiểu sai lầm. Ông đưa ra ví dụ cụ thể: Để sản xuất 8 tấn lúa sẽ phát thải tương ứng 8 tấn carbon. Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang hợp tác với Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi (TCAF) để định giá tín chỉ carbon với mức giá 20 USD/tín chỉ. Nếu nông dân tuân thủ đầy đủ các quy trình, họ có thể giảm được 30% lượng phát thải, tương đương với việc giảm 2 tín chỉ carbon, mang lại lợi ích kinh tế là 960.000 đồng.

“Lợi ích kinh tế lớn nhất của đề án không chỉ nằm ở việc bán tín chỉ carbon mà còn ở việc giảm các chi phí đầu vào thông qua các quy trình sản xuất hiệu quả hơn. Ngoài ra, việc xây dựng thương hiệu lúa giảm phát thải và tổ chức lại sản xuất trên quy mô lớn cũng mang lại giá trị thặng dư đáng kể”, TS. Hải nhấn mạnh. “Điều quan trọng cần lưu ý là không nên tham gia vào thị trường carbon trong lĩnh vực lúa gạo bằng mọi giá. Thay vào đó, cần tập trung thực hiện đúng đắn và bền vững các quy trình sản xuất, đảm bảo lợi ích lâu dài cho cả người nông dân và nền kinh tế nông nghiệp”.

10 giờ 00 phút

Năm 2025, Việt Nam sẽ thí điểm hình thành một sàn giao dịch tín chỉ carbon

TS Lê Hoàng Thế (người đứng phát biểu trong ảnh) nhấn mạnh “Thị trường tín chỉ carbon mang tính quốc tế”. Vì vậy, cần hình thành sàn carbon cho thị trường quốc tế, mục tiêu trong thời gian tới, sàn carbon của Việt Nam sẽ cùng hoạt động với các sàn quốc tế khác. Dự kiến năm 2025, Việt Nam sẽ thí điểm hình thành một sàn giao dịch tín chỉ carbon. Do đó, vấn đề cấp thiết hiện nay là đào tạo một lực lượng môi giới chuyên nghiệp để tham gia mua bán carbon.

Trên cơ sở đó, TS Thế gợi ý cho các doanh nghiệp muốn tham gia thị trường tín chỉ carbon cần chuẩn bị nguồn nhân lực có hiểu biết, tri thức để kiểm kê, kê khai và những vấn đề liên quan đến carbon.

Trong thời gian tới, TS Lê Hoàng Thế sẽ phối hợp cùng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn khởi động chương trình đào tạo, đặt mục tiêu làm carbon Việt Nam trở nên có giá trị và hội nhập vào thị trường quốc tế.

9 giờ 50 phút

140 doanh nghiệp tại TP.HCM bị áp hạn ngạch phát thải

ong son 2

Tại TP.HCM, ông Cao Tung Sơn (người đứng phát biểu trong ảnh) cho biết, nhiều doanh nghiệp háo hức tham gia thị trường tín chỉ carbon. Trên kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu của Thành phố, mỗi doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sẽ chủ động đưa ra phương án, lộ trình thực hiện cho từng giai đoạn.

Theo ông Sơn, hiện TP.HCM có khoảng 60 dự án liên quan đến tín chỉ carbon. Đây là số lượng lớn, theo ông.

Để có thể tham gia một cách tích cực, bền vững, ông Sơn đề xuất tập trung nâng cao nhận thức, thông qua hệ thống tuyên truyền viên chính thức, được tập huấn trực tiếp thông qua Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường.

Hiện Chính phủ đã đưa ra nhiều nghị định, thông tư về việc kiểm kê phát thải khí nhà kính đối với 2.000 doanh nghiệp trên toàn quốc. Trong số này, TP.HCM có 140 doanh nghiệp bị áp hạn ngạch, chiếm tỷ lệ tương đối cao so với mức bình quân.

Là một thành phố công nghiệp, hầu hết doanh nghiệp tại TP.HCM sẽ chịu tuân thủ hạn ngạch phát thải carbon, nhằm hướng tới việc trung hòa carbon trên cả nước vào năm 2050. Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đang dự thảo một đề án chuyên ngành về vấn đề này, nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

9 giờ 40 phút

'Muốn phát triển xanh, con người phải là trọng tâm'

ong vo xuan vinh

Tại Tọa đàm, GS, TS. Võ Xuân Vinh (ảnh) đã có những phát biểu về sự cam kết của Chính phủ về vấn đề giảm phát thải nhà kính.

