GS Andrea Hoa Pham: Ngôn ngữ học lịch sử và giọng Quảng Nam

GS Andrea Hoa Pham - Thứ Ba, 25/06/2024 , 14:19 (GMT+7)

Trong bài này, chúng tôi chỉ bàn về phương pháp nghiên cứu và chất liệu nghiên cứu của Ngôn ngữ học Lịch sử trong nỗ lực đi tìm nguồn gốc những âm và vần lạ trong giọng Quảng Nam.

Kết quả phân tích cho thấy Beringia (vòng tròn màu trắng) là nguồn gốc của các nhóm ngôn ngữ liên quan ở cả Siberia (xanh đậm) và Bắc Mỹ (vàng, xanh nhạt, hồng, tím và xanh lục). PCA có nghĩa là nhóm ngôn ngữ Athabascan Bờ biển Thái Bình Dương.

Trong nỗ lực đi tìm nguồn gốc những âm và vần lạ trong giọng Quảng Nam, có những người vẫn cho rằng cần lần dò theo các tư liệu lịch sử, dân tộc học, hoặc khảo cổ học thay vì bỏ công đi tìm chứng cứ trong ngôn ngữ.

Có thể thấy điển hình cho cách nghĩ này trong một bài báo ngắn gần đây của tác giả Võ Văn Thắng (VVT), "Người Quảng, giọng Quảng", đăng trên tờ Quảng Nam ngày 7/2/2024.

Trong bài báo, ông VVT đã dẫn một số tư liệu cho thấy trong quá khứ đã từng có người Chăm sinh sống ở Bắc bộ. Sau đó ông có khuyên chúng tôi và những nhà nghiên cứu khác nên có “cách nhìn đa chiều và cách tiếp cận liên ngành” để giải thuyết các luận điểm ngôn ngữ học. 

Chúng tôi sẽ chỉ ra việc dò theo dấu vết di dân không phải là phương pháp làm việc của ngành Ngôn ngữ học Lịch sử (Historical Linguistics). Trong bài này, chúng tôi chỉ bàn về phương pháp nghiên cứu và chất liệu nghiên cứu của Ngôn ngữ học Lịch sử. Còn những vấn đề khác trong bài báo của ông VVT chúng tôi sẽ bàn vào dịp khác.

Việc người Chăm sinh sống trên đất Bắc không mới. Nó đã được nhắc rất nhiều trong sử sách, kể cả trong cuốn sách của chúng tôi, “Nguồn gốc và sự Hình thành giọng Quảng Nam - Quang Nam phonology and Sound Change through Contact" (Giọng Quảng Nam), do NXB Đà Nẵng in năm 2022, lý do mà ông VVT viết bài báo trên.

Trong phạm vi một bài ngắn, chúng tôi chỉ nói qua về lời khuyên “liên ngành" của ông VVT sau khi giải thích phương pháp làm việc của Ngôn ngữ học Lịch sử, một ngành nghiên cứu và cung cấp những câu trả lời đáng tin cậy nhất về các vấn đề ngôn ngữ, như vấn đề ông VVT muốn tìm kiếm. 

Những dấu vết người Chăm ở Bắc bộ mà tác giả VVT đưa ra bao gồm thành Lồi; câu nói của H.L. Breton về một ngôi chùa ở Nghệ An xây dựng từ thế kỷ thứ 11 có tượng mang phong cách ảnh hưởng Champa; về việc ban quản lý di tích Nghệ An công nhận một nhà thờ họ Chế ở làng Thu Lũng có nguồn gốc Chiêm Thành; về trang thông tin của Viện Khảo cổ học cho biết phát hiện cổ vật Chăm tại Quỳ Hợp, Nghệ An; về bài của Thảo Linh trên báo Thanh Hóa 5/12/2020 có thông tin người Chăm đến Thanh Hóa cư trú; về câu trên cổng thông tin điện tử của một xã ghi chép về xuất xứ của một phu nhân Chiêm Thành. 

Tất cả những điều này hẳn nhiên thêm vào các dấu tích về cộng đồng người Chăm trên đất Bắc, song tiếc thay, đều không thể góp gì vào chứng cứ cho một giả thuyết ngôn ngữ. Đáng chú ý là tác giả VVT kể ra một bài báo, "Dấu vết Champa ở Nghệ Tĩnh", trên tạp chí Xưa và Nay số 544/2022, không đưa tên tác giả và nhận định rằng bài báo ấy đã "cung cấp nhiều cứ liệu văn hóa, NGÔN NGỮ về tính chất đồng chủng, đồng văn giữa hai vùng bắc và nam đèo Ngang".

Kỳ lạ thay, "cứ liệu ngôn ngữ" đó là gì thì tuyệt nhiên không thấy tác giả nêu ra. Chúng tôi phải lần dò tìm kiếm trên mạng, hóa ra đó lại chính là bài viết của tác giả Võ Văn Thắng. Việc trùng cả tên họ khó xảy ra khi nói về cùng đề tài.

Như vậy hơn ai hết, ông VVT phải biết rõ những "cứ liệu" ngôn ngữ đó là gì. Vậy mà ông chỉ căn cứ vào "những cứ liệu lịch sử, dân tộc học" kể trên để nêu ra một giả thuyết mới, rằng cái nguyên âm 'a' trong giọng Quảng Nam có thể là "dấu vết lưu lạc của một âm nào đó trong tiếng nói Chămpa trước thế kỷ 15" (VVT).

Trong cuốn sách Giọng Quảng Nam, chúng tôi đã trình bày việc tìm ra (và phân tích) cái nguyên âm ấy ở Nghệ Tĩnh như thế nào, nay ông trưng chứng cứ người Chăm sống ở Thanh Nghệ để tiếp tục giả thiết rằng thì là nguyên âm ‘a’ trong các thổ ngữ Nghệ Tĩnh mà chúng tôi đã tìm thấy đó, có thể là từ người Chăm trước đó đã đem ra đất Thanh Nghệ.

Như vậy, giả thuyết ngôn ngữ mới của ông chỉ dựa hoàn toàn vào các chứng cứ ngoài ngôn ngữ. Trước đó, ông VVT đã không mảy may tìm thấy dấu vết gì của nguyên âm 'a' Quảng Nam trong các phương ngữ Chăm ở phía nam đèo Hải Vân, thậm chí ở bắc Hải Vân, hay “bắc và nam đèo Ngang”, hoặc bất kỳ nơi nào vốn là đất Chăm cũ và hiện còn người Chăm sinh sống. 

Đây không phải là cách làm việc của Ngôn ngữ học Lịch sử.

Vậy Ngôn ngữ học Lịch sử là gì và nghiên cứu cái gì? Đó là một ngành học nghiên cứu sự biến đổi của ngôn ngữ qua thời gian, về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, cả những dạng thức trong quá khứ lẫn hiện tại.

Trong các phương diện này, ngữ âm quan trọng nhất và được nghiên cứu nhiều nhất. Vì biến âm (sound change) thường theo quy luật, không có ngoại lệ và có tính đoán được (xem thêm Neogrammarian Hypothesis), nên chứng cớ ngữ âm là rõ ràng nhất và tỏ ra đáng tin cậy nên nhà Ngôn ngữ học Lịch sử dùng trong những việc như a) dựng lại ngôn ngữ tổ tiên của các tiếng nói cùng phả hệ; b) truy ra các ngôn ngữ nào trong phả hệ gần nhau nhất; c) dựa vào việc tìm thấy các biến âm nào đó trong các ngôn ngữ cùng gia đình mà có thể xác định được việc các ngôn ngữ con cháu tách dần khỏi ngôn ngữ mẹ vào khoảng thời điểm nào, v.v.

Như vậy, các thao tác quan trọng và thường xuyên nhất trong Ngôn ngữ học Lịch sử là nhận diện và phân tích các biến đổi âm thanh.

Ngôn ngữ học Lịch sử làm những điều này qua phương pháp đặc trưng của ngành, phần lớn là qua việc so sánh các đặc điểm tương đồng và khác biệt giữa các ngôn ngữ của một hoặc nhiều âm nào đó. Đây là phương pháp xương sống của Ngôn ngữ học Lịch sử nên trước đây ngành này cũng được gọi là Ngôn ngữ học Lịch sử So sánh (Comparative Historical Linguistics). Phương pháp nữa là tái tạo trong nội bộ ngôn ngữ (internal reconstruction), giúp hình dung dạng cổ xưa của những ngôn ngữ đã không còn tồn tại (như tiếng Gothic, tiếng Anh cổ, tiếng Latin, tiếng Sanskrit, v.v.), hoặc khảo sát các hiện tượng một số âm không theo hình thái chung trong nội bộ một ngôn ngữ (như động từ “to be" trong tiếng Anh). 

Vậy các nhà ngôn ngữ có xuất phát từ lịch sử di dân để khảo sát biến âm không? Câu trả lời là không. Ngược lại là khác.

Các nhà khảo cổ gần đây phát hiện ra một ngôn ngữ cổ xưa, từ một tấm bảng cổ tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Chính Ngôn ngữ học Lịch sử đã cung cấp những hiểu biết vô giá về các luồng di dân trong quá khứ từ các dấu vết con người để lại trên các ngôn ngữ qua cách phát âm, qua từ ngữ vay mượn, hoặc hình thái từ ngữ hay cấu trúc câu.

Các ốc đảo ngôn ngữ, nhiều khi có thể chỉ là một nét đặc trưng nào đó trong tiếng nói ấy, cũng cho biết về mô hình di dân. Có thể họ là những người nơi khác đến, sống cô lập, hoặc người bản địa co cụm lại khi có tộc mạnh hơn đến chiếm đất, lan trải tiếng nói kèm những chính sách đồng hóa người bản địa, kể cả đồng hóa ngôn ngữ.

Ví dụ các nhà ngôn ngữ đã giải mã mối liên hệ bí ẩn giữa một số bộ lạc ở Bắc Mỹ và những cư dân sống ở vùng Siberia, hai nơi chốn cách nhau hàng ngàn dặm, thậm chí cả một đại dương. Các luồng di dân thời cổ đại chẳng sử sách nào ghi chép. Trước đây, di truyền học đã cung cấp chứng cứ cho mối liên hệ giữa người Siberia và người bản xứ Bắc Mỹ.

Song những người thời cổ đại này đã di cư từ đâu đến? Các nhà nghiên cứu đã tìm được chứng cớ trong các ngôn ngữ Yeniseian ở Siberia và các tiếng Na-Dene ở Bắc Mỹ bằng phương pháp phylogenies.

Kết quả phân tích của họ đã củng cố cho một mô hình di dân xảy ra hơn chục ngàn năm trước. Đó là các cộng đồng vốn di cư từ Siberia đã đi từ vùng (trước đây là biển) Beringia đến Bắc Mỹ, song có nhóm đi ngược về châu Á, chứ không phải đi một chiều từ Siberia sang Bắc Mỹ như trước đó người ta vẫn quan niệm (Sicoli and Holton 2014).

Như đã nói ở trên, nhờ khảo sát các biến âm mà người ta tìm ra liên hệ giữa các ngôn ngữ. Ví dụ trong các hiện tượng biến âm có luật lenition (làm giảm đi). Luật này nói về những hiện tượng như khi một phụ âm tắc biến thành âm xát, khi tính vang (sonority) của một âm được tăng lên, hoặc khi một âm mạnh trở thành yếu đi.

Chẳng hạn tiếng La tinh, ‘pater’ (cha), khi vào tiếng Anh phụ âm tắc [p] trong ‘pater’ chuyển thành xát [f], phụ âm tắc [t] chuyển thành xát [ð] (> father). Khi vào tiếng Pháp, âm tắc [t] thành âm rung [r], ‘père'. Trong tiếng Việt, nhà ngữ học Michel Ferlus gọi là xát hoá phụ âm. Có thể thấy được quá trình xát hóa này vẫn còn đang diễn biến khi so sánh các phương ngữ, thổ ngữ của tiếng Việt.

Nhiều phụ âm tắc trong thổ ngữ Kẻ Chay thuộc xã Đức An, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh vẫn còn giữ dạng phát âm cổ là các phụ âm tắc trong khi ở tiếng Việt hiện đại, phụ âm tắc đã bị xát hóa. Chẳng hạn người Kẻ Chay còn nói 'cốc, cấy' [k] trong khi tiếng Việt nơi khác nói ‘gốc, gái’ vì âm tắc [k] đã thành âm xát [g]. Cũng như vậy, người Kẻ Chay nói con 'tắn', con 'tế' trong khi ở các phương ngữ khác là 'rắn, dế', v.v. (Pham A.H. 2022:156-157).

Làm sao biết được giữa con ‘dế' hay con ‘tế', âm nào cổ hơn? Chính là dựa vào việc vẫn còn tìm thấy những âm tắc kiểu như vậy trong một số các ngôn ngữ Vietic khác cùng phả hệ với tiếng Việt nhưng ít biến đổi nhất, giữ được nhiều nhất các âm, các nét đặc trưng trong ngôn ngữ mẹ (ngôn ngữ gốc). Nhờ so sánh cách phát âm ở những ngôn ngữ gần gũi này mà người ta biết được con ‘tế'’ là hình dạng cổ hơn cuả con ‘dế'.

Gần đây, dựa vào các đặc trưng ngữ âm để lại trên lớp từ gọi là Hán - Việt và trên một loại chữ viết (chữ Nôm), John Phan, một nhà ngôn ngữ đã đưa ra giả thuyết về những quan hệ di dân và tiếp xúc diễn ra nhiều ngàn năm trước trên đất Bắc bộ, giữa nhiều tộc người mà ngôn ngữ không thuộc cùng phả hệ, để giải thích nguồn gốc của tiếng Việt (Phan 2012).

Như vậy, chất liệu nghiên cứu của Ngôn ngữ học Lịch sử chính là bản thân ngôn ngữ. Thuật ngữ "lịch sử" trong "Ngôn ngữ học Lịch sử" có nghĩa là nghiên cứu những gì đã xảy ra của một hoặc nhóm ngôn ngữ, những biến đổi của âm thanh theo thời gian.

Cuối cùng là không có ngành nào làm việc mà không dựa vào thế mạnh và thành tựu của các ngành khác. Tuy nhiên, “cách nhìn đa chiều và cách tiếp cận liên ngành” như ông VVT nói là nhìn đi đâu? liên ngành nào? Trường hợp về mối liên quan ngôn ngữ giữa các tiếng Yeniseian ở Siberia và Na-Dene ở Bắc Mỹ nói trên, di truyền học cung cấp chứng cứ đầu tiên về liên hệ giữa các tộc người này. Ngôn ngữ học sau đó lại xác định được các luồng và hướng di dân của họ xuất phát từ đâu (vùng “chung" Beringia) và đi đến đâu (cả Bắc Mỹ và ngược về châu Á).

Các ghi chép về lịch sử giúp giải thích sự lan tỏa của một ngôn ngữ nào đó trong vùng, ví dụ trường hợp của các tiếng Romance (Pháp, Ý, Tây Ban Nha...). Những tài liệu về di dân có thể xác minh các hiện tượng ngôn ngữ, song bản thân các ghi chép lịch sử di dân ấy, nếu có, KHÔNG phải là chứng cớ, lại càng không phải là nơi xuất phát để nhà nghiên cứu đi tìm sự liên quan giữa các ngôn ngữ. Sự kiện người Việt di dân vào Quảng Nam, sống chung với người Chăm, nếu không tìm ra và không chứng minh được sự tương đồng âm thanh nào đó giữa tiếng Chăm và giọng Quảng Nam thì không nói lên được điều gì, không kết luận được việc chúng có ảnh hưởng lẫn nhau không, có gây ra các biến âm gì trong bản thân hai ngôn ngữ đó không. Những khám phá của dân tộc học, khảo cổ học, di truyền học, nhân học... có thể cho biết tộc người nào, vào thời điểm nào đã đến đâu sinh sống, có tiếp xúc với các tộc khác không và nếu có thì như thế nào, v.v. Tuy nhiên, nếu thiếu vắng các chứng cứ ngôn ngữ, những kiến thức trên vẫn không khẳng định được là ngôn ngữ của tộc A có ảnh hưởng gì đến ngôn ngữ của tộc B hay không. 

Một bài báo trên tờ Newsweek ngày 22/9/2023 cho biết gần đây, trong khi khai quật ở Boğazköy-Hattusha thuộc Thổ Nhĩ Kỳ, một địa điểm được UNESCO công nhận là di tích, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một cổ vật bằng đất nung có khắc chữ cuneiform (một thứ chữ viết cổ, dùng các hình nêm) nói về một ngôn ngữ cổ đại trước đây chưa từng được biết đến, nay đã biến mất.

Tuy ngôn ngữ này phần lớn vẫn chưa được giải mã, song các nhà nghiên cứu cho biết đó là một thứ tiếng thuộc họ ngôn ngữ Ấn Âu. Giải mã chữ viết và tìm hiểu về ngôn ngữ cổ đã biến mất đó, trước hết là công việc của các chuyên gia về loại chữ đặc biệt này (cuneiformist).

Những ngành khác có thể đóng góp thêm vào việc tìm hiểu nội dung trên bảng chữ là những người am hiểu về lịch sử, bối cảnh xã hội và văn hóa Mesopotamia, nơi tìm được nhiều nhất các bảng khắc loại chữ này.

Các nhà khảo cổ có thể cung cấp địa điểm tìm được và cách thức họ tìm ra các bảng chữ. Những chuyên gia chữ viết cổ, những chuyên gia về sự phát triển của ngôn ngữ cổ nói chung cũng có thể cung cấp thêm kiến thức về các loại chữ viết của nhân loại. Song hiểu cho được ngôn ngữ cổ ấy vẫn là công việc của các chuyên gia chữ viết cuneiform.

Cuốn sách "Giọng Quảng Nam” dùng phương pháp của Ngôn ngữ học Lịch sử, so sánh các âm giống nhau và gần giống nhau (vì còn phải qua quá trình biến âm) giữa giọng Quảng Nam và giọng Thanh Nghệ và đưa ra luận điểm là giọng Quảng Nam hình thành trên cái nền giọng nói của di dân Thanh Nghệ, trải qua các quá trình biến âm mà có hình dạng như hiện nay.

Luận điểm này đơn giản sẽ là một suy diễn vu vơ nếu chỉ thấy di dân người Việt từ Thanh Nghệ vào Quảng Nam mà không tìm ra được bất kỳ liên quan ngữ âm gì giữa các giọng Thanh Nghệ và Quảng Nam.

Thậm chí nếu lịch sử không ghi chép các dòng di dân Thanh Nghệ vào nam, thì bản thân các chứng cớ ngữ âm này cũng cho thấy một cách không thể chối cãi là đã có người Thanh Nghệ vào Quảng Nam, vùng đất vốn của Chiêm Thành sau khi Đại Việt lấy được.

Biến âm không phải là bê nguyên một âm từ tiếng này qua tiếng khác như ông VVT nghĩ đơn giản về nguyên âm ‘a' Quảng Nam, mà còn phải qua quá trình chuyển biến theo các quy luật để được nhận vào hệ thống, hoạt động bình thường như các âm khác, không làm rối loạn cả một bộ máy đang vận hành một cách hoàn hảo như ngôn ngữ.

Chuyển biến này như thế nào thì chưa thấy ông VVT phân tích một trường hợp nào cả. Đấy là chưa kể sách "Giọng Quảng Nam" không phải chỉ phân tích quá trình biến đổi của nguyên âm này như bài báo ông nói, mà còn rất nhiều những đặc điểm ngữ âm khác chỉ thấy trong giọng Thanh Nghệ và giọng Quảng Nam.

Quá trình biến đổi âm thanh này là cái mà Ngôn ngữ học Lịch sử quan tâm và là nội dung nghiên cứu chính của ngành. Chỉ dựa vào dấu vết cho thấy có người Chăm sinh sống trên đất bắc mà đi tìm cái nguyên âm ‘a' Quảng Nam trong giọng Chăm “đã biến mất" như ông VVT đang làm không phải là cách làm việc của Ngôn ngữ học Lịch sử. Nó hoàn toàn lạc điệu, là suy diễn đầy tính cầu may, vì cho đến nay, ông vẫn không đưa ra được bất kỳ một hiện thực ngôn ngữ nào có thể gợi ra khả năng ấy.

GS Andrea Hoa Pham
Tin khác
Giải thưởng Trần Văn Giàu trao cho công trình nghiên cứu đô thị
Giải thưởng Trần Văn Giàu trao cho công trình nghiên cứu đô thị

Giải thưởng Trần Văn Giàu năm 2024 trao cho công trình nghiên cứu ‘Đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ’, vào sáng 28/9 tại TP.HCM.

Người lính già cầm trăng đợi chờ vì sợ đêm đi mất
Người lính già cầm trăng đợi chờ vì sợ đêm đi mất

Người lính già là cách nhà thơ Nguyễn Văn Hiếu tự nhận ở tuổi 80, khi ông giới thiệu tuyển thơ chắt chiu đời mình với bạn đọc, vào sáng 27/9 tại TP.HCM.

Nửa giờ cùng bác sĩ Alexandre Yersin
Nửa giờ cùng bác sĩ Alexandre Yersin

Alexandre Yersin là vị bác sĩ người Pháp đã gắn bó trọn đời với mảnh đất Nha Trang, có nhiều đóng góp nền tảng, quan trọng về y học, nông nghiệp.

Tiếng Việt giàu đẹp và cuộc hội ngộ người yêu tiếng Việt
Tiếng Việt giàu đẹp và cuộc hội ngộ người yêu tiếng Việt

'Tiếng Việt giàu đẹp' là bộ sách được nhiều giới yêu thích, lần đầu tiên có cuộc giao lưu giữa tác giả và độc giả, vào sáng 21/9 tại Đường sách TP.HCM.

Chiến sĩ công an bất ngờ xuất hiện ở phố trọ thi ca
Chiến sĩ công an bất ngờ xuất hiện ở phố trọ thi ca

Chiến sĩ công an Trần Lê Anh Tuấn mang đến đời sống văn chương một giọng điệu thi ca tương đối riêng biệt, qua tập thơ đầu tay có tên gọi ‘Phố trọ’.

Bão nay
Bão nay

Còn tôi cũng ước, ước những đồng bào của mình đang nằm đâu đó dưới lớp bùn đất và nước lũ kia cũng được hồi sinh.

Ký ức làng xưa chấp chới trên đôi cánh thời gian
Ký ức làng xưa chấp chới trên đôi cánh thời gian

Ký ức làng xưa bên dòng sông Lam được tác giả Hoa Mai tái hiện một cách sinh động qua tập tản văn giàu chất thơ, có tên gọi ‘Trên đôi cánh thời gian’.

Thiên tai khắc nghiệt khiến cơn bão lòng ta thổi mãi
Thiên tai khắc nghiệt khiến cơn bão lòng ta thổi mãi

Thiên tai khắc nghiệt đẩy hàng triệu số phận con người vào hoàn cảnh bi thương, được nhiều thế hệ nhà thơ Việt phản ánh trong các sáng tác thi ca.

'Tư duy ngược' giữa quan niệm mới và ý thức trẻ
'Tư duy ngược' giữa quan niệm mới và ý thức trẻ

‘Tư duy ngược’ được xem như một phương pháp rèn luyện kỹ năng sống hiện đại, nhưng sự đón nhận của độc giả trẻ cũng có nhiều góc độ khác nhau.

Danh họa Hồ Hữu Thủ trọn đời say đắm cái đẹp
Danh họa Hồ Hữu Thủ trọn đời say đắm cái đẹp

Danh họa Hồ Hữu Thủ, một tên tuổi hàng đầu của giới mỹ thuật Việt Nam hiện đại, vừa qua đời tại TP.HCM sau thời gian bạo bệnh, hưởng thọ 85 tuổi.  

Thiên nhiên vẫy gọi phía sau lưng người thăm thẳm
Thiên nhiên vẫy gọi phía sau lưng người thăm thẳm

Thiên nhiên vẫy gọi mỗi cá nhân phải có hành động tích cực để bảo vệ môi trường sống, đó là thông điệp chủ yếu trong tập truyện ‘Lưng người thăm thẳm’.

Bác sĩ Hoàng Thạch hoài niệm chiều một lời ru rất xa
Bác sĩ Hoàng Thạch hoài niệm chiều một lời ru rất xa

Bác sĩ Hoàng Thạch gửi gắm nhiều tâm sự với cố hương trong tập thơ ‘Hoài niệm chiều’ giăng mắc buồn thương xa vắng của một thân phận tha phương.