Người làng... đã thành người phố

Nguyễn Thành Phong - Chủ Nhật, 26/01/2025 , 10:15 (GMT+7)

Tốc độ đô thị hóa đáp ứng những nhu cầu mới xuất phát từ sự thay đổi cơ cấu và tính chất của cư dân nông thôn hiện nay dường như đang phát triển đầy tính tự phát và có nguy cơ dẫn đến phá vỡ những cảnh quan nông thôn bao nhiêu đời nay.

Chiều cuối năm, bước những bước chân nhẹ bẫng trên con đường trước nhà vừa mới được mở rộng thênh thang. Con đường xương cá nối ngang từ đường chính qua làng, trước đây chỉ chừng gần 5m, đã được mở rộng thành 8m, trải bê tông phẳng lỳ, người và xe rộn rã như đi trên phố lớn. Công trình đó được gọi là “Nhà nước và nhân dân cùng làm”: Các hộ bên đường xẻ vườn hiến đất, ngân sách huyện nông thôn mới chi thêm, thế là thành văn minh đẹp đẽ. Và tôi thì lại có ý tưởng mới...

 Tư duy quy hoạch hài hòa cũ - mới rất cần thiết để bảo vệ không gian nông thôn hiện nay. Ảnh: ST.

Dạo bước ra đến con đường chính, nhìn thấy cái pano viết khẩu hiệu khá lớn nhắc nhở cư dân đề cao văn hóa, gìn giữ môi trường, chú trọng văn minh đô thị trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Thì đây, mình vẫn đang ở làng, nhưng đứng trước pano tuyên truyền về văn minh đô thị.

Đô thị được lập nên bởi các công dân đô thị. Công dân đô thị là những người có đời sống kiểu phố phường, sinh hoạt theo lịch biểu, thu nhập ổn định từ công sở, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở kinh tế, thụ hưởng văn hóa và văn minh theo kiểu hiện đại. Nói tóm lại, đó là những người phố. Đô thị là phố cho người phố ở…

Theo như kiểu phân tích dân dã này, thì ở làng tôi, cũng như nhiều làng quê ở phía Bắc, đã có nhiều người làng trở thành người phố, người đô thị. Chỉ trong thời gian hơn 5 năm vừa qua, diện mạo không chỉ làng tôi, mà còn rất nhiều làng quê ở vùng nông thôn đồng bằng Bắc bộ, có những thay đổi đặc biệt so với lịch sử hàng ngàn năm trước. Chủ trương thay đổi cơ cấu kinh tế, xu hướng đẩy mạnh phát triển công nghiệp, kiến tạo nông nghiệp hiện đại theo công nghệ tiên tiến, trong bối cảnh sẵn có thị trường lao động phong phú, nhu cầu về việc làm, có thu nhập ổn định cho cư dân nông thôn, tất cả đã hòa hợp, tạo nên những dấu ấn mới. Đã hình thành một lớp người mới, sống ở nông thôn, nhưng mang nhiều yếu tố của lối sống công nghiệp, có nhu cầu như người ở đô thị. Đó chính là bộ phận cư dân đô thị mới ở nông thôn. Bộ phận cư dân đô thị sống ở làng quê nông thôn này đã tác động để làng biến chuyển, đổi thay theo hướng đô thị hóa, phục vụ cho cuộc sống của họ…

Trước đây không xa lắm, nhiều người có nhận xét rằng làng Việt thời hiện đại là những “làng rỗng”. Sống ở trong làng chủ yếu là người già, người về hưu và trẻ con. Rất ít người trong độ tuổi lao động chính sống ở làng. Người lao động, dù có muốn gắn bó và xây dựng cuộc sống ở làng quê cũng khó thực hiện được. Lý do chủ yếu là phải ly hương, đi xa, thì mới kiếm được việc làm. Đó là một công cuộc đầy nhọc nhằn, chứa đựng nhiều rủi ro. Câu chuyện về những biến cố trong đại dịch Covid-19 càng cho thấy rõ điều này.

