Làng quê thời hoang vắng: [Bài 4] Những ngôi nhà gạch lở, phủ rêu phong

Dương Đình Tường - Thứ Sáu, 09/08/2024 , 06:00 (GMT+7)

Ông Lê Xuân Thạnh, 87 tuổi, là thế hệ thứ chín ở làng Cao Cái, nay nhập với Cát Tường thành tổ dân phố Cao Cát, thị trấn Bình Mỹ (Bình Lục, Hà Nam).

Còn nhà là còn gốc

Làng Cao Cái xưa chỉ là một vùng đất chiêm khê mùa thối được những người lính đời nhà Mạc phiêu dạt về khai hoang lập ấp với 6 dòng họ, nay nảy nở thành ra 14 dòng họ, riêng Nguyễn đã có 6 họ, Lê có 4 họ. Để thích ứng với địa hình trũng, thường xuyên bị ngập lụt, họ cấy giống lúa hom mà hễ nước ngập đến đâu cây lúa ngoi đến đấy, thân cao và mảnh, hạt gạo nấu lên đã dẻo lại thơm. Quãng 30 năm trước người dân vẫn còn trồng lúa hom nhưng giờ đã mất giống.

Nay nông thôn mới đã trang hoàng cho làng một diện mạo mới với đường trục rộng hơn 5m, ô tô vào tận ngõ, với đường ra đồng được đổ bê tông, xe tải nhỏ chạy ra tận đầu ruộng. Mùa xuân hai bên đường làng đào khoe sắc thắm, mùa hè hoa sen hồng, hoa súng tím nở thơm ngát trong đầm hay dưới kênh mương.

Ông Lê Xuân Thạnh trước ngõ vào nhà mình. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Vốn là thợ mộc lành nghề, ông Thạnh đã cầm cưa đục dầm mưa, dãi nắng đi ăn cơm khắp thiên hạ. Giờ tuổi già, sức yếu lại bị đau chân, chẳng đi được đâu nữa thì ông “đi” bằng đôi chân, thấy bằng đôi mắt, nghe bằng đôi tai của những người ra bên ngoài làng về kể lại. Có không ít chuyện ly kỳ ở các vùng miền nhưng con tim của ông vẫn đặt trọn ở nơi chôn rau cắt rốn này, nó vẫn đập thổn thức và hồi hộp với từng nhịp đổi thay của làng. Để hôm nay, tôi có cơ duyên gặp gỡ, chuyện trò với ông và được ông đích thân chống gậy lọc cọc dẫn đi thăm thú quanh xóm.

Cái ngõ 3 ngắn ngủi của ông có 21 nhà thì đã có 10 nhà đang bỏ không như nhà ông Bộ, ông Bính, ông Phớt, bà Mỡ, bà Phần… Chuyện bắt đầu từ mươi năm về trước, khi những người chủ nhà dần về miền mây trắng, các con của họ thoát ly, đi khỏi làng, đóng cửa để đấy. Ngõ 3 có người đầu tiên cũng là người duy nhất bán nhà là ông Tờ (đã đổi tên - PV) để lên thị trấn ở. Dù nhà trên thị trấn rất đàng hoàng, con cũng có nhà trên Hà Nội nhưng mỗi dịp lễ tết về làng ông lại không còn nhà nữa. Tiếc nuối, muốn chuộc lại cũng không thành, ông đành ngậm ngùi cam chịu phận ở nhờ, ở đậu trên chính quê hương mình.

Một ngôi nhà để không ở ngõ 3. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Quãng 20 năm trước, người nghèo nhất cũng bỏ quê, người giàu nhất cũng bỏ quê mà đi. Nay chẳng ai muốn bỏ mồ mả ông cha, bán nhà đi đâu cả vì giỗ tết còn có chỗ trở về, còn nhà là còn cái gốc. Ngồi uống rượu, câu đầu tiên người ta hỏi nhau là quê anh ở đâu, có còn gốc không? Cái câu mất gốc, tức phải bán nhà mà đi ấy nó thốc vào đầu đau lắm”, ông Thạnh phân tích với tôi như thế.

Ngõ 3 chỉ có 2 thanh niên ở nhà, còn lại toàn là những ông bà 70 - 80 tuổi. Như vợ chồng ông Thạnh đã trên 80 mà vẫn ngày ngày nương tựa tuổi già vào nhau. Họ có tới 6 người con, đứa ở TP Hồ Chí Minh, đứa ở Kiên Giang, đứa ở Nha Trang, đứa ở Hà Nội..., chỉ có 1 người đang là giáo viên tại huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam nhưng cũng không sống cùng bố mẹ.

Một ngôi nhà bỏ không ở ngõ 3. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tâm sự của một người con xa quê

Lê Thị Lý là 1 trong 6 người con của vợ chồng ông Lê Xuân Thạnh, hiện đang sống ở TP Hồ Chí Minh. Nói về chuyện ly hương, chị giải thích: “Học đại học ít người quay về quê anh ạ, nhất là chuyên ngành du lịch như em lại càng không có cơ hội để xin việc làm ở đây. Với em, ở đâu vui thì đi di cư, lúc đầu em làm thuê cho tập đoàn này tập đoàn nọ, đến khi có gia đình thì vào Sài Gòn sống.

Bố mẹ em có 6 con học đại học, cao đẳng, 12 đứa cháu thì 4 cũng đã tốt nghiệp đại học, ngoài người anh cả ở quê rồi mất sớm, không ai sinh sống ở quê. Ở quê môi trường sống trong lành hơn thành phố nhưng môi trường học hành cho con cái lại không có, tiện ích cũng không có. Em đi khỏi làng lâu rồi, từ năm 2005 giờ nhìn lại, quê mình có khang trang hơn một chút nhưng chưa có gì là phát triển bền vững cả.

Về quê nếu không mở quán bán hàng thì chỉ có thể đi làm công nhân trong các khu, cụm công nghiệp, còn làm ruộng thì không mấy ai theo nữa rồi. Nếu làm nông nghiệp sạch thì là ngược dòng, còn theo dòng làm nông nghiệp kiểu thông thường thì chỉ để giữ đất. Nhiều trang trại ở làng bây giờ chỉ còn là hình thức mà thôi”…

Khuôn viên nhà văn hóa Cao Cát. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trong mạch ký ức của chị, làng Cao Cái của mình đã thay đổi quá nhiều. Hồi trước, đường làng vào quãng 5 giờ chiều như thế này có rất nhiều ông bà ngồi dưới tán cây, ghế đá uống nước và tán gẫu, nay hầu như đã vắng bóng. Sân nhà văn hóa phủ đầy rêu và lá rụng, trơ trụi vài thiết bị thể dục cũ kỹ, thỉnh thoảng mới có vài cụ già ra tập.

Rồi cái ngõ nhỏ thân thương gắn với tuổi thơ của chị, bên trái là ngôi nhà bỏ không lâu, giờ con cháu họ đã xây thành nhà thờ gia đình. Bên phải là nhà của hai ông bà đã mất từ mười mấy năm nay cũng để không, giờ thỉnh thoảng con cháu về cũng chỉ để ô tô. Vài bước chân nữa là nhà của một cặp vợ chồng khác mất cũng đã lâu rồi, giờ con cháu chỉ trở lại thắp hương những dịp cúng giỗ. Cạnh đó là nhà của một người mới mất năm ngoái, để không từ bấy đến giờ. Ở cuối cái ngách có dãy tường gạch non bị lở loét đỏ như son này cũng có một ngôi nhà bỏ không ngót 20 năm nay.

Tất cả đều rêu phong, lạnh lẽo như những di tích lịch sử hoang phế chứ không phải là một cái ngõ đầy sức sống như hồi nhỏ chị từng nhìn thấy. Một số gia đình khác có xây lại nhà cửa khang trang thật đấy, tuy chẳng để không nhưng trong đó cũng chỉ có một người ở lại để trông coi. Thiếu tiếng cười, tiếng nói, những ngôi nhà đó cũng thật cô đơn.

Một nông dân luống tuổi ở vùng nông thôn Hà Nam. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Nguyễn Thị Điệp - Tổ trưởng tổ dân phố Cao Cát thống kê với tôi tổ mình có 609 hộ và 2.210 khẩu. Trước, khi còn là làng, nơi đây có hàng trăm hộ hành nghề “cơm bụi” trên Hà Nội. Sau Covid-19, nghề cơm bụi lụi tàn, giờ chỉ 3 - 4 hộ còn bám trụ, đa số chuyển sang làm những nghề tự do như đồng nát, giúp việc hay công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp.

