Có những từ được mượn từ ngôn ngữ khác, như đồng chí - 同志 (tóng zhi`) từ tiếng Trung, Át bích - as de pique từ tiếng Pháp, bia - beer từ tiếng Anh. Điều đó làm cho tiếng Việt đẹp, phong phú hơn ngày qua ngày. Nhưng cũng không nên vì thế mà bỏ rơi những từ ngữ được coi là bản địa.
Nhằm mục đích tìm hiểu cái hay, cái đẹp trong tiếng Việt cũng như văn hóa trong bài này chúng ta sẽ tìm hiểu một số từ ngữ, được cho là thuần Việt, liên quan tới lĩnh vực nông nghiệp.
Ghe cộ
"Việt Nam tự điển" (Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ, 1970) viết rằng ghe là thuyền, chở người, chở vật trên mặt nước, như trong chèo ghe, đi ghe. Ghe cộ tức là thuyền bè, dùng chung cho ghe thuyền. Cuốn tự điển trên và và cả "Đại Nam quấc âm vị tự" (1896) cũng không nói chữ cộ nghĩa là gì.
Qua tìm hiểu về thôn quê Nam bộ, phương tiện mà đến ngày nay nhà nông ở đó không thể thiếu được là chiếc cộ trâu. Phương tiện này phát xuất từ đặc điểm khi thu hoạch lúa, đồng ruộng vẫn ngập nước, bùn sâu, để kéo được lúa, người ta dùng trâu và cộ để chở hay kê cho lúa không bị ướt và dễ lướt đi trên mặt ruộng.
Cộ trâu chở lúa có 2 dạng, phổ biến nhất là cộ tre, còn lại là cộ làm bằng gỗ được đóng như chiếc chẹt chở máy chạy dưới sông. Giữa cộ và trâu được kết dính bằng 2 đoạn tre khoảng 2m, dùng để treo cộ vào cái ách ở cổ của con trâu.
Vậy ghe và cộ là hai danh từ để chỉ hai phương tiện có thể coi là quan trọng bậc nhất với nhà nông, ở hai địa hình là sông nước và đồng ruộng. Từ đó chúng ta có thể giải thích từ ghe cộ để chỉ các phương tiện giao thông và vận tải nói chung. Nhưng ngày nay có thể được hiểu với nghĩa hẹp hơn, như tự điển đã giải thích, ghe cộ tức là ghe thuyền nói chung. Những từ này có thể gọi là từ đôi, với cấu trúc là hai chữ, với cùng ý nghĩa chung như từ ruộng - nương dưới đây.
Ruộng nương
Hẳn ai cũng quen thuộc với câu thơ “Ruộng nương anh gửi bạn thân cày” của Chính Hữu. Người lính ra đi đối mặt với cái chết, gian nhà không mặc kệ gió lung lay, còn ruộng nương phải gửi cho bạn, vậy ruộng nương thực quan trọng lắm.
Các tự điển như "Đại Nam quấc âm vị tự", "Việt Nam tự điển" (Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ, 1970) không giải thích rõ từ “ruộng nương”, chỉ viết là đất lúa. "Từ điển tiếng Việt" 2003 giải thích ruộng là đất trồng trọt ngoài đồng, xung quoanh thường có bờ; ruộng nương là đất trồng trọt.
Khi tìm hiểu tiếng nói của người dân ở vùng Bắc Trung bộ, như Nghệ - Tĩnh, thì nương chính là vườn, ví dụ họ nói “dường nương” tức là bờ rào (hàng rào) của vườn. Nhà thơ Chính Hữu cũng là người Nghệ - Tĩnh nên ông đã dùng từ nương vườn rất quen thuộc, tự nhiên.
Ruộng nương là từ đôi, như ruộng vườn; với ruộng và nương đều có ý nghĩa giống nhau ở chỗ là đất đai để trồng trọt. Nhưng không như các từ điển nói trên định nghĩa, chính xác ở đây “ruộng nương” có nghĩa là gồm đất vườn và đất ruộng, hai thứ tài sản quan trọng nhất ở nông thôn, đất ở và đất trồng trọt.
Vườn tược
Các từ điển đều không giải thích từ tược, và định nghĩa chung rằng vườn tược giống như vườn. Ví dụ như trong câu thành ngữ "Sơn lâm chê ngược, vườn tược chê xuôi". Nhưng ở đây, hợp lý hơn thì chữ “tược” là một danh từ chỉ bộ phận của cây, như nhánh cây.
Một số người trồng mai vàng và người dân ở Bình Dương mà tôi gặp trực tiếp để hỏi đã giải thích rằng tược là cái chồi non của cây, đặc biệt dùng nhiều trong việc trồng cây mai. Ví dụ như trong câu: “Giúp cây xanh lá mập đọt, đâm tược nhanh”.
Vậy vườn tược là vườn nói chung, cấu trúc gồm hai chữ vườn và tược tức là cái chồi non của cây. Có lẽ người xưa muốn nói rằng một khu vườn thì phải gắn với cây cối nói chung, cũng như với sự đâm chồi, nảy lộc, tươi tốt.
Giỗ chạp
Theo "Đại Nam quấc âm vị tự", giỗ chạp nghĩa là cúng cơm cho vong hồn; làm lễ giáp năm; lễ cúng cơm cho kẻ chết mà nhắc việc cấp dưỡng như còn sống. Chạp mả là lễ cúng trong khi tảo mộ. Lần này thật may mắn, tự điển đã có thông tin rõ ràng về hai chữ trong từ đôi này.
Ở Nghệ - Tĩnh, việc chạp mả được tiến hành trước ngày giỗ, anh em, con cháu cùng đi vào vào phần mộ tổ tiên. Có hai lý do để đi chạp mả, đó là sửa sang lại phần mộ như dọn dẹp sao cho sạch sẽ, phát cây dại, đắp lại mộ nếu là mộ đất; hai là thắp hương, khấn vái mời tổ tiên trở về để tham dự lễ giỗ ở gia đình, nhà thờ.
Vậy từ giỗ chạp, bao gồm hai chữ: chạp trong chạp mả và chữ giỗ, chỉ việc giỗ nói chung. Nhưng có lẽ người xưa vô tình hay hữu ý mà nhấn mạnh việc chạp mả, như là một việc tốt đẹp, thiết thực nhất để nhớ tới phần mộ tổ tiên trước khi tế lễ ở nhà hay nhà thờ.
Qua việc tìm hiểu bốn từ trên, chúng ta có thể rút ra một số kết luận như sau. Thứ nhất, tiếng Việt rất giàu và đẹp khi người dùng đã kết hợp với những từ liên quan để thành một từ đôi, như các từ trên hoặc ăn uống, bàn ghế, trâu bò, núi đồi.
Điều này cũng có điểm chung với văn hóa khác như Anh ngữ, khi họ cũng có sự kết hợp như vậy. Ví dụ như home-land ghép từ từ home là nhà, land là đất, nghĩa là quê hương; man-made ghép từ man là người, made là làm, nghĩa là nhân tạo. Nhưng những từ đôi này không nhiều như trong tiếng Việt.
Thứ hai, khi xem xét kĩ lại, chúng ta hiểu thêm về văn hóa của người nông dân xưa và nay. Những từ họ sử dụng, kết hợp với nhau rất dễ hiểu, mộc mạc và dĩ nhiên là độ chính xác cao.