| Hotline: 0983.970.780

Hồ Anh Thái: Đời biết mấy chuyến xe [Kỳ 6]

Thứ Hai 31/10/2022 , 07:28 (GMT+7)

Câu chuyện được trích ở đây tập trung kể về cuộc đời một anh lái xe đào hoa, một chiến sĩ Trường Sơn. Đó là số phận một cá nhân song hành với đất nước.

ho-anh-thai

“Những đứa con rải rác trên đường” là một trong những tiểu thuyết đặc sắc của nhà văn Hồ Anh Thái, hợp thành bởi ba truyện dài. Phần truyện trích ở đây tập trung kể về cuộc đời một anh lái xe đào hoa, một chiến sĩ Trường Sơn, sau chiến tranh anh đi qua thời ngăn sông cấm chợ, rồi đến thời đổi mới, thời kinh tế thị trường… Đó là số phận một cá nhân song hành với đất nước.

Chuyên mục Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Bài liên quan

Xe lại đi. Cô sợi phíp bảo cô áy náy quá vì làm phiền anh xe, áy náy cả vì anh không chịu nhận ân nghĩa của cô. Ai bảo cô là tôi không nhận. Anh xe cáu. Anh vẫn còn cáu thái độ của hai tay phòng thuế lúc nãy. Nó làm thì được, mình thì không. Thôi, bớt giận đi anh, chút nữa anh ghé nhà em nghe, anh không thiệt đâu anh.

Xuống hết con đường đèo vài chục cây số là nhà cô. Căn nhà lá biệt lập, phải đi thêm vài cây số nữa mới đến điểm quần tụ của nhà cửa quán xá bên đường. Trước căn nhà trống tênh là một cái bãi nhỏ đồ sắt vụn phế thải. Vỏ xe máy xe ô tô, mấy cái vỏ bom vỏ mìn, mấy cuộn dây thép gai bùng nhùng. Toàn đồ phế thải cũ gỉ, không phải đồ mới như xích líp cô đeo trên người và bỏ trong hai cái túi du lịch.

Một người đàn ông ngồi xe lăn, tay vần bánh xe đi một đoạn ra đón cô. Anh ăn cơm chưa, anh chờ em làm chi, trời đất, đồ ăn cũ không nhai nổi phải không, em thì đi về làm chi có giờ giấc. Cô đẩy xe cho người đàn ông vào trong nhà. Có mỗi cái bóng đèn công suất thấp đỏ đòng đọc thả từ giữa nhà xuống. Anh xe theo vào ngồi uống nước.

Cô sợi phíp nổi lửa nấu ăn. Chỉ một lát là xong. Bữa cơm có hai khúc cá kho tộ, mấy miếng thịt kho, một bát canh tập tàng. Cô vừa ăn vừa thỉnh thoảng quay sang xúc cho chồng. Đúng là chồng. Đúng ra thì tự anh ta vẫn ngồi trên xe lăn và xúc được. Cụt hai chân chứ không cụt tay. Nhưng tay vẫn hơi lóng ngóng.

Sau giải phóng, chồng cô thuộc loại hàng tháng phải lên trình diện với chính quyền. Anh là lính của chế độ Sài Gòn cũ. Cái gọi là ngụy quân. Tức là một quân đội không chân chính không hợp hiến hợp pháp. Làm công chức viên chức cho chính quyền cũ thì gọi là ngụy quyền. Đấy là ngôn ngữ của bên giải phóng.

Anh chồng ngụy quân lên trình diện. Tên anh có trong sổ sách của một đơn vị lính chiến nhưng thực ra anh không cầm súng một ngày nào. Nói năng hay nhỉ. Dạ thưa cán bộ, tui hổng có dám nói sai. Bà con chòm xóm xác nhận anh ta không hề đi lính, mấy năm chiến tranh vẫn ở nhà đi buôn đi bán, vào tận miền Đông miền Tây chở hàng ra.

Sự việc là như vầy, gia đình anh lo lót cho quân đội để ghi tên vào danh sách đi lính. Quân đội cầm tiền, chính quyền cầm tiền, cầm xong rồi thì để yên cho anh ở nhà. Tên anh trong sổ là tên ma. Sổ là sổ thật mà tên là tên ma. Đơn vị là đơn vị thật nhưng trong đơn vị có một số lính ma. Có tiền là biến được người thành ma.

Ừ thì nghe giải thích vậy, biết vậy. Anh được để cho yên ở nhà. Nhưng ở yên một chỗ tại gia thì lấy gì ăn. Đi buôn cái gì bị bắt cái ấy. Thời mang danh lính ma, anh vào miền Đông miền Tây buôn hàng quân tiếp vụ ra, buôn một lãi hai lãi ba lãi bốn. Thời nay được để yên nhưng buôn một mất ba bốn năm sáu. Ngăn sông cấm chợ, xe đi dăm trăm cây số gặp hàng chục trạm gác.

Giữa rừng núi heo hút cũng có chốt gác. Bạn bè anh ta bỏ đi vượt biên hết. Rủ đi cùng. Không dám. Nghe đâu vài triệu người đi mới có vài ngàn người thoát. Còn thì vào bụng cá. Cướp biển đâm chém giết hiếp, đàn ông cũng bị hiếp. Không muốn chết đói thì phải ăn thịt lẫn nhau. Không thì cũng vào bụng cá. Không thì cũng bị bắt lại. Thằng bạn anh ta bị bắt lại, giờ cũng ngồi lê Sài Gòn ngả nón ăn xin đó.

Không có chí lớn vượt biển bỏ xứ. Không. Anh ta thu mua chế biến sắt vụn. Bom mìn lựu đạn dây thép gai. Mua hết. Xử lý hết. Cưa quả bom, vừa cưa vừa sờ xem nó nóng lên đến đâu. Cưa từ viên đạn nhỏ, vừa cưa vừa sờ xem nó nóng đến mức nào. Nó nóng lên tức là có nguy cơ nó sắp nổ.

Nhưng làm nghề nào thành tinh nghề ấy. Vỗ về quả bom, xoa vuốt nó, thì thầm với nó hãy ngủ yên cho đến khi mình cưa được nó ra, lấy được thuốc nổ ra. Thuốc nổ bán riêng, vỏ thép bán riêng. Gom góp nhặt nhạnh từ cái lớn đến cái nhỏ. Nhỏ như viên đạn đồng cũng gom góp được tí thuốc nổ tí vỏ đồng. Nó là cái chết, nó là tử thần, nó là hỏa ngục địa ngục, nhưng nó cũng là miếng cơm manh áo. 

Nhưng rồi một ngày nó trở lại nguyên hình là hỏa ngục. Nó nổ bùng lên. Nổ tung lên. Nổ tan tành. Cô sợi phíp đang giao một chuyến hàng gạo vừa chuyển về tới thì nghe tiếng nổ. Khu chợ cách xa hai cây số mà cô nghe thấy. Biết ngay là nổ ở nhà mình. Cô đi nhờ một anh Honda hộc tốc phi về. Bay sạch sẽ. Cả nhà cả núi sắt vụn dây kẽm gai. Chồng cô lóp ngóp trong vũng máu.

Cụt hai chân thì vẫn phải sống. Anh thu gom chỗ sắt vụn dựng lên được cái xe lăn tự tạo. Không tự tạo thì tiền đâu mà mua. Có tiền còn mua được chân giả nữa kìa, nhưng chắc phải chờ cô đi thêm nhiều chuyến xích líp hay buôn gạo buôn gà nữa.

Cơm nước xong, cô sợi phíp đặt chồng lên cái giường tre duy nhất ở góc nhà. Cô trải một tấm chiếu xuống góc nhà bên kia. Tắt đèn đi thì cũng ổn. Nhưng mà cô vẫn ngập ngừng không muốn. Chồng cô có vẻ sắp ngủ ở góc nhà nhưng có vẻ không phải là anh ta không cảm thấy một điều gì. Anh xe gỡ bí cho cô, mình ra xe đi. Đêm nay anh không nghỉ lại đây sao. Đâu có được, lái xe đi cả đêm, trên từng cây số mà, mình ra xe đi.

Mình ra xe đi. Mình. Xưng hô với cô như vậy anh muốn chứng tỏ sự thông cảm đồng cảm. Như họ là một đôi. Như cùng hội cùng thuyền.

Ở trên thùng xe, có một lúc anh đã bật đèn pin lên. Cô đã tắm rửa kỹ càng rồi, nhưng hai bên bầu vú vẫn hằn vết hai cái líp xe, vẫn hằn cả những cái răng cưa lởm chởm. Còn khắp người cô từ ngực xuống dưới đùi xuống tới bắp chân vẫn in dấu xích xe đạp. Chỗ đỏ hồng hồng, chỗ tím bầm. Và nữa. Khắp người cô mùi xà phòng thơm vẫn không át đi được mùi dầu máy.