Thế rồi đã xuất hiện cơ hội việc làm ở ngay bên làng quê của mình khi các khu kinh tế, các cụm công nghiệp xuất hiện trên đất nông nghiệp được chuyển đổi mục địch sử dụng, đã phát huy lợi thế về tạo lập mặt bằng và khai thác nguồn nhân công dồi dào, ổn định. Hiện nay, điều này đã trở thành những chuyển biến lớn. Đã xuất hiện càng ngày càng nhiều các cụm kinh tế, cụm công nghiệp nhỏ và vừa ở bên các làng quê. Nhiều công ty kinh doanh phụ trợ và phục vụ được lập ra với các chủ thể là những người lao động mới, nhạy bén, sống ngay ở trong làng quê. Bây giờ, đi trên những con đường mới mở hay các cao tốc qua các tỉnh như Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình và các nơi vùng trung du và đồng bằng Bắc bộ, chúng ta đều dễ dàng nhận thấy.

Đọc để tìm hiểu khái quát hơn, còn thấy những chuyển biến mạnh mẽ và bền vững hơn. Như tại Thái Bình quê tôi, một địa bàn nông nghiệp thuần túy trước đây, nay đã trở thành một tỉnh có chuyển dịch mạnh mẽ nhất trong thay đổi cơ cấu công nghiệp. Hiện tại, Thái Bình có tới trên 10 khu công nghiệp lớn, tập trung đa ngành, đi vào hoạt động và chừng 50 cụm công nghiệp, cụm kinh tế được hình thành, với tổng quy mô hơn 3.000ha. Nhiều khu công nghiệp tầm vóc lớn, như khu công nghiệp phát triển nông nghiệp ở Quỳnh Phụ, các khu công nghiệp đa dạng loại hình sản xuất và chế biến ở Tiền Hải, Vũ Thư, Đông Hưng… Trước mắt, còn có tới 12 khu công nghiệp đã đủ các yếu tố về xây dựng hạ tầng và đầu tư để sớm hình thành tới đây.

Đợt này, tôi về làng, lại nghe bà con xôn xao và tưng bừng bàn luận về Khu công nghiệp Dược - Sinh học Quỳnh Phụ ở ngay gần bên xã mình sắp hình thành. Khu công nghiệp này được định hướng để trở thành trung tâm y học lớn của cả nước vươn lên tầm phát triển ra khu vực và quốc tế, có diện tích lên đến gần 350ha, dự kiến thu hút vốn đầu tư tới 2 tỷ USD và quan trọng nhất, là sẽ thu hút tới 18.000 lao động đến làm việc. Như thế thì sẽ thêm nhiều thanh niên của làng tôi có cơ hội trở thành công nhân, nhân viên của khu công nghiệp này.

Với tầm nhìn vĩ mô, chủ trương lấy công nghiệp làm động lực phát triển chính trong bốn trụ cột tăng trưởng, tỉnh thuần nông Thái Bình sẽ vững bước trên con đường trở thành trung tâm phát triển công nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng vào năm 2030. Còn với tầm nhìn vi mô, thì cư dân làng tôi sẽ càng yên tâm hơn với ước mơ là không còn phải ly hương nữa mà vẫn trở thành công dân của đời sống hiện đại, văn minh ngay tại làng mình.

 Không gian làng quê lưu giữ nhiều ký ức trong lòng tất thảy người Việt. Ảnh: ST.

Những cư dân đô thị mới sống ở làng, nhưng làm việc và sống bằng thu nhập từ nghề nghiệp công nghiệp trong các cơ sở sản xuất, kinh tế. Họ được đào tạo kỹ năng lao động công nghiệp, có tác phong và sinh hoạt theo vòng quay hiện đại, tất nhiên sẽ có lối sống khác biệt hẳn so với nhiều lớp người trước đây. Họ vẫn hàng ngày nhìn ngắm ruộng đồng, nhưng không phải là để suy ngẫm về việc canh tác nữa. Họ đi làm theo ca, theo kíp, theo giờ 8 tiếng, chứ không phải trải qua cảnh “một nắng hai sương”. Thu nhập của họ cao hơn nhiều so với làm nông nghiệp và đặc biệt là rất ổn định theo hướng tăng trưởng dần lên.

