Đáng chú ý, trong ý nghĩ của nhiều người, đây là một “đặc sản” của người đồng bào dân tộc thiểu số. Cho nên, giống lợn này mới được gọi là… “lợn mán”. Nhưng “mán” trong “lợn mán” là gì?
“Mán” là một từ cổ. Đây là từ gốc Hán, bắt nguồn từ tiếng “man” trong tiếng Hán. Theo Thiều Chửu trong "Hán Việt tự điển", “man 蠻” nghĩa là “mán, giống mán ở phương Nam”.
Người Hán thời cổ đại tự xem mình là trung tâm thiên hạ. Họ xem các dân tộc bốn phía xung quanh mình đều là mọi rợ, tức những giống người tăm tối, chưa có pháp luật. Rợ phương Nam họ gọi là “man”, rợ phương Bắc là “địch 狄”, rợ phía Tây là “nhung 戎” và rợ phía Đông là “di 夷”.
“Nam man 南蠻”, “Bắc địch 北狄”, “Đông di 東夷”, “Tây nhung 西戎” được gọi chung là “tứ di 四夷”. Đây là những cách gọi đầy miệt thị, mang tư tưởng kỳ thị dân tộc nặng nề.
“Man” đi vào tiếng Việt, chủ yếu được các triều đại phong kiến Việt Nam dùng để gọi các dân tộc thiểu số trong các thư tịch chữ Hán. Ở Quảng Ngãi có địa danh “Tĩnh Man Trường Lũy 靜蠻長壘” được xây dựng từ thế kỷ XVI còn lưu dấu đến ngày nay. Tên gọi này có thể hiểu là “lũy dài [nhằm] trấn yên người miền thượng”. Do đó, dân gian còn gọi lũy này là “Lũy Trấn Man”, “Lũy Bình Man”.
“Mán” là biến âm của “man” vì hai thanh ngang và sắc của hai từ cùng âm vực cao, dễ dàng chuyển đổi cho nhau, cũng như “[tụ] tán” với “tan [rã]”, “[tính] toán” với “toan [tính]”. Trong tiếng Việt hiện đại, “man” không được dùng độc lập nhưng nó vẫn còn hiện diện trong các từ “man di”, “man rợ”, “dã man”… Biến âm của nó là “mán” cũng không còn được dùng phổ biến.
Cách gọi “lợn mán” cũng tương tự “lợn mường”, “heo mọi”, “heo tộc” và các loại sản vật/ cách sản xuất, chế biến của người dân tộc thiểu số khác như “gà tộc”, “gà nướng mọi”, “vàng hời”... Tuy nhiên, đây là những cách gọi không chính xác và hết sức phản cảm.
Trước hết, không chỉ có người dân tộc thiểu số mới nuôi giống lợn lai này mà người Kinh cũng nuôi, thậm chí số hộ nuôi tương đối lớn. Bên cạnh đó, giống lợn lai trên không chỉ được nuôi ở miền núi mà hiện nay còn được nuôi ở vùng trung du, đồng bằng.
Nhưng quan trọng hơn, đây là những cách gọi thể hiện sự phân biệt, miệt thị đối với người đồng bào dân tộc thiểu số. Bản thân các từ “mán”, “mọi”, “tộc” đã mang sắc thái tiêu cực. Dùng các từ này dù vô tình hay hữu ý cũng đều xúc phạm, làm tổn thương đồng bào dân tộc thiểu số.
Có thể khi sử dụng các từ, cụm từ “lợn mán”, “gà tộc”, “nướng mọi”…, người nói/ viết không ý thức được sắc thái phân biệt, miệt thị của những cách gọi này. Do đó, chúng ngày càng được sử dụng phổ biến như một thói quen ngôn ngữ. Bởi vậy, để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, cần loại những cách nói trên ra khỏi đời sống ngôn ngữ.
Phạm Tuấn Vũ
Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt là chuyên mục mới trên báo Nông nghiệp Việt Nam, được đặt theo tên một cuốn sách của Giáo sư Cao Xuân Hạo, nhà ngữ học và là một trí thức tinh hoa của đất nước.
Tên chuyên mục cũng nói hộ sự kỳ vọng kiến tạo và chấn hưng những giá trị đang bị xô lệch bởi cơn bão thời đại vốn lẫn nhiều gió độc. Ở đây, các nhà nghiên cứu và người Việt nói chung quan tâm đến văn hóa dân tộc sẽ góp tiếng nói sâu sắc, chính trực trong một khát vọng chung nhằm góp phần xây dựng những nền tảng quan yếu cho một xã hội tốt đẹp trong hiện tại và cho tương lai.
Rất mong nhận được sự ủng hộ, chia sẻ và cộng tác của những bậc thức giả cùng bạn đọc yêu mến!
Bài viết cho chuyên mục xin được gửi về Báo Nông nghiệp Việt Nam, 14 Ngô Quyền, Hà Nội. Email: baonnvnts@gmail.com.
Hoặc liên hệ người phụ trách chuyên mục: Ông Tô Đức Huy, Trưởng ban Thư ký Tòa soạn; Điện thoại: 0913.378.918; Email: toduchuy75@gmail.com.
NNVN