Sau khi tình cờ 'va' phải một nguyên âm, niềm vui vỡ òa. Nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu cho một ý tưởng, tất cả lao động khoa học còn ở phía trước.
LTS: Trong ngôn ngữ học, việc mô tả một phương ngữ nào đó của tiếng Việt thì đã có nhiều người làm; nhưng từ chỗ miêu tả rồi tìm hiểu nguyên nhân của các khác biệt và quá trình biến đổi của một số âm và vần so với các phương ngữ được xem là “chuẩn”, thì nhà khoa học Andrea Hoa Pham là người đầu tiên đã tiến hành công việc ấy bằng công trình Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam.
Mặc dù đã bỏ ra hơn 20 năm theo đuổi đề tài, tuy nhiên bằng sự khiêm tốn của mình trước một nan đề khoa học, tác giả vẫn để ngỏ những khả năng khác, đồng thời gây men cho những tranh luận học thuật. Nhân sự ra đời của công trình mang tính dấu mốc này, chuyên mục Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt được sự cho phép của tác giả, xin trân trọng trích đăng một số nội dung của sách (tít bài do Nông nghiệp Việt Nam đặt), ngõ hầu tiếp thêm hứng thú tìm kiếm và trao đổi chuyên môn nơi đông đảo bạn đọc.
Thật ra để tìm dấu vết của nguyên âm /ɑ/ Quảng Nam độc đáo, nếu chỉ dựa vào lịch sử di dân thì khó mà biết được sẽ đi đâu về đâu ở mênh mông các tỉnh Bắc Trung Bộ. Đấy là chưa kể những đặc điểm vần khác của người Quảng Nam, như cháo thành chố, hai thành hưa, còi thành cùa… Trong các tài liệu, sách báo trong và ngoài Việt Nam chưa thấy ở đâu nói, dù chỉ thoáng qua, về sự có mặt của chúng trong một hay nhiều phương ngữ, thổ ngữ khác của tiếng Việt.
Thật tình cờ, hay là một cái duyên, mà một ngày mưa gió sụt sùi mùa đông năm 2004, trong lần về Việt Nam đi thu thập tư liệu về thanh điệu giọng Nghi Lộc ở Nghệ An, chúng tôi đã “va” phải một thổ ngữ độc đáo ở thôn Long Thành, xã Đức An, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Người bạn học cũ lúc ấy đang phụ trách Đài Truyền hình Nghệ An. Khi nghe về việc chúng tôi đi thu âm thanh điệu giọng Nghi Lộc, Nghệ An, anh đã nhờ hai phóng viên trẻ của Đài dẫn về một làng xa xôi Hà Tĩnh. Hai phóng viên này cho biết “Họ nói lạ lắm. Bọn em người địa phương mà cũng phải cần người phiên dịch cho chứ không thì không nói chuyện được”. Nghe vậy tôi háo hức đi ngay để nghe tận tai thổ ngữ mà người cùng tỉnh cũng phải cần đến thông ngôn có “bằng B giọng Đức Thọ” để dịch cho.
Buổi chiều mùa đông của năm 2004 ấy, trời mưa dai dẳng. Đường vào làng đắp bằng đất sét, nhão, trơn trượt. Đoạn vài cây số cuối rất khó đi. Cây cầu duy nhất để vào làng quá hẹp. Xe hơi lên đầu cầu bên này thì bên kia người đi bộ và xe gắn máy phải đứng lại chờ. Thấy chiếc cầu nhỉnh hơn hai bên bánh xe chỉ khoảng gang tay, sảy ra là trượt luôn xuống ruộng, tôi xách cặp có cái máy tính, xuống đi bộ qua cầu, lòng vái van cho tài xế lái qua được trót lọt. Bò chậm như sên, một lúc thì xe qua lọt thật.