Trong đời sống, họ không đi chợ sớm hay ngóng những ngày chợ phiên, mà cần mua sắm nhanh. Họ không muốn mất thời gian nhiều cho việc chế biến những bữa ăn hằng ngày mà cần sự tiện lợi, đầy đủ dinh dưỡng. Họ cũng ít tắm rửa, gội đầu, vệ sinh bằng cây cỏ tự nhiên, bằng lá sả, lá bưởi, hương nhu nhiêu khê mà dùng xà phòng, dầu gội dầu xả xịn. Họ có nhu cầu làm đẹp và chăm sóc sức khỏe theo cách hoàn toàn khác với trước đây. Họ thụ hưởng các giá trị văn hóa, giải trí trực tuyến, giao lưu, liên hệ với cả thế giới qua mạng Internet. Ở làng nhưng nhiều người có nhu cầu thuê người giúp việc, yêu cầu về nơi gửi con trong các cơ sở đầy đủ điều kiện, được chăm nuôi và dạy dỗ khoa học, nghiêm cẩn. Nhiều người trong số này còn thuê nhà ở để kiến tạo lấy không gian nghỉ ngơi phù hợp với nhu cầu rất riêng của mình. Hằng năm, họ và gia đình thường đi tham quan, nghỉ dưỡng ở các địa danh du lịch nổi tiếng và tham gia các sự kiện văn hóa, thể thao lớn…

Nói gọn lại, những cư dân công nghiệp mới đang sống ở địa bàn nông thôn mà ta đang nói đến có đầy đủ mọi nhu cầu không khác gì những người đang sống ở các đô thị lớn trong cả nước. Và họ đủ khả năng chi trả cho những nhu cầu ấy của họ.

Có cầu, tất nhiên sẽ có cung. Các dịch vụ đã xuất hiện để đáp ứng những nhu cầu ấy. Chợ sớm, chợ phiên vẫn còn, nhưng đã xuất hiện ở làng những cửa hàng tiện lợi, những "mini market", các tiệm cắt tóc, gội đầu, "beauty salon" tay nghề cao, các cửa hiệu thuốc tây, nhiều dãy hàng quán, cửa hàng cung cấp các thiết bị gia dụng, đồ điện tử, cấp thoát nước, đại lý bán vé máy bay, xe khách đường dài, tổ chức tour du lịch… đã nhanh chóng mọc lên. Con đường chính ở làng thoắt cái đã trở thành như phố lớn ở đô thị, đèn điện giăng lên sao sa…

Bây giờ, những người ở thành phố về chơi thăm và nghỉ ngơi ở làng không cảm thấy cách bức, thiếu thốn dịch vụ phục vụ cho nhu cầu của mình như trước nữa. Hệ thống cung cấp điện sinh hoạt, mạng lưới Internet, cung cấp nước máy… đã đầy đủ. Giao thông trở nên rất tiện lợi, xe riêng, xe khách nhỏ đưa đón khách tận ngõ nhà. Tốc độ đô thị hóa ở nông thôn đã dần dần xóa nhòa đi chênh lệch và khoảng cách văn minh giữa nông thôn và thành thị. Nhiều người đã chuyển về nông thôn sống và làm việc. Những người đến tuổi nghỉ hưu lại càng muốn về lại làng quê xưa của mình để thiết lập một đoạn đời mới với nhiều yên tĩnh, thảnh thơi, thư giãn hơn.

...

Chúng ta đã để tâm nhiều trong vấn đề quy hoạch đô thị vùng, đô thị tập trung ở các địa bàn nông nghiệp, nông thôn. Nhưng có lẽ cần sớm nghĩ đến một tầm nhìn rộng mở, thiết thực và cập nhật hơn để xây dựng nên những mô hình quy hoạch nông thôn chung trước sự phát triển đô thị hóa đang rất mạnh mẽ ở các làng xã hiện nay.

