Từ điển từ láy tiếng Việt (Viện ngôn ngữ học – Hoàng Văn Hành chủ biên) thu thập và giải nghĩa: “Đầm đìa tt (nước mắt mồ hôi) nhiều đến mức chảy ròng ròng. Nước mắt đầm đìa. Mồ hôi vã ra đầm đìa như tắm. “Hớ hênh nghiêng chút bên kia, Giọt đau thương sẽ đầm đìa mắt ai” (Nguyễn Duy).
Thực ra, đầm đìa là từ ghép đẳng lập gốc Hán chứ không phải từ láy. Đầm do chữ đàm 潭, tiếng Hán nghĩa là ao sâu (quan hệ ngữ âm AM – ÂM, như: hàm 含 = ngậm); Đìa do chữ trì 池 là ao (quan hệ ngữ âm tr - đ, như: trí 置 = để; trì 馳 = đuổi; i - ia như thi 匙 = thìa; bì 皮 = bìa; bi 碑 = bia).
Hán ngữ đại từ điển giảng:
- “trì: chỗ nước tích đọng, ao chuôm [thuỷ đình tích xứ, trì đường - 水停積處,池塘].
- “đàm: ao đầm nước sâu [thâm thuỷ trì - 深水池].
Trong tiếng Hán không có từ đàm trì 潭池 (đầm đìa), nhưng có trì đàm 池潭 (đìa đầm), mà Hán ngữ đại từ điển giảng là ao sâu (chỉ thâm thuỷ trì - 指深水池), tương tự nghĩa đầm đìa (ao đầm) trong tiếng Việt[*].
Trong tiếng Việt đầm (đàm 潭) thường được hiểu là một vùng đất trũng rộng lớn, nước sâu, luôn có nguồn cấp nước, dùng để giữ nước, nuôi cá, thả sen (đầm sen) hoặc bỏ hoang (đầm Dạ Trạch - Hưng Yên). Đầm nước lợ có khi cực rộng, được cấp nước bởi các nhánh sông nhỏ, thông ra biển (như đầm Ô Loan - Phú Yên).
Nói chung, đầm thường lớn và không có bờ kín như ao hồ. Bởi vậy, tát nước đầm là công việc rất khó nhọc, tưởng như vô vọng. Bởi thế, dân gian có câu Mặt lầm lầm như tát nước đầm. Tát nước trong tình trạng không biết bao giờ cho nó cạn, vơi tí nào nguồn nước từ mương máng, kênh rạch lại chảy vào thì vui vẻ thế nào được? Thế nên còn có dị bản Mặt lầm lầm tát nước đầm không cạn.
Ở Thanh Hoá, đầm còn được chỉ hộc nước nằm giữa đồng hay ven làng, nhỏ hơn ao nhưng rất sâu, xung quanh bờ đầm có cây kè và dứa dại mọc thành cồn, cửa đầm thông với ruộng lúa. Vào mùa nắng nóng, cá ngoài ruộng tìm vào đầm sâu nước mát để trú ngụ. Đầm trở thành “mỏ cá” với mật độ rất lớn.
Trong tiếng Việt đầm, đìa, hay đầm đìa chỉ chỗ trũng, sâu xuống giữa đồng. Khi hạn hán, nước và cá dồn về đầm, đìa nhiều. Thế nên có câu Nay tát đầm, mai tát đìa, ngày kia giỗ hậu (tục ngữ); hay nói: Nắng hạn, mấy sào lúa khô nứt nẻ mà đầm đìa cũng đã cạn hết nước). Về sau đầm, đìa hay đầm đìa còn được hiểu với nghĩa rộng, nghĩa bóng là thấm đẫm, nhiều, quá nhiều (như Ướt đầm ướt đìa; Nợ đầm nợ đìa; Nợ đầm đìa):
Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê – Vielex): “đầm 2 thấm ướt nhiều: mồ hôi đầm lưng áo ~ “Ra về sương xuống đầm vai, Ngoảnh nhìn trở lại bóng ai tờ mờ” (Cdao). Đn: đẫm”; “đìa • t. [kng] quá nhiều : “Cả một chặng đường ba chục năm kéo lê cái cảnh thanh bần, túng thiếu, nợ đìa (...)” (Vũ Trọng Phụng)”.
Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức): “đầm • tt. Dầm, đọng nước: Ướt đầm”. “đìa • tt. Quá nhiều: Đầm đìa, ướt đìa, tràn đìa; Công nợ đìa ra”. “đầm đìa • dt. Cái đầm và cái đìa, nơi nước đọng, có cá: Đồng khô cỏ cháy, có đầm-đìa chi đâu mà có cá. • tt. Dầm-dề, đọng nước ở trên, thấm ướt nhiều: Đầm-đìa lá liễu hột sương gieo (HXH)”.
Như vậy, đầm và đìa là những từ Việt gốc Hán, có khả năng độc lập trong hành chức; trong từ ghép đầm đìa, chúng có quan hệ đẳng lập, chứ không phải quan hệ láy âm.
Hoàng Tuấn Công
Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt là chuyên mục mới trên báo Nông nghiệp Việt Nam, được đặt theo tên một cuốn sách của Giáo sư Cao Xuân Hạo, nhà ngữ học và là một trí thức tinh hoa của đất nước.
Tên chuyên mục cũng nói hộ sự kỳ vọng kiến tạo và chấn hưng những giá trị đang bị xô lệch bởi cơn bão thời đại vốn lẫn nhiều gió độc. Ở đây, các nhà nghiên cứu và người Việt nói chung quan tâm đến văn hóa dân tộc sẽ góp tiếng nói sâu sắc, chính trực trong một khát vọng chung nhằm góp phần xây dựng những nền tảng quan yếu cho một xã hội tốt đẹp trong hiện tại và cho tương lai.
Rất mong nhận được sự ủng hộ, chia sẻ và cộng tác của những bậc thức giả cùng bạn đọc yêu mến!
Bài viết cho chuyên mục xin được gửi về Báo Nông nghiệp Việt Nam, 14 Ngô Quyền, Hà Nội. Email: baonnvnts@gmail.com.
Hoặc liên hệ người phụ trách chuyên mục: Ông Tô Đức Huy, Trưởng ban Thư ký Tòa soạn; Điện thoại: 0913.378.918; Email: toduchuy75@gmail.com.
NNVN