Không thày đố mày làm nên!

Thái Hạo - Thứ Hai, 26/09/2022 , 08:09 (GMT+7)

'Không thày đố mày làm nên', sau một thời gian coi thường và ảo tưởng, khi đủ lớn rồi tôi mới hiểu được câu này.

Tác giả Thái Hạo.

Ngày đầu tiên, từ lũy tre làng đi thẳng đến trường đại học, trong buổi gặp gỡ sinh viên mới ở hội trường lớn, tôi nhớ mãi câu này của một giảng viên: “Đại học là gì? Là tự học”! Tôi tâm đắc lắm!

Bài liên quan

Rồi con đường học vấn dang dở, tôi đi làm một ông thầy giáo chứ không theo đuổi chuyên môn sâu như một nhà nghiên cứu. Cũng là một người có ý thức tự học, nhưng với thực tế, càng ngày tôi càng nghi ngờ câu nói năm xưa của vị giảng viên. Cho đến nay thì tôi thấy nó gần như là sai quá nửa.

Thực ra, sự học từ trong bản chất vẫn luôn là tự học, chẳng phải đợi lên đại học mới cần mà ngay từ cấp I cũng phải tự mà học rồi – nhưng là theo một nghĩa khác. Đâu ai ghi nhớ hộ mình được, đâu ai hiểu thay cho mình được! Nhưng để có thể “nói chuyện” được về một chuyên môn hẹp thì cái gọi là tự học luôn chứa đựng trong nó những rủi ro tiềm tàng. Cơ bản, “tự học” chỉ đúng ở mức độ khoa học thường thức, ở các nghề nghiệp thông thường và thiên về kinh nghiệm; ngoài ra để trở thành một chuyên gia thì cần phải được đào tạo một cách chuyên nghiệp.

“Không thày đố mày làm nên”, sau một thời gian coi thường và ảo tưởng, khi đủ lớn rồi mới hiểu được câu này. Những người không được đào tạo một cách bài bản, chuyên sâu, bằng một chương trình khoa học và nghiêm ngặt thì luôn có nguy cơ trở thành những kẻ amateur. Kiến thức lỗ mỗ, kỹ năng yếu kém, phương pháp sai lầm.

Cái không khí và phong cách tự do trong học đường Tây phương không đồng nghĩa với sự tùy tiện, mò mẫm. Nó rất bài bản và chặt chẽ. Vì thế, sau khi ra trường, sinh viên đều sở hữu những năng lực làm việc và nghiên cứu rất chuyên nghiệp.

Những người “tự học” theo kiểu tự mày mò, gặp gì đọc nấy, thấy hay thì làm thấy thích là học, họ có cái ưu điểm là hiểu biết rộng, dường như cái gì cũng có thể “chém” được, nhưng lại không thật sự am hiểu một lĩnh vực nào với tư cách chuyên gia. Những người này, vì thế, lại hay ảo tưởng vào bản thân, ham chém gió và chém gió một cách rất tự tin, hùng hồn.

Tự học nhưng phải là trên nền của một chương trình, kế hoạch, một lộ trình, một sự hướng dẫn, đánh giá, nắn chỉnh của một phương pháp khoa học đúng đắn dưới sự “giám hộ” của một ông thầy. Trong làm đề tài đại học, thạc sĩ, tiến sĩ luôn phải có người hướng dẫn là vì thế.

Tự học là nói về ý thức, ý chí, sự tự giác của bản thân trong học hành mà thôi, chứ những người làm thầy không nên lạm dụng nó để hòng lảng tránh trách nhiệm của mình, càng không nên dùng nó để thị uy với học trò.

Cái câu “đại học là tự học” ở ta là một câu mờ ảo, như một đám sương mù. Nó có hại nhiều hơn là có lợi. Người học phải có được một chương trình tiến bộ, phải có được những người thầy giỏi dang và trách nhiệm; còn nhà trường và người hướng dẫn khoa học phải làm thành mẫu mực. Không thể để sinh viên mò mẫm, quờ quạng bằng cách ném ra câu thần chú “Đại học là tự học!”.

Không phải không có những người tự học mà thành, nhưng số này quá ít, họ phải là những người sở hữu một loại tố chất đặc biệt và ở trong một hoàn cảnh đặc thù nào đó, nên may mắn thành công, trở thành nhà khoa học, thành chuyên gia. Phần lớn còn lại trong số tự học ấy thì như đã nói, rộng mà không sâu, lại nhiều ảo tưởng, cái tôi to đùng. Khốn thay, những người như thế lại thường có rất đông “quần chúng” đi theo, tiền hô hậu ủng. Thế là kiến thức đã lõm bõm, nay lại thêm sự tự tin thái quá, họ dễ thành những người vĩ cuồng.

Tự học, cái đáng lo không phải là những người “tự thân vận động” do thiếu điều kiện tham gia vào môi trường chuyên nghiệp, mà là ở ngay trong môi trường đại học; ở đó, về bản chất tính “tự học” như đã nói vẫn ưu trội hơn. Tôi nhớ như in, ngày xưa lúc làm luận văn tốt nghiệp, suốt từ khi nhận giảng viên hướng dẫn cho đến khi bảo vệ, vị giáo sư chỉ hỏi tôi một câu duy nhất: “Lê Đạt có bao nhiêu bài thơ?”. Ngoài ra gần như không có bất kỳ sự hướng dẫn khoa học nào.

Sau mười mấy năm ra trường, tôi gặp lại một người thầy khác, thầy có hỏi tôi rằng ngày xưa làm luận văn với ai, tôi trả lời, thầy nghe và liền bảo “Thế thì hỏng rồi!”. Một ví dụ, ở Việt Nam bây giờ những người có thẩm quyền và tư cách bước ra nói chuyện âm vị học với thế giới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nguy hiểm là ở chỗ, có rất đông những người khác sau khi đọc mấy bài báo phổ thông và chớp nhoáng trên wikipedia thì cũng thượng đài, lên chém như một cao thủ võ lâm! Tình trạng này phổ biến nhất trong các ngành khoa học nhân văn, đặc biệt là môn văn học.

Có những chuyện chuyên môn hẹp mà nếu không phải là chuyên gia, là nhà khoa học thì không thể mở miệng, nhưng ở ta thì bất kể là học môn gì, hễ cứ có cái cử nhân, tiến sĩ, thạc sĩ là đăng đàn thuyết say sưa, như thể bản thân là người có thẩm quyền. Những người này làm cho các nhà chuyên môn thực thụ phải câm nín, vì họ không biết đối thoại làm sao cả với những người mà đáng ra phải bỏ khoảng 10 năm miệt mài học hành một cách bài bản thì may ra mới nói chuyện được. Thế là, người biết thì không nói, người nói thì không biết. Mà lại càng nói càng hăng, càng nói càng tự tin! Bức tranh thật bi hài.

Chúng ta vẫn là một xã hội thiếu hẳn tính chuyên nghiệp, ngay cả ở những nơi cần sự chuyên nghiệp nhất như giáo dục nói chung và đại học nói riêng. Phiên phiến, qua loa đại khái, chín bỏ làm mười, chủ nghĩa kinh nghiệm, v.v., tất cả những cái này làm cho xã hội không phát triển được, vì nó luôn trong tình trạng bị lâm vào cái vòng luẩn quẩn của tiêu chuẩn bình dân.

Một ví dụ, các cử nhân sư phạm, khi tốt nghiệp thì phần lớn là các thợ dạy non tay, sau nhiều năm đi dạy thì cứ theo chủ nghĩa kinh nghiệm và học lỏm lẫn nhau mà thành thợ lành nghề, tất nhiên là không phải ai cũng may mắn thành thợ lành nghề. Nhà giáo dục, nhà sư phạm (đúng nghĩa) ở ta vẫn là thiểu số, dù mỗi năm có cả vạn người tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ ở các đại học sư phạm.

Cần trả cái từ “tự học” về đúng ví trí của nó, bằng cách định nghĩa rõ ràng, cụ thể, chặt chẽ. Không thể tiếp tục sử dụng nó theo kiểu mù mờ cảm tính như trước nay, vì như thế là hại nhiều hơn lợi.

Thái Hạo
Tin khác
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.

Ký ức không phai một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc
Ký ức không phai một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc

‘Ký ức không phai’ là cuốn sách ghi lại kỷ niệm gắn bó với Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève.

Tâm sự nghề nghiệp của một nhà giáo trường huyện
Tâm sự nghề nghiệp của một nhà giáo trường huyện

Tâm sự nghề nghiệp của những người đã và đang đứng trên bục giảng với nhiều kỷ niệm khó quên, càng trở nên ấm áp nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Cô giáo Nùng khơi chuyện văn chương cùng học trò
Cô giáo Nùng khơi chuyện văn chương cùng học trò

Cô giáo người Nùng Lý Thị Thủy đang dạy văn ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Phú Yên, vừa ra mắt cuốn sách lý luận phê bình có tên gọi ‘Khơi chuyện’.

Tủ sách Văn Hóa Việt ra mắt độc giả Trung Quốc
Tủ sách Văn Hóa Việt ra mắt độc giả Trung Quốc

Tủ sách Văn Hóa Việt của Chibooks chính thức ra mắt độc giả đất nước tỷ dân tại Tuần lễ văn hóa sách Trung Quốc – Đông Nam Á 2024 tại thành phố Nam Ninh.

Ai chém đầu nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến?
Ai chém đầu nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến?

Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật mới cho ra mắt cuốn sách 'Nguyễn An Ninh – Không ăn mày tự do' (2024) của tác giả Trần Viết Nghĩa. Sách mới mà quá nhiều lỗi sai hết sức sơ đẳng.

Sứ mệnh người thầy gửi gắm từng trang sách nhỏ
Sứ mệnh người thầy gửi gắm từng trang sách nhỏ

Sứ mệnh người thầy luôn gắn liền với sách, được các diễn giả đề cao tại talk show diễn ra ở Đường sách TP.HCM nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11).

Họa sĩ Xu Man trở thành ‘Con thiêng của rừng’
Họa sĩ Xu Man trở thành ‘Con thiêng của rừng’

Họa sĩ Xu Man được nhà văn Trung Trung Đỉnh lấy làm cảm hứng sáng tác truyện dài ‘Con thiêng của rừng’ dày 124 trang, do Nhà xuất bản Trẻ vừa ấn hành.

Nhà thơ Mai Thìn lắng nghe ‘tiếng của thiên lương’
Nhà thơ Mai Thìn lắng nghe ‘tiếng của thiên lương’

Nhà thơ Mai Thìn gây ấn tượng cho người đọc, bởi một lối viết coi ý tứ là trọng, coi tổng thể nặng hơn chi tiết và rất nặng lòng trước thế thái nhân tình.

Hoa hậu H’Hen Niê đưa thư viện thân thiện về nông thôn
Hoa hậu H’Hen Niê đưa thư viện thân thiện về nông thôn

Từ khi đăng quang đến nay, Hoa hậu H’Hen Niê đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng, trong đó có chương trình đưa ‘Thư viện thân thiện’ về nông thôn.

Người quê lúa lặng lẽ viết lại những trang đời
Người quê lúa lặng lẽ viết lại những trang đời

Người quê lúa Đặng Đình Liêm sau chuỗi ngày tham gia quân đội và công tác xa nhà, đã trở về Thái Bình thanh thản viết lại những câu chuyện đời mình.

Thức dậy một dòng sông để thương nhớ làng quê
Thức dậy một dòng sông để thương nhớ làng quê

‘Thức dậy một dòng sông’ của tác giả Trần Nam Phong hình thành một bút pháp với những câu thơ ngân như ngọn gió không lời vừa quen vừa lạ.