Làng quê là nơi gốc tích, tổ tiên, dòng họ, đó là một thiết chế đặc biệt về địa lý và văn hóa để lưu giữ những giá trị truyền thống của đa số cư dân đô thị. Đấy là nơi con người tìm về để tiếp thêm cho mình những giá trị tinh thần, gắn bó với quê hương, xứ sở để rồi lại mạnh mẽ tiếp bước trên con đường đi ra với nước, với thế giới, hòa vào văn minh và phát triển toàn cầu.

Bây giờ trở về làng, ai cũng mừng vui, nhưng cũng thấy kèm với đó là những băn khoăn. Hiện tượng nhà ống, nhà phân lô ở nông thôn đã đến mức đáng ngại. Làng đã trở nên chật hẹp do người thì càng ngày càng tăng lên nhưng đất ở không nở ra. Một số dịch vụ mang tính cạnh tranh mạnh, phát triển nóng, khủng hoảng thừa dường như đã xuất hiện…

Thử khảo sát riêng ở làng mình, chỉ với dân số chừng ba ngàn người, tôi đã nhận ra rất rõ những biểu hiện này. Một cái làng không lớn lắm mà đã có đến ba cái siêu thị mini, rất nhiều cửa hàng tiện lợi chen chúc bên nhau, có đến bốn cái hiệu thuốc tây lớn, hàng loạt các tiệm làm đẹp… Với tình hình này thì việc cắt đất, bán đất trong bối cảnh giá đất tăng lên liên tục, dẫn đến nhà ống, nhà phân lô, xây lên cao tầng, là điều tất nhiên… Kèm theo là những hệ lụy, nếu không có những điều chỉnh kịp thời, sẽ trở thành khó mà sửa chữa được sau này. Những biểu hiện trên cho thấy đã đến lúc phải có sự can thiệp của những quy hoạch có tầm nhìn xa.

Hiện nay, chúng ta đang tiến hành một đợt sáp nhập, điều chỉnh địa giới các huyện, xã ở nhiều tỉnh thành. Đây chính là một cơ hội lớn cho việc tiến hành những cuộc khảo sát, nghiên cứu nhanh chóng và kỹ càng, dưới sự điều hành chung của một đầu mối tầm quốc gia để đề ra những mô hình quy hoạch mang tính hình mẫu chung để ban hành và trên cơ sở ấy thực hiện việc kiểm soát quá trình đô thị hóa ở các làng xã nông thôn, đảm bảo cho quá trình đô thị hóa phát triển lành mạnh, đúng hướng, đáp ứng được các mục tiêu xây dựng nông thôn mới hiện đại, văn minh, mà không lai căng, lộn xộn và không phá vỡ những giá trị truyền thống của làng quê đã được bồi đắp và tích tụ trong lịch sử phát triển hàng ngàn năm đã qua.

Công nghiệp hóa nông nghiệp, thay đổi mạnh cơ cấu công nghiệp trên địa bàn nông nghiệp, đã tạo nên những thành quả tốt đẹp. Địa bàn nông nghiệp được chuyển đổi theo những định hướng công nghiệp lớn, đất đai nông nghiệp chuyển đổi sẽ tạo nên quỹ đất lớn để đáp ứng nhu cầu dân sinh và xã hội mới. Đây là thời cơ để bảo tồn truyền thống và hiện đại văn minh hóa diện mạo nông thôn Việt Nam trong thời kỳ mới, nếu chúng ta kết hợp được với những tầm nhìn quy hoạch phù hợp để đón đầu và kịp thời điều chỉnh, đảm bảo đúng định hướng phát triển. Nếu không thì ngược lại, những biểu hiện tự phát, xộc xệch, phá nát sẽ rất nhanh bùng phát, rồi thành ra không thể sửa chữa, hoặc sữa chữa rất tốn kém, sẽ biến thời cơ lại trở thành nguy cơ…

Nguyễn Thành Phong
Tin khác
Cuối tháng Chạp chợt thương một giọng chợ xa xôi
Cuối tháng Chạp chợt thương một giọng chợ xa xôi

Cuối tháng Chạp chộn rộn người xe tất bật, những buổi chợ cũng vội vàng bao nhiêu giọng điệu gợi lên nhiều kỷ niệm xôn xao về năm cũ sắp trôi qua.

