| Hotline: 0983.970.780

Cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn trong ký ức ông Nguyễn Xuân Cường: [Bài 1] Nằm viện vẫn đau đáu với giống mới

Thứ Hai 07/10/2024 , 13:37 (GMT+7)

10 năm ngày cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn mất, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhớ về tầm nhìn, khát khao xây dựng ngành nông nghiệp tự cường.

Nằm trên giường bệnh vẫn muốn nhập giống mới về

Ông kể: “Dù tôi không được trực tiếp làm việc cùng cơ quan với ông Nguyễn Công Tạn thời ông làm Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cũng như làm Phó Thủ tướng nhưng tôi lại có duyên được tiếp xúc sớm với ông dưới cơ sở và có nhiều kỷ niệm. Năm 1985 khi ông đang làm Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, tôi đang làm Phó Giám đốc Công ty Bảo vệ Thực vật huyện Đan Phượng (lúc đó Đan Phượng đã thuộc Hà Nội), ông có về thăm mô hình trồng cây ăn quả ven sông Đáy xen với đậu xanh, xung quanh xây tường kết hợp xếp gạch tạo thành những hang, bể nuôi cóc để nhằm đấu tranh sinh học, tiêu diệt sâu bọ. Ông thấy thế thì thích lắm, bảo: “Đây mới là mô hình nông nghiệp của nông dân thế kỷ 21”.

Ông Nguyễn Công Tạn là một người bạn gần gũi thân thương của nhà nông. Ảnh: Tư liệu.

Ông Nguyễn Công Tạn là một người bạn gần gũi thân thương của nhà nông. Ảnh: Tư liệu.

Khi tôi lên làm Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tây rồi Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây luôn được tiếp nhận những giống mới mà nhiều giống do ông đưa về như giống ngô lai DK888, giống lúa thuần Khang Dân hay lúa lai Trung Quốc…Kể cả sau này khi tôi lên làm Phó ban Kinh tế Trung ương ông cũng thường xuyên gọi đến.

Trước hôm ông Tạn nhập viện 1 tuần tôi vẫn cùng ông đi sang bãi sông Hồng thuộc Tứ Liên, Hà Nội để thăm các giống mới do ông nhập về như táo, dâu quả dài được trồng thử nghiệm ở trang trại rộng 5 ha của anh Toàn. Tôi vẫn nhớ buổi chiều hôm đó trên chiếc thuyền ván nhỏ đi qua lạch sông, 3 anh em nhà anh Toàn mang xe máy ra đón mấy thầy trò tôi vào. Khi ngồi ăn cơm, tôi thấy ông ăn yếu nên mới hỏi: “Sao dạo này bác ăn yếu thế?”. Ông trả lời: “Ừ, Cường ạ, tớ đi Đà Lạt vừa mới về bị lạnh nên ho”. Đúng 1 tuần sau thì ông đi viện.

Trước đó khoảng 3 tháng ông Tạn đưa tôi đi thăm giống dâu quả dài nhập về trồng ở tỉnh Hòa Bình rồi qua huyện Đan Phượng của TP Hà Nội vào đúng gia đình mà cách đó gần 30 năm có mô hình trang trại trồng cây ăn quả với nuôi cóc của một người em tên là Tiến dù lúc đó không còn nuôi cóc nữa mà đã chuyển sang nuôi lợn giống.

Nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thấy ở ngoài hiên có cái võng, ông liền nằm xuống, vừa đưa võng vừa tâm sự rằng: “Cường ạ, ngày xưa tớ ở quê không gì thích bằng nằm võng”. Tôi mới bảo: “Võng này thì khối, thiếu gì hả bác”. Ông hỏi: “Ở đâu Cường lấy cho tớ một cái nhé!”. Tôi bảo: “Cụ nhà em đan ấy mà”. Chiếc võng đan bằng sợi đay mà mẹ tôi làm đến nay vẫn còn ở nhà ông Tạn, trước thường mắc ở lối nhìn ra vườn có cây bưởi Diễn trồng ở gần cổng. Trở lại buổi đi thăm trang trại đó, mấy anh em thăm xong kéo nhau đi ăn thịt lợn. Ông rất thích món lòng lợn chấm mắm tôm…

Ông Nguyễn Công Tạn - một chính khách đầy trách nhiệm, một tư lệnh ngành có tầm nhìn chiến lược, một nhà khoa học gắn liền với thực tế và một người bạn gần gũi thân thương của nhà nông.

Một tuần sau buổi đi thăm táo, dâu quả dài ở bãi sông Hồng, tôi gặp anh Nguyễn Trọng Thừa - Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối, anh Đoàn Xuân Hòa - Cục Phó Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối mới nói chuyện ông Tạn giờ nhìn yếu và hay ho. Thế là chúng tôi rủ nhau đến nhà thăm ông. Vợ ông mang ra đĩa hồng tre quả vuông, vỏ xanh và đĩa cốm. Bà bổ hồng ra làm đôi còn ông thì hướng dẫn chúng tôi cách ăn hồng với cốm như thế nào.

Sang ngày hôm sau thì ông nhập viện. Tôi vào thăm. Thấy tôi ông với chiếc cặp da bò màu vàng, rất to đựng tài liệu và rút ra một gói nhỏ bảo: “Đây nhé, tớ đưa cho Cường gạo làm từ bột khoai lang của Trung Quốc dành cho những người tiểu đường, chống béo ăn. Sau này anh em nên nghiên cứu phát triển những giống bình thường như khoai lang, làm ra được loại gạo từ bột khoai lang như thế này. Khi nào khỏi bệnh tớ sẽ đi Trung Quốc lấy tiếp một số giống mới về đưa cho Cường”.

Tôi vào thăm được hai lần, khoảng 8-9 ngày sau nhập viện thì ông hôn mê, khoảng hơn 20 ngày thì mất (1/11/ 2014). Chuẩn bị kỷ niệm 10 năm ngày ông ra đi, tôi bỗng nhớ đến những kỷ niệm này.

Ông Nguyễn Xuân Cường trong một cuộc họp với Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ông Nguyễn Xuân Cường trong một cuộc họp với Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Người bạn gần gũi thân thương với nông dân 

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề lớn của đất nước, luôn được Đảng và Nhà nước coi là mặt trận ưu tiên, tập trung phát triển qua mỗi thời kỳ, giai đoạn khác nhau.

Kể từ sau năm 1975 thống nhất đất nước, nhất là kể từ dấu mốc năm 1986 của công cuộc đổi mới, nông nghiệp nước nhà trải qua các nấc, bậc từ chỗ thiếu ăn, phải nhập cả triệu tấn lương thực đến chỗ đủ lương thực thực phẩm căn bản, rồi  đạt được kết quả vững chắc làm nền tảng cho tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hiệu quả; Cùng với khai thác thế mạnh trở thành nước xuất khẩu nông sản chiếm vị trí ngày càng quan trọng trên thị trường toàn cầu.

Để đạt được kết quả đó là một quá trình bền bỉ, cam go với đầy sáng tạo, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế, nông dân cũng như toàn xã hội. Có rất ít người được trực tiếp tham gia lộ trình phát triển đó với vai trò vừa là chính khách, vừa là tư lệnh ngành nông nghiệp, vừa là nhà khoa học đầy tính ứng dụng sáng tạo, vừa là người bạn gần gũi thân thương với bà con nông dân như ông Nguyễn Công Tạn.

Trong hơn 10 năm giữ cương vị Bộ trưởng - tư lệnh của ngành nông nghiệp từ năm 1986-1997 đây là giai đoạn đầu đổi mới kinh tế của Đảng do vậy về tổng thể đất nước còn nhiều khó khăn, khu vực nông nghiệp cũng vậy. Từ việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đến định hướng cơ cấu sản xuất ngành. Tổ chức sản xuất làm sao để khai thác được thế mạnh, nguồn lực của đất nước, tài nguyên đất đai, khí hậu, đa dạng sinh học, đặc biệt là yếu tố con người, đồng thời tận dụng tốt nhất yếu tố thời đại, khai mở thị trường, khoa học công nghệ, kinh nghiệm sản xuất. Đây chính là giai đoạn nền tảng. Nếu nền tảng tốt sẽ tạo ra bước bứt phá và tạo đà cho sự phát triển bền vững về sau.

Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đi thăm lúa lai. Ảnh: Tư liệu.

Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đi thăm lúa lai. Ảnh: Tư liệu.

Với những thành quả to lớn, toàn diện về nông nghiệp, nông thôn, nông dân có được như ngày hôm nay, vai trò bước ngoặt từ thời kỳ đầu, đặt nền móng sau năm 1986 mang tính chất quyết định. Trong đó vai trò của người tư lệnh ngành, Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn - một người cầm lái với khát khao cháy bỏng đã trở thành hạt nhân cho sự phát triển đó.

Tôi có thể ví dụ trong lĩnh vực phát triển cây lương thực với một đất nước đông dân thứ 15 của thế giới trong khi tài nguyên đất đai cho phát triển cây lương thực rất hữu hạn, chỉ có khoảng 4 triệu ha đất lúa. Do vậy phải có những giải pháp then chốt mới có được kết quả bền vững. Ba trong số những giải pháp then chốt tập trung trong giai đoạn ấy gồm:

Thứ nhất là tập trung cho công tác thủy lợi để có được điều kiện tốt nhất cho thâm canh lúa nước. Thứ hai là tập trung cho công tác giống cây lương thực. Đây là thời kỳ bùng nổ các giống ngô lai quy ước, không quy ước, lai đơn, lai kép… ra đời và hàng loạt các giống lúa, chỉ riêng họ DT tức từ Viện Di truyền Nông nghiệp thì đã có hàng trăm loại, giúp chủ động được hơn 90% giống lúa.

Đặc biệt những năm 90 Việt Nam nhập thêm công nghệ sản xuất lúa lai từ Trung Quốc, trở thành nước đứng đầu Đông Nam Á về sản xuất lúa lai, nước sản xuất lúa gạo hàng hóa lớn trên thế giới. Thứ ba là tổ chức tốt công tác khuyến nông. Nghị định 13 ra đời tháng 3 năm 1993 đã hình thành hệ thống khuyến nông từ trung ương đến cơ sở với ba chức năng chính: phổ biến những tiến bộ khoa học trong nông nghiệp; bồi dưỡng và phát triển những kỹ năng, kiến thức canh tác, quản lý cho nông dân; phối hợp các cơ quan chức năng cung cấp cho nông dân thông tin thị trường…(Còn nữa).

(ghi)

Xem thêm
Bí quyết sở hữu vé chương trình 'Bài hát của chúng ta' top 1 rating VTV3

Đến hết 30/10/2024, khách hàng chi tiêu thẻ quốc tế VPBank thỏa mãn điều kiện hoặc tham gia minigame trên fanpage sẽ nhận vé dự chương trình 'Our Song - Bài hát của chúng ta'.

Jannik Sinner mất ngủ vì sự cố doping

Tay vợt số 1 thế giới của quần vợt nam Jannik Sinner cho biết sự vụ liên quan tới câu chuyện doping khiến mình bị mất ngủ nhiều đêm.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.