Hồ Anh Thái: Đời biết mấy chuyến xe [Kỳ 7]

Hồ Anh Thái - Thứ Ba, 01/11/2022 , 07:45 (GMT+7)

Câu chuyện được trích ở đây tập trung kể về cuộc đời một anh lái xe đào hoa, một chiến sĩ Trường Sơn. Đó là số phận một cá nhân song hành với đất nước.

“Những đứa con rải rác trên đường” là một trong những tiểu thuyết đặc sắc của nhà văn Hồ Anh Thái, hợp thành bởi ba truyện dài. Phần truyện trích ở đây tập trung kể về cuộc đời một anh lái xe đào hoa, một chiến sĩ Trường Sơn, sau chiến tranh anh đi qua thời ngăn sông cấm chợ, rồi đến thời đổi mới, thời kinh tế thị trường… Đó là số phận một cá nhân song hành với đất nước.

Chuyên mục Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Bài liên quan

Đã có bao nhiêu người chỉ đi có một quãng đường bảy chục cây số thôi mà phải nằm lại vạ vật ở bến xe qua một đêm, sáng hôm sau mới xếp hàng lại từ đầu. Cái xe nhồi bốn chục khách, cô bán vé bán được mười bốn vé thì sập cửa treo biển: hết vé.

Hai tiếng hết vé như tiếng sét giữa trời quang. Cái biển nhỏ tí như tấm gỗ tát vào mặt. Kinh hoàng. Cả trăm con người lại la ó kêu gào rồi lại van xin khóc lóc. Đi không đi được. Ở lại thì tiền chỉ đủ mua vé xe, không có tiền ăn. Có anh bộ đội về phép đành rời bến xe, đeo ba lô cuốc bộ năm chục cây số về nhà. Đi mãi rồi cũng phải về đến nơi, lại thêm tinh thần khí thế chiến binh vẫn chưa hết. Có người không phải là chiến binh đành dựa tường nhà chờ ngồi phệt xuống đất mà xỉu đi.

Anh vẫy tay chào hai cô công trường, định trèo lên buồng lái thì một bà già run rẩy đi đến. Chú bộ đội, bà lào phào gọi. Anh không còn là bộ đội, nhưng vẫn mặc cái áo pho tá màu lá cây. Chú bộ đội, già đói quá, già sắp chết rồi, già chờ từ chiều hôm qua đến giờ mà không mua được vé xe.

Bà già run lên bần bật. Cái mồm móm chỉ còn lại vài chiếc răng. Một bên khóe mắt hình như có một tí nước mắt hiếm hoi. Mắt già toét nhoèn dễ khóc. Nước mắt rỉ ra có khi cũng vì đói. Nước mắt rỉ ra cũng có khi vì suy kiệt.

Anh xe thường yếu đuối trước các bà già. Nhìn thấy một người đàn bà phúc hậu nói một câu đôn hậu là anh chạnh lòng nhớ đến mẹ. Nhìn thấy một bà già gầy gò nghèo khổ, anh cũng chạnh lòng nhớ đến mẹ. Mẹ anh không nghèo đói, nhưng mẹ anh cũng gầy. Cứ bà già nào gầy yếu đều gây ấn tượng là người mẹ. Cứ bà già nào khổ sở là làm anh nhớ đến mẹ. Chẳng hiểu sao anh lại có ấn tượng như thế. Và đó là chỗ yếu nhất trong lòng anh.

Anh đã bảo, xe cháu không chở khách bà ơi. Nhưng cũng bất chợt anh nhận ra rằng mình mà bỏ bà già lại đây, mình mà đi lúc này thì cái thân hình run rẩy kia sẽ không bao giờ buông tha, sẽ ám ảnh tâm trí anh suốt đời. Anh bèn dắt bà già sang phía cửa bên kia, nhấc bổng thân hình chỉ hơn ba chục cân cho bà bò vào buồng lái. Nào thì đi.

Bà già đi thăm một người con gái lấy chồng ở bên đông, cách thành phố năm chục cây số, bây giờ lại từ thành phố trở về bên đoài, cách thành phố sáu chục cây số nữa. Vị chi hai nơi cách nhau hơn trăm cây số. Từ chiều hôm qua đến giờ chưa có gì vào bụng.

Con gái lấy chồng xa, con gái đẻ một đống con, nhà quê lại đang kỳ giáp hạt. Gạo thóc dự trữ từ vụ trước đã hết mà chưa đến kỳ gặt vụ sau. Cả nhà mỗi ngày ăn một bữa, bỏ mất bữa sáng bỏ mất bữa tối, ở quê gọi là đứt bữa. Mấy đứa cháu, đứa bỏ học, đứa cố đi học thì tựa lưng vào bàn sau mà xỉu dần, không thì gục mặt xuống bàn. Cô giáo phải lấy đường của cô hòa một cốc nước đường, cho mỗi đứa uống một thìa nhỏ, cho chúng tỉnh lại đủ sức đi về nhà.

Bà già kể chuyện mà bụng cứ sôi ùng ục. Sôi chán thì đánh rắm pành pạch. Không sao kìm giữ được. Hàng tràng như thế may mà không thối. Rắm kêu thì không thối đâu con ạ, bà cười móm mém. Anh xe nghĩ bụng có ăn gì vào bụng đâu mà thối được. Anh đưa cho bà cái bánh bột gạo tẻ nhân đỗ xanh chẳng có thịt thà gì. Bà bóc lớp lá bọc không khách khí, rồi nhay nhay cái bánh.

Bà già định nán lại giúp cho đám cháu đan cái rổ cái rá, mò con cua bắt con ốc. Nhưng phải về, bên đoài có đứa cháu gái hai ngày nữa đi xuất khẩu lao động. Nó đi chuyến này may ra cả nhà mới đổi đời. Có đứa con gái đi lấy chồng cách nhà chỉ mới trăm cây số đã thấy là xa, đi thăm đã khổ sở thế này. Bây giờ đứa cháu đi sang tận một đất nước xã hội chủ nghĩa, nó phải trèo lên một cái tàu bay bay trên giời, thế là coi như đi biệt xứ, biết bao giờ mới về được.

Bà già lại đánh rắm pành pạch. Có thứ tạm giằn bụng rồi mà bụng vẫn sôi, vẫn đánh rắm. Lại vẫn may là không làm thối inh cái buồng lái lên. May nữa là quãng đường sáu chục cây số lồi lõm ổ gà đi chỉ mất ba tiếng đồng hồ. Đến đầu làng thì trời tối. Vào nhà già đi con, có gì ăn nấy, khoai sắn thì cũng là khoai sắn, không có con thì đêm nay già chết ở bến xe rồi. Nói thế là nói thật.

Gặp lại cô cháu gái, bà già lại nhắc lại câu ấy. Không có anh ấy đưa về thì đêm nay bà ngồi mà chết ở bến xe thôi cháu ơi. Thân già gần tám chục tuổi, không ăn không uống thì hai đêm ngồi chầu bến xe là đủ hóa. Chết cũng được. Nhẹ nợ. Nhưng mà chết đường chết chợ thì tủi cho mình, tủi cho con cho cháu.

***

Cô cháu gái của bà cỡ tuổi anh, hăm hai hăm ba gì đó. Cô mặc cái áo bò mới. Cái quần bò cũng mới. Đồ jeans Lào, hình như nhập từ Thái qua Lào rồi mới sang ta. Thấy anh nhìn gái quê mặc bò cả cây, cô giải thích. Em mặc thử đấy anh ạ. Làng này ai mặc bò bê gì đâu. Thì ra người cô đâu có đầy đặn được đến thế. Cô đang mặc trên người ba cái áo phông Lào, ba cái áo bò Thái. Bên dưới thì chỉ được hai cái quần bò. Cô bảo định mặc ba cái nhưng nhồi mãi chưa được.

Tiêu chuẩn cho mỗi người đi lao động xuất khẩu chỉ được mang không quá năm cái quần bò, năm cái áo phông, năm đôi kính râm giọt lệ, năm đôi dép tông Thái. Một số thứ vân vân nữa hình như cũng năm. Cô nghe phổ biến vậy.

Anh thoang thoáng nhớ hình như mỗi thứ được mang mười, nhưng chỉ tiêu xuống đến lính trơn thì chỉ còn năm. Năm cái còn lại công nhân sẽ phải mang giúp cho đội trưởng đoàn trưởng là những người sẽ dắt họ đi. Dân đen ở đâu cũng phải làm cái thân bốc vác bưng bê gồng gánh cho các sếp.

Năm cái như quy định thì cô có đủ rồi. Nhưng cô cũng như mọi cô mọi chàng khác, tranh thủ mang thêm được cái gì lãi cái ấy. Ba bộ quần áo bò mang sang bên ấy có thể đổi được một tủ lạnh Xa ra tốp. Năm cái áo phông ngang giá một cái phích đá hoặc cái nồi áp suất. Vài ba cặp kính râm đổi được cái bàn là. Tủ lạnh, phích đá, nồi áp suất, bàn là, gửi được về nước là xây dựng cả một cơ nghiệp. Một gia sản cả nhà cô suốt đời mơ không thấy. Nó có thể biến một căn nhà tranh vách nứa thành một căn nhà xây mái bằng.

Anh nhìn cô xuất khẩu đi qua đi lại một lát thì hiểu mình phải đạo diễn cho cô. Cô có thể mặc năm cái áo phông bên trong. Năm cái áo bò khoác ngoài. Một cặp kính râm giọt lệ đeo trên mắt. Hai cặp kính nữa giắt vào túi áo ngực bên trong. Quần bò thì không mặc được năm. Ba thôi. Nhưng mặc ba cái quần dày cộp mà muốn đi lại linh hoạt thì phải tập. Bên trong cô mặc ba cái quần xi líp Thái Lan.

Sau đó, nào, bắt đầu. Mặc cái quần bò thứ nhất, kéo khóa, xong. Mặc cái quần bò thứ hai, kéo khóa, xong. Mặc cái thứ ba. Cúi người xuống, luồn tay vào trong đùi, đẩy nhẹ từng nếp quần nhăn xuống phía dưới. Làm sao cho không có vết hằn vết nhăn nào cả. Một là che mắt hải quan sân bay. Hai là không hằn không nhăn thì mình cử động chân mới dễ dàng. Đang ngồi thì đứng lên được. Đang đứng thì ngồi xuống được. Có kẻ không biết mặc cho khéo, ngồi trên máy bay hơn mười tiếng đồng hồ, sang đến sân bay xứ người, hai chân tụ máu phù lên, phải khiêng đi cấp cứu.

Một hai. Một hai. Một hai. Anh hô, bắt cô vung tay đi đều bước theo kiểu lính tập đội ngũ. Phải nhấc được chân, phải vung được tay thì mới bảo đảm đi lại tự nhiên trước hải quan cửa khẩu, mới bảo đảm không tụ máu phù chân. Quan trọng là không bị hải quan nó trấn lột. Nó sẽ lột sạch, lột mất bốn cái áo bò, hai cái quần bò. Gặp phải thằng đểu, nó còn lôi vào phòng kín, nó đè ra lột thêm hai cái quần xi líp, chỉ để lại cho một cái mà mặc. Thằng đểu hơn thì nó lột nốt, xi líp cũng chẳng còn một cái.

Đúng ra anh chỉ định ngả cô xuống chiếu một lần rồi nửa đêm anh đi. Nhưng cô chủ động giữ anh lại đến sáng. Đời em sẽ không thể gặp được người nào đẹp hơn anh, tốt hơn anh. Kể cả sang đến bên kia mà phải ngủ với Tây cũng thế. Em biết chắc đấy. Từ bé đến giờ làng này đều bảo em có linh. Em đi qua nhà ông chài lưới, em thấy có một con cá to cỡ vài ba chục cân giẫy đành đạch trong nhà. Em nói, ai cũng bảo em hoa mắt. Y như rằng ngày hôm sau ông ấy đánh được con cá như thế, cả huyện đổ về xem, có người trả cả mấy chỉ vàng.

Một lần khác cô gặp ở cổng nhà một ông chú đi bộ đội đã bảy năm, giải phóng ba năm rồi vẫn chưa thấy về. Cô chào chú mới về ạ, rồi chạy vào nhà thím bưởi mượn đôi quang gánh. Gọi là thím bưởi vì nhà có cái vườn mấy chục cây bưởi. Cô hỏi chú về đêm qua hay sao mà cả làng không ai biết. Thím bưởi mới bảo con này mê sảng hay sao, chú ấy mất tích bảy năm nay rồi. Ấy thế mà ba ngày sau chú bưởi khoác ba lô trở về.

Em có linh. Cô lặp lại như vậy. Cô muốn có con với anh. Sang bên ấy cô sẽ đẻ cô sẽ nuôi. Cô kéo dài thời gian bên nhau suốt một đêm cho chắc. Chuyến này cô đi không chỉ mang theo quần bò áo phông kính râm giọt lệ. Cô sẽ mang theo giọt máu của anh.

Anh định dẫn cô ra chỗ xe đỗ. Nhưng cô bảo cứ ở lại đây. Bà em ngủ rồi. Bà già nằm trên cái giường không ngáy, không thở phều phào, mà đánh rắm ầm ầm. Người già và trẻ con đánh rắm như một thứ xả bình hơi cho thông thoáng, già và trẻ thì còn biết ngượng ngùng gì. Ngủ rồi cũng chẳng biết ngượng ngùng gì.

Hai người trải chiếu nằm trên nền nhà. Ban đầu anh bắt cô mặc đủ bằng ấy áo phông áo bò, phải tập cho quen mọi nơi mọi lúc. Kể cả lúc ôm ấp hôn hít vờn vã. Nhưng sau lần đầu, anh thay đổi ý định. Anh cởi hết ra cho cô. Lần lượt. Áo bò, một hai ba bốn năm. Áo phông, một hai ba bốn năm. Quần bò, một hai ba. Quần xi líp, một hai ba. (Hết)

Hồ Anh Thái
Tin khác
Có một người tu hành như thế
Có một người tu hành như thế

Nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài: 'Có một người đã tu hành như thế và đã truyền cảm hứng sống tốt lành đến nhiều người'.

Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca
Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca

Lục bát thiền là nét đặc trưng cơ bản được tác giả Trần Lê Khánh chắt chiu thể hiện qua tập thơ ‘Đồng’ do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành.

Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh
Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh

Hai người họ Tô là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Tô Quyền và Nghệ sĩ Nhân dân Tô Lan Phương xuất hiện trong ‘Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh’.

Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?
Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?

Nhà văn Y Ban tiếp tục khẳng định một giọng nữ đặc sắc trong đời sống văn chương Việt Nam, bằng tập truyện ngắn có tên gọi ‘Trên đỉnh giời’.   

Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước
Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước

Cựu chiến binh Trần Trí Thông gửi gắm niềm riêng qua trường ca ‘Mặt trận gần phía trước’ phát hành đúng dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nhà văn Anh Đức trong ký ức đồng nghiệp thế hệ sau
Nhà văn Anh Đức trong ký ức đồng nghiệp thế hệ sau

Nhà văn Anh Đức được hậu sinh nhắc đến một cách trân trọng tại hội thảo kỷ niệm 10 năm ông qua đời, vừa tổ chức sáng 18/12 ở TP.HCM.

Tác giả trẻ My Tiên và vùng da thiêng nhiều cảm xúc
Tác giả trẻ My Tiên và vùng da thiêng nhiều cảm xúc

Tác giả trẻ My Tiên ở đất võ Bình Định vừa ra mắt tập thơ ‘Vùng da thiêng’ với nhiều cảm xúc nồng nàn về quê hương và con người Nam Trung bộ.

Mạch nha Thi Phổ
Mạch nha Thi Phổ

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ được chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh, mà còn liên tục tái bản với số lượng lớn để phục vụ độc giả.

Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư
Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Trong 'Quốc văn trích diễm', giáo sư Dương Quảng Hàm trích bài thơ 'Bán than' và cho là của Trần Khánh Dư. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả là người khác.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh, được hậu sinh kỷ niệm 10 năm ông đi xa, bằng một hội thảo tổ chức tại TP.HCM sáng 6/12.

Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm
Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Trên bia đá đền thờ tổ nghề chạm bạc Đồng Xâm có tuổi đời gần 600 năm ghi dấu ấn tinh hoa làng nghề và những điều răn dạy con cháu giữ nghiêm phép nghề.