Tùy bút của nhà văn Nguyên Ngọc: Những ngày lang thang

Nguyên Ngọc - Thứ Sáu, 02/09/2022 , 07:30 (GMT+7)

Đất nước, nơi nào mà chẳng đáng mê, như mê một cô gái đẹp quá đột ngột gặp qua đường và không bao giờ trở lại nữa...

Nhà văn Nguyên Ngọc. Ảnh: Thái Hạo.

Nhà văn Nguyên Ngọc. Ảnh: Thái Hạo.

…Mấy năm ở miền Bắc tôi làm nghề biên tập viên và phóng viên cho tạp chí Văn nghệ quân đội, trụ sở đóng ở cái nhà 4 Lý Nam Đế nổi tiếng. Thích làm phóng viên hơn biên tập vì vẫn thích lang thang. Biên tập thì phải ở nhà nhiều hơn, quanh quẩn mãi Hà Nội.

Thật ra tôi đã phải lòng Hà Nội ngay từ buổi đầu. Cả đất nước, chắc chắn không có thành phố nào đẹp bằng, đáng để yêu và thương nhớ hơn. Yêu và thương nhớ khôn nguôi, mặc trăm thứ bà rằn từng giày vò quấy nhiễu cắn xé anh ở đó…

Tình yêu là vậy, là cái gì đó không thể rứt ra được, vô lý và vô nghĩa, vô vọng và vô duyên, biết rất rõ chẳng đi đến đâu hết mà vẫn cứ yêu, một cách dại dột, một cách vụng về, một cách lố bịch nữa cũng có khi, người ta lạnh nhạt hờ hững với mình ra mặt mà mình cứ lao vào, bất kể, bất lực, liều lĩnh, như điên.

Tình yêu là vậy, là cái kiểu anh chàng rất Nam bộ lăng nhăng nọ, “ra đường thấy vịt cũng lùa, thấy duyên cũng bén, thấy chùa cũng tu”, gặp cái gì cũng dính, yêu ba bốn nơi một lúc, bỏ cái nào cũng tiếc, đâu cũng là nợ là duyên. Tình yêu thật nào mà chẳng trái khoáy, kỳ quặc vô lý vô nghĩa đối với bất cứ ai ở ngoài cuộc. Tình yêu là chỉ để cho độc có mình hiểu lấy mình, may ra còn thêm mỗi một người nữa hiểu cho, người ấy… Nhưng trong trăm nghìn mối duyên nợ linh tinh vấp phải suốt đường đời gập ghềnh, trong mê hồn trận kiếp người ấy, vẫn có một phen nào đó, - lại thường là phen bất ngờ nhất - anh bị phang cho một vố nặng hơn cả, coup de foudre, “cú sét đánh” mà lại, cháy rụi cả người, không còn gượng dậy được, sạch sành sanh hết cả quá khứ, cả hiện tại, cả tương lai, tuy bề ngoài, dưới mắt mọi người tất cả mọi sự yên ổn trước đó vẫn còn, vẫn trôi chảy, vẫn bình thường như không. Cũng có những cú sét đánh âm thầm, không nghe tiếng nổ, không thấy lửa, chỉ anh biết, anh bị cháy mà chỉ anh biết, lặng lẽ, vụng trộm, êm re…

Tôi yêu Hà Nội như vậy. Với Hà Nội tôi chẳng qua là dân ngụ cư, là thứ ngoại lai, anh nhà quê người ta không cho nhập tịch. Nhưng cứ yêu, biết làm sao.

