| Hotline: 0983.970.780

Nhiều chủ rừng loay hoay với tín chỉ carbon

Thứ Tư 12/06/2024 , 14:35 (GMT+7)

Đắk Nông có hàng trăm nghìn ha đất lâm nghiệp với diện tích rừng rộng lớn nên có nhiều tiềm năng khi tham gia thị trường tín chỉ carbon.

Đắk Nông hiện có gần 293.000ha đất lâm nghiệp, chiếm 45% diện tích tự nhiên. Tổng diện tích đất có rừng theo rà soát là gần 251.000ha (gồm hơn 196.000ha rừng tự nhiên và gần 55ha rừng trồng). Địa phương này được đánh giá có tiềm năng lớn để phát triển tín chỉ carbon.

Nhiều lợi thế

Vườn quốc gia Tà Đùng có diện tích tự nhiên khoảng 21.000ha, tỷ lệ che phủ hơn 85% diện tích vùng lõi (rừng nguyên sinh hơn 48% và hơn 36% rừng thứ sinh các loại). Hiện nay, tại Vườn quốc gia Tà Đùng diện tích có rừng trên 16.000ha, với đặc trưng là rừng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới nhiều tầng tán. Trong đó, diện tích rừng nguyên sinh chiếm phần lớn nên có tiềm năng về hấp thu và lưu giữ carbon.

Đắk Nông có tổng diện tích đất có rừng theo rà soát là gần 251.000ha. Ảnh: Quang Yên.

Đắk Nông có tổng diện tích đất có rừng theo rà soát là gần 251.000ha. Ảnh: Quang Yên.

Ngoài ra, Vườn quốc gia Tà Đùng có khoảng 5.000ha là diện tích rừng phục hồi, đang trong giai đoạn tăng trưởng nhanh, việc hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng tại đây cũng là một lợi thế. Đặc biệt, rừng tre nứa và hỗn giao tre nứa gỗ cũng được đánh giá có khả năng hấp thụ và lưu giữ carbon cao hơn các rừng khác.

Ông Khương Thanh Long, Giám đốc Vườn quốc gia Tà Đùng cho biết, thời gian qua đơn vị đã trồng được hơn 600ha rừng, đến nay thành rừng hơn 300ha. Theo ông Long, với diện tích rừng tự nhiên lớn, đơn vị được đánh giá là kho lưu trữ carbon lớn tại tỉnh Đắk Nông. “Nếu được triển khai tín chỉ carbon sẽ góp phần tăng nguồn thu của đơn vị. Việc này giúp đơn vị có nguồn chi trả, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng”, ông Long chia sẻ.

Tương tự, Ban quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ hiện quản lý hơn 6.500ha rừng và đất rừng. Đặc thù của rừng nơi đây là rừng thường xanh. Ông Nguyễn Xuân Khương, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ cho biết, khu vực rừng của đơn vị được đánh giá là một trong những nơi có tầm quan trọng trong bảo tồn các mẫu chuẩn hệ sinh thái. Cũng nhờ hệ sinh thái rừng khá nguyên vẹn, chủ yếu rừng nguyên sinh, nên đây là khu vực có nhiều tiềm năng, sẵn sàng thực hiện và tham gia thị trường tín chỉ carbon.

Vườn quốc gia Tà Đùng là một trong những đơn vị có tiềm năng tham gia thị trường tín chỉ carbon lớn nhất Đắk Nông. Ảnh: Quang Yên.

Vườn quốc gia Tà Đùng là một trong những đơn vị có tiềm năng tham gia thị trường tín chỉ carbon lớn nhất Đắk Nông. Ảnh: Quang Yên.

Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết, tổng diện tích đất có rừng tại Đắk Nông lớn, tỷ lệ che phủ đạt 39,07%. Theo ông Phạm Tuấn Anh, với diện tích rừng trên địa bàn rất lớn, chất lượng, trữ lượng rừng khá cao nên có nhiều tiềm năng phát triển tín chỉ carbon. Ngoài ra, tỉnh Đắk Nông có diện tích quy hoạch cho phát triển rừng gần 80 nghìn ha. Việc phục hồi lại rừng trên diện tích này sẽ tăng tỷ lệ che phủ rừng, trữ lượng carbon rừng.