Theo ông Vinh, kể từ 2021, Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ về biến đổi khí hậu toàn cầu tại COP26, đồng thời thực hiện cam kết khác trong khu vực ASEAN và các đối tác khác về năng lượng toàn cầu. Cụ thể, Việt Nam đã tham gia vào Hợp tác Tiểu vùng Mê Kông Mở rộng (GMS) và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) cũng như tham gia Liên minh Hành động Khí hậu Châu Á (APCAA).

Ngoài ra, Việt Nam cũng là thành viên của Đối tác Năng lượng Toàn cầu (GEP), một sáng kiến nhằm thúc đẩy sự hợp tác trong lĩnh vực năng lượng bền vững và chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Về chiến lược tăng trưởng xanh, năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, với mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, hướng tới phát triển kinh tế xanh và bền vững.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg và Nghị định 06/2022/NĐ-CP nhằm mục tiêu phát triển tăng trưởng xanh, giảm nhẹ phát thảo khí nhà kính. Ông Vinh đánh giá, việc xây dựng, triển khai thị trường carbon mang lại nhiều lợi ích và nguồn thu cho Việt Nam. Đặc biệt, ngành Nông nghiệp nước ta lại lợi thế lớn tham gia vào thị trường carbon trong và ngoài nước. Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp đi đầu trong bán tín chỉ carbon.

Năm 2023 là một bước tiến quan trọng khi Việt Nam lần đầu tiên bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỷ đồng)…

Vì vậy, ông Vinh hi vọng Việt Nam sẽ tích cực tham gia vào thị trường toàn cầu hơn nữa, đặt mục tiêu trong năm nay và năm sau bán thêm 5 triệu tín chỉ, nâng tổng số lượng carbon bán ra lên 25 triệu tín chỉ. Dự kiến, dịch vụ hấp thu và lưu giữ carbon rừng sẽ là một trong những lợi thế cúa Việt Nam trong giai đoạn tới.

Bên cạnh đó, truyền thông và phát triển nhân lực cũng đóng vai trò quan trọng trên quan điểm “muốn phát triển xanh, con người phải là trọng tâm”. Để chuyển biến và tham gia vào thị trường carbon, cần sự tham gia của nhiều thành phần cũng như các chiến lược từ ngoại giao, khí hậu đến công nghệ.

Trên cơ sở đó, đào tạo, nâng cao trình độ của nguồn nhân lực và các chuyên gia để thực hiện bài bản các bước từ đo đạc, báo cáo đến thẩm định. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị cần thúc đẩy, nâng cao nhận thức của người dân.

Ngoài các chương trình đào tạo, các viện đào tạo và nghiên cứu cũng cần cố gắng tham gia vào mạng lưới đào tạo quốc tế về tín chỉ carbon, với mục tiêu chia sẻ cùng Chính phủ trong triển khai thực hiện các chính sách, cam kết và lộ trình tăng trưởng xanh.

9 giờ 30 phút

Doanh nghiệp xi măng, sắt thép và điện cần sớm lên kế hoạch

ong dang thanh long 2

Chia sẻ thêm về góc độ góp ý cho doanh nghiệp tham gia thị trường tín chỉ carbon, ông Đặng Thanh Long (ảnh) cho biết, giá giao dịch cho 1 tín chỉ carbon trên thị trường giao dịch rất cao, và có xu hướng tăng theo thời gian.

Ông Long ví dụ, giá của 1 tín chỉ carbon trong 1 tấn thép hiện giao dịch khoảng 80-100 euro. Nhưng tới năm 2030, mức này có thể lên tới 300 euro, gấp 3 lần.

Trong số 6 loại hình sản xuất bị ảnh hưởng bởi cơ chế CBAM, ông Long nhìn nhận, sẽ có những doanh nghiệp dôi dư. Do đó, ông đề nghị dồn lực ưu tiên cho 3 lĩnh vực gồm xi măng, sắt thép và điện. Ông Long ước tính, khoảng 200 doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng.

9 giờ 20 phút

Đào tạo nguồn nhân lực cho phát thải carbon thấp là nhiệm vụ cấp thiết

ong cao tung son

Chia sẻ về kinh nghiệm giảm phát thải khí nhà kính trong đô thị, ông Cao Tung Sơn (ảnh), Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở TN-MT TP.HCM) cho biết, TP.HCM đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.

Để ứng phó với BĐKH, Thành phố đề ra các nhiệm vụ thích ứng và giảm phát thải nhằm hướng đến Thành phố phát thải carbon thấp với các giải pháp công trình và phi công trình.

Đối với giải pháp phi công trình, Thành phố sẽ xây dựng chính sách, chiến lược và quy hoạch tích hợp yếu tố BĐKH, tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về ứng phó với BĐKH, nghiên cứu công nghệ giải pháp kỹ thuật như con giống, mùa vụ, vật liệu xây dựng,… để thích ứng với BĐKH.

Đối với giải pháp công trình, Thành phố tập trung xây đê, đập ngăn triều cường, hồ chứa, hồ điều tiết, cải tạo hệ thống thoát nước, gia cố hệ thống cơ sở hạ tầng, nhà cửa để tăng khả năng chống lại thời tiết bất thường, tăng cường diện tích thấm tự nhiên, tích trữ nước mưa để tái sử dụng.

Ngoài ra, để quản lý phát thải khí nhà kính, Thành phố còn thực hiện công tác kiểm kê khí nhà kính, tuyên truyền cho doanh nghiệp về việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở.

Trước xu hướng chuyển đổi mạnh mẽ sang nền kinh tế xanh, nhu cầu về nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong lĩnh vực giảm phát thải carbon đang ngày càng cấp thiết. Để đạt được những mục tiêu tham vọng về giảm khí thải và phát triển bền vững, TP.HCM cần những chuyên gia ở các lĩnh vực như đánh giá và báo cáo phát thải, quản lý năng lượng, công nghệ giảm phát thải, tài chính xanh; chính sách và pháp luật…

Theo ông Sơn, TP.HCM đang chịu ảnh hưởng từ BĐKH như nhiệt độ tăng, thay đổi lượng mưa, ngập lụt, nước biển dâng… Thêm vào đó, Thành phố cũng cần giải quyết những thách thức như đòi hỏi nguồn lực lớn cả về tài chính, công nghệ và nhân lực để thực hiện các mục tiêu Kế hoạch hành động và phát thải carbon thấp.

Như vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực cho phát thải carbon thấp là một nhiệm vụ cấp bách và mang tính chiến lược. “Bằng việc đầu tư vào nguồn nhân lực, chúng ta không chỉ góp phần giảm phát thải carbon mà còn thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, bền vững”, ông Sơn nói.

9 giờ 10 phút

Cần nguồn nhân lực chất lượng, hiểu đúng mục tiêu Đề án 1 triệu ha lúa

ong tran minh hai

Bàn về cơ chế sản xuất giảm phát thải trong chuỗi giá trị lúa gạo, TS Trần Minh Hải (ảnh), Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và PTNT nhấn mạnh: “Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL không chỉ gắn liền với tăng trưởng xanh mà còn đáp ứng nhu cầu tái cơ cấu hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nhằm gia tăng giá trị sản phẩm lúa gạo”.

Cập nhật tiến độ tính đến tháng 7/2024, đã có 7 mô hình thí điểm được triển khai, mỗi mô hình có diện tích trung bình 50 ha tại các tỉnh Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh và Đồng Tháp.

Theo TS Trần Minh Hải, Cục Trồng trọt phối hợp với Viện Môi trường nông nghiệp đang xây dựng kế hoạch thiết lập và hoàn thiện hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm định (MRV). Đến ngày 4/7/2024, Cục đã trình Bộ NN-PTNT phê duyệt Kế hoạch thực hiện MRV trên các mô hình thí điểm thuộc Đề án.

Hệ thống MRV bao gồm ba phần chính: giảm đầu vào lượng phân đạm và thuốc bảo vệ thực vật; áp dụng phương pháp tưới ngập khô xen kẽ (AWD), quản lý và xử lý rơm rạ sau thu hoạch.

Để đạt được những mục tiêu trên, ông Hải nhấn mạnh, việc nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng cho đội ngũ nhân lực là rất cần thiết.

"Nếu không thu được tín chỉ giảm phát thải thì chúng ta 'lỗ' chứ không 'lời'. Cần nhân lực để họ có thể thực hiện và quản lý các quy trình sản xuất mới, hiểu rõ và ứng dụng hiệu quả các biện pháp kỹ thuật nhằm tối ưu hóa khả năng hấp thụ và giảm phát thải carbon trong nông nghiệp", TS Trần Minh Hải khẳng định. "Đối với lĩnh vực lúa gạo, nhân lực cần có kỹ năng lập hồ sơ, ghi chép nhật ký sản xuất, theo dõi dấu chân carbon. Bên cạnh đó, họ cần biết cách thu gom rác thải thuốc BVTV, đo mực nước, giám sát nhà kho chứa và lò sấy lúa…".

9 giờ 00 phút

Thị trường carbon vận hành càng sớm càng có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Âu

Trong tham vọng trở thành khu vực trung hòa khí carbon vào năm 2050, CBAM được thành lập theo Quy định 2023/956 của Hội đồng và Nghị viện châu Âu.

Cơ chế này được thiết lập nhằm tránh “rò rỉ carbon” khi doanh nghiệp EU có thể chuyển những hoạt động sản xuất phát thải nhiều carbon ra nước ngoài để tranh thủ các tiêu chuẩn còn lỏng lẻo, tạo cơ chế xanh đối với hàng hóa nhập khẩu từ ngoài EU thông qua hệ thống định giá hợp lý lượng carbon thải ra trong quá trình sản xuất, từ đó khuyến khích sản xuất giảm phát thải.

CBAM đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc EU dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại.

ong dang thanh long 1

Theo ông Đặng Thanh Long (ảnh), Trưởng phòng Đào tạo và Phát triển bền vững Intertek Việt Nam - Công ty chuyên về đảm bảo, thử nghiệm, kiểm định, xác nhận, 6 loại hàng hóa trên liên quan đến hơn 10.000 doanh nghiệp, là đầu vào trong ba lĩnh vực lớn là năng lương, công nghiệp và hàng không tham gia thị trường EU ETS. Thời gian thực hiện EU ETS được áp dụng từ 2005, theo đó, doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp tại EU bắt buộc phải trả tiền cho mỗi tấn carbon xả thải ra môi trường.

Thuế carbon được xem là một trong những giải pháp hiệu quả nhất để điều chỉnh lượng xả thải carbon hằng năm tuân theo thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 mà các quốc gia đã ký kết.

Đánh giá các tác động của CBAM đến Việt Nam, xét về tổng thể toàn bộ nền kinh tế, tác động của CBAM không lớn, nhưng đối với từng ngành hàng, từng doanh nghiệp, giá trị xuất khẩu giảm đi là con số không nhỏ, làm gia tăng áp lực với các doanh nghiệp.

Theo ông Long, khi Việt Nam có thị trường tín chỉ carbon, các doanh nghiệp đã trả phí carbon tại Việt Nam nếu xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu sẽ được khấu trừ. Như vậy, nếu thị trường carbon vận hành muộn, các doanh nghiệp sẽ bị thiệt. Do đó, các nhà sản xuất ở nước thứ 3 cần tính toán lượng phát thải “nhúng” trong lượng hàng hóa xuất khẩu gồm phát thải trực tiếp và gián tiếp.

8 giờ 50 phút

Carbon là bạn, là tiền của người dân

ong le hoang the

Mở đầu bài trình bày, ông Lê Hoàng Thế (ảnh), Giám đốc Công ty TNHH Lâm nông nghiệp vi sinh VOS Harvest kêu gọi người dân thay đổi suy nghĩ về carbon, phải coi đó là “bạn” là “nguồn tiền” bền vững, lâu dài.

Theo ông Thế, carbon là nguyên tố gắn liền và hình thành nên sự sống trên Trái đất. Bắt đầu từ việc tổng hợp carbon của cây xanh, vị chuyên gia cho biết, carbon tồn tại ở nhiều dạng, có thể trong cây, hoặc dưới đất (trong các bể carbon), trước khi giải phóng ra ngoài không khí.

“Carbon không mất đi, mà chỉ chuyển hóa dưới dạng này sang dạng khác”, ông Thế nói và nhấn mạnh, rằng carbon về bản chất không hề xấu. Vấn đề là cần biến điều này thành thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống, sinh kế cho người dân.

8 giờ 40 phút

Nguồn lực đào tạo về tín chỉ carbon còn hạn chế

3-loi-ich-cua-thị-truong-tin-chi-carbon

Làm rõ hơn về ý kiến của Hiệu trưởng Nguyễn Trung Đông, TS Trần Minh Hải, Trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn cung cấp một số nội dung của chương trình sáng 16/8.

Theo đó, nhà trường đã liên kết với một số đơn vị để đào tạo nguồn nhân lực về tín chỉ carbon. Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế ở Việt Nam hiện nay, số lượng chuyên gia về tín chỉ carbon còn tương đối khiêm tốn. Vấn đề này xuất phát từ việc Việt Nam mới tham gia vào tín chỉ carbon, các nguồn lực, công nghệ liên quan đa số phụ thuộc hoàn toàn vào quốc tế.

“Nhu cầu về tín chỉ carbon rất lớn, chúng ta mới chỉ đáp ứng được một phần”, ông Hải chia sẻ, và nói thêm rằng một số tổ chức, cá nhân ở vùng sâu, vùng xa cũng có nhu cầu tiếp xúc với thị trường tín chỉ carbon. Nhưng chi phí đào tạo, cũng như khả năng cung cấp tại chỗ hạn chế.

Điều ấy đặt ra áp lực không nhỏ cho những cơ sở, viện nghiên cứu khoa học công lập, theo ông Hải, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hướng tới trung hòa giảm phát thải vào năm 2050, theo cam kết tại COP26.

8 giờ 35 phút

Nâng cao chất lượng đào tạo, đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050

ts nguyen trung dong

Phát biểu khai mạc, TS Nguyễn Trung Đông (ảnh), Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Chính sách công và PTNT cảm ơn sự hợp tác, đồng hành và có mặt của các khách mời trực tiếp và trực tuyến.

Với những cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 về nhiệm vụ trung hòa carbon vào năm 2050 để giải quyết biến đổi khí hậu, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng nhiều chính sách quan trọng, trong đó có các chính sách cho phép giao dịch tín chỉ carbon, nhằm khuyến khích và thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp và cộng đồng vào công cuộc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Hiện nay, Việt Nam đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như Nghị định 06/2022/NĐ-CP, quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng Ozon. Ông Đông cho biết, Bộ NN-PTNT cũng đang triển khai những dự án thiết thực như mua bán tín chỉ rừng dựa trên Thỏa thuận ERPA về chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ, hay Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Đây là những sáng kiến góp phần đáng kể vào mục tiêu giảm phát thải carbon của quốc gia.

“Trong lĩnh vực thị trường tín chỉ carbon, mỗi ngành nghề, mỗi lĩnh vực đều có những đặc thù riêng. Vì vậy, việc đào tạo, nâng cao hiểu biết về khả năng hấp thụ và giảm thải carbon của từng loại cây trồng là vô cùng cần thiết”, ông Đông nhấn mạnh.

Do đó, Trường Chính sách công và PTNT đã không ngừng thực hiện các hoạt động bồi dưỡng cho doanh nghiệp, phối hợp với các đối tác như Công ty TNHH Hệ sinh thái The Vos Holding để tổ chức nhiều lớp học giúp sinh viên tiếp cận với các khái niệm giảm phát thải khí nhà kính trong cả công nghiệp và nông nghiệp.

Ông Đông tin tưởng rằng, với sự nỗ lực của toàn xã hội, Việt Nam sẽ không chỉ đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, mà còn hướng đến một tương lai phát triển bền vững, góp phần bảo vệ hành tinh cho các thế hệ mai sau.

8 giờ 30 phút

Hơn 400 điểm cầu tham dự trực tuyến tọa đàm

Nhập chú thích ảnh

Điểm cầu chính - Hội trường Trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn.

Tại điểm cầu chính, MC Phương Thảo cho biết, tín chỉ carbon đang được quan tâm trên toàn cầu. Đây là một trong những nội dung giúp các quốc gia phát triển bền vững, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Nằm trong dòng chảy ấy, Việt Nam cũng đang quan tâm đến vấn đề này. Tuy nhiên, liên quan tới tín chỉ carbon có nhiều vấn đề, trong đó có khung pháp lý, khả năng đánh giá, đo lường thực tế. Đặc biệt, vấn đề nguồn nhân lực được xem là căn bản bởi đây là yếu tố khởi nguồn để xây dựng các khía cạnh liên quan đến tín chỉ carbon.

Do đó, buổi tọa đàm sáng 16/8 đã thu hút khoảng 100 đại biểu dự trực tiếp tại Hội trường Trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn, đồng thời có hơn 400 điểm cầu trực tuyến trên cả nước, theo MC Phương Thảo.

Trong khoảng 3 tiếng diễn ra tọa đàm, MC Phương Thảo hy vọng sẽ đón nhận những ý kiến đóng góp quý báu, xác đáng giúp các tổ chức, cá nhân trong nước có thể hiểu rõ hơn vấn đề này.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuất hiện vết nứt trên núi Phú Gia, di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân

THỪA THIÊN - HUẾ Trên núi Phú Gia xuất hiện vết nứt dài khoảng 50m, đã có 1 điểm lở xuống phía dưới, độ cao khoảng 20m có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản người dân.