Nguồn tài chính bổ sung cho bảo vệ và phát triển rừng
Các lợi ích carbon trong lĩnh vực lâm nghiệp đang dần được cụ thể hóa bằng quy định pháp lý thông qua nhiều chương trình, sáng kiến về chi trả cho nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính từ mất rừng và suy thoái rừng; tăng cường hấp thụ carbon thông qua trồng rừng và phục hồi rừng.
Bộ NN-PTNT đã và đang triển khai 3 chương trình chi trả dựa vào kết quả trong giảm phát thải và tăng hấp thụ carbon trong lĩnh vực lâm nghiệp, đó là: (i) Chương trình Giảm phát thải ở vùng Bắc Trung bộ (ERP). Chương trình này đã chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2; (ii) Chương trình LEAF dự kiến chuyển nhượng 6 triệu tấn CO2 từ giảm phát thải vùng Duyên Hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên; (iii) Tham gia Chương trình thí điểm chi trả cho kết quả thực hiện REDD+ giai đoạn 2014 - 2018 của Quỹ khí hậu xanh (GCF). JICA đã hỗ trợ kỹ thuật xây dựng đề xuất chi tiết và dự kiến trình đề xuất trong năm 2025.
TS Vũ Tấn Phương, Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (VFCO) cho rằng, với cam kết về giảm phát thải để đạt được mục tiêu khí hậu theo Thỏa thuận Paris, các quốc gia sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai các biện pháp giảm nhẹ phát thải.
Trên phương diện toàn cầu, thị trường carbon đang phát triển mạnh mẽ và đa dạng, đặc biệt là thị trường carbon bắt buộc. Việt Nam đang trong lộ trình xây dựng thị trường carbon trong nước - một trong những công cụ quan trọng để thúc đẩy thương mại, trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon giữa các doanh nghiệp trong nước. Thêm vào đó, nguồn đầu tư vào Việt Nam đang chuyển sang các nguồn tài chính xanh, nghĩa là chú trọng đến đầu tư cho tăng trưởng xanh, phát triển carbon thấp.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đối mặt với một số thách thức và rào cản trong thực hiện mục tiêu giảm phát thải, đó là thiếu các quy định chi tiết về quyền carbon, quyền tài sản carbon, các cơ chế chia sẻ lợi ích, khuyến khích đầu tư, năng lực đo đạc, báo cáo, thẩm định các dự án, chương trình giảm phát thải, thương mại carbon, đặc biệt ở cấp độ địa phương và chủ rừng.
Để tận dụng cơ hội về tạo nguồn tài chính từ các lợi ích carbon trong lâm nghiệp, đồng thời đóng góp cho mục tiêu giảm phát thải của quốc gia, ông Phương khuyến nghị: "Các chiến lược, kế hoạch phát triển lâm nghiệp ở tất cả các cấp cần gắn với mục tiêu tạo tín chỉ carbon rừng và quản lý rừng bền vững; đảm bảo năng lực kỹ thuật, công khai và minh bạch thông tin, dữ liệu phục vụ việc đo đạc, báo cáo và thẩm định, đồng thời đa dạng và nâng cao hiệu quả đầu tư hơn nữa trong các chương trình bảo vệ, phát triển rừng”.
Nhận thức được vấn đề này, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Lâm nghiệp (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) đã phối hợp Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái nghiên cứu thí điểm mô hình chuẩn bị sẵn sàng kinh doanh carbon từ rừng trồng tại huyện Yên Bình (dự án FCBMO) được thí điểm dựa trên hệ thống mã số vùng trồng rừng đã được thiết lập. Thông qua ứng dụng công nghệ số của Hệ thống iTwood, cơ sở dữ liệu vùng rừng trồng nguyên liệu có mã số sẽ được đặt tại 4 xã với quy mô 5.000ha.
Dự án FCBMO đặt ra các mục tiêu quan trọng, đó là tổ chức và phát triển chuỗi cung gỗ hợp pháp và truy xuất nguồn gốc trên 5.000ha rừng trồng. Cùng với đó là phát triển phương pháp đo đếm, báo cáo và thẩm định (MRV) được thiết kế ứng dụng trên hệ thống iTwood, nhằm xác định khả năng hấp thụ, lưu trữ carbon rừng trồng.
Kết quả nghiên cứu từ những dữ liệu thực tế này, dự án FCBMO sẽ tiếp tục tính toán mức carbon tham chiếu; Xây dựng tiêu chí, chỉ số giám sát và quản lý tài sản carbon rừng của hộ gia đình, cũng như kết quả giảm phát thải; xây dựng cơ chế chi trả dịch vụ carbon từ rừng trồng. Trên cơ sở đó, sẽ định lượng được khả năng giảm phát thải được chứng nhận, làm cơ sở xác định tín chỉ carbon trên quy mô dự án và có thể giao dịch khi thị trường carbon được hình thành.
