Cơ hội ở thị trường đồ ăn vặt lành mạnh
Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển, nhu cầu ăn vặt lành mạnh ngày càng tăng kết hợp với nhu cầu tìm nguồn cung ứng ổn định và bền vững là những động lực hàng đầu thúc đẩy sự quan tâm ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với hạt điều ở châu Âu, bao gồm cả các nước Bắc Âu.
Các loại hạt, bao gồm cả hạt điều, được người tiêu dùng châu Âu đánh giá cao. Tiêu thụ các loại hạt dự kiến sẽ có mức tăng trưởng cao nhất trong phân khúc đồ ăn vặt. Ở các quốc gia tiêu thụ lớn, hạt điều được coi là một lựa chọn thay thế lành mạnh hơn cho các món ăn nhẹ mặn khác như khoai tây chiên giòn, đồng thời có lợi cho sức khỏe hơn đậu phộng.
Với lối sống bận rộn, người tiêu dùng châu Âu đang thay thế giờ nghỉ trưa truyền thống bằng các món ăn nhẹ lành mạnh. Trong đó, các loại hạt là thành phần quan trọng. Sự quan tâm ngày càng tăng đối với chế độ ăn thuần chay, việc tiêu thụ các loại hạt mặn (được coi là món ăn vặt lành mạnh), phết hạt (chẳng hạn như bơ hạt điều) và việc sử dụng đồ uống được sản xuất từ các loại hạt ăn được (sữa hạt điều) đang gia tăng. Các loại hạt giúp người tiêu dùng đáp ứng nhu cầu protein và giải quyết tình trạng không dung nạp đường sữa khi không có protein động vật.
Nhiều chuyên gia dinh dưỡng trên thế giới ủng hộ lợi ích dinh dưỡng của các loại hạt. Trong đó, hạt điều được đánh giá là giàu phốt pho, đồng và magiê, vốn không thường thấy trong các loại thực phẩm khác. Hạt điều, cùng với quả hồ trăn, có hàm lượng chất béo thấp nhất trong số các loại hạt. Gần 80% chất béo trong hạt điều là chất béo không bão hòa, giúp duy trì mức cholesterol khỏe mạnh. Hạt điều cũng giàu tocopherols và phytosterols.
Với những lợi ích lớn tới sức khỏe như trên, hạt điều đang ngày càng được sử dụng nhiều hơn ở châu Âu. Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy cho biết, phân khúc sử dụng hạt điều lớn nhất ở châu Âu là phân khúc đồ ăn nhẹ. Khoảng 90% hạt điều nhân nhập khẩu ở châu Âu được bán dưới dạng đồ ăn nhẹ, chủ yếu là đồ ăn nhẹ rang mặn. Nhân hạt điều cũng ngày càng được sử dụng nhiều trong các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm làm nguyên liệu.
Lâu nay, món ăn nhẹ mặn được tiêu thụ nhiều nhất ở châu Âu là khoai tây chiên giòn. Nhưng các loại hạt (bao gồm cả hạt điều) đang ngày càng được tiêu thụ nhiều hơn và được coi là một lựa chọn lành mạnh hơn so với khoai tây chiên.
Trong phân khúc đồ ăn nhẹ, hai xu hướng khác nhau đang ảnh hưởng đến tiêu dùng hạt điều ở châu Âu. Một là phát triển các hương vị rang khác nhau để đa dạng hóa sản phẩm và phù hợp với các sở thích hương vị khác nhau của người tiêu dùng. Một xu hướng khác là ngày càng có nhiều loại hạt điều không ướp muối và chưa rang như một sự thay thế lành mạnh hơn cho các món ăn nhẹ có muối.
Ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch Hội Điều Bình Phước, Chủ tịch Công ty Cổ phần Long Sơn – công ty xuất khẩu nhân điều hàng đầu Việt Nam, cũng cho biết, xu hướng ăn điều hiện nay là ăn ngay, nhân điều Việt Nam xuất khẩu sang nhiều thị trường được người ta dùng làm thức ăn luôn. Long Sơn đã bán được nhân điều cho một siêu thị thuộc hệ thống Walmart ở Anh. Siêu thị phản hồi lại rằng, trước đây, 70% nhân điều nhập về được rang, chiên rồi mới bán cho người tiêu dùng. Nhưng bây giờ, sau khi nhập nhân điều từ Việt Nam, 70% sẽ được siêu thị đóng gói luôn và bán cho khách hàng, tỷ lệ qua rang, chiên chỉ còn 30%. Tỷ lệ nhân điều được sử dụng luôn, không qua rang, chiến ngày càng tăng. Với xu thế này, làm ra nhân điều trắng đã có thể coi là chế biến sâu rồi.
Ngoài thị trường châu Âu, nhu cầu hạt điều cũng đang gia tăng trong vai trò là một thực phẩm ăn vặt lành mạnh ở nhiều thị trường khác. Bà Chen Ying, Tổng Thư ký Hiệp hội hạt Trung Quốc (CNA), cho biết, các loại hạt, trong đó có hạt điều đang được sử dụng ngày càng nhiều ở nước này vì được người Trung Quốc coi là tốt cho sức khỏe. Nhập khẩu các loại hạt thực vật ăn được vào Trung Quốc đã tăng lên khá nhiều kể từ năm 2017. Các loại hạt hiện đang được sử dụng nhiều ở Trung Quốc là óc chó, thông, mắc ca, phỉ, hạt điều ... Trong đó, hạt điều và hạt dẻ cười là hai loại hạt mà Trung Quốc phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu. Việt Nam hiện đang chiếm tới 70% hạt điều nhập khẩu của Trung Quốc.
Đi vào ngành chế biến thực phẩm
Ngoài việc làm đồ ăn vặt, đồ ăn nhẹ, hạt điều cũng đang trở thành một thành phần quan trọng trong nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng và thực phẩm tốt cho sức khỏe, như ngũ cốc ăn sáng, bơ hạt điều, sữa hạt điều, sữa chua hạt điều, phô mai hạt điều, đồ ăn nhẹ protein hạt điều, thanh trái cây và hạt, và các sản phẩm socola với hạt điều ... Ngoài các sản phẩm công nghiệp thực phẩm, việc sử dụng hạt điều trong nấu ăn gia đình như một thành phần trong món salad và bữa ăn cũng ngày càng tăng.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, phân khúc thành phần trong chế biến thực phẩm chiếm khoảng 10% thị trường hạt điều châu Âu. Dự kiến mảng chế biến thực phẩm này sẽ tăng thị phần trong vài năm tới.
Trong phân khúc sử dụng thành phần hạt điều, ngành công nghiệp bánh kẹo chủ yếu sử dụng hạt điều mảnh và vụn để sản xuất snack socola. Ngoài ra, hạt điều nguyên hạt phủ socola ngày càng được cung cấp như một sản phẩm mới sau khi hạt hạnh nhân bọc socola thành công ở một số thị trường châu Âu.
Ngành công nghiệp bánh ngọt sử dụng hạt điều để phết lên bánh quy và bánh ngọt. Hạt điều phết là một sản phẩm mới ở một số thị trường châu Âu và được quảng cáo là một loại thay thế lành mạnh hơn cho bơ đậu phộng. Ngoài ra, bơ hạt điều còn được trộn với các nguyên liệu khác để mang đến nhiều hương vị hơn cho người tiêu dùng.
Ngành ngũ cốc ăn sáng đang tung ra các sản phẩm granola giàu hạt mới, trong đó thường sử dụng hạt điều. Các thanh protein và hạt trái cây ngày càng được cung cấp nhiều hơn để thay thế cho đồ ăn nhẹ có đường và socola. Hạt điều thường được sử dụng như một thành phần trong các sản phẩm đó như một nguồn protein thực vật.
Sữa thuần chay sử dụng hạt điều làm nguyên liệu để sản xuất sữa hạt điều, sữa chua và pho mát thuần chay. Các phân đoạn khác hạt điều được sử dụng bao gồm các bữa ăn sẵn và nước sốt, chẳng hạn như pesto, khi hạt điều được sử dụng thay thế cho các loại hạt thông đắt tiền hơn.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, các nhà thương mại châu Âu đang có xu hướng tìm kiếm nguồn cung ứng bền vững các loại hạt. Tính bền vững trong thương mại các loại hạt ăn được đã từng được sử dụng để nhắm mục tiêu vào các thị trường ngách (chẳng hạn như FairTrade), nhưng giờ đây, các tuyên bố và chứng nhận về tính bền vững là một trong số xu hướng chính trong thị trường phổ thông. Vào năm 2020, EU đã thiết lập một chính sách chính thức có tên là Thỏa thuận xanh châu Âu, bao gồm chiến lược từ trang trại đến bàn ăn và chiến lược đa dạng sinh học. Cả hai chính sách đều ảnh hưởng đến sản xuất và thương mại lương thực. Các khía cạnh của Thỏa thuận xanh châu Âu liên quan đến việc tìm nguồn cung ứng hạt điều và các loại hạt khác từ các nước đang phát triển là: giảm sử dụng thuốc trừ sâu, tăng sản xuất hữu cơ và chuyển sang vật liệu đóng gói bền vững.