Họa sĩ Bùi Trang Chước - người thầy khai tâm của tôi

Kiều Mai Sơn (ghi) - Thứ Sáu, 27/05/2016 , 08:15 (GMT+7)

Họa sĩ Lê Lam là người nổi danh trong giới mỹ thuật. Người họa sĩ thành danh ấy không bao giờ quên được hai người thầy, hai người ân nhân của đời ông. Đó là họa sĩ Bùi Trang Chước và họa sĩ Tô Ngọc Vân...


Sách Họa sĩ Bùi Trang Chước – NXB Quân đội Nhân dân 2016 (sắp xuất bản)

Họa sĩ Lê Lam là người nổi danh trong giới mỹ thuật. Người họa sĩ thành danh ấy không bao giờ quên được hai người thầy, hai người ân nhân của đời ông. Đó là họa sĩ Bùi Trang Chước và họa sĩ Tô Ngọc Vân, mà họa sĩ Bùi Trang Chước chính là người thầy khai tâm cho Lê Lam.

1. Khi về dự thi vào trường Mỹ thuật, tôi gặp thầy Bùi Trang Chước lần đầu tiên tại ngôi đình mái tranh thuộc xã Nghĩa Quân, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ.

Thầy hiệu trưởng Tô Ngọc Vân giao chúng tôi cho thầy Bùi Trang Chước cùng với lời dặn dò: “Đây là các em chuẩn bị thi vào trường nên anh Chước sẽ hướng dẫn cho các em học vẽ để chuẩn bị thi”. Nghe xong, thầy Chước mỉm cười rồi thầy nói nhỏ nhẹ, ngắn gọn: “Tôi sẽ hướng dẫn cho các em”.

Bài học đầu tiên của các học sinh ngày đó là vẽ hình họa. Người ngồi mẫu là cụ Đạo Đức - chuyên ngồi mẫu cho học sinh Mỹ thuật từ trước kháng chiến. Thầy Bùi Trang Chước bố trí người ngồi mẫu ở các tư thế khác nhau, học sinh căn cứ theo người mẫu rồi vẽ.

Với chiếc giá vẽ ba chân làm bằng mấy cây nứa nhỏ mà thành, đặt bảng vẽ lên, sau đó lấy tờ giấy bản dán bốn góc lại rồi học sinh cầm bút chì bắt đầu vẽ theo hướng dẫn của thầy Bùi Trang Chước: phác hình như thế nào; phác từ những đường nét đầu tiên của đầu, vai, thân, chân co, chân duỗi ra sao...

Từ phác hình đại thể ban đầu, sau đó tất cả học sinh đi vào từng chi tiết: đầu, mắt, mũi, miệng... Trong quá trình làm việc, mọi người chăm chú, cứ thế theo hình mà phác lên. Thầy Chước theo dõi hình vẽ của từng học sinh. Những hình chưa đúng, thầy hướng dẫn điều chỉnh: hình này nên chéo, hình này nên chếch là vừa, chỗ này to quá, chỗ này nhỏ quá...

Sau khoảng ba buổi vẽ, hình mẫu cụ Đạo Đức bằng bút chì ngày càng rõ lên với những đặc tính: tóc dài, xù, quần áo nâu, nghèo khổ, rách rưới...

Khi vẽ thế chân cụ Đạo Đức, tôi nhớ mãi thầy Chước nói: Hình này của em là raccoursi - tiếng Việt ta gọi là thách. Cái chân co không phải ta nhìn theo nghĩa thông thường - không phải nhìn ngang mà hình nó thu lại. Thầy Chước đặc biệt nhấn mạnh cái đó. Rồi thầy có sửa cho tôi một vài nét vẽ.

2. Hết bài tập hình họa là đến bài thứ hai về trang trí. Học sinh được vẽ một phác thảo về một tấm bằng khen.

Thầy Chước chỉ dẫn cho chúng tôi muốn làm một bằng khen thì mình phải phác ra đấy là bằng khen kiểu gì, Huân chương Kháng chiến hay Huân chương Quân công...