“Việc phát triển tín chỉ carbon rừng đồng nghĩa với việc phải thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao chất lượng rừng. Trong đó, địa phương sẽ tập trung thực hiện quản lý tốt diện tích rừng hiện có, tăng cường công tác phát triển rừng, phát triển kinh tế rừng… Phát triển tín chỉ carbon là cơ hội bổ sung nguồn tài chính nhằm tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho các chủ rừng, người dân từ đó hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng”, ông Phạm Tuấn Anh nói thêm.

Vẫn còn nhiều rào cản

Hiện nay việc triển khai, phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng vẫn còn mới, chưa có những hướng dẫn cụ thể nên các đơn vị chủ rừng, cơ quan chức năng tại Đắk Nông chưa thể triển khai.

Hiện nay có nhiều lợi thế, nhưng Đắk Nông cũng gặp nhiều khó khăn khi tham gia thị trường tín chỉ carbon. Ảnh: Quang Yên.

Hiện nay có nhiều lợi thế, nhưng Đắk Nông cũng gặp nhiều khó khăn khi tham gia thị trường tín chỉ carbon. Ảnh: Quang Yên.

Ông Nguyễn Xuân Khương cho rằng, tín chỉ carbon rừng hiện còn khá mới mẻ, các văn bản hướng dẫn chi tiết để thực hiện vẫn chưa có. Do vậy đơn vị mong muốn sớm được lập dự án có thể triển khai để tăng nguồn thu bền vững. “Hiện cơ chế về tín chỉ carbon chưa rõ ràng, đặc biệt với đơn vị cái khó nhất là kinh phí triển khai đề án không có. Nếu có tham gia thị trường tín chỉ carbon thì việc ưu tiên hàng đầu là tìm nguồn kinh phí”, ông Khương chia sẻ thêm.

Trong khi đó, ông Khương Thanh Long cho biết, hiện đơn vị cũng gặp nhiều khó khăn về cơ chế pháp lý để điều tra, thực hiện chứng chỉ carbon rừng chưa rõ ràng, đặc biệt là sử dùng nguồn tiền thu được như thế nào. “Hiện nay thị trường carbon đang ở dạng thí điểm, tài trợ. Về các phương pháp điều tra chưa được thống nhất, chưa có phương pháp được coi là tối ưu, đặc biệt tại Vườn quốc gia rừng mưa nhiệt đới với nhiều loài cây, tầng tán. Và quan trọng nhất là nhân lực và kinh phí để điều tra, lượng hấp thụ carbon rừng là rất lớn, cần thực hiện theo chu kỳ 2 - 5 năm”, ông Long nói.

Trao đổi với phóng viên, Giám đốc Sở NN-PTNT Phạm Tuấn Anh cho biết, để chuẩn bị tốt nhất khi triển khai, thời gian qua đơn vị thường xuyên cử cán bộ tham vấn, tham dự các hội nghị do Bộ NN-PTNT tổ chức để cập nhập kiến thức về tín chỉ carbon.

Dự kiến đến năm 2025, tỉnh Đắk Nông sẽ phát hành tín chỉ carbon, ước tính thu về 10 USD/tín chỉ. Ảnh: Quang Yên.

Dự kiến đến năm 2025, tỉnh Đắk Nông sẽ phát hành tín chỉ carbon, ước tính thu về 10 USD/tín chỉ. Ảnh: Quang Yên.

Tuy nhiên, ông Phạm Tuấn Anh cho rằng hiện nay việc phát triển tín chỉ carbon nói chung và cơ chế vận hành tín chỉ carbon rừng nói riêng vẫn đang trong giai đoạn khởi đầu. “Các cơ chế, quy định việc đo đạc, trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon… chưa được đầy đủ, thiếu sự đồng bộ. Mặt khác việc triển khai các dự án carbon, đo đạc lập tín chỉ đòi hỏi nguồn lực tài chính, kỹ thuật và nhân lực cao mà hiện nay tỉnh Đắk Nông còn hạn chế”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

C.P. Việt Nam bàn giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam vừa phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết, ban giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.