***

Anh cứ chuyển dần ra phía Bắc. Những chuyến tiếp theo anh chạy ra bắc miền Trung, chính xác hơn là đoạn đường giáp giới giữa một tỉnh bắc miền Trung và một tỉnh miền Bắc. Cái vùng chó ăn đá gà ăn sỏi. Đã khô cằn, thời chiến tranh cũng là cái túi đựng bom Mỹ. Dấu tích chiến tranh vẫn chưa hết. Dân cũng nghèo như dân trong tuyến lửa miền Trung. Hai cô gái vẫy xe đi nhờ. Bây giờ đã ít sợi phíp mà nhiều đàn bà con gái bắt đầu mặc quần phăng. Nó là cái quần Tây hơi kiểu đàn ông cũng ka ki cũng xi mi li cũng tuýt xi pha len như đàn ông.

Thấy một lúc hai cô thì cảm thấy có cho lên xe cũng chẳng chấm mút được gì nhiều. Nhưng mà thoáng nhìn từ xa thấy mặt hai cô đều tròn đều trắng. Tự nhiên dâng tràn cảm hứng. Nào thì cho lên. Hai cô công nhân công trường về phép. Gái công trường như rương không khóa. Một khi nhé, một khi đã thích nhé, thì cứ việc mở toang hoang ra. Mở xong có quên đậy lại thì cái rương tự nó đậy nó lại.

Hai cô chuyện trò như tép nhảy. Không bốc bải được gì thì cũng có gái tán tỉnh cho vui. Một tay vô lăng, một tay anh thò sang sờ eo một cô. Úi giời buồn em. Cô rú lên. Cô thò tay sang cù vào bụng anh đáp trả. Gái này mạnh bạo ghê. Anh lại thò tay sang sờ bụng cô. Úi giời buồn em. Cô lại cù bụng anh đáp trả. Đàn ông đàn ang râu quai nón mấy ngày không cạo mà bị cù cũng rúm lại cười.

Thấy thế cô A càng thích. Cô lại đáp trả liên hồi. Liên hồi đến mức cô B ngồi bên ngoài cũng không chịu được. Cô đòi đổi chỗ để vào ngồi bên trong, cạnh anh xe, để cù anh. Cô thích cù anh hay là cô muốn anh sờ nắn hiện vật của cô. Chắc là cả hai. Kém miếng khó chịu. Hai đứa con gái cùng lên xe không đời nào chịu để cho một đứa được sờ và được độc quyền sờ lại anh xe.

Lâu nay anh xe chỉ có quyền đi sờ soạng các cô mà lần này anh được các cô xông vào sờ soạng không còn sót một chỗ nào. Một cảm giác mới, ấn tượng mới.

Cứ tíu ta tíu tít như vậy mà đường xa thành gần. Anh xe tiếc là các cô sẽ rẽ vào một quãng tỉnh lộ chứ không đi tiếp quốc lộ cùng anh. Thôi đành. Cảm giác mới mẻ lạ lùng thường ngắn ngủi. Nó không ở lại với ta lâu. Có thể vì vậy mà nó mới được gọi là mới mẻ. Anh chở các cô vào bến xe của tỉnh. Từ đấy các cô sẽ mua vé xe khách đi tiếp về quê.

Chia tay anh rồi, các cô mất biến vào giữa đám người xếp hàng rồng rắn dài cả cây số. Vẫn đang thời ngành giao thông vận tải lên ngôi. Xe ít xăng ít, mua được cái vé xe là như trúng số độc đắc. Phải quen anh lái xe. Phải quen cô bán vé. Phải quen chú điều vận bến xe. Phải quen cậu lái phụ. Phải quen anh nhân viên ở bến. Không quen được ai thì phải có tiền đưa cho cô phe vé, giá vé gấp rưỡi gấp đôi gấp ba. Cô phe vé ấy có quan hệ móc ngoặc với toàn bộ biên chế bến xe. (Còn tiếp)

Xem thêm
Câu chuyện thứ mười hai: Câu chuyện cây cam hạnh phúc

'Cây cam của tôi', 'Cây xoài nhà tôi', 'Cây dừa vườn tôi', 'Gạo ruộng nhà mình', v.v là những câu chuyện sáng tạo mang nhiều ý nghĩa.

Nghề làm bún 400 tuổi bên sông Bồ trở thành di sản văn hóa quốc gia

THỪA THIÊN - HUẾ Nghề làm bún Vân Cù (thị xã Hương Trà) và lễ hội điện Huệ Nam (thành phố Huế) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ tháng 12/2024.

Ra mắt câu lạc bộ 'Doanh nông xanh ba miền'

Câu lạc bộ 'Doanh nông xanh ba miền' chính thức ra mắt, đánh dấu bước ngoặt phát triển nông nghiệp bền vững. 18 thành viên Ban chủ nhiệm là những doanh nông tiêu biểu.

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến ngành đánh bắt cá của Na Uy

Đánh bắt cá là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Na Uy. Ngành này đang bị ảnh hưởng không nhỏ bởi biến đổi khí hậu.