Chuyến đi vất vả nhưng phần thưởng thì quá lớn. Khi nghe bốn người dân làng của thôn Long Thành, làng Kẻ Chay nói chuyện, một mối kinh ngạc tràn ngập: họ tuy vẫn đang nói giọng Hà Tĩnh với những thanh điệu đặc trưng của “khu IV”, nhưng một số vần thì rất giống với vần Quảng Nam. Đó là điều chưa bao giờ chúng tôi, trong sự tưởng tượng lãng mạn, hoang phóng nhất có thể nghĩ đến. Điều này chúng tôi chưa hề nghe ai nói đến hay đọc được ở đâu. Sau đó khi về nói chuyện với Keren Rice, nguyên giáo sư chủ nhiệm luận án Tiến sĩ, một trong những nhà âm vị học đầu ngành của thế giới về lý thuyết Markedness và Âm vị học tuyến tính, bà cũng ngẩn người kinh ngạc. Ấn tượng lúc ấy là vì sao ngoài phạm vi Quảng Nam, Quảng Ngãi, lại có một nơi vần ăn, ăng giọng Bắc thì cũng nói thành eng; các từ như gà, cá cũng nói nghe như gò, có? Chẳng những thế, thổ ngữ này lại thuộc về một vùng phương ngữ hoàn toàn khác với giọng Quảng Nam.
Một phần vì thiết kế cho đợt sưu tầm tư liệu lần ấy là để lấy mẫu phát âm về thanh điệu, phần khác vì thì giờ không nhiều, nên chuyến viếng thăm ấy chỉ để thỏa mãn tò mò và xem xét thực hư. Chúng tôi nói chuyện khoảng hết tuần trà thì trời tối. Phải đưa người dẫn đường quay về thành phố Hà Tĩnh kịp trước khi mặt trời lặn hẳn, lái xe còn có thể nhìn đường rõ mà qua cây cầu một cách an toàn.
Không làm được cuộc ghi âm nào, chúng tôi tiếc nuối rời đi với lời hẹn sẽ sớm quay lại, không biết rằng phải đến mười hai năm sau mới thực hiện được lời hứa ấy.
Vào ngày Mùng bốn Tết âm lịch, nhằm vào tháng 1 dương lịch năm 2016, chúng tôi về lại huyện Đức Thọ để tìm cái thôn nhỏ bé có giọng nói đầy ấn tượng năm nào. Ỷ y là hôm ấy thể nào cũng có nhiều hàng quán mở cửa nên chúng tôi không mang theo thức ăn, ráng đến thị trấn Đức Thọ để ăn tối luôn. Tất cả các tiệm ăn trên đường, không có một tiệm nào mở cửa. Thậm chí nhà hàng của một khách sạn lớn ở thị trấn cũng còn đóng cửa ăn Tết. May khá muộn mới tìm được một quán bi-a trong thị xã, lèo tèo vài thanh niên đang chơi. Ông chủ nấu cho vài gói mì ăn liền, “phục vụ bữa khuya”.
Trong ký ức tôi chỉ còn nhớ được ngôi làng năm xưa ấy thuộc xã Đức An, huyện Đức Thọ. Không quen ai ở đó, chúng tôi chỉ còn biết lang thang trong xã, cố gắng đi tìm cây cầu hẹp nền đất sét năm xưa dẫn vào làng. Nhưng khung cảnh các làng quê ở đâu cũng na ná như nhau, như bất kỳ một làng heo hút yên tĩnh nào của Việt Nam. Ngày hôm sau chúng tôi đi loanh quanh, hỏi dần tin tức. Vất vả cả buổi chiều nhưng vẫn không tìm ra người nào biết “ngôi làng nói giọng kỳ lạ” ấy ở đâu. Đành mất một ngày thất vọng, tự trách năm ấy đã không ghi rõ ràng địa danh. Sáng hôm sau nữa thì người bạn cũ ở Hà Tĩnh gọi điện lại cho biết thôn Long Thành xưa kia giờ đã đổi tên thành Mỹ Lệ. Nhưng ngay cả khi hỏi thăm thôn Mỹ Lệ cũng không ai biết. Có lẽ Mỹ Lệ là tên chữ dùng trong hành chính nên dân làng bình thường ít để ý. Hoặc là chúng tôi lang thang hỏi thăm ở một nơi xa thôn quá.
