| Hotline: 0983.970.780

Cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn trong ký ức ông Nguyễn Xuân Cường: [Bài 2] Ngưỡng mộ một tầm nhìn chiến lược

Thứ Ba 08/10/2024 , 07:00 (GMT+7)

Nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường kể, nhờ ba giải pháp của Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn gồm thủy lợi, giống và khuyến nông mà ngành nông nghiệp có sự đột phá.

Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn trong một cuộc họp với các nhà khoa học, nhà quản lý. Ảnh: Tư liệu.

Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn trong một cuộc họp với các nhà khoa học, nhà quản lý. Ảnh: Tư liệu.

Bây giờ nó thế nhưng nay mai nó sẽ khác

Bởi: "Chúng đã tạo tiền đề khai thác tốt nhất tiềm năng về đất, khí hậu, lao động sáng tạo của bà con, cộng với sức mạnh của thời đại. Từ một đất nước thiếu lương thực đã trở thành một cường quốc sản xuất lúa gạo trong thời gian ngắn nhất của lịch sử phát triển ngành lương thực thế giới. Chính ông đã tạo ra nền móng cho ngành nông nghiệp phát triển sau đổi mới để về sau cứ từ nền móng đó mà phát triển. Nhìn rộng hơn, toàn diện hơn với một đất nước được khái quát “tam sơn, tứ hải, nhất phần điền” thì phát triển kinh tế rừng, kinh tế thủy sản, kinh tế nông nghiệp trên đất nền truyền thống mới là sức mạnh toàn diện, là đặc trưng của Việt Nam.

Nhìn lại giai đoạn từ năm 1986-2000 mới thấy chính định hướng ban đầu với những quy hoạch, chương trình, đề án căn bản có ý nghĩa như chương trình 5 triệu ha rừng, chương trình nuôi trồng thủy sản…Tất cả những chương trình đó đều ghi đậm dấu ấn của ông Tạn, không chỉ ở chủ trương, định hướng mà cả những biện pháp cụ thể. Giống keo lai, giống bạch đàn Úc, cây mắc ca, tre bát độ, tre lục trúc, cỏ VA06…Ngay cả những ngành hàng chúng ta không có lợi thế song liên quan đến an ninh ngành hàng và sự phát triển bền vững về kinh tế và dinh dưỡng cho xã hội như bò sữa, mía đường cũng được ông định hướng tập trung, đẩy mạnh phát triển bằng cả sự tận dụng yếu tố thời đại, nhất là giống và công nghệ, kết hợp với những nền tài tảng tài nguyên, con người để tạo ra kết quả mong muốn. Sự phát triển sản xuất chế biến sữa hiện nay đã minh chứng rõ điều đó.

Hồi ông đặt ra chương trình 1 triệu tấn đường, 1 triệu tấn sữa nhiều người nghi ngờ lắm nhưng ông đã có nhãn quan và nói luôn: “Bây giờ nó thế nhưng nay mai nó sẽ khác”. Ngành đường sau này đối với một nước có 100 triệu dân nó liên quan đến chuỗi nước uống và công nghiệp chế biến đồ ăn. Nhiều người nói không có lợi thế sản xuất đường thì ta nhập nhưng nó còn liên quan đến an ninh ngành hàng. Với ngành bò sữa thì Việt Nam không có lợi thế về tài nguyên đất, khí hậu như Mỹ hay châu Âu. Đất của ta nhỏ hẹp, tiểu khí hậu thì có vùng phù hợp có vùng không, thêm vào đó là chưa có điều kiện để phát triển những ngành chuyên sâu như bò sữa. Họ nghi ngờ là đúng thôi.

Nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thực tế có những mô hình chỗ này chỗ kia thất bại nhưng cục diện lớn về sau đã thành công với những TH-true milk, Vinamilk làm nòng cốt. Ông là người đầu tiên đưa măng lục trúc, điềm trúc của Đài Loan về Việt Nam trồng ở Tân Yên, Bắc Giang và Đan Phượng, Hà Tây và về lần nào cũng bới gốc kiểm tra. Sau này để nhân giống nhanh, ông còn hướng dẫn kỹ thuật chiết từng cái tay tre một. Ông đưa về nhiều giống như gà Tam Hoàng, gà Lương Phượng, ngan Pháp…Khi đã hình thành mô hình ông đến tận nơi thăm, kiểm tra rất chi tiết.

