Khi đưa bức hình chụp một trang trong cuốn “Hơi thở trong bàn tay” một độc giả gởi đến kèm theo lời bình: “muốn giỏi văn mua sách ông này được á”, Thái Hạo khiêm tốn viết “Tôi không chắc lắm về chuyện sẽ giỏi văn khi đọc cuốn sách của tôi...vì cuốn sách này ra đời với mục đích rất cụ thể và “thực dụng”: thực hành tiếng Việt và yêu văn chương...”
Từ cảm nhận trên của vị độc giả, hãy thử đọc trang ấy (tr. 21) để xem hai mục đích của cuốn sách mà tác giả nhắm đến đã được thực hiện đến đâu và như thế nào.
I. Một điều chắc chắn là những gì viết trong trang sách sẽ làm mê say độc giả thuộc đủ mọi xuất thân, lứa tuổi.
Chỉ trong một trang mà đã đầy ắp những liên tưởng bất ngờ, gây ra một sự thích thú không mong đợi cho người đọc, như bỗng dưng được ăn một món ngon, được nghe một bản nhạc hay. Các liên tưởng này bật ra không theo lô gích thông thường. Vài ví dụ:
1. “Đàn bò đã ăn no, lên giữa đê nằm nhai bóng”: Người ta đang chờ đợi bò ‘nhai cỏ’, nên chựng lại với ‘nhai bóng’.
‘Nhai bóng’ tuy bất ngờ song vẫn có lý. Bóng không tách được bò, mà nhai cần những động tác như mở miệng, ngậm miệng, nghiến răng, cộng thêm cử chỉ ngúc ngắc đầu, ve vẩy tai của đàn bò làm hình ảnh trong trí sống động hẳn. Vẫn còn nhiều chỗ cho người đọc tưởng tượng ra cảnh bò nhai cỏ ấy.
Nhưng nếu các em học sinh bắt chước miêu tả bò nằm nhai cỏ mà cũng dùng ‘nhai bóng’ thì có lẽ không những không thành ‘giỏi văn’ mà khéo lại thành ‘đạo văn’.
2. “Tháng Ba, hoa xoan vỡ trắng”: ở đây người ta đang chờ đợi ‘rụng trắng’. Kết hợp ‘vỡ trắng’ bất ngờ và vô cùng thi vị. Nó gộp lại gọn gàng ý ‘hoa nở bung rồi rụng, nhiều đến trắng xoá mặt đất’. Người đọc dễ liên tưởng lan man đến các cảnh hoa nở, vẫn còn chất chứa trong ký ức như những kỷ niệm đẹp.
Nhưng nếu học sinh đua nhau miêu tả hoa trắng nở rụng đầy là ‘vỡ trắng’ thì lại thành bắt chước.
3. “...mưa bụi đã về cuối trời quên”: đây là một câu gộp nhiều ý. “Mưa bụi đã về” có thể là mùa mưa bụi trong năm đã đến, nhưng đây là về một nơi chốn nào đó. Đó là chốn nào? Cuối trời. Trời gì? Trời quên. ‘Trời quên’ là trời thế nào khó ai giải thích một cách xác quyết được.
Người đọc cũng chẳng cần phải hiểu ‘cuối trời quên’ là ở đâu. Chỉ cảm thấy rằng khi đọc xong, tâm tư cứ dài ra không dứt sau cái chấm câu. (Bởi vậy những bài trong tập sách có lẽ sẽ được người ta đọc đi đọc lại những khi thấy cần ngồi một mình, tìm một khoảnh khắc thoát khỏi thực tại ngột ngạt nào đó.).
Bây giờ học sinh nào tả một cơn mưa bụi mà cứ ‘về cuối trời quên’ dễ có khi bị phê là “Sao lại đạo văn Thái Hạo?” (nếu người phê có đọc cuốn sách).
4. “Những cánh hoa thay mình làm mưa, níu một âm giai vào lòng cổ độ”: độc giả có thể thắc mắc rằng “mình” ở đây là ai, vì đoạn văn trước đó nhắc đến bò, thằng người, và mưa bụi. Dẫu sao thì vì trang sách trích nửa chừng, người ta sẽ chẳng băn khoăn ai là “mình”. Nhưng nếu học sinh viết bài luận kiểu này có sẽ bị bắt lỗi là “câu không rõ”?
Rồi “lòng cổ độ” là lòng gì? lòng của ai? Đấy cũng là một câu hỏi thừa thãi. Người đọc không muốn những chất vấn kia ‘phá rối’ giây phút thưởng ngoạn một áng văn đẹp và buồn như mộng. Chỉ thả lòng, như đang nghe một khúc nhạc không lời dịu dàng, du dương.