Làng có khoảng 350 người ra ngoài làm ăn như thế, hầu hết chỉ đủ nuôi sống bản thân mình và gia đình chứ không mấy dư dật nên khi địa phương có việc gì cần sự huy động, đóng góp họ cũng chưa mang được mấy tiền về cho quê hương. Làng cũng có khoảng 10 tiến sĩ nhưng họ chỉ có học chứ chưa biết làm kinh tế.

Làng có khoảng 50 ngôi nhà khóa cửa để không, đi cả gia đình để kiếm sống trên thành phố. Một số cụ không muốn đi nhưng con cháu vẫn về đón đi vì sợ để bố mẹ già một mình ở nhà quê không yên tâm. Làng cũng có khoảng 40 nhà, mỗi nhà chỉ có một người ở lại trông do chồng hay vợ đã mất, còn các con đi làm ăn hết bên ngoài. Những trường hợp này thường sống bằng trợ cấp của người già, thi thoảng con cháu cho thêm, cũng phải thật tiết kiệm để sinh hoạt chứ không mấy ai sướng.

Về nông nghiệp, trên đang cho thống kê xem nhà ai nuôi gà vịt, ngan ngỗng, lợn nhưng sau khi dịch bệnh lợn chẳng nhà nào nuôi nữa, gà vịt cũng chỉ lác đác nuôi vài con để thịt. Làng có 5 trang trại đổi ruộng cho nhau mà tự đào ao, trồng cây để làm nhưng không được công nhận, giờ gần như bỏ không.

Cao Cát hiện chưa xuất hiện tình trạng ruộng đất để hoang nhưng hiệu quả của việc canh tác lúa là quá thấp. Tiền đánh chuột 45.000 đồng/sào, cày bừa 130.000 đồng/sào, phun thuốc sâu mỗi bình 25.000 đồng, mỗi vụ phải phun 4 - 5 lần, rồi thuê máy gặt 150.000 đồng/sào nữa nên tính chi li ra cấy lúa không có lãi, thậm chí là lỗ dù nhàn hơn nhờ có máy móc thay thế cho lao động thủ công. Chỉ những người không xoay được nghề khác mới phải làm...

Có người nói, làng đang thiếu những thế hệ trí thức trẻ, có tâm huyết chịu trở về để cống hiến cho quê hương, nhưng cũng có người nói, thế hệ trí thức trẻ ấy dù có yêu quê hương đi chăng nữa cũng không được tạo điều kiện để trở về mà góp sức dựng xây.

Dương Đình Tường
Tin khác
Mạch nha Thi Phổ
Mạch nha Thi Phổ

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ được chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh, mà còn liên tục tái bản với số lượng lớn để phục vụ độc giả.

Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư
Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Trong 'Quốc văn trích diễm', giáo sư Dương Quảng Hàm trích bài thơ 'Bán than' và cho là của Trần Khánh Dư. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả là người khác.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh, được hậu sinh kỷ niệm 10 năm ông đi xa, bằng một hội thảo tổ chức tại TP.HCM sáng 6/12.

Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm
Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Trên bia đá đền thờ tổ nghề chạm bạc Đồng Xâm có tuổi đời gần 600 năm ghi dấu ấn tinh hoa làng nghề và những điều răn dạy con cháu giữ nghiêm phép nghề.

'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc
'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc

Nội dung của 'Hưng Hóa kí lược' có 12 đề mục, bao gồm đầy đủ nội dung truyền thống của một cuốn địa chí.

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn với chùm thơ về vẻ đẹp đô thị năng động và bao dung, đã được trao giải nhất cuộc thi thơ ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’ năm 2024.

Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh
Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh

Nhà thơ xứ Nghệ Trần Quang Khánh chắt chiu cảm xúc những ngày quân ngũ và những năm dạy học để gửi gắm vào vần điệu chân thành và sâu lắng.

Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái
Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái

Vẻ đẹp núi rừng ở miền tây xứ Nghệ được tác giả Hữu Vi phác họa sinh động và quyến rũ qua tập truyện ngắn ‘Cái chết của bầy ong’.

Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm
Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm

Nhà văn Sơn Nam đã được nhiều tác giả tập trung nghiên cứu, và chuyên luận ‘Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam’ chứng minh rằng ông có thêm một khách tri âm nữa.

Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia
Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia

Học giả Nguyễn Đình Tư ở tuổi 104 được trao giải A của Giải thưởng sách quốc gia 2024 với công trình nghiên cứu về lịch sử đô thị phương Nam.

Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.