Mặc dù ông rất muốn người ta thực hiện theo quan điểm của mình nhưng cũng rất bình đẳng và cầu thị. Cái gì mà góp ý đúng là ông nghe ngay. Tôi từng đến trang trại ở huyện Hoài Đức, TP Hà Nội nơi ông thử nghiệm trồng một tập đoàn cây giống nhập nội, nuôi vịt trời, ngỗng trời và có góp ý hai điểm: Một là đưa tập đoàn cây giống nhập nội về đây không phù hợp bởi vùng này đất sét nên khi ươm tạo bầu cây bị yếu, dễ nhiễm bệnh, chết. Hai là đàn ngỗng trời cho ăn kiểu đó không bao giờ đẻ. Ông hỏi tại sao thì tôi trả lời: “Con ngỗng trời đặc điểm tự nhiên của nó ăn chủ yếu là cỏ, củ thì mới đủ vi lượng, thứ nữa là cơ thể nhẹ mới bay được. Nếu nuôi toàn cho ăn cám thế này béo quá sẽ không đẻ được”.

Lúc đó ông nghe nhưng không nói gì, tuy nhiên hôm sau họp mới bảo mọi người rằng: “Hôm qua thằng Cường nói đúng đấy, thôi không nuôi ngỗng trời nữa, giải tán đi”.

Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn kiểm tra tốc độ sinh trưởng của ngỗng trời trong trang trại ở Hà Nội vào đầu năm 2014. Ảnh: Dương Đình Tường.

Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn kiểm tra tốc độ sinh trưởng của ngỗng trời trong trang trại ở Hà Nội vào đầu năm 2014. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông là người có kiến thức nền tảng, tầm nhìn chiến lược và lăn lộn thực tiễn. Ví dụ như giống lúa mới A chẳng hạn mà ai báo cáo kiểu thành tích chúng em sẽ đưa về phát triển ở vùng này, vùng kia thì ông hỏi luôn vùng đó cụ thể là vùng nào? Nghe rồi ông kết luận luôn: “Không được, cậu chẳng nắm được gì cả. Vùng đó là vùng trũng, giống này chỉ chịu chân vàn, chân cao thôi đưa về đó là đổ, là bị bệnh”. Còn nếu nói đưa vào vùng cụ thể nào phù hợp thì ông bảo luôn: “Ờ vùng đó được, đưa vào đúng vùng trọng điểm thâm canh đó thì năng suất sẽ rất cao”. Rồi nói chuyện cấp một hóa giống lúa thế nào, đào tạo đội ngũ kỹ sư cơ sở ra sao, cấy lúa thẳng hàng có tác dụng gì, bón phân cân đối.

Tầm nhìn về nông nghiệp tuần hoàn

Hà Tây hồi những năm 90 có những xã ở huyện Thường Tín, Thanh Oai đã áp dụng IPM không phải dùng đến thuốc BVTV trong 2-3 vụ liền, mà những năm tháng đó sâu bệnh kinh lắm. Kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh từ hồi đó đã có rồi. Ông đi nhiều nên ai nói về vùng nào là hiểu ngay có đưa được giống mới về đó hay không, lý do là gì và nói luôn ra mồm chứ không như người khác: “cậu phải nghiên cứu” hay gì gì.

Điều tôi khâm phục nhất ở ông là tầm nhìn và khát khao xây dựng một ngành kinh tế nông nghiệp tự cường. Tại sao tôi lại nói như thế? Bởi tất cả các giống mới ông đưa về không chỉ hướng đến mục tiêu ổn định mà còn phát triển thành ngành hàng hóa lớn. Ví dụ như chương trình mía đường ông đã nghiên cứu rất kỹ tập đoàn giống mía của Đài Loan đến biện pháp canh tác rồi ngành chế biến. Ví dụ như lúa, bây giờ đất nước đạt an ninh lương thực với sản lượng khoảng 45 triệu tấn thóc rồi không mấy ai còn nghĩ đến những năm tháng khó khăn cơ hàn. Bên cạnh đưa đồng bằng sông Cửu Long khai thác tốt về năng suất ra thì đau đáu trong ông vẫn là đồng bằng sông Hồng dù chỉ có 650.000 ha nhưng ở đây là 25 triệu dân chiếm ¼ dân số Việt Nam, là an ninh lương thực tại chỗ nên phải đưa lúa lai vào.

Thời gian đầu đưa lúa lai vào đây rất khó khăn. Hà Tây là một trong những tỉnh làm lúa lai đầu tiên, kể cả về tổ chức sản xuất hạt lai bố mẹ đến sản xuất hạt lai thương mại. Việc đưa lúa lai vào đồng bằng sông Hồng đã giúp thay đổi hẳn cục diện, đến khi tự cường rồi thì thích chuyển sang các giống lúa thuần cho hiệu quả, cho bền vững thì là việc của từng địa phương, từng người.

Một điểm nữa của ông Tạn là rất tập trung hoàn thiện hệ sinh thái sản xuất nông nghiệp bao gồm từ chính sách như các nghị định, nghị quyết đến quản lý nhà nước bằng chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể; thúc đẩy các viện nghiên cứu. Hồi đó các viện nghiên cứu phát triển bùng nổ, riêng Viện Di truyền có hơn 100 giống lúa. Làm gì có thời kỳ nào rực rỡ như thế? Rồi lúc đó Việt Nam đi trước cả Trung Quốc về nghiên cứu ngô lai.

Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn trong một cuộc họp. Ảnh: Tư liệu.

Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn trong một cuộc họp. Ảnh: Tư liệu.

Khi mô hình có kết quả thì tổ chức nhân ra diện rộng. Trong các cuộc họp ông thích lắng nghe những ai có lý luận phản biện như ông Lê Hưng Quốc-nguyên Cục trưởng Cục Khuyến nông Khuyến lâm, ông Quách Ngọc Ân-nguyên Cục Phó Cục Khuyến nông Khuyến lâm. Đó là những người giỏi, biết phản biện, biết khái quát vấn đề, biết nâng tầm quan điểm chứ không phải cứ chúi vào thực hiện theo quy trình.

Những tố chất của người lãnh đạo như ông Nguyễn Công Tạn là rất hiếm. Thực tế rất cần những con người như thế. Miệng nói. Tay làm. Không ngại khổ. Không ngại khó. Ba cùng với mọi người. Bình đẳng và dân dã nhưng lại có một phong thái rất sang trọng.

Đám tang của ông tôi tham gia từ đầu cho đến khi lấp huyệt, xong hết việc mới về. Tôi thấy bạn bè, cán bộ công chức, viên chức cả hệ thống nông nghiệp trước, trong và sau giai đoạn ông công tác đến viếng rất đông. Rồi cán bộ các địa phương cùng người dân cũng đến viếng rất đông. Họ đến để trân trọng một ông bộ trưởng của một ngành chân lấm tay bùn, nói rất ngắn nhưng giọng cứ sang sảng; những việc cụ thể, những kỹ năng của người dân, những ngôn ngữ văn hóa của các thôn làng ông đi đến đâu đều nắm rất rõ. Khi ông nói ra những điều đó người dân cảm thấy gần gũi không còn khoảng cách nữa. (Hết).

Nhìn lại 10 năm Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn đi xa tôi thể hiện tấm lòng kính trọng, ngưỡng mộ một người thầy, một người anh đã dành cả cuộc đời, tâm huyết, đau đáu cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn của nước nhà.

Xem thêm
Vụ diễn viên Vương Tinh mất tích: Tìm thấy trong tình trạng không ai ngờ

Diễn viên Vương Tinh - sao nam điện ảnh Hoa ngữ đã được tìm thấy sau nhiều ngày gia đình và cơ quan chức năng nỗ lực tìm kiếm. 

Việt Nam sớm chuẩn bị cho giải boxing nữ thế giới 2025

Các tay đấm nữ Việt Nam dự kiến góp mặt ở Giải boxing nữ vô địch thế giới 2025 tại Serbia vào tháng 3 tới.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.

Bình luận mới nhất