Tuy nhiên, các học sinh ‘cóp’ câu này vào bài liệu có bị phê “đạo văn” không khi nó độc nhất vô nhị là của tác giả Thái Hạo?
5. “khóm xanh” cũng là một hoán dụ lạ ít thấy, có lẽ chưa ai dùng. Nhưng nếu học sinh cũng bắt chước mà mô tả những cụm cây lá là “khóm xanh” thì e chừng cái độc đáo đã mất, chỉ còn lại một từ mới được phái sinh.
Với vài ví dụ trên có lẽ ai cũng đồng ý rằng những trang như trang sách này, ngồn ngộn các ngôn từ lạ, khiến người đọc thấy “yêu văn chương” hơn. Trang sách cung cấp những hình ảnh vừa thân thiết vừa xa xăm, cả dịu dàng say đắm.
II. Về mục đích “thực dụng” thứ hai, thực hành tiếng Việt, của tác giả thì như thế nào?
Tác giả chỉ cho biết đấy là “thực hành” tiếng, còn thực hành như thế nào thì để người đọc tự rút ra.
Đúng là trang sách minh hoạ một cách diễn đạt ý tứ mạch lạc, trong sáng, gẫy gọn. Viết “không sai chính tả” như ai đó đã nhận xét. Học sinh muốn viết không sai chính tả thì có từ điển để kiểm tra, còn “không sai chấm phẩy” thì lại ở một nấc cao hơn, thuộc về chuyện hành văn.
1. Sau khi nhận ra tuy mục đích là thực hành tiếng Việt nhưng với một loại văn xuôi không phải văn ‘thông báo’, độc giả sẽ không thấy bận tâm về các câu vắng chủ ngữ trong trang trích. Vài ví dụ:
- “Cứ nằm như thế, mặc kệ thằng người len qua, nghe chừng tội nghiệp kẻ lang thang đầu sông cuối bãi”: nhờ câu trước đó nên hiểu được rằng đàn bò tội nghiệp cho thằng người;
- “Những cánh hoa thay mình làm mưa”: Đọc đến cuối trang thì tạm yên tâm ‘mình’ đây là người ông cụ gọi bằng ‘anh’;
- “Lại đi, làng bên...” và một lô các câu sau đó không có chủ ngữ, như “Mùa lúa trổ bông chắc là thơm và sóng sánh”: Cái gì thơm và sóng sánh? Không phải là ‘mùa’ rồi.
Song chẳng hề gì.
Những ví dụ dẫn ra ở trên cho thấy những bài trong “Hơi thở trong bàn tay” không được viết bằng một thứ văn xuôi bình thường (mang tính thông báo), mà là văn xuôi của thơ ca (hình như trước đây những bài viết theo phong cách này được gọi là “văn xuôi trữ tình”). Mà thơ và văn xuôi bình thường (không trữ tình) có cấu trúc và đặc điểm ngôn ngữ khác hẳn nhau, dùng các thao tác khác nhau (“Ngôn ngữ thơ” của Nguyễn Phan Cảnh, 1987, NXB ĐHTHCN).
Cho nên không lấy kiểu cấu trúc câu và từ thông thường (ví dụ câu không chủ ngữ, hay các kết hợp từ như ‘khóm xanh’) mà phân tích đánh giá đúng sai được.
2. Vậy thì đọc “Hơi thở trong bàn tay” có thể thực hành được tiếng Việt như thế nào?
Trước hết, ngoài những câu văn đầy hình tượng và cách kết hợp từ ngữ bất ngờ và đẫm chất thi ca kia, các câu “văn xuôi” là những câu văn mẫu mực. Chúng diễn đạt sự việc một cách sáng sủa, không nhập nhằng. Nếu gộp nhiều ý trong một câu thì các ý xuất hiện theo kiểu ‘kết hơp’ có lớp lang thứ tự của văn xuôi, cho cảm giác tuôn chảy mạch lạc.
Đó có lẽ một phần là nhờ trong tiếng Việt, cái bổ túc (modifier) theo sau ngay cái được bổ túc ý (modified). Ví dụ như “ngày” thì có thể hỏi Ngày gì? ngày lễ. Lễ gì? Lễ kỷ niệm. Kỷ niệm ai/gì? Kỷ niệm Hai Bà Trưng...
Vài ví dụ của các mệnh đề dài trong trang 21:
- “một chiếc xe bình bịch bên tai” (Xe gì? xe bình bịch. ở đâu? ở bên tai);
- “kẻ lang thang đầu sông cuối bãi” (kẻ nào? kẻ lang thang. Lang thang ở đâu? đầu sông cuối bãi);
- “buổi chiều lồng lộng gió thổi” (chiều nào? chiều lồng lộng. lồng lộng gì? lồng lộng gió. Gió thế nào? Gió thổi).
Kiểu gộp nhiều ý trong một câu, nếu không khéo, dễ tạo ra các câu văn mơ hồ với lỗi ngô nghê (như “Người đàn ông đi sinh nhật về bị xe tải cán tử vong rồi rời khỏi hiện trường”). Tác giả các câu tương tự thường khi viết đến ý sau thì lạc mất các phần của ý trước nên không còn kiểm soát được bố cục của các thành phần câu.
Các câu ý chồng ý của Thái Hạo vẫn rất mạch lạc. Tác giả chú ý một cách thận trọng vai trò của từng chữ trong câu, điều khiển một cách ngoạn mục chuỗi các từ ngữ, như kỵ sĩ dùng cây roi của mình một cách điêu luyện, như chàng chăn cừu khéo léo lùa đàn cừu hàng trăm con di chuyển theo ý mình.
Học sinh còn có thể học viết những câu miêu tả ngắn và trong sáng, “văn vẻ” qua việc dùng nhiều từ nhân cách hoá, điệp từ, điệp ngữ. Ví dụ như:
- “Nhà lẫn với ruộng, những thửa đồng GHÉ liền với bờ sân phơi”;
- “Ruộng đã làm xong, IM LÌM ĐỢI lúa LÊN”;
- “Ở đây không có bụi, không có tiếng xe, không có quán nhậu”;
- “Mặt trời xuống lưng trời, LỪNG LỮNG trôi đi...”.
Đây chỉ mới là một trang trong cuốn sách. Chắc chắn còn rất nhiều câu văn tương tự có thể dùng làm mẫu dạy học sinh cách đặt câu với phép nhân cách hoá, phép hoán dụ, ẩn dụ (phần yêu văn chương ở trên).
Về ngữ pháp, những câu không chủ ngữ như trong trang 21 của “Hơi thở trong bàn tay” là do tác giả cố tình, một phong cách viết. Nó khác với loại câu què cụt không chủ ngữ mà hay thấy nhất là những câu bắt đầu bằng "qua".
Ví dụ như “Qua điều tra phát hiện ra....”, tác giả lạc mất chủ ngữ nên câu thành câu què. Đó là một lỗi thấy nhan nhản trên báo chí, thậm chí đôi khi xuất hiện trên trang viết của một số nhà văn, nhà thơ.
Tuy nhiên, trong trang 21 này, nếu có một chỗ có thể gọi là “biên tập” được, thì đó là câu “Mùa lúa trổ bông chắc là thơm và sóng sánh”. Nếu cho dấu chấm vào sau chữ “bông” (Mùa lúa trổ bông. Chắc là thơm và sóng sánh) thì sẽ ổn hơn về chủ ngữ (không phải "mùi", mà “lúa” là cái "chắc là thơm và sóng sánh"), và đi cùng nhịp với văn phong các câu không chủ ngữ khác trong toàn trang.
Tất nhiên đây chỉ là suy nghĩ của một độc giả muốn một sự hoàn hảo và cân đối về cấu trúc câu.
III. Quả thật, đọc “Hơi thở trong bàn tay”, người ta cảm thấy yêu văn chương hơn. Cùng với yêu văn chương thì thấy yêu quê hương, làng xóm hơn.
Và “cảm xúc” cũng cần tập dượt. Việc thường xuyên đọc những gì động đến trái tim cũng có thể khiến một người bản chất hơi lãnh đạm quan tâm hơn đến cảm xúc. Rồi từ đó, chúng ta biết thương mình, thương người hơn...
Học sinh đọc "Hơi thở trong bàn tay" sẽ được làm quen với những áng văn trong sáng, hàm súc, đầy ngôn từ đẹp đẽ. Cứ theo đó mà tập viết các câu cho rành mạch, đúng ngữ pháp thì chắc chắn là không nhiều thì ít sẽ “giỏi văn” hơn trước.
GS. Andrea Hoa Pham
Quan trọng hơn nữa, trong những bài văn tình cảm (không phải văn nghị luận), nếu học được cách dùng từ theo một số biện pháp tu từ như được dùng trong sách, học sinh sẽ tìm ra cách nói riêng của mình, tạo được phong cách mà không phải lặp lại ai cả. Điều đó dẫn đến sự mạnh dạn, tự tin, thoát khỏi tâm lý dựa dẫm, lệ thuộc vào “văn mẫu”.