May mắn đến với chúng tôi khi vào một tiệm tạp hóa mua tấm bản đồ bằng giấy của tỉnh Hà Tĩnh để làm quen. Tôi bắt chuyện với Quyền, người thanh niên trẻ bán hàng. Sau khi biết tôi đang đi tìm một giọng nói lạ ở địa phương, người thanh niên cười:
- Để em gọi điện cho bạn em. Bảo đảm nó nói chuyện chị không hiểu gì hết đâu.
Vì có bạn giới thiệu, người thanh niên ở đầu giây bên kia (tên Châu) vui vẻ mời chúng tôi về làng để nói chuyện với ông cụ thân sinh của anh. Ông cụ năm ấy đã 80 tuổi. Y hẹn với Châu, chiều hôm ấy chúng tôi tìm về thôn Hữu Chế của làng Kẻ Chay, xã Đức An. Đây không phải là thôn tôi đã đến thăm 12 năm trước, nhưng tôi nghĩ tìm được gì cũng quý.
Đường vào làng thật khác xưa, không thể nào nhận ra. Tôi vừa hỏi đường, vừa đi theo trí nhớ. Khúc đường hẹp nay quang đãng hẳn. Cây cầu trơn trượt năm xưa chỉ rộng bằng chiều ngang chiếc xe cũng vẫn còn đó. Chung quanh đã sáng sủa rộng rãi hơn nhiều. Khi chiếc xe của chúng tôi chạy qua cầu thì người đi xe gắn máy phía bên kia cũng vẫn phải dừng lại nhường đường, đợi chúng tôi qua hẳn rồi mới lên xe đi qua.
Chúng tôi vào thôn Hữu Chế gặp gia đình ông cụ họ Đào. Vì đã được con trai báo tin trước, nên cụ đang đợi và tươi cười đón chúng tôi. Cụ cho biết năm xưa có nghe “phái đoàn” chúng tôi về Long Thành, và trong số ba người dân chúng tôi phỏng vấn năm đó, thì hai người nay đã khuất. Tôi không ngờ hơn mười năm sau cụ vẫn còn nhớ chuyến thăm ngắn ngủi ấy của chúng tôi. Cụ cho biết làng Kẻ Chay có bốn thôn: Long Thành, Hữu Chế, Long Hòa và Long Sơn. Cụ ở thôn ba, tên chữ gọi là Hữu Chế. Trong cuốn sách này, thổ ngữ chúng tôi miêu tả là thổ ngữ ở thôn ba (Hữu Chế), nhưng gọi chung là thổ ngữ Kẻ Chay vì những nét mà hai thổ ngữ thôn Hữu Chế và thôn Long Thành có chung, đặc biệt vì cách phát âm nguyên âm viết bằng a. Nghe mục đích của chúng tôi là xin ghi âm giọng địa phương để tìm hiểu, cụ vui vẻ giúp. Vì cụ bà là người làng khác, nên chúng tôi xin phép được ghi âm chỉ cụ ông.
Phương pháp thu tư liệu cũng dùng hình ảnh như đã trình bày ở chương 2 với giọng Quảng Nam, và mời cộng tác viên gọi tên sự vật (ví dụ “cái bàn”, “con cá”) hoặc động tác (ví dụ “ăn”, “tắm”). Mỗi từ (hình ảnh) được yêu cầu phát âm ba lần. Có cả thảy 189 từ gồm tất cả những vần có trong tiếng Việt. Mỗi từ được thể hiện bằng hai hình ảnh khác nhau để phòng khi cộng tác viên nói theo giọng phổ thông (giọng nói ở thành phố Hà Tĩnh). Nếu từ nào phát âm khác với tiếng phổ thông thì cộng tác viên được nhắc nói lại bằng thổ ngữ của họ. Trước khi làm việc, các cộng tác viên cũng được phỏng vấn ngắn về thôn xóm, lịch sử của làng.