Những người đàn bà đi máy bay Pháp tìm chồng qua vùng giới tuyến
Những người đàn bà đi máy bay Pháp tìm chồng qua vùng giới tuyến

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ vào đầu tháng 5/1954, mẹ tôi và nhiều người phụ nữ ở Quảng Bình đã vào tận Huế để tìm và cùng chồng trốn lính trở về quê…

Đàn trâu của nhà thơ Phạm Đức
Đàn trâu của nhà thơ Phạm Đức

Thơ hay thường vận vào người. Chung cuộc, cho tới khi rũ áo ra đi, nhà Thơ Phạm Đức chỉ có một mình. Gia tài ông để lại là căn nhà bên mép sông Bùi còn chưa hết nợ, một tủ sách đồ sộ mấy trăm cuốn. Và đàn trâu…, gần hai trăm con.

Tác giả trẻ có một ‘dị bản’ được trao giải thưởng văn học
Tác giả trẻ có một ‘dị bản’ được trao giải thưởng văn học

Tác giả trẻ Nguyễn Đinh Khoa với truyện dài ‘Dị bản’ vừa được Hội Nhà văn TP.HCM trao giải thưởng văn học dành cho các cây bút dưới 40 tuổi.

‘Minh đạo sách’ trong ý thức sáng tạo của một người trẻ
‘Minh đạo sách’ trong ý thức sáng tạo của một người trẻ

‘Minh đạo sách’ là tác phẩm mới của nhà thơ Khúc Hồng Thiện, vừa được Nhà xuất bản Nghệ An ấn hành, mang nhiều suy tư về tinh thần văn hóa Việt.

‘Linh khí quốc gia’ góp một ý tưởng cho bài ca giữ nước
‘Linh khí quốc gia’ góp một ý tưởng cho bài ca giữ nước

‘Linh khí quốc gia’ là ý tưởng được đại tá Trần Thế Tuyển viết thành trường ca, nhằm kêu gọi hành động thiết thực cho những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.

Có 3 vua Quang Trung giả sang mừng thọ vua Càn Long 80 tuổi năm 1790?
Có 3 vua Quang Trung giả sang mừng thọ vua Càn Long 80 tuổi năm 1790?

Cuốn sách 'Danh nhân Phan Huy Ích (1751 – 1822)' do Nguyễn Tuấn Cường- Đỗ Thị Bích Tuyển (chủ biên) phát hiện thêm 2 vua Quang Trung giả trong chuyến mừng thọ vua Càn Long.

Nợ đời - tập truyện và ký gây nhiều suy nghĩ
Nợ đời - tập truyện và ký gây nhiều suy nghĩ

Trong cuốn 'Nợ đời' Lê Chín còn in những bài viết chân dung, ca ngợi những người tài, những người giàu nhiệt huyết mà tác giả ngưỡng mộ, quý mến.

Tác giả trẻ có tiểu thuyết lịch sử được xuất bản tại Ý
Tác giả trẻ có tiểu thuyết lịch sử được xuất bản tại Ý

Tác giả trẻ Võ Chí Nhất vừa có tiểu thuyết lịch sử ‘Hoàng cung’ được Nhà xuất bản Fiori D'asia Editrice dịch và in tại Ý, với nhan đề ‘Palazzo reale di Thang Long’.

Có một người tu hành như thế
Có một người tu hành như thế

Nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài: 'Có một người đã tu hành như thế và đã truyền cảm hứng sống tốt lành đến nhiều người'.

Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca
Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca

Lục bát thiền là nét đặc trưng cơ bản được tác giả Trần Lê Khánh chắt chiu thể hiện qua tập thơ ‘Đồng’ do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành.

Sự kiện

Người làng... đã thành người phố

Người làng... đã thành người phố

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt
Cuối tháng Chạp chợt thương một giọng chợ xa xôi

Cuối tháng Chạp chợt thương một giọng chợ xa xôi

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt