Trên tinh thần của người làm giáo dục, xét thấy bài viết còn có nhiều điểm cần trao đổi một cách thẳng thắn để cùng nhau làm rõ một số ý tưởng, tôi chia sẻ ở đây suy nghĩ của mình.
Nhận định đầu tiên của tôi là bài ấy lợi ít, hại nhiều. Tại sao nói thế? Vì không thể phủ nhận rằng tác giả đã nói đúng một phần thực tế: lối học “copy and paste” hay “trọc phú kiến thức” theo cách gọi của chính tác giả, tức là sự sao chép một cách máy móc mà ít tư duy, ít khám phá tự thân. Phơi bày thực trạng ấy là cần thiết, hữu ích, và rất nên làm. Nhưng ngay cả ở chỗ này, tôi nghĩ tiếng Việt đã có một từ diễn đạt rất trúng mà ai nghe cũng hiểu ngay và hiểu đúng: học vẹt. Tiếc thay, tác giả đã không dùng nó mà lại sa vào một lối nói có vẻ hàn lâm nhưng nhiều mâu thuẫn, thậm chí có những nhầm lẫn, và dễ gây hiểu lầm (nếu đó không phải là ý đồ thực sự của tác giả).
Tuy thế, ngay cả trong việc nói về tình trạng học vẹt kiểu ấy thì tác giả lại cũng đã đi quá xa khi gần như muốn phủ nhận luôn cả sự học - sự học theo nghĩa đọc, xem, nghe những tri thức vô giá mà nhân loại đã tích lũy được qua hàng thiên niên kỷ đầy gian lao nhọc nhằn, và cả hiểm nguy nữa. Đề cao đến mức gần như tuyệt đối cái mà tác giả gọi là “tri thức tự thân” hay “tri thức nguyên bản” nhưng lại xem nhẹ và coi thường sự tiếp thu tri thức từ người khác để lại và trao truyền là vừa phiến diện, vừa mâu thuẫn.
Hình như vì quá say sưa nói mà Đinh Đức Hoàng quên mất thực tế Việt Nam. Cái đáng lo của sinh viên và người học nói chung là họ đọc quá ít chứ không phải là đã đọc quá nhiều; là họ không chịu cập nhật chứ không phải là vì họ quá nhạy bén. Tác giả cũng quên mất rằng mỗi năm, một người Việt đọc chưa đến 1 cuốn sách (tính cả sách giáo khoa và giáo trình). Cái cần lo lắng, thúc đẩy và cổ xúy bây giờ là “văn hóa đọc” - làm sao để người Việt đọc sách nhiều hơn, xem phim tài liệu nhiều hơn, nghe giảng nhiều hơn, chứ không phải là coi thường những thứ ấy.
Có lẽ cũng vì quá say sưa nói mà tác giả Đinh Đức Hoàng quên mất rằng tri thức chỉ hữu ích và có giá trị khi nó được sinh thành trên một cái nền vững chắc. Làm đề tài khoa học, đầu tiên bao giờ cũng có phần “lịch sử vấn đề”. Vì sao thế? Vì việc phải đọc và biết những tri thức về đề tài mình đang nghiên cứu là một yêu cầu bắt buộc. Cái phát minh, khám phá, phát hiện của anh chỉ có ý nghĩa khi nó được đảm bảo rằng anh đã thấu hiểu hết những gì đã có và bây giờ là góp thêm vào đó một chút của riêng mình, hay là lật nhào cái cũ ấy đi. Nếu không làm công việc bắt buộc này (duyệt lại toàn bộ lịch sử vấn đề) thì người học rất dễ rơi vào thói vĩ cuồng, là cái mà học giả Cao Xuân Hạo gọi một cách mỉa mai là “một phút lóe sáng của thiên tài”.
Đinh Đức Hoàng có mấy lần nhắc Phật và kinh Phật, nhưng tạm bỏ qua câu mà tác giả hiểu lầm ý Phật (“Tâm tư thế giới, này các Tỷ-kheo, không thể nghĩ đến được, nếu nghĩ đến thời có thể đi đến cuồng loạn và thống khổ”), ở đây chỉ nói về đại cục. Đinh Đức Hoàng khi đề cao đến mức tuyệt đối cái gọi là “tri thức tự thân”, “tri thức nguyên bản” thì lại quên mất mấy chữ rất căn bản trong kinh Phật, là Văn - Tư - Tu.
Sự học, theo Phật, đầu tiên là phải nhìn, nghe, đọc, quan sát, thu nhận thông tin (văn); rồi suy nghĩ, tư duy về những thông tin ấy như phân tích, hệ thống, khái quát, phản biện… (tư); cuối cùng là thực hành, tức là tri hành hợp nhất, là vận dụng và áp dụng vào thực tiễn. Không có thứ hiểu biết nào được sinh ra từ hư không cả, sự học phải khởi đầu bằng việc “nghe” (văn); cũng không có thứ tư duy nào có thể vận hành trên một cái nền trắng tinh cả. Tóm lại, đối với sự học, việc thâu góp tri thức của nhân loại là vô cùng hệ trọng, nếu không nói là bắt buộc.
Hồi đầu thế kỷ, trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, Phan Châu Trinh khi đề xướng tư tưởng bất như học (chi bằng học) đã đồng thời nỗ lực truyền bá tân thư - tân văn vào nước ta, cũng vì lẽ ấy. Người dân phải nghe (diễn thuyết), phải đọc sách vở tiến bộ trước đã. Những cố gắng mà các nhà xuất bản như nhà Tri Thức đang làm cũng chính là cùng một tinh thần như thế.
Tác giả Đinh Đức Hoàng tuy không phủ nhận sạch trơn sự đọc và sự học hỏi nhưng đã giáng nó xuống một mức độ gần như bị xem thường và khinh bỉ. Đó là một sai lầm tai hại, và càng tai hại hơn trong bối cảnh mà sự đọc ở Việt Nam đã xuống đến mức báo động.
Sự học, nguy hiểm không phải là ở đọc nhiều, mà là tự huyễn. Phải đọc để biết trời cao đất dày, phải đọc để biết mình đang ở đâu và phải đọc để biết sợ. Biết sợ mà vươn lên chứ không còn tự ru ngủ mình trong cái giếng ảo tưởng nữa. Tiếc thay, chỉ vì để nói về tình trạng “học vẹt” vốn rất giản dị và dễ hiểu mà tác giả Đinh Đức Hoàng đã đi xa tới nỗi gây ra trong người nghe một thứ cơ chế và tâm thế rất dễ lầm lạc, thậm chí có thể chặn đứng con đường học vấn của họ và ru họ trong sự ngụy tín không có lối ra.
Phê phán những sai lầm của nền giáo dục là điều mà bản thân tôi vẫn thường xuyên làm, và đôi khi là làm một cách cực đoan. Nhưng dù là phê phán ở mức độ nào thì điều ấy không thể đồng nghĩa với việc được phép dẫn đến làm méo mó các nguyên tắc tự nhiên của sự học, mà nói rộng ra là quy luật phát triển của nhận thức con người.
Quan điểm của tác giả Đinh Đức Hoàng có nguy cơ gây ra sự rẻ rúng đối với sách vở, sự khinh thị đối với người thầy, và hiểu một cách rộng lớn hơn, là phủ nhận giáo dục. Chính sự phiến diện trong nhìn nhận vấn đề, sự thiếu cân nhắc trong trình bày và thái độ quá tự tin về những suy nghĩ chủ quan đã dường như mang đến một ý niệm hết sức lệch lạc, và từ đó có thể gián tiếp gây hại cho nền học vấn vốn đang rất cần chấn hưng ở Việt Nam.