Sau khi làm việc với chúng tôi, cụ Đào dẫn chúng tôi đi tìm gặp vài người nữa trong thôn để ghi âm. Không có mấy người rảnh vì họ vẫn còn bận rộn ăn tết. Có vài người đồng ý giúp chúng tôi. Họ ở lứa tuổi 50, 60, đã pha trộn rất nhiều giọng phổ thông. Có thể vì nói chuyện với chúng tôi nên họ pha tiếng, bởi vì khi những thanh niên trong làng nói chuyện với nhau, người tài xế của chúng tôi (là người Hà Nội) nói rằng những người này họ nói giọng gì mà anh không tài nào hiểu được, nghe không phải như giọng nói ở thị xã Hà Tĩnh. Có lẽ trong gia đình, làng xóm, người ta cũng vẫn còn dùng thổ ngữ này với nhau. Vì có việc riêng chúng tôi không thể ở lại lâu hơn để tìm thêm người ghi âm. Vì vậy phần tư liệu giọng thôn Hữu Chế, làng Kẻ Chay, chúng tôi chỉ dùng giọng nói cụ Đào. Phát âm của cụ nhất quán. Quan trọng hơn là những nét độc đáo trong phát âm của cụ cũng tìm thấy hoặc trong thổ ngữ làng Hến xã Đức An, huyện Đức Thọ, hoặc trong giọng Quảng Nam.
Ngôi làng thứ hai mà chúng tôi thu tư liệu là làng Hến thuộc xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Cái duyên tìm được làng Hến cũng thật tình cờ. Khi nghỉ tại một khách sạn ở thị trấn Đức Thọ, tôi lân la xuống quầy tiếp tân làm quen các chị đang làm việc ở đó. Khi biết tôi đi tìm các thổ ngữ mà khác với các giọng nói phổ thông, thì chị quản lý khách sạn vui vẻ hứa chiều hôm ấy sẽ dẫn chúng tôi về làng của chị. Đến đầu giờ chiều, sau khi tạm sắp xếp xong công việc ở khách sạn, chị dẫn chúng tôi về làng. Có một đoạn con đường khá hẹp, xe phải nép sang bên nhường cho một đám cưới đi bộ đón dâu. Mọi người áo quần rực rỡ, nói cười râm ran, nghe không rõ ra giọng gì. Về đến quê chị, thì biết là vì sao làng lại có tên là làng Hến. Ngay sau lưng những ngôi nhà khang trang dọc theo con đường chính, là những căn nhà giản đơn. Chỉ thêm vài bước nữa là gặp dòng sông La. Sát bờ sông là những chiếc chòi lá, nơi sàng lọc, phân loại hến khi các ghe đánh bắt vừa về đến bãi.
Chị quản lý khách sạn chào hỏi niềm nở những người gặp gỡ trên đường làng. Khi có một người đàn ông trung niên vui vẻ nhận lời giúp chúng tôi, chị “giao” chúng tôi cho người đàn ông ấy rồi vội vã quay trở lại thị xã.
Người đàn ông dẫn chúng tôi về nhà. Quanh chiếc bàn khách đặt giữa nhà, chúng tôi nói chuyện về mục đích chuyến thăm, và xin phép thu âm người đàn ông chủ nhà và một phụ nữ hàng xóm nữa cũng tuổi trung niên, sang ngồi chơi khi thấy chúng tôi đến. Sau vài câu chuyện và phần thu âm, tôi thoáng thất vọng vì không thấy gì đặc biệt lắm trong phần vần. Hình như có gì chưa ổn ở đây. Tôi quay sang một phụ nữ khá lớn tuổi, vợ chủ nhà, đang ngồi cạnh đó giữ cháu và xem chúng tôi làm việc. Tôi cố gắng thuyết phục bà thử ghi âm nhưng bà nằng nặc nói là “không biết chi”. May quá, cuối cùng bà cũng nhận lời. Khi bà nhìn hình ảnh và phát âm các từ viết bằng chữ a như cá, mặt nạ, ba... tôi ngồi sững sờ. Thậm chí người bạn Mỹ đi cùng trong chuyến thăm Việt Nam, tuy không biết tiếng Việt, nhìn nét mặt tôi cũng đoán ngay được là tôi đã gặp may lớn. Người chồng ngồi cạnh cứ nhắc chừng vợ phải phát âm như thế này như thế kia. Tôi phải luôn ngăn ông, nói ông để bà tự nhiên. Thì ra người chồng đã “chuẩn hóa” giọng mình do những năm tháng sống ở nhiều nơi khác nhau. Việc ông nhắc vợ có thể vì không để ý rằng bản thân mình đã nói khác đi, hoặc nghĩ rằng khi ghi âm thì phải nói “cho đúng”, tức đúng giọng phổ thông. Tôi hỏi lại cho chắc, họ khẳng định “tiếng phổ thông” là tiếng nói ở thành phố Hà Tĩnh. Sau đó cả người đàn ông và người phụ nữ trẻ không phản ứng gì thêm, ngồi yên nghe người phụ nữ lớn tuổi phát âm các từ theo hình vẽ và trả lời phỏng vấn. Họ không hỏi xem tôi đi tìm điều gì trong giọng nói của họ.
Những con người chân chất mộc mạc này không hề biết rằng họ đang lưu giữ một tài sản thật quý báu trong giọng nói của mình. Đó là lịch sử những đổi thay của một số âm và vần trong tiếng Việt, những dấu vết tiền thân một số vần trong giọng nói Quảng Nam và Quảng Ngãi. Thiếu các thổ ngữ Hà Tĩnh này, sự hiểu biết về mối liên hệ giữa các phương ngữ tiếng Việt, về các diễn biến trong dòng chảy xuôi nam của tiếng Việt sẽ bị đứt mất một đoạn. Không tìm ra những mối liên hệ đặc biệt này giữa thổ ngữ Hà Tĩnh và giọng Quảng Nam, câu hỏi từ đâu mà có giọng Quảng Nam sẽ mãi là lời đánh đố hóc hiểm cho người Quảng Nam nói riêng và cho những người làm nghiên cứu về phương ngữ hoặc biến âm nói chung. Tầm quan trọng của thổ ngữ trong nghiên cứu lịch sử tiếng Việt, và việc thổ ngữ chưa được chú trọng cũng đã được Trần T. D. (2005:132) nhắc đến “Theo đánh giá của chúng tôi, vào thời điểm hiện nay, những nghiên cứu về phương ngữ tiếng Việt mà chúng ta có được chưa hoàn toàn thực sự đáp ứng nhu cầu nghiên cứu lịch sử của ngôn ngữ này”.
Ở hai ngôi làng nhỏ bé nằm sâu trên tây bắc Hà Tĩnh này không chỉ có bóng dáng của cái nguyên âm “a” Quảng Nam kỳ quặc, mà còn cả một vần nữa rất đặc trưng của giọng Quảng Nam, đó là vần viết bằng ao. Bất kỳ ai khi đã quen nghe người Quảng Nam nói chuyện, cũng sẽ nhận ra ngay tương ứng ao ~ ô, một trong những đặc điểm không thấy ở bất cứ phương ngữ nào khác ngoài giọng Quảng Nam và bắc Quảng Ngãi. Khi nghe người Kẻ Chay nói các từ cháo, áo, pháo thành chố, ố, phố, thì những nghi hoặc nhỏ nhất và ở người khó tính nhất, về sợi dây nối giọng Hà Tĩnh và giọng Quảng Nam cũng hoàn toàn tan biến. Khi cùng có các tương ứng này, mối liên quan giữa thổ ngữ Hà Tĩnh và giọng Quảng Nam không còn là chuyện ngẫu nhiên.
Phần tiếp theo giới thiệu về hệ thống vần của hai thổ ngữ Hà Tĩnh này, đặc biệt chú trọng vào trường hợp của nguyên âm viết bằng a. Vần trong hai thổ ngữ này có nhiều nét độc đáo, khác với những gì chúng ta biết được qua những miêu tả về giọng phổ thông Nghệ Tĩnh.
(*) Trích Chương 4, "Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam".