‘Ký sự người nuôi chó’ có nhiều chi tiết thú vị

Nguyễn Nhật Ánh - Thứ Hai, 30/09/2024 , 20:58 (GMT+7)

‘Ký sự người nuôi chó’ của tác giả Hoàng Hải Vân, vừa được Nhà xuất bản Lao Động và Chibooks ấn hành, giúp công chúng hiểu thêm về một loài vật thân quen.

Tác giả Hoàng Hải Vân.

“Ký sự người nuôi chó” của Hoàng Hải Vân có độ dày chưa đầy 200 trang. Trước khi đọc “Ký sự người nuôi chó”, tôi đã có vài tác phẩm viết về loài vật này. Vì vậy, tôi khá tò mò về cuốn sách của anh. Dĩ nhiên các cuốn sách của tôi không phải là ký sự. Tôi viết truyện, còn Hoàng Hải Vân viết ký. Ký sự là ghi chép, là viết về chuyện thật, chuyện mắt thấy tai nghe – một thể loại hoàn toàn khác với các cuốn sách của tôi. Dân trong nghề viết vẫn phân biệt một bên là fiction, một bên là non-fiction.

Hư cấu và phi hư cấu dĩ nhiên khác nhau như nhà văn khác với nhà báo, như táo khác với nho. Cả hai chỉ giống nhau ở chỗ: nhà văn và nhà báo đều hành nghề bằng con chữ, cũng như táo với nho đều là... trái cây. Hóa ra, cái giống nhau thoạt nghe có vẻ hời hợt đó lại đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

Quan trọng đến mức tôi định viết đôi dòng giới thiệu cuốn sách của anh bạn Hoàng Hải Vân, loăng quăng thế nào rốt cuộc lại thành ra giống như tôi mượn bài viết này để quảng bá... các cuốn sách của mình.

Chẳng qua, ở lãnh vực nuôi chó, nói chính xác là làm bạn với chó, tôi thấy tôi và anh giống nhau quá. Càng đọc càng thấy giống. Vì thế mà không kềm được cảm hứng so sánh, đối chiếu, đặt cái này cạnh cái kia, xếp cái kia bên cái nọ để tìm hiểu xem tại sao chúng lại giống nhau đến thế.

Hoàng Hải Vân viết: “Nếu bạn muốn là bạn của một con chó, hoặc là con chó phải ‘hạ mình’ thành một con người hoặc là bạn phải ‘nâng mình’ lên thành một con chó. Con chó nghĩ đơn giản, khi nó thân thiện với bạn, nó nghĩ bạn là một con chó”. Khi đọc chỗ này, tôi lấy làm ngạc nhiên quá sức “Ủa, sao ông này nghĩ giống hệt mình!”. Trong cuốn “Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng”, tôi từng tâm đắc nhắc đến câu nói của nữ diễn viên xinh đẹp nổi tiếng người Mỹ Martha Scott: “Nếu bạn đối xử với con chó như một con người, nó sẽ đối xử với bạn như một con chó.” “Đối xử với bạn như một con chó” – tức là nó xem bạn là đồng loại, là kẻ đáng tin, là best friend của nó vậy.

Ở chương sau, Hoàng Hải Vân lại viết: “Chó chỉ ăn rau cỏ để cân bằng thể trạng, để tự chữa bệnh, nhưng ăn rau cỏ gì và lúc nào cần ăn thì chỉ có chúng tự biết thôi. Ngày xưa, nhiều bậc danh y đã lần theo những thứ cây cỏ mà con chó (cũng như nhiều con vật khác) ăn để khảo nghiệm dược liệu chữa bệnh cho người.” Tới đây, tự nhiên tôi liên tưởng đến con chó Pig trong truyện của tôi. Con Batô kể về con Pig: “Mỗi khi cảm thấy trong người khó ở, con Pig thường lảng vảng dọc hành lang dẫn xuống bếp nơi ba chị Ni đặt những chậu cây be bé trên bục xi măng. Nó đánh hơi một vòng, chọn ngay thứ cây chứa dược liệu cần thiết và dùng mõm rứt từng chiếc lá nhai chóp chép. Thoạt đầu, mẹ chị Ni ngạc nhiên: “Con là chó chứ có phải gà vịt đâu mà vặt hết lá trong nhà cô vậy, Pig?”. Chị Ni xoa đầu Pig: “Nó nhai lá để tự chữa bệnh đó mẹ’”

Pig là con chó trong truyện. Tôi e rằng có bạn đọc bảo đây là hư cấu, là do tác giả bịa ra. May quá, bây giờ tôi đã có ký sự của Hoàng Hải Vân làm bảo chứng.

Khi luận về khẩu vị của những chú chó, trong cuốn “Tôi là Bêtô”, tôi bày đặt nói văn hoa – theo kiểu nhà văn: “Với bọn tôi, một món ăn gọi là ngon bắt buộc phải có cái gì đó để gặm. Con người thích gặm nhấm lịch sử, gặm nhấm kỷ niệm. Chúng tôi thích gặm xương. Qua nhiều đời, loài chúng tôi vẫn nuôi nấng thú vui này như nuôi nấng một phần không thể thiếu của cuộc sống”.

Trong cuốn sách "Ký sự người nuôi chó", Hoàng Hải Vân thông thái bạch hóa thói quen ăn uống này: “Hơn ba tháng tuổi, hai đứa đã ăn xương gà, cả xương ống và chân, còn xương heo các loại thì vô tư. Tôi để ý thấy chúng ăn rất điệu nghệ, có chỗ chúng gặm từ từ, có cục chúng nuốt chửng, có cục cắn nát và nuốt từng phần, gặp mẩu xương nhọn và cứng chúng nhằn rồi nhả ra không nuốt. Con chó vốn thích ăn xương, dù là chó của tôi hay chó của Nữ hoàng Anh cũng vậy, đó là bản năng di truyền ngàn đời của loài chó”.

Cuốn sách "Ký sự người nuôi chó".

Khi bàn về tiếng sủa cũng vậy, tôi say sưa tán: “Dù là giống chó nào đi nữa – trước loài người chúng tôi vẫn có một ngôn ngữ chung, đó là sủa. Con người cần học cách hiểu chúng tôi, vì sủa – bản thân nó là một ngôn ngữ với những ý nghĩa và sắc thái tình cảm đa dạng và hoàn toàn khác nhau. Bằng tiếng sủa, chúng tôi báo động, chúng tôi giận dữ, chúng tôi mừng rỡ, chúng tôi cảm ơn. Và đôi khi, chúng tôi khóc than. Tất nhiên, sủa cũng là một thái độ xã hội. Một con chó sống một mình ngoài hoang đảo không cần phải sủa. Nó chỉ cần tru lên vào những đêm trăng”.

 Hoàng Hải Vân thì hào hứng và nghiêm cẩn lý giải chuyện này bằng những dẫn chứng cụ thể: “Con người nhiều khi nói cùng một giọng nhưng con chó thì không. Mỗi con đều có tiếng sủa riêng biệt. Chỉ nghe tiếng, tôi liền biết con nào sủa. Nửa đêm, nếu thằng Chuối sủa, cả đàn vụt dậy phóng xuống hướng bàu, nhất định có ai đó đang đi soi cá. Khi đám chó nhỏ sủa ầm lên và lao về bên trái khu vườn còn thằng Chuối và thằng Ổi vẫn ngồi chơi hoặc nằm ngủ thì nhất định bên vườn nhà anh Tưởng hàng xóm có người lạ đi ngắm cây. Nếu đám nhỏ sủa ầm và lao về phía bên phải thì nhất định có ai đó đi tắt tìm bò hoặc bẫy chim. Tối, nếu chỉ nghe thằng Gừng và thằng Tỏi sủa là lúc chú Năm đến hoặc về”.

Tôi kể chuyện thằng Suku: “Ai đem một món đồ mới nào về nhà, nếu lơ đễnh đặt dưới nền gạch, thế nào Suku cũng xán lại, nhấc chân đái lên món đồ đó, bất kể đó là va ly quần áo, túi sách hay bịch đựng thức ăn. Những tờ báo ba chị Ni đặt mua hằng ngày cũng rơi vào tình trạng tệ hại đó. Khi người bán báo tuồn báo qua khe cửa vào mỗi sáng sớm, nếu ba chị Ni không kịp chạy ra nhặt lên, thế nào Suku cũng biến các tờ báo đó thành một thứ ướt đẫm, khai rình, dính bết vào nhau. Đã bao nhiêu lần mẹ chị Ni phát cáu vì thói xấu này của Suku. Chị Ni lại phải tìm cách bào chữa cho nó: “Nó ‘đánh dấu chủ quyền’ đó mẹ”.

Hoàng Hải Vân hùng hồn xác nhận: “Đối với con người, trên hành tinh này, nơi nào ai đến đầu tiên thì ghi dấu lại, dựng cột mốc, nối lại thành vòng, gọi là bản đồ. Đó là lãnh thổ. Con chó làm đơn giản hơn, bằng cách đến đâu ghếch chân đái một bãi. Vệt nước đái là lãnh thổ của con chó. Con chó đực đái không đơn giản là bài tiết, nhiều khi đái là làm nhiệm vụ mở rộng lãnh thổ. Con chó không cần bản đồ, nó ghi nhớ bằng mũi. Con người dựng cột mốc, vẽ bản đồ nhưng nhiều khi quên, nhiều khi nhầm lẫn, còn con chó chỉ nhớ bằng mũi nhưng nhớ chính xác suốt đời”.

À, chuyện ghi nhớ bằng mũi này, con chó Bêtô của tôi cũng từng kết luận: “Khi bạn nhìn quá nhiều thứ không cần thiết trong cuộc đời, bạn khó mà sàng lọc được các ấn tượng. Tâm trí bạn sẽ bị nhiễu và con mắt khi đó có khả năng đánh lừa bạn. Bọn tôi bắt đầu dùng mũi để phân biệt người tốt kẻ xấu. Mãi về sau này tôi mới biết, bọn cún chúng tôi chỉ được coi là thực sự trưởng thành khi đã học được cách nhìn đời bằng... mũi.”

Đọc “Ký sự người nuôi chó”, tôi sung sướng nhận ra, tác giả Hoàng Hải Vân và tôi có quá nhiều điểm chung khi nói về loài vật này, giống như người xướng kẻ họa. Điều đó khiến bài giới thiệu của tôi đi chệch hướng – theo nhịp người ta gọi là diễn ngôn gương soi. Như thể có một tấm gương di động đi từ đầu đến cuối, mà nếu tôi không biết kềm chế thì sự soi chiếu ngoài ý muốn này không biết sẽ còn kéo dài đến đâu. Tất nhiên Hoàng Hải Vân viết tỉ mỉ hơn tôi, chi tiết hơn, đầy đủ hơn tôi nhưng cho dù như vậy, tôi tin anh không cố tình quan sát đàn chó của mình để viết. Thoạt đầu, có lẽ anh cũng chẳng định viết cuốn sách này nhưng trong quá trình chung sống với những con chó của mình, những trải nghiệm thú vị đã thu hút anh, đã chinh phục anh và tạo nên cảm hứng khiến anh không thể không ghi ra những gì mà một “con chó đầu đàn” đắc thủ được.

Rõ ràng, những gì đã “làm tổ” trong trái tim tác giả thì nó sẽ tự động chảy ra ngòi bút.

Tôi cũng thế thôi, khi tôi viết sách về một con chó, tôi không bắt mình phải mân mê nó bằng mắt nhiều lần trong nhiều ngày. Cho đến khi tôi trở thành người lớn, ba mẹ tôi đã dời nhà nhiều lần và lần nào cũng nuôi một hoặc nhiều hơn một con chó. Những người bạn bốn chân thân thiết đó bây giờ không còn ở với tôi nữa nhưng chúng đã được khảm vào ký ức tôi như những bức ảnh gắn chặt vào album, bền chắc đến mức nếu muốn gỡ ra chắc chắn tôi sẽ làm rách chúng.

Khi ta lớn lên rồi già đi, trí nhớ lắm khi bội bạc. Ta quên mất trước đó một phút ta định làm gì. Ta loay hoay đi tìm cặp kiếng vẫn nằm trên sống mũi. Ta bỏ quên chìa khóa xe trong ví, và bỏ quên ví trong tủ áo. Đàn ông hay bỏ quên thẻ căn cước ở quầy lễ tân khách sạn hay ở cửa hàng điện thoại di động, còn phụ nữ thì bỏ quên điện thoại trong tủ lạnh, thậm chí trong máy giặt. Chúng ta quên, quên và quên. Nhưng kỳ diệu làm sao, ta luôn nhớ những con chó từng bầu bạn với ta. Khi tả những con chó, trước mắt tôi không có một con chó nào, nhưng hình ảnh chúng ăm ắp trong đầu tôi, không chỉ hình ảnh, mà cả tính cách lẫn thói quen của chúng nữa. Tôi nhìn thấy cái vẫy đuôi sung sướng của chúng, thấy ánh mắt long lanh chúng đang nhìn tôi. Thậm chí, tôi tưởng như nghe thấy cả tiếng sủa vui mừng của chúng mỗi khi tôi đi xa về.

Tôi đồ rằng Hoàng Hải Vân chắc cũng vậy. Khi ngồi viết những dòng cảm động về thằng Bim, thằng Ổi, thằng Tỏi, thằng Bí, con Ớt, con Nghệ, con Duối, con Dâu..., trước mắt anh hẳn không có con chó nào, nhưng hình ảnh của chúng, hành vi của chúng, tình cảm của chúng đã ở sẵn trong tâm trí anh và từ đó đi thẳng ra trang viết – đơn giản như đi từ nhà ra vườn, chỉ nhấc chân là tới.

Khu vườn kỳ diệu đó – khi các bạn đã mở cửa rào, tôi tin các bạn sẽ bắt gặp mình lang thang đắm chìm trong đó hàng giờ. Có rất nhiều hoa thơm cỏ lạ trong khu vườn này, mà những gì tôi lan man từ nãy đến giờ chỉ là một khoảnh rất nhỏ.

Nguyễn Nhật Ánh
Tin khác
Giải thưởng Trần Văn Giàu trao cho công trình nghiên cứu đô thị
Giải thưởng Trần Văn Giàu trao cho công trình nghiên cứu đô thị

Giải thưởng Trần Văn Giàu năm 2024 trao cho công trình nghiên cứu ‘Đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ’, vào sáng 28/9 tại TP.HCM.

Người lính già cầm trăng đợi chờ vì sợ đêm đi mất
Người lính già cầm trăng đợi chờ vì sợ đêm đi mất

Người lính già là cách nhà thơ Nguyễn Văn Hiếu tự nhận ở tuổi 80, khi ông giới thiệu tuyển thơ chắt chiu đời mình với bạn đọc, vào sáng 27/9 tại TP.HCM.

Nửa giờ cùng bác sĩ Alexandre Yersin
Nửa giờ cùng bác sĩ Alexandre Yersin

Alexandre Yersin là vị bác sĩ người Pháp đã gắn bó trọn đời với mảnh đất Nha Trang, có nhiều đóng góp nền tảng, quan trọng về y học, nông nghiệp.

Tiếng Việt giàu đẹp và cuộc hội ngộ người yêu tiếng Việt
Tiếng Việt giàu đẹp và cuộc hội ngộ người yêu tiếng Việt

'Tiếng Việt giàu đẹp' là bộ sách được nhiều giới yêu thích, lần đầu tiên có cuộc giao lưu giữa tác giả và độc giả, vào sáng 21/9 tại Đường sách TP.HCM.

Chiến sĩ công an bất ngờ xuất hiện ở phố trọ thi ca
Chiến sĩ công an bất ngờ xuất hiện ở phố trọ thi ca

Chiến sĩ công an Trần Lê Anh Tuấn mang đến đời sống văn chương một giọng điệu thi ca tương đối riêng biệt, qua tập thơ đầu tay có tên gọi ‘Phố trọ’.

Bão nay
Bão nay

Còn tôi cũng ước, ước những đồng bào của mình đang nằm đâu đó dưới lớp bùn đất và nước lũ kia cũng được hồi sinh.

Ký ức làng xưa chấp chới trên đôi cánh thời gian
Ký ức làng xưa chấp chới trên đôi cánh thời gian

Ký ức làng xưa bên dòng sông Lam được tác giả Hoa Mai tái hiện một cách sinh động qua tập tản văn giàu chất thơ, có tên gọi ‘Trên đôi cánh thời gian’.

Thiên tai khắc nghiệt khiến cơn bão lòng ta thổi mãi
Thiên tai khắc nghiệt khiến cơn bão lòng ta thổi mãi

Thiên tai khắc nghiệt đẩy hàng triệu số phận con người vào hoàn cảnh bi thương, được nhiều thế hệ nhà thơ Việt phản ánh trong các sáng tác thi ca.

'Tư duy ngược' giữa quan niệm mới và ý thức trẻ
'Tư duy ngược' giữa quan niệm mới và ý thức trẻ

‘Tư duy ngược’ được xem như một phương pháp rèn luyện kỹ năng sống hiện đại, nhưng sự đón nhận của độc giả trẻ cũng có nhiều góc độ khác nhau.

Danh họa Hồ Hữu Thủ trọn đời say đắm cái đẹp
Danh họa Hồ Hữu Thủ trọn đời say đắm cái đẹp

Danh họa Hồ Hữu Thủ, một tên tuổi hàng đầu của giới mỹ thuật Việt Nam hiện đại, vừa qua đời tại TP.HCM sau thời gian bạo bệnh, hưởng thọ 85 tuổi.  

Thiên nhiên vẫy gọi phía sau lưng người thăm thẳm
Thiên nhiên vẫy gọi phía sau lưng người thăm thẳm

Thiên nhiên vẫy gọi mỗi cá nhân phải có hành động tích cực để bảo vệ môi trường sống, đó là thông điệp chủ yếu trong tập truyện ‘Lưng người thăm thẳm’.