Thầy chỉ cho chữ phải xếp như thế nào, chữ chính xếp ở vị trí ra sao, bên dưới có những chữ gì, xung quanh hoa văn ra sao... Phải biết kẻ chữ như thế nào? Huân chương Kháng chiến thì có mấy chữ, phải biết kẻ chữ, nét to hay nét nhỏ, có chân hay không có chân... Tất cả bước đầu bằng những phác thảo như thế. Sau đó thầy xem qua, thấy được là thầy gật đầu, rồi lại tiếp tục.

Phương pháp giảng dạy của thầy Bùi Trang Chước là không nói nhiều, thầy hướng dẫn từng bước và chỉ các bước làm. Tất cả học viên chúng tôi đều thấy thầy Bùi Trang Chước giản dị như một người bình thường. Cho nên chúng tôi có thể tiếp thu không lấy gì làm khó khăn lắm.

Trường Mỹ thuật kháng chiến ngày ấy do họa sĩ Tô Ngọc Vân làm Hiệu trưởng, họa sĩ Bùi Trang Chước ở Hội đồng giáo sư (lúc đó gọi là Ban giảng viên).

Ngoài ra, Ban giảng viên còn có họa sĩ Trần Văn Cẩn, còn họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm làm trợ giảng. Sang năm 1951, họa sĩ Bùi Trang Chước chuyển sang Bộ Tài chính với nhiệm vụ tuyệt đối bí mật lúc đó là vẽ mẫu giấy bạc cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Họa sĩ Bùi Trang Chước (21/5/1915 - 27/2/1992), quê tại Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội. Ông là tác giả Quốc huy Việt Nam, tác giả biểu trưng Tổng LĐLĐ Việt Nam và Huân chương Sao Vàng; Huân chương Độc lập; Huân chương Lao động…

Các họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ và Nguyễn Sĩ Ngọc ở Khu IV được điều ra trường Mỹ thuật để giảng dạy thay vị trí của họa sĩ Bùi Trang Chước. “Cho nên về sau này có chuyện công trình vẽ Quốc huy của họa sĩ Bùi Trang Chước suốt mấy chục năm bị gắn nhầm tên họa sĩ Trần Văn Cẩn là như thế!”, họa sĩ Lê Lam nhớ lại.

3. Thầy Bùi Trang Chước đối với tôi là người thầy giáo mở đường. Tính thầy rất giản dị. Giọng nói nhỏ nhẹ, thầy giảng ngay vào chi tiết bài học. Ví dụ, vẽ cánh tay, thầy cầm bút phác vẽ thử cho chúng tôi xem. Sau khi thầy chỉ dẫn rất cụ thể việc phác các nét, tạo khối, đánh bóng... chúng tôi có thể bắt tay vào vẽ được. Điều đó tạo nên một ấn tượng rất sâu trong tôi về thầy.

Những năm sau, nhờ bài học vỡ lòng thầy dạy, tôi có kiến thức về đồ họa nên đã vẽ hai mẫu huân chương được nhà nước chọn in. Đó là Huân chương Quân công (hạng nhất, hạng nhì, hạng ba) và Huân chương Kháng chiến chống Pháp (hạng nhất, hạng nhì, hạng ba).

Trên các mẫu huân chương đó không đề tên tác giả nhưng các đồng chí có trách nhiệm ở Tổng cục Chính trị đều biết tác giả là tôi - họa sĩ Lê Lam. Cho nên, đó chính là dấu ấn ảnh hưởng của thầy Bùi Trang Chước đối với tôi trong nghề.

Nếu nói về chuyên môn, tay nghề của thầy Bùi Trang Chước là đồ họa. Thầy là nhà đồ họa số 1 Đông Dương. Vẽ mẫu tiền, vẽ mẫu tem, vẽ mẫu huân chương, huy chương thì không ai giỏi hơn thầy.

Thầy Tô Ngọc Vân biết rõ tài năng của thầy Bùi Trang Chước nên đã đưa về trường Mỹ thuật để làm công việc giảng dạy những học sinh chúng tôi chuẩn bị thi vào trường.

Công việc hướng dẫn có khi hàng tháng trời. Cho nên, đối với tôi, họa sĩ Bùi Trang Chước là người thầy khai tâm cho tôi về hội họa. Cùng với thầy Tô Ngọc Vân, thầy Bùi Trang Chước là hai ân nhân của tôi, mà tôi ghi nhớ suốt đời không quên.

HỌA SĨ LÊ LAM

Kiều Mai Sơn (ghi)
Tin khác
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.

Ký ức không phai một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc
Ký ức không phai một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc

‘Ký ức không phai’ là cuốn sách ghi lại kỷ niệm gắn bó với Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève.

Tâm sự nghề nghiệp của một nhà giáo trường huyện
Tâm sự nghề nghiệp của một nhà giáo trường huyện

Tâm sự nghề nghiệp của những người đã và đang đứng trên bục giảng với nhiều kỷ niệm khó quên, càng trở nên ấm áp nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Cô giáo Nùng khơi chuyện văn chương cùng học trò
Cô giáo Nùng khơi chuyện văn chương cùng học trò

Cô giáo người Nùng Lý Thị Thủy đang dạy văn ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Phú Yên, vừa ra mắt cuốn sách lý luận phê bình có tên gọi ‘Khơi chuyện’.

Tủ sách Văn Hóa Việt ra mắt độc giả Trung Quốc
Tủ sách Văn Hóa Việt ra mắt độc giả Trung Quốc

Tủ sách Văn Hóa Việt của Chibooks chính thức ra mắt độc giả đất nước tỷ dân tại Tuần lễ văn hóa sách Trung Quốc – Đông Nam Á 2024 tại thành phố Nam Ninh.

Ai chém đầu nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến?
Ai chém đầu nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến?

Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật mới cho ra mắt cuốn sách 'Nguyễn An Ninh – Không ăn mày tự do' (2024) của tác giả Trần Viết Nghĩa. Sách mới mà quá nhiều lỗi sai hết sức sơ đẳng.

Sứ mệnh người thầy gửi gắm từng trang sách nhỏ
Sứ mệnh người thầy gửi gắm từng trang sách nhỏ

Sứ mệnh người thầy luôn gắn liền với sách, được các diễn giả đề cao tại talk show diễn ra ở Đường sách TP.HCM nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11).

Họa sĩ Xu Man trở thành ‘Con thiêng của rừng’
Họa sĩ Xu Man trở thành ‘Con thiêng của rừng’

Họa sĩ Xu Man được nhà văn Trung Trung Đỉnh lấy làm cảm hứng sáng tác truyện dài ‘Con thiêng của rừng’ dày 124 trang, do Nhà xuất bản Trẻ vừa ấn hành.

Nhà thơ Mai Thìn lắng nghe ‘tiếng của thiên lương’
Nhà thơ Mai Thìn lắng nghe ‘tiếng của thiên lương’

Nhà thơ Mai Thìn gây ấn tượng cho người đọc, bởi một lối viết coi ý tứ là trọng, coi tổng thể nặng hơn chi tiết và rất nặng lòng trước thế thái nhân tình.

Hoa hậu H’Hen Niê đưa thư viện thân thiện về nông thôn
Hoa hậu H’Hen Niê đưa thư viện thân thiện về nông thôn

Từ khi đăng quang đến nay, Hoa hậu H’Hen Niê đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng, trong đó có chương trình đưa ‘Thư viện thân thiện’ về nông thôn.

Người quê lúa lặng lẽ viết lại những trang đời
Người quê lúa lặng lẽ viết lại những trang đời

Người quê lúa Đặng Đình Liêm sau chuỗi ngày tham gia quân đội và công tác xa nhà, đã trở về Thái Bình thanh thản viết lại những câu chuyện đời mình.

Thức dậy một dòng sông để thương nhớ làng quê
Thức dậy một dòng sông để thương nhớ làng quê

‘Thức dậy một dòng sông’ của tác giả Trần Nam Phong hình thành một bút pháp với những câu thơ ngân như ngọn gió không lời vừa quen vừa lạ.