Bài liên quan

Tôi biết có một người cũng yêu Hà Nội đúng như thế: anh Đoàn Giỏi. Đoàn Giỏi Nam Bộ thế. Văn chương anh, đọc kỹ mà xem, toàn là văn chương về trăm nghìn thứ cây cỏ muông thú kỳ quặc của đất Nam Bộ, cực nam Nam Bộ hoang dã, về ba ba, rùa, rắn, kỳ đà, con ba khía, con cá linh, con cạp nong và con hổ mang, về cây đước, cây mắm, cây tràm, cây nắp nước, cây ô môi, cây so đũa… đặc sệt Nam Bộ. Ấy vậy mà suốt đời lòng anh không sao rứt ra nổi khỏi Hà Nội. Trong Đoàn Giỏi thậm chí có cả một phần gì đó rất Hà Nội Nguyễn Tuân. Sao tôi cứ hình dung Đoàn Giỏi giống hệt cái anh chàng nhà quê làng Lệ Mật bên kia sông Hồng, suốt ngày, ngày nào cũng vậy, ngồi ở cái góc vườn hoa Hàng Đậu nọ, bán những con rắn lổm ngổm ngoằn ngoèo cho người Hà Nội vừa ghê sợ vừa tò mò…, và mê Hà Nội, người Hà Nội, đất Hà Nội, phong vị Hà Nội.

Đoàn Giỏi cũng có những mối quan hệ với Hà Nội rất kỳ lạ. Một hôm anh rủ tôi đi ăn phở ở cái quán một bà gốc Hoa cạnh ga Hàng Cỏ. Ăn xong thấy anh rút ví tưởng anh sắp trả tiền, nhưng lại thấy anh bảo: bà đưa cho tôi hai chục. Bà ấy đưa cho anh hai chục thật, anh thản nhiên nhét vào ví. Hỏi ra mới biết anh đã nợ bà ấy ba chục, bây giờ cầm thêm hai chục nữa đi uống cà phê, cho thành năm chục, trả sau!

Cuối đời anh về Sài Gòn, chết ở Sài Gòn, như một kẻ ngụ cư. Tôi có sống với Đoàn Giỏi một thời gian ở nhà khách Bến Nghé, đêm nào thức giấc cũng thấy anh ngồi uống rượu một mình, và nẫu lòng nhớ Hà Nội. Tôi cũng có theo anh một chuyến về tận quê anh, Tân Hiệp - Mỹ Tho. Bữa ấy thật tình tôi nhìn bạn mà tê tái: anh về quê, ồn ào, nhậu nhẹt, ba hoa đủ thứ chuyện xưa, mà vẫn cứ lạc lõng như người khách lạ…

Đất nước, nơi nào mà chẳng đáng mê, như mê một cô gái đẹp quá đột ngột gặp qua đường và không bao giờ trở lại nữa.

Tôi yêu Cà Mau, cái thị xã gì mà kỳ thế, một thứ Venise quê mùa hoang dã, nhà cửa cứ quay mặt hết ra sông, sông là đường phố, đi lại ở đấy, gặp nhau ở đấy, buôn bán ở đấy, nhậu nhẹt bù khú cũng ở đấy, toàn trên mặt nước phù sa nhiều hơn là nước, vỏ lãi đuôi tôm, xuồng máy thong thả rong chơi hay phóng ngang phóng dọc bạt mạng trên sông hệt như Honda, xe Cub phóng bạt mạng trên các đường phố Hà Nội. Dân Cà Mau là dân của xứ Mũi, cái đất mới hình thành, đang hình thành, chưa định hình, chưa có gì chắc chắn lâu dài cả, nay là đất mai có thể là biển, nay là biển mai có khi sẽ là đất, dân tự do, bất cần, táo tợn và hiền lành, thô sơ, sần sùi, lung linh như nước, nhầy nhụa mà giàu có như bùn phù sa sông Cửu Long chín nhánh, làm ít chơi nhiều, làm quyết liệt và chơi hết mình, làm kinh tế, làm văn chương cũng hệt như đi bắt rùa bắt rắn trong rừng U Minh, vui làm chán bỏ…

Tôi yêu Trà Vinh, - cảm ơn cô gái Vĩnh Long không biết do thông cảm điều gì mà đã liều lĩnh một mình dẫn tôi đi tìm ra cái thị xã Trà Vinh hình như bây giờ đã mất tên, không còn ai biết, ai nhớ, thị xã của những cây sao cao vút, thẳng tắp, đẹp không chịu được, còn các khu phố thì ô vuông răm rắp như bàn cờ, thị xã lặng lẽ sống rất riêng nó một thời xa lắc xa lơ nay đã mất. Ngủ ở Trà Vinh, nửa đêm chợt tỉnh giấc, có thể ngỡ đang trôi ngược lại một thời vương quốc Phù Nam huyền thoại, cái vương quốc chính các nhà sử học nghiêm trang và uyên bác còn cãi nhau chán không biết có thật từng có hay không…

Tôi yêu Hà Giang, Lũng Phìn, Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Cán Tỷ, Mậu Duệ…, là thơ chứ không phải đời thật. Các cô gái Mèo phơi váy tròn xoe dưới thung lũng sâu, các đoàn ngựa thồ Mèo bình thản đi chậm chạp trên các sườn núi Mèo, cả cái anh chàng người Lô Lô ngồi làm gì một mình giữa phiên chợ Mèo đã tàn, chiều xuống tím hết rồi kia nữa, say hay là buồn đấy… tất cả, tất cả đều như không phải làm bằng xương thịt, bằng đất đá, mà tuyền bằng lụa, cái chất tranh lụa bao giờ cũng gợi thơ và gợi một chút gì đó rất não lòng…

Có bao nhiêu thứ, bao nhiêu đất, bao nhiêu người để say và mê, một ngọn cỏ cao vút sắc lạnh đèo Bông Lau đường số 4, một cây xà nu Tây Nguyên gợi nhớ câu thơ của Olga Berggoltz mà tôi cứ muốn đọc trại đi “con người, hãy thẳng và rắn như cây” (Thơ Olga Berggoltz ghi trên đài tưởng niệm cuộc chiến đấu của quân dân thành Léningrad phá vòng vây của quân phát xít Hitler: “Đá, hãy rắn như Người!”), một chiếc vỏ lãi chở nước ngọt chạy re re một mình buổi chiều trên con rạch vắng ngắt Rạch Gốc Cà Mau, một phiên chợ Quảng Uyên Cao Bằng đỏ ối vì những chiếc áo váy thêu đỏ quá của các chị người Dao…

Yêu tất cả. Nhưng đằm sâu nhất, không rứt ra nổi vẫn là Hà Nội. Muốn nói gì thì nói, Hà Nội, bất chấp tất cả mọi “cuộc đấu tranh”, mọi phiền nhiễu, cả đểu cáng ta từng chịu đựng, nếm trải, vẫn đọng lại ở đâu đó tận đáy tâm hồn.

Một buổi sáng rất sớm, sớm đến nỗi chính giữa mùa hè vẫn se se một chút lạnh, đến ngồi một lúc một mình trên chiếc ghế đá chắc một người hành khất bẩn thỉu vừa ngủ qua đêm, ngồi một mình, mặc kệ bẩn, nghe hồ thở nhẹ và mặt nước mới rạng sáng còn mờ hơi sương, bỗng thấy có thể mặc xác tất cả, khuây khỏa hết cả bao nhiêu dày vò và đau khổ, lo âu và ngờ vực.

họa sĩ Bùi Xuân Phái

Họa sĩ Bùi Xuân Phái. Tranh sưu tầm.

Và đêm khuya, thật khuya, đi một mình lêu lổng một cách rất đáng hồ nghi dọc các phố tối tăm, chật hẹp, hôi hám, Hàng Cói, Hàng Mắm, Hàng Rươi, Hàng Phèn, Hàng Buồm, Hàng Hòm, Hàng Mành, Hàng Quạt, Mã Mây… Cứ đi thử đi, một mình, thật khuya, sẽ có thể nghe thức dậy một thời Kẻ Chợ, chua chua cái hương vị ẩm mốc của thời gian đã úa tàn. Có thể nghe thức dậy một “Hà Nội phố Phái”, chỉ có Hà Nội mới có thể đẻ ra được cái ông họa sĩ Bùi Xuân Phái kỳ tài kỳ quặc nhìn phố xá Hà Nội cứ xiêu vẹo tuyệt vời như thế.