Lợi ích lâu dài, bền vững
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Lâm nghiệp Hoàng Liên Sơn chia sẻ, có 5 hoạt động chính trong thời gian 2 năm thí điểm của dự án FCBMO. Bước đầu, là ứng dụng công nghệ số của hệ thống iTwood phát triển chuỗi cung gỗ hợp pháp và truy xuất nguồn gốc thích ứng EUDR để thiết lập mô hình thí điểm trên quy mô 5.000ha rừng được cấp mã. Trong thời gian này, Trung tâm sẽ hoàn thiện các bộ tài liệu tập huấn và tổ chức các lớp đào tạo sử dụng phần mềm iTwood cho chủ rừng, thành viên Hội nông dân.
Kế đó là phát triển phương pháp đo đếm, báo cáo và thẩm định (MRV) ứng dụng hệ thống iTwood để xác định khả năng hấp thụ, lưu trữ carbon rừng trồng.
“Song song với tính lượng hấp thụ carbon, chúng tôi sẽ phối hợp cung cấp các đánh giá độc lập, viễn thám, đồng thời giám sát theo tiêu chuẩn thị trường carbon. Tiến tới khi hoàn thành dự án, lượng giảm phát carbon sẽ được chứng nhận và chuyển hóa thành tín chỉ khi có thị trường, với các tiêu chuẩn thịnh hành của thị trường carbon tự nguyện, như Gold Standard, CCBA, hay PLAN VIVO…”, ông Sơn nói.
Giai đoạn cuối của dự án FCBMO, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Lâm nghiệp cam kết nâng cấp và hoàn thiện phần mềm của hệ thống iTwood để chuẩn bị sẵn sàng kinh doanh carbon từ rừng trồng. Việc nhân rộng mô hình FCBMO cũng nằm trong kế hoạch, dựa trên kết quả thực tiễn.
Với những công nghệ hiện có, Trung tâm tự tin lưu hành tín chỉ carbon rừng trồng cho chủ rừng trong khoảng từ 28 - 35 năm. Đây là con số đáng khích lệ, bởi giá tín chỉ carbon luôn có xu hướng giảm theo thời gian.
Thương mại thành công tín chỉ carbon là một trong những lợi ích thu được từ mã số vùng trồng rừng. GS.TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam nhìn nhận, việc cấp mã số sẽ giúp ngành lâm nghiệp quản lý một cách chặt chẽ, thống nhất các loại rừng trên phạm vi cả nước, làm cơ sở định vị khả năng giảm phát thải trên từng lô rừng trồng gỗ nguyên liệu của chủ rừng là hộ gia đình.
“Ngay từ khi trồng cái cây xuống đất, chủ rừng đã có thể hạch toán được mình đang có bao nhiêu tín chỉ carbon trong tay. Cùng với đó là tính hợp pháp của gỗ khai thác được đảm bảo trong cả chuỗi cung”, ông phân tích, đồng thời nhấn mạnh rằng, việc số hóa dữ liệu rừng trồng còn góp phần nâng cao hiệu quả nhiều lĩnh vực có liên quan như bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển lâm nghiệp bền vững.
Cùng với chứng chỉ quản lý rừng bền vững, mã số vùng trồng rừng sẽ là xu thế chung của thị trường, theo ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp. “Để sản xuất bền vững, thích ứng tốt với các quy định mới như CBAM, EUDR, chúng ta buộc phải sản xuất một cách minh bạch, có trách nhiệm. Tiêu chuẩn rừng trồng của Việt Nam càng cao, gỗ và sản phẩm chế biến từ gỗ càng dễ thâm nhập vào những thị trường khó tính”, ông Lực nhấn mạnh.
Để đẩy mạnh việc thí điểm cấp mã số vùng trồng rừng nguyên liệu, Phó Cục trưởng đề nghị đơn vị tư vấn phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các đơn vị liên quan ở địa để làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các chủ rừng về sự cần thiết và lợi ích của việc cấp mã số vùng trồng rừng. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kiểm tra, rà soát, đối chiếu thông tin về quyền sử dụng đất, trạng thái lô rừng, chủ rừng trong quá trình thực hiện.
Ông Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái cho rằng, việc đẩy nhanh cấp mã số vùng trồng rừng sẽ đem lại cơ hội lớn cho doanh nghiệp chế biến gỗ trong việc mở rộng, ổn định thị trường xuất khẩu; tiếp cận tốt hơn với công nghệ, cải thiện năng lực quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm.