Học tiếng Anh - Mục đích và thực tế

GS.TS Andrea Hoa Pham - Thứ Tư, 25/10/2023 , 08:00 (GMT+7)

GS.TS Andrea Hoa Pham: Bài này là câu chuyện về mục đích cụ thể của việc học tiếng Anh như một ngoại ngữ hay như một ngôn ngữ thứ hai, và thực tế sử dụng…

LTS: Bài viết của Giáo sư ngôn ngữ học Andrea Hoa Pham, hiện đang dạy tiếng Việt, Văn hóa Việt Nam và Ngôn ngữ học, Viện Đại học Florida, Hoa Kỳ.

Hai bài trước chúng tôi đã nói về việc học tiếng Anh trong nhà trường với người nước ngoài và học tiếng Anh online với người nước ngoài. Bài này là câu chuyện về mục đích cụ thể của việc học tiếng Anh như một ngoại ngữ hay như một ngôn ngữ thứ hai, và thực tế sử dụng.

Mỗi người học tiếng Anh đều có mục đích riêng. Phần lớn nghĩ rằng học để biết thêm một thứ tiếng, để sẵn sàng cho một cơ hội làm việc với người nước ngoài hoặc đi du học, hoặc để hiểu thêm một nền văn hóa, hay đơn giản là học để cha mẹ vui lòng, v.v. Còn nhỏ thì đa số học vì phụ huynh ghi danh cho, tự nguyện hay không, hoặc vì những áp lực nào đó ở trường ở lớp, hay từ bạn bè xung quanh. Lớn thì có thể nhiều em ý thức hơn học để làm gì. Khi biết được mục tiêu thì có hứng thú và quyết tâm.

Bài liên quan

Mục tiêu càng cụ thể thì càng cương quyết thực hiện, như thi đậu một kỳ thi nào đó trong nước, đáp ứng điều kiện về tiếng để được cấp học bổng đi học một chương trình nào đó ở nước ngoài, hoặc xin một công việc cần giao dịch với người nước ngoài, v.v.

Tùy mỗi mục đích mà người ta học và dùng tiếng Anh ở mỗi kiểu khác nhau

Một người Việt ở Canada làm việc cho một hãng lắp ráp máy bay lớn đã được gần ba chục năm. Người ấy nói chuyện bằng tiếng Anh với đồng nghiệp một cách tự nhiên, thoải mái, trôi chảy, đôi khi lại đệm những câu đùa, dùng tiếng lóng thân mật khiến cả bọn cười vang. Song lắng nghe, thì câu cú sai ngữ pháp lung tung. Chất giọng Việt thể hiện ở những chỗ tiếng Anh có mà tiếng Việt không có, như 'all' nói thành 'o' hay 'on'. Một chị làm ở tiệm cắt tóc ở Florida đã vài chục năm, nuôi con ăn học thành bác sĩ, nha sĩ, nói chuyện với khách hàng bằng một thứ tiếng Anh bập bõm. Phần lớn chị ấy học trong khi làm việc, từ những câu đối thoại ngắn với người Mỹ hàng ngày. Chị không nói được một câu chuyện nào song suốt có đầu có đũa bằng tiếng Anh mà không đầy rẫy những câu cụt câu què. Vẫn còn hỏi cuốn sách ngữ pháp tiếng Anh nào là hay nhất để lúc rảnh chị học thêm, nhưng chẳng có bao giờ có chuyện 'học thêm' đó, vì không cấp thiết cho công việc hàng ngày. Những người này vẫn làm được công việc cần làm như thường. Tiếng Anh của họ đủ để nói chuyện, trao đổi vài thông tin cần thiết. Họ không có nhu cầu viết lách.

Một sinh viên du học với vốn 'broken English' ấy không thể sống nổi trong môi trường dùng ngôn ngữ viết là chính, một ngôn ngữ hàn lâm. Ảnh minh họa.

Song một sinh viên du học thì cái 'broken English' ấy không thể sống nổi trong môi trường dùng ngôn ngữ viết là chính, một ngôn ngữ hàn lâm.

Khi quý vị muốn cho con học tiếng Anh, hãy nghĩ đến mục đích sâu xa là học để làm gì? Để biết nói vài câu cho bằng chị bằng em, sau này sẽ xin làm việc với các công ty nước ngoài ở Việt Nam, hay sau này đi du học...? Rõ ràng, tiếng Anh chỉ là một công cụ để một người làm được những việc muốn làm.

Vì tiếng Anh hay bất kỳ một ngôn ngữ nào cũng chỉ được xem là một công cụ, cho nên không có một chương trình Thạc sĩ hay Tiến sĩ nào chỉ để đào tạo cho giỏi một 'ngoại ngữ'. Những chương trình Sau đại học là cơ hội để sinh viên khám phá sâu một chuyên môn nào đó, rèn luyện một phương pháp nghiên cứu độc lập. Ph.D. in English có nghĩa là Tiến sĩ về Văn học Anh, với một hiểu biết khá tường tận về cấu trúc tiếng Anh và tiếng Anh trong đời sống xã hội (sociolinguistics). Việc dạy tiếng ở một trường đại học thường chỉ yêu cầu người dạy nói được tiếng ấy như tiếng mẹ đẻ, hoặc ở mức độ gần như tiếng mẹ đẻ, và có bằng Thạc sĩ. Người ta không cần đến bằng Tiến sĩ vì công việc chính là giảng dạy, không phải nghiên cứu, và cũng không đòi hỏi phải có bằng cấp sư phạm. Nếu bằng Thạc sĩ mà của ngành Ngôn ngữ học (lý thuyết hoặc ứng dụng) thì phù hợp nhất.

Người ta học như thế nào với những mục đích đa dạng ấy?

Học từ rất nhỏ là một cách nhiều người ao ước. Tuy nhiều ý kiến khác nhau, nhưng phần lớn những nghiên cứu mới nhất đều cho thấy trẻ em có thể học cả hai thứ tiếng (bilingual) cùng một lúc từ khi mới lọt lòng mà không hề bị nhầm lẫn, không bị hai tiếng tranh ảnh hưởng với nhau, gây ra xáo trộn (1). Càng có điều kiện nghe và nói cả hai thứ tiếng, việc học càng thuận lợi. Chẳng hạn có nghiên cứu cho thấy trẻ nói tiếng Anh và tiếng Pháp ở Canada, một xứ mà ngôn ngữ chính thức là Anh và Pháp, học tiếng Anh và Pháp nhanh hơn là trẻ ở Hoa Kỳ học tiếng Anh và Pháp, vì ở Hoa Kỳ ngoài tiếng Anh thì tiếng Tây Ban Nha được nói nhiều nhất. Tiếng Pháp chỉ là trong số các ngôn ngữ thiểu số khác. Một nghiên cứu khác cho thấy trẻ học nói hai thứ tiếng sẽ chậm hơn một chút vì phải học một lúc hai ngôn ngữ khác nhau (2). Có thể vốn từ ban đầu ít hơn trẻ chỉ nói một thứ tiếng, nhưng những năm sau đó thì có khi lại phong phú hơn.

Việc có thể nói hai thứ tiếng sẽ mang tới nhiều lợi thế cho các em. Ảnh minh họa.

Cái lợi của việc nói hai thứ tiếng rất nhiều. Thứ nhất là có thêm một công cụ nói chuyện với người thân họ hàng, những người chỉ nói được một thứ tiếng. Thứ hai nó tạo thành một căn cước về văn hóa riêng biệt của các em. Cuối cùng là giúp các em có trí phán đoán tốt hơn, sáng tạo hơn, giải quyết vấn đề tốt hơn, và mở rộng các cánh cửa tìm việc làm sau này. Trong những gia đình này, có thể là người cha nói một ngôn ngữ và người mẹ nói một ngôn ngữ khác, hoặc cha mẹ cũng nói hai thứ tiếng. Nếu không, tùy thuộc vào khu vực nơi trẻ sinh sống và môi trường ngôn ngữ ở nhà trẻ, trẻ em có thể học được hai thứ tiếng một cách tự nhiên. Việc học và nói hai thứ tiếng cùng một lúc thường dễ dàng với trẻ thuộc những gia đình di dân (tức cha mẹ nói tiếng mẹ đẻ và tiếng Anh, ngôn ngữ nơi họ đến sinh sống). Ở nhà, vài ba năm đầu trẻ học tiếng của cha mẹ là chính song đã bắt đầu tiếp xúc với tiếng Anh chung quanh. Đến lúc đi học, trẻ nhanh chóng bập vào tiếng Anh dùng ở lớp.

Hai điều quan trọng nhất khi học hai ngôn ngữ cùng một lúc: một là số lượng của 'đầu vào' (input) tức trẻ cần được tiếp xúc nhiều và thường xuyên với hai ngôn ngữ này, và hai là chất lượng của 'đầu vào'. Vì thế, cha và mẹ nên dùng ngôn ngữ mà họ giỏi nhất để nói chuyện với con. Chứ không phải vì đến Hoa Kỳ sinh sống, tiếng Anh chưa giỏi nhưng vẫn cứ dùng cái tiếng Anh không chỉnh ấy nói với con.

Còn ở Việt Nam, nơi trẻ phải học tiếng Anh như một ngoại ngữ, cha mẹ muốn con được tiếp xúc với tiếng Anh từ nhỏ thì phải tạo ra được cái môi trường xung quanh mà mọi người đều nói tiếng Anh cho con. Các em phải được học tiếng Anh ít nhất như ngôn ngữ thứ hai, nếu không được là ngôn ngữ thứ nhất. Một cách người ta thường làm là gởi vào nội trú hay bán trú ở các trường "quốc tế" mà hàng ngày các em chỉ tiếp xúc với thầy cô và bạn bè, tất cả đều nói tiếng Anh thành thạo. Còn nếu chỉ học mỗi tuần vài giờ với 'người nước ngoài' thì liệu các em có thể nói tiếng Anh như 'ngôn ngữ thứ hai' được không? Câu trả lời rõ ràng là không, trừ phi em bé đặc biệt có năng khiếu về ngoại ngữ và ham học.

Như vậy thì có nên ép buộc các em học tiếng Anh quá sớm, nhất là khi chưa biết rõ mục đích là để làm gì? Nếu có ý định cho con du học trước khi trẻ lên 11-12 tuổi, không cần chuẩn bị gì nhiều về ngoại ngữ. Trẻ di dân sang Bắc Mỹ được tính theo tuổi và thả vào học chung với các trẻ bản xứ. Học thêm vài giờ tiếng Anh mỗi tuần. Như cá bơi trong nước, một thời gian sau các em nhanh chóng làm chủ được cái tiếng buộc phải dùng hàng ngày ấy.

Nếu cha mẹ muốn cho đi du học khi trẻ đã lớn, chỉ cần bỏ một năm đầu học tiếng khi vừa đặt chân đến Bắc Mỹ (hoặc bất kỳ nước nào trẻ định học). Chừng ấy đã đủ để năm sau vào lớp học bình thường.

GS.TS Andrea Hoa Pham

Trẻ em Việt có ý định sang Bắc Mỹ để học đại học hoặc sau đại học, chỉ cần khi sang đến nơi, theo học các lớp luyện thi để thi môn tiếng Anh bắt buộc cho học sinh những nước không nói tiếng Anh, thường là TOEFL (Test of English as a Foreign Language - Thi tiếng Anh như một Ngoại ngữ). Nếu chưa biết gì thì đối với trẻ trung bình, học một năm tiếng Anh trước, sau đó vào các lớp luyện thi. Tùy ngành học, trẻ có thể thi đạt điểm yêu cầu sớm hơn hoặc muộn hơn, vì ngành tự nhiên yêu cầu số điểm thấp hơn là ngành xã hội. Khi vào chương trình, lúc đầu sẽ còn vất vả nhưng sẽ hoàn thiện từng ngày, đủ để xong một chương trình đại học hoặc Sau đại học. Xong các bằng cấp này, tiếng cũng chưa thể diễn đạt như người bản xứ, vì ngoài tiếng, vốn văn hóa trong ngôn ngữ là một thử thách. Đây là chỗ những câu viết ra đọc lên biết ngay dịch từ tiếng mẹ đẻ sang.

Khi đã vào đại học, sinh viên biết cái khó nhất không phải là nói, mà là viết. Phải làm bài kiểm tra, tiểu luận, rồi cấp cao hơn thì viết bài nghiên cứu, làm luận văn, luận án. Nói có sai sót như thế nào người ta cũng có thể hiểu được. Nhưng viết mà câu cú lôm côm, ngữ pháp sai hết chỗ này đến chỗ nọ, dùng từ không thích hợp (không phải cứ tra từ điển rồi điền vào), ý nghĩa thì nhảy cóc vì nghĩ trong tiếng mẹ đẻ, khiến câu văn lủng củng, khó hiểu. Khi thầy giáo đọc không hiểu, điểm thấp đã đành mà sinh viên còn không nhận được những phản biện cần thiết để biết mình sai ở đâu về nội dung. Kỹ năng viết chỉ được hoàn thiện hàng ngày qua những bài tiểu luận này. Đó là 'chiến trường' ác liệt nhất để học viết.

Học các chương trình Sau đại học thì không tránh khỏi việc phải đọc tài liệu nghiên cứu. Nếu tài liệu tìm được và cần cho bài viết mà bằng một thứ tiếng không phải tiếng Anh thì sẽ thế nào? Cho nên điều kiện để sinh viên Sau đại học được nhận vào chương trình hoặc để tốt nghiệp, là phải ngoài tiếng Anh, còn đọc được hai thứ tiếng nữa. Chỉ cần biết đọc là đủ.

Cũng vì người ta xem tiếng Anh chỉ là công cụ, việc nói tiếng Anh với chất giọng (accent) của tiếng mẹ đẻ không làm giảm đi năng lực của một người. Những giáo sư trong Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Á Phi, nhiều người nói với một accent nặng trịch, nghe phải rất quen mới hiểu hết. Sinh viên có vỡ đầu cũng phải ráng căng tai ra mà hiểu bài giảng. Song tất nhiên còn có sách và tài liệu để sinh viên dựa vào. Với các công trình nghiên cứu xuất sắc, các giáo sư ấy vẫn thăng hàm, vẫn làm ở các vị trí lãnh đạo như những người bản xứ.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, xu hướng xem việc nói lưu loát quan trọng hơn là phát âm chuẩn. Ảnh minh họa.

Ngày nay trong ngành Ngôn ngữ học Ứng dụng, nhiều nghiên cứu cho thấy xu hướng xem việc nói lưu loát (tức giọng nói lên xuống tự nhiên như người bản xứ) quan trọng hơn là phát âm chuẩn (tức không có chất giọng tiếng mẹ đẻ). Nói với một ngữ điệu (intonation) như người bản xứ nghe dễ hiểu hơn là đánh vật với cách phát âm mỗi từ sao cho 'chính xác'.

Cuối cùng, cần thấy rằng học một ngoại ngữ ở mức dùng thành thục được là việc không dễ. Ngoại ngữ đòi hỏi thực hành, lặp đi lặp lại, và sức ghi nhớ từ vựng. Không có từ vựng thì ngôn ngữ nghèo nàn, không nói được quá dăm ba câu chào hỏi. Chính vì nỗ lực phải ghi nhớ này mà người ta xếp ngoại ngữ vào các loại hoạt động cho người lớn tuổi như một biện pháp làm chậm quá trình mất trí nhớ ngắn hạn (dementia). Các hoạt động khác cho cùng mục đích là học một nhạc cụ nào đó, chơi ô chữ, hoặc học một môn nhảy múa, những thứ buộc trí não phải tập thể dục. Thông minh thì học ngoại ngữ nhanh hơn, nhưng không bù đắp được nếu không chăm chỉ. Mà muốn chăm chỉ thì lại phải có hứng thú.

Tuy ai cũng có thể học để nói và viết ở mức độ nào đó, ngoại ngữ không phải là thứ dành cho mọi người. Nhiều người học mãi nó vẫn không chịu vào cho. Như một ngành nghệ thuật, ngoại ngữ cần năng khiếu. Nó cũng cần sự ham thích đủ để có thể học ngày này sang ngày khác mà không nản.

Nếu không có năng khiếu, không ở trong môi trường thuận lợi, lại thiếu ham mê thì không có động lực nào có thể làm trẻ 'ghi nhớ' từ vựng nổi.

GS.TS Andrea Hoa Pham

Vì thế, mọi ép buộc đều không đưa đến kết quả khả quan. Và như đã nói ở trên, nếu không rõ học một ngoại ngữ để làm gì, thì việc ép buộc chẳng những không hiệu quả, còn làm khổ con trẻ, mà bố mẹ cũng bị căng thẳng vì 'cầm đèn chạy trước ô tô'. Khi nào nhu cầu đến, trẻ muốn đạt mục đích nào đó cần tiếng Anh, mọi việc sẽ dễ dàng. Khi ấy việc học tiếng không còn là một gánh nặng của sự phải biết ngoại ngữ, mà học một cách tự nhiên như một ngôn ngữ thứ hai.

(1) Byers-Heinlein K, Lew-Williams C. Bilingualism in the Early Years: What the Science Says. Learn Landsc. 2013 Fall;7(1):95-112. PMID: 30288204; PMCID: PMC6168212.

(2) Erika Hoff. Bilingual Development in Children of Immigrant Families. Child Development Perspectives, 2018; 12 (2): 80

GS.TS Andrea Hoa Pham
Tin khác
Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh
Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh

Hai người họ Tô là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Tô Quyền và Nghệ sĩ Nhân dân Tô Lan Phương xuất hiện trong ‘Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh’.

Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?
Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?

Nhà văn Y Ban tiếp tục khẳng định một giọng nữ đặc sắc trong đời sống văn chương Việt Nam, bằng tập truyện ngắn có tên gọi ‘Trên đỉnh giời’.   

Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước
Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước

Cựu chiến binh Trần Trí Thông gửi gắm niềm riêng qua trường ca ‘Mặt trận gần phía trước’ phát hành đúng dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nhà văn Anh Đức trong ký ức đồng nghiệp thế hệ sau
Nhà văn Anh Đức trong ký ức đồng nghiệp thế hệ sau

Nhà văn Anh Đức được hậu sinh nhắc đến một cách trân trọng tại hội thảo kỷ niệm 10 năm ông qua đời, vừa tổ chức sáng 18/12 ở TP.HCM.

Tác giả trẻ My Tiên và vùng da thiêng nhiều cảm xúc
Tác giả trẻ My Tiên và vùng da thiêng nhiều cảm xúc

Tác giả trẻ My Tiên ở đất võ Bình Định vừa ra mắt tập thơ ‘Vùng da thiêng’ với nhiều cảm xúc nồng nàn về quê hương và con người Nam Trung bộ.

Mạch nha Thi Phổ
Mạch nha Thi Phổ

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ được chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh, mà còn liên tục tái bản với số lượng lớn để phục vụ độc giả.

Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư
Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Trong 'Quốc văn trích diễm', giáo sư Dương Quảng Hàm trích bài thơ 'Bán than' và cho là của Trần Khánh Dư. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả là người khác.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh, được hậu sinh kỷ niệm 10 năm ông đi xa, bằng một hội thảo tổ chức tại TP.HCM sáng 6/12.

Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm
Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Trên bia đá đền thờ tổ nghề chạm bạc Đồng Xâm có tuổi đời gần 600 năm ghi dấu ấn tinh hoa làng nghề và những điều răn dạy con cháu giữ nghiêm phép nghề.

'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc
'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc

Nội dung của 'Hưng Hóa kí lược' có 12 đề mục, bao gồm đầy đủ nội dung truyền thống của một cuốn địa chí.

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn với chùm thơ về vẻ đẹp đô thị năng động và bao dung, đã được trao giải nhất cuộc thi thơ ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’ năm 2024.