Tôi là dân Hội An, thuộc cái giống người hoài cổ (mà tất cả các nghệ sĩ đều giấu trong mình một kẻ hoài cổ, phải không?), nghe có kỳ không, biết ông Phái một lần rồi, nhiễm phải tranh của ông, những bức tranh nhỏ xíu tiện tay ông ngồi hút thuốc lào vặt vẽ ngoằn ngoèo trên vỏ bao diêm rồi vứt đấy bỏ đi, nhiễm rồi, đố anh đi xa có thể nhớ về một Hà Nội không xiêu vẹo rất Phái như thế. Hà Nội Phái mới đích thực là Hà Nội thật, mặc xác các cao ốc, các đại lộ mới ngay ngắn sổ thẳng, đường cao tốc hai chiều với đèn huỳnh quang màu đỏ đua đòi Sài Gòn, đua đòi cả London vốn nổi tiếng sương mù…

Hà Nội thật Hà Nội, rất Hà Nội chẳng còn nhiều, nhưng mà cũng còn. Trong những gia đình chính cống gốc Kẻ Chợ, thường ở chung một số nhà mà bây giờ, cha mẹ, con cái, dâu rể, cháu chắt phải chia ra thành từng hộ nhỏ, nhiều hộ nhỏ nhưng vẫn là một gia đình lớn, một số nhà, khép kín lại nâng niu gìn giữ một cách ngoan cố mà bất lực, tuyệt vọng cái chất thanh lịch truyền thống chỉ Hà Thành mới có.

Tại sao Huỳnh Văn Nghệ lại viết “Từ thuở mang gươm đi mở nước / Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” nhỉ? Ông có gốc Hà Nội không? Hay trong máu mỗi người Việt đều có một giọt vĩnh cửu Hà Nội cứ nhất quyết không chịu phai?

Nguyên Ngọc (Trích "Dọc đường", Nhã Nam và NXB Phụ nữ Việt Nam phát hành)
Nhân hiện tượng Minh Tuệ: Đi tu để được gì?
Nhân hiện tượng Minh Tuệ: Đi tu để được gì?

Hiện tượng tu sĩ Minh Tuệ một lần nữa nhắc cho ta biết rằng cũng như trong căn nhà đóng kín, chúng ta sẽ không thấy được gì, nhưng chỉ cần một tia sáng lọt vào, lập tức thấy bụi bặm nhảy múa đảo điên.

Thổn thức cùng sông Nghèn
Thổn thức cùng sông Nghèn

Quy luật muôn đời là các dòng sông đều chảy, nhưng khi thực hiện dự án 'ngọt hóa', thau chua rửa mặn thì sông Nghèn thành dòng sông duy nhất ở Việt Nam... không chảy.

Từ trường hợp tu sĩ Minh Tuệ: Y pháp bất y nhân
Từ trường hợp tu sĩ Minh Tuệ: Y pháp bất y nhân

Câu ấy có nghĩa là [người tu phải] căn cứ vào giáo pháp (chân lý) chứ không được căn cứ vào cá nhân.

Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay như thế nào?
Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay như thế nào?

‘Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay’ là cuộc tọa đàm văn chương giữa các tác giả thuộc Hội Nhà văn TP.HCM và Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên.

Bên dòng Kiến Giang huyền thoại
Bên dòng Kiến Giang huyền thoại5

Sự hiểu biết cùng cảm xúc rất đặc biệt của cô bé Hà Nội 12 tuổi về đất và người Lệ Thủy, Quảng Bình.

'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam
'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam

'Dân Ông Tạ' là cộng đồng người gốc Bắc di cư vào nam, được tác giả Cù Mai Công phản ánh trong bộ sách 'Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó'.

Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt
Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt

Gần đây, trường hợp viết đảo ngược từ xuất hiện tràn lan và ngày một phát triển. Có cơ hội, có dịp là đảo ngược. Đảo lấy được. Nhà văn, nhà báo cũng đua nhau viết ngược từ.

Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.

Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết
Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết

Đại tá Nguyễn Văn Hồng sau 30 năm cầm súng lại có tiếp 30 năm cầm bút, đó là nội dung tọa đàm văn chương diễn ra sáng 12/4 tại TP.HCM.

Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác
Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác

Hát trống quân Đức Bác là sự kết hợp giữa lời hát và nhịp điệu, cùng với những khúc hát sôi động xoay quanh các chàng trai Đức Bác và cô đào Phù Ninh.

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ
Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ3

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng thường được nhiều người biết đến với tư cách một nhà khoa học nông nghiệp, nhưng ít ai biết ông từng có thơ được in